Những người “trao cuộc đời” cho chiếc máy chạy thận

Những bệnh nhân chạy thận dù hoang mang nhưng vẫn đặt niềm tin vào các bác sĩ.
Những bệnh nhân chạy thận dù hoang mang nhưng vẫn đặt niềm tin vào các bác sĩ.
(PLO) - Câu chuyện đau lòng vừa xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình cũng là câu chuyện của hàng nghìn người bệnh còn lại ở Việt Nam khi mỗi tuần, họ có tới 3 buổi phải tiến hành lọc máu. Những ngày gần đây, xóm chạy thận ở Hà Nội - vốn đã nặng trĩu nỗi buồn bệnh tật, nghèo túng cùng với nỗi vất vả của những đêm thức trắng vì nắng nóng lại càng hoang mang hơn.

Chung số phận “người cùng khổ”

Ít ngày sau khi xảy ra sự việc 8 người tử vong khi đang chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, chúng tôi tìm đến con ngõ 121 phố Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Con ngõ nhỏ mà nhiều người vẫn thường quen gọi là xóm chạy thận để lắng nghe tâm tư, âu lo của những bệnh nhân đang phải chạy thận tại Hà Nội. Những ngày nắng gắt, băng ghế cuối ngõ trở thành nơi cư dân xóm thận tập hợp với những câu chuyện đời, chuyện bệnh không còn mới mẻ.

Có mặt tại đây mới thấu hiểu được phần nào những khó khăn mà hàng ngày họ đang gặp phải. Hầu hết bệnh nhân ở đây đều mắc bệnh suy thận nặng, sức khỏe suy kiệt phải lọc máu 3 ngày một lần, liên tục hàng mấy chục năm để kéo dài sự sống. Bất cứ ai khi hỏi cũng có thể chìa ra cánh tay, cẳng chân chằng chịt những vết có thể coi là “đặc điểm nhận dạng” của những bệnh nhân thận, người thì có những vết lồi to của động mạch, người thì thành những vết sẹo hằn rõ lên da thịt. 

Ở xóm chạy thận, mỗi phận đời là một hoàn cảnh nhưng họ đều cùng điểm chung mang trong mình căn bệnh “án tử” và họ sống vất vả, nương tựa trong những căn nhà chật hẹp. Bởi họ hiểu rằng căn bệnh này sẽ không nói trước được điều gì, ranh giới sự sống mong manh như một bức tường mỏng ngăn cách trong khu nhà trọ nhỏ của họ.

Cư dân của xóm từ chỗ chỉ đếm trên đầu ngón tay, sau 20 năm đã gia tăng chóng mặt. Chính họ cũng tự bầu cho mình một vị “trưởng xóm” để thay mặt những bệnh nhân thực hiện các quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Cả xóm chạy thận là những căn phòng tối tăm, lợp fibro ximăng, mỗi phòng rộng chừng 10m2. Ngày nắng thì nóng như thiêu, ngày mưa thì nước dột tứ phía. Hầu hết mọi người ở đây đều biết điều kiện sống như vậy là không đảm bảo, đặc biệt là với người bệnh, nhưng vẫn phải chấp nhận bởi có muốn thì họ cũng không thể có tiền để đi thuê chỗ khác tốt hơn.

Anh Mai Anh Tuấn (phó xóm) vui vẻ nói: “Xưa nay người ta vẫn nói, bệnh thận là bệnh “con nhà giàu” bởi nó khiến người không may mắc bệnh phải tiêu tốn những món tiền khổng lồ cho việc chạy chữa. Thế nhưng oái oăm thay, 100% cư dân của “xóm chạy thận” đều là những người nghèo, mắc bệnh này thì giàu cũng thành nghèo trong chớp mắt”. 

Giá mỗi phòng trọ nơi đây thường từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng/ tháng, chưa kể tiền nước, tiền điện đối với họ đều rất đắt đỏ. Để tiết kiệm chi phí, những bệnh nhân thường thuê chung phòng trọ, ba bệnh nhân ở trong căn phòng 10m2, vừa đủ kê được hai chiếc giường nhỏ. Các bệnh nhân chạy thận cho biết, khó khăn nhất đối với họ là tiền. Hiện bệnh nhân chạy thận được bảo hiểm y tế chi trả từ 80 - 100% nhưng số tiền ngoài bảo hiểm cho những thuốc kích hồng cầu, thuốc bổ,... mà họ phải chi trả rất đắt đỏ. Những chi phí ngoài bảo hiểm đó thì không tiết kiệm được, vì tiết kiệm đồng nghĩa với việc sức khỏe yếu, không đủ sức khỏe điều trị tiếp, do đó buộc phải tự tìm công việc làm thêm để có tiền chi trả.

Giữa cái nắng hè chói chang, oi bức, những người dân xóm thận vẫn đang nhẫn nại, đấu tranh với bệnh tật và cuộc sống mưu sinh khắc nghiệt. Cuộc đời họ như đang héo dần mạch sống với bao khó khăn, thử thách. Câu chuyện nhiều bệnh nhân nay còn, mai đã ra đi trở nên quá đỗi quen thuộc với họ. Đã phải chạy thận hơn 8 năm nay, cô Hà Thị Dinh (quê Hiệp Hòa, Bắc Giang) chia sẻ: “Hôm qua, khi các em gọi điện thông báo bá (bác) mất, tôi chỉ biết khóc chứ không thể về thắp nén nhang cho bá được. Buồn lắm cháu ạ, mắc căn bệnh này thì xác định những tháng ngày còn lại của cuộc đời bệnh viện là nhà. Những ngày lễ, Tết muốn về cũng không về được. Mấy hôm nay trời nắng nóng quá các cô chẳng thiết tha ăn uống gì, mấy đêm qua chẳng đêm nào chợp mắt được”. 

“Chúng tôi cũng hoang mang lắm”

Đến “xóm chạy thận” vào một chiều nắng nóng, ngay từ đầu ngõ đã nghe thấy tiếng mọi người xôn xao kể nhau nghe về câu chuyện tai biến khi chạy thận khiến 8 người chết ở Hòa Bình. Họ cùng chung một niềm bất an, nhưng rồi họ lại cùng động viên nhau vui vẻ sống bởi đã mắc căn bệnh này rồi thì không có sự lựa chọn nào khác.

Trò chuyện với những bệnh nhân ở xóm mới thấy được từ lâu trong lòng họ đã chất chứa những nỗi lo chứ không phải đợi đến lúc xảy ra sự việc đáng tiếc ấy. Chia sẻ với chúng tôi, bà Lê Thị Dung (quê Hải Hậu, Nam Định) bệnh nhân có thâm niên chạy thận lâu năm ở xóm không giấu được sự hoang mang: “Đều cùng một cảnh ngộ cả nên khi nghe thông tin về các bệnh nhân tử vong khi đang chạy thận ở Hòa Bình khiến mọi người trong xóm rất quan tâm. Chúng tôi cũng lo lắng cả tuần nay, chỉ sợ rồi mình cũng gặp tai biến như các bệnh nhân đó, chỉ khi nào rút kim, huyết áp ổn định mới biết mình còn sống. Nhưng rồi, mọi người lại động viên nhau cứ tiếp tục tin tưởng ngành Y chạy chữa tiếp, chứ giờ không lọc máu thì “đi nhanh lắm”. 

Với những bệnh nhân thận, máy đo huyết áp đã trở thành vật bất ly thân, luôn bên họ hàng giờ, nhất là những người bị cao huyết áp phải luôn để ý tới huyết áp của mình, phải đo huyết áp trước khi bắt đầu và ngay sau khi chạy thận xong. “Trong 8 năm chạy thận, tôi cũng không đếm chính xác bao nhiêu lần tôi từng chết hụt. Chỉ nhớ là trên chục lần thôi. Cách đây một năm, tôi từng một lần chết lâm sàng, lúc đó lọc xong tôi bị tụt huyến áp, trong người hụt hẫng, rồi lịm dần đi không biết gì, sau đó các bác sĩ đã kịp thời cấp cứu nên tôi thoát chết”, cô Dinh lo lắng khi kể lại. 

Chia sẻ về nỗi hoang mang của các bệnh nhân, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng khoa Thận nhân tạo BV Bạch Mai cho biết, hiện nay tỷ lệ tai biến trong chạy thận nhân tạo tại BV ngày càng giảm vì kỹ thuật được kiểm soát chặt chẽ. Các cơ sở y tế muốn thực hiện kỹ thuật này phải thông qua các danh mục kỹ thuật được đăng ký và phải được sở y tế địa phương cùng Bộ Y tế cho phép thực hiện. Đồng thời, yêu cầu các bác sĩ, điều dưỡng viên, kỹ sư thực hiện phải được đào tạo ở cơ sở đầu ngành về chạy thận lọc máu mà Bộ Y tế cho phép như BV Bạch Mai, BV Việt Đức,...

Mới đây, Bộ Y tế đang cùng với các bệnh viện trên cả nước tập trung rà soát lại mạng lưới chạy thận lọc máu, kiểm tra, kiểm soát toàn bộ máy móc, trang thiết bị, quy trình kỹ thuật. Theo Bộ Y tế, chạy thận nhân tạo lọc máu chu kỳ tại Việt Nam đã được triển khai thực hiện từ nhiều năm nay, mỗi ngày có hàng ngàn lượt người bệnh chạy thận nhân tạo chu kỳ tại các bệnh viện, bởi vậy các bệnh nhân có thể tin tưởng và không quá hoang mang để có kết quả điều trị bệnh tốt nhất.

Đọc thêm

Rước họa vì thói quen nhiều người hay làm

Bệnh nhân nhập viện vì uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) -  Liên tiếp trong thời gian gần đây, các bác sĩ tại các bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu vì tự ý uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Điều đáng nói, nhiều người hiện nay tự ý sử dụng các loại thuốc này để điều trị nhiều căn bệnh như: Viêm gan B, sỏi túi mật….

Không dễ dãi với mặt hàng đặc thù liên quan sức khỏe

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (dự kiến được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024), mới đây khi được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã được chỉ ra một số nội dung cần xem xét.

Tháng cao điểm an toàn thực phẩm: Địa phương phải kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm

Nhiều học sinh là nạn nhân ngộ độc do đồ ăn trước cổng trường. (Ảnh minh họa - Nguồn: SKĐS)
(PLVN) - Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động các cơ sở nếu không bảo đảm điều kiện, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng...

Người phụ nữ có 2 bàng quang

Người phụ nữ có 2 bàng quang. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) - Các bác sĩ khoa Phẫu thuật tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E mới tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho nữ bệnh nhân cao tuổi có 2 bàng quang.

Lạm dụng thực phẩm ngọt: Suy giảm sức khỏe gia đình

Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần. (Ảnh minh họa - Nguồn: Shutterstock)
(PLVN) - Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần, gây nguy hiểm cho sức khỏe bởi những tác nhân từ bệnh không lây nhiễm. Con số đáng báo động này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cảnh báo tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường vừa diễn ra vào đầu tháng 4/2024.

Khám sức khỏe miễn phí cho hơn 500 học sinh ở Điện Biên Đông

Khám sức khỏe miễn phí cho hơn 500 học sinh ở Điện Biên Đông
(PLVN) - Ngày 13-14/4, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba (Hà Nội) tổ chức Chương trình thiện nguyện tặng quà và thăm khám miễn phí cho hơn 500 học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học Tìa Dình (xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.