Nghị lực phi thường của cô gái suy thận giai đoạn cuối

“Liều thuốc tinh thần” đã giúp cô gái làm nên những điều phi thường
“Liều thuốc tinh thần” đã giúp cô gái làm nên những điều phi thường
(PLO) -Mười ba năm trước, Bùi Thị Diệu (SN 1983, ngụ Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) phát hiện mình bị bệnh suy thận giai đoạn cuối. 20 tuổi, đang là sinh viên năm cuối của trường Trung học y tế Trung ương II Đà Nẵng, cánh cửa tương lai phía trước đang rộng mở bỗng chốc như khép chặt. Diệu như rớt xuống tận cùng của tuyệt vọng. Nhưng nghị lực đã giúp cô lấy lại tình yêu cuộc sống. Câu chuyện của Diệu, cũng chính là thông điệp gửi đến những người kém may mắn, rằng nghị lực và tình yêu cuộc sống sẽ giúp họ vượt lên số phận.

Tưởng như rớt xuống vực sâu

Căn bệnh khiến cô gái này gầy hơn, gương mặt xương xương, nước da trắng tái, nhưng miệng lúc nào cũng nở nụ cười rạng rỡ. Diệu cao gần 1m 6, có điều nặng chưa đầy 38 kg, bởi căn bệnh suy thận quái ác suốt nhiều năm qua. 

Kể về những ngày tháng đen tối mình từng trải qua, đôi mắt Diệu long lanh như có nước. 13 năm đằng đẵng chiến đấu với bệnh tật, chớp mắt một cái, mà ngỡ như chỉ mới ngày hôm qua.

Những người cùng chạy thận với cô năm đó nay đã “rơi rụng” gần hết, giờ còn lại chẳng được mấy người. Mỗi lần thắp nén nhang tiễn biệt họ, cô lại nhủ thầm, mình phải sống thật tốt, phải sống luôn cả phần những người cùng cảnh ngộ đã khuất.

Ngày ấy, Diệu mới bước qua tuổi hai mươi. Cô sinh viên năm cuối trường y dệt biết bao mộng đẹp cho tương lai phía trước. Nhưng rồi, giấc mộng ấy vỡ tan như bong bóng xà phòng dưới nắng hè gay gắt, khi một lần đang thực tập trong bệnh viện Diệu ngất xỉu, kết quả xét nghiệm cho thấy cô bị suy thận giai đoạn cuối. 

Những kỷ niệm ấm lòng

Diệu kể, một thời gian sau, từ nhà đến bệnh viện có tuyến xe bus ngang qua, nên mẹ con Diệu không còn phải gò lưng đạp xe cả chục km đường dài. Hồi đó, các bác tài đã quen với hình ảnh tuần ba buổi, mẹ con Diệu lặng lẽ đứng chờ nơi trạm xe bus để đến bệnh viện. 

Người mẹ già dáng khắc khổ, tảo tần. Người con gái trẻ trung nhưng gầy guộc, liêu xiêu ốm yếu, xanh xao. Những hôm hai mẹ con đi muộn, xe bus vẫn kiên nhẫn dừng ở đó, đợi chờ.

Rồi những ngày cuối năm, các bác tài gom góp tiền lại, gửi hai mẹ con Diệu ăn tết. Chút tiền ít ỏi ấy mà chứa đựng biết bao yêu thương, san sẻ tình người. Kỷ niệm đẹp, mỗi lần nhớ lại, Diệu vẫn còn thấy ấm lòng.

Thiếu nữ xinh tươi phơi phới xuân thì, bỗng dưng gắn chặt đời mình với bệnh viện. Diệu phải chạy thận nhân tạo để duy trì sự sống. Sự thực quá nghiệt ngã trước mắt, cô gái trẻ rơi xuống tận cùng của tuyệt vọng. Hoang mang, lo sợ, hoàn toàn mất phương hướng, là cảm giác của Diệu lúc đó. Đến giờ nhớ lại, vẫn còn khiến Diệu lạnh cả sống lưng.

Sự tuyệt vọng ngày một lớn hơn, khi cô phải tận mắt chứng kiến những người cùng cảnh ngộ lần lượt ra đi. Sự sống chưa bao giờ lại cảm thấy mong manh đến thế. Diệu bảo, cái cảm giác bàng hoàng của cô lúc đó, là khi chứng kiến một người bạn lớn tuổi “ra đi” ngay trong lúc đang chạy thận. Ai biết được mới mấy tiếng trước, dì ấy còn yêu thương, nhường cho Diệu phần thịt bò trong tô phở của mình. 

Ở nơi được xem là cận kề với cửa tử ấy, những bệnh nhân như Diệu như đều đã “ghi danh” trong sổ của tử thần, chỉ là “đi” sớm hay muộn, nhanh hay chậm, mấy ai mà không tuyệt vọng, không suy sụp.

Cô thương cho bạn mình, nhưng cũng lo sợ sự sống của mình, rồi cũng đột ngột tắt ngúm như ngọn đèn dầu trước gió. Mới hiểu vì sao một thanh niên cùng cảnh ngộ như cô, cũng trẻ như cô, lại chọn cách uống cả nắm thuốc điều trị huyết áp để kết thúc cuộc sống.

Hay như một bệnh nhân suy thận khác, đã bi quan tột cùng mà chọn cách nhảy lầu tự vẫn, chấm dứt sự sống vốn đã vô cùng mong manh.

Diệu dạy kèm học sinh tại nhà
Diệu dạy kèm học sinh tại nhà

Đừng lãng phí cuộc sống vì những nỗi buồn 

Diệu kể, sau ngày chứng kiến người bạn kia chết ngay trong lúc chạy thận, cô khiếp hãi xin xuất viện, chấm dứt quãng thời gian gần một năm trời lấy bệnh viện làm nhà.

Từ đó, cứ mỗi tuần ba lần, Diệu lại được bố mẹ đưa đến bệnh viện chạy thận. Căn bệnh suy thận đã “đẻ” thêm hàng loạt bệnh khác như suy tim, cao huyết áp, dạ dày, khớp… khiến Diệu đã gầy guộc như que củi khô, lại thêm yếu xìu như cọng bún.

Đến đi đứng Diệu cũng không nhấc chân nổi. Hàng ngày Diệu phải uống thuốc hạ huyết áp, thuốc trợ tim, mỗi lần chạy thận xong phải chích thuốc tạo máu. Việc chữa bệnh kéo dài nhiều năm, khiến gia đình ngày càng kiệt quệ.

Ba mẹ Diệu làm nghề nông. Tiền kiếm được từ mấy sào ruộng ngoài đồng chẳng nhiều nhặn gì, nên họ càng phải tảo tần, thức khuya dậy sớm. Hết việc đồng áng, họ lại nuôi trâu thuê, đi cày thuê, cuốc đất, làm cỏ mướn, việc gì kiếm được tiền họ đều không từ nan.

Cực khổ kiếm tiền thuốc thang cho con gái, nhưng trước mặt Diệu, họ luôn phải nén xuống tiếng thở dài, không một lời than vãn. Bởi với họ, còn sức, còn gắng được, không lẽ chịu xuôi tay ngồi nhìn con dần dần “rời đi”.

Biết được cha mẹ cực khổ nhiều, nhưng lúc đó, nỗi đau trong lòng Diệu quá lớn, khiến cô chẳng thể nhìn thấy ai, suốt ngày chỉ đắm chìm trong tuyệt vọng. Sức khỏe quá yếu, có lúc Diệu chẳng thể bước lên những bậc tam cấp nơi bệnh viện để đến phòng chạy thận, mà phải nương tựa vào đôi chân già nua của bố.

Rồi những lần ngồi sau xe đạp để mẹ già liêu xiêu chở đến bệnh viện, đón nhận những ánh mắt kỳ quái của người đi đường, Diệu rưng rưng: “Chắc họ tò mò lắm, không hiểu sao người mẹ già kia lại cưng chiều, chăm sóc con gái đến thế. Nhiều khi xấu hổ quá, cũng muốn thay mẹ đạp xe, nhưng chân còn nhấc không nổi, lấy đâu sức mà chở mẹ”. 

“Ba mẹ đã vất vả, cực nhọc mưu sinh, kiếm tiền chữa bệnh cho con, lại còn phải nhọc tâm lo lắng. Trong khi đó mình thì vô dụng quá. Chỉ biết ngày này qua ngày khác, chìm trong đau khổ mà suy sụp. Rồi mình chợt hiểu ra, thấy lời động viên của bác sỹ ngày nào thật là thấm thía: “Sống có ích, có ý nghĩa, thì dù chỉ sống có một ngày, cũng đáng sống”.

Cuộc sống này rất ngắn ngủi, nên đừng lãng phí nó vì những nỗi buồn”. Diệu như chàng Phù Đổng thủa trước, vươn vai mà đứng dậy. Cô gái trẻ quyết tâm quẳng gánh lo đi mà vui sống. Sống tích cực, sống có ích, không chỉ cho mình mà cả cho người thân.

Vẫn rạng ngời sức sống sau 13 năm chống chọi bệnh suy thận
Vẫn rạng ngời sức sống sau 13 năm chống chọi bệnh suy thận

Vượt lên nghịch cảnh

Từ khi vượt qua nỗi tuyệt vọng, mỗi ngày trôi qua với Diệu, đều là một ngày đáng sống. Mỗi sáng thức dậy, được nhìn thấy ánh bình minh rạng ngời chào ngày mới, Diệu lại râm ran hạnh phúc. Sức khỏe của Diệu cũng nhờ đó mà cải thiện lên nhiều.

Từ khởi đầu tích cực ấy, Diệu bắt tay vào lao động, tìm kiếm những công việc vừa với sức mình, để kiếm thu nhập trang trải cuộc sống và trả tiền viện phí. Diệu bảo, vì ước mơ trở thành nữ điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho người khác không thành, cô đành mở cho mình lối đi khác. 

Mỗi ngày của Diệu là tất bật với việc chăm sóc đàn gà đàn vịt nuôi trong vườn, chăm lũ cá dưới ao, làm đồ vặt cho các tiệm may gần nhà hay bất cứ công việc gì vừa sức... Đặc biệt, trong suốt 4 năm qua, Diệu đã bén duyên với nghề gõ đầu trẻ, miệt mài bên trang giáo án, tìm tòi những phương pháp giảng dạy tốt nhất, để kèm cặp cho các học sinh trong vùng, giúp nhiều em đạt kết quả tốt. 

Diệu bảo, do bản thân mang bệnh hiểm nghèo, nên Diệu chưa bao giờ nghĩ đến việc dạy kèm hay làm gia sư. Nhưng rồi hàng xóm thấy Diệu kèm cặp mấy đứa cháu trong nhà, đứa nào cũng học giỏi môn toán, nên họ mang con qua nhờ dạy kèm. Tiếng lành đồn xa, suốt 4 năm qua, học trò tìm đến học tại nhà Diệu lúc nào cũng mười mấy em. 

Diệu dạy kèm môn toán, từ lớp 1 đến lớp 9. Những ngày hè, Diệu tổ chức nhiều “ca” trong một ngày. Những học sinh ở xa, sẽ được ưu tiên học ban ngày, trò nào ở gần, sẽ được cô xếp lớp buổi tối. Bây giờ, vào năm học mới, Diệu dồn hết lịch kèm vào hai ngày cuối tuần.

Để học trò dễ hiểu, dễ tiếp thu, Diệu luôn mày mò tìm các phương pháp giải hay để chỉ cho các em. Cứ thế, thời gian soạn giáo án, chuẩn bị bài cứ “ngốn” hết thời gian của Diệu. Cô gái trẻ ngày nào, giờ bận bịu chẳng còn thời gian để buồn trách số phận nghiệt ngã của mình.

Bây giờ, mỗi tuần Diệu vẫn ở bệnh viện ba buổi để chạy thận, nhưng mỗi ngày với cô đều đáng sống và sống có ích.

“Mình thấy rất vui, không phải công việc mình làm tạo ra thu nhập, mà quan trọng hơn hết, là chứng tỏ được rằng những người mắc bệnh hiểm nghèo như mình, nếu có quyết tâm, nếu có cố gắng, vẫn có thể sống có ích”, cô gái 13 năm chạy thận nở nụ cười lạc quan. Cô bảo, bao giờ học sinh vẫn còn tìm đến, phụ huynh vẫn còn tin tưởng, thì cô vẫn tiếp tục gắn mình với bảng đen, phấn trắng.

Ngày đó, khi biết mình bị bệnh, Diệu đã nén đau khổ, cắn răng nói lời chia tay với mối tình đầu đẹp như mơ của mình. Bởi cô biết, tình yêu đó, cuối cùng chẳng thể có cái kết đẹp. 13 năm sau, cuối cùng hạnh phúc lứa đôi cũng mỉm cười với Diệu.

Người yêu của Diệu, cũng cùng cảnh ngộ như cô, đang chống chọi với căn bệnh suy thận. Bệnh tật chẳng thể ngăn trở được tình yêu lứa đôi của họ. Chặng đường phía trước sẽ còn lắm cam go, nhưng Diệu vẫn ánh mắt lấp lánh, khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc.

Câu chuyện của Diệu là thông điệp gửi đến cho những ai kém may mắn, rằng nghị lực và tình yêu cuộc sống sẽ giúp họ vượt lên số phận.

Ngọn đèn không tắt

Diệu kể, sau khi cô “trở mình”, tìm lại tình yêu với cuộc sống, thì người thân, bạn bè mới dám hé lộ nhiều chuyện cười ra nước mắt. Đó là lần người con gái thân thiết từ Sài Gòn ghé về thăm. Nhìn thấy Diệu ngồi trong nhà, người bạn gái chết lặng, mặt cắt không chút máu, như thể gặp ma.

“Cô ấy bảo nghe tin mình đã chết, nhưng vì bận việc, không thể về quê đưa tang. Sau này sắp xếp được thời gian về thăm nhà, nên cô ấy ghé đến nhờ dẫn ra mộ thắp nhang, không ngờ mình vẫn còn sống”, cô gái hồi ức.

Hay như có lần, dì của Diệu đi chợ sớm, nghe mọi người xôn xao Diệu đang chạy thận ở bệnh viện thì qua đời. Người dì tá hỏa, chạy về tập hợp người thân trong gia đình, phân công công việc. Một nhóm theo dì lên bệnh viện, để phụ mẹ của Diệu đưa thi thể Diệu về; một nhóm khác lên nhà Diệu để dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị tang lễ. 

Khi người dì ghé lên bệnh viện, thì thấy cháu  gái vẫn đang ngồi ăn sáng. Vì chiều hôm trước dì đã ghé thăm, nên Diệu ngạc nhiên hỏi: “Dì đi đâu mà ghé qua đây?”.

Người dì không dám nói sự thật, mà ấp úng bảo đi thăm người quen, tiện thể ghé lại. Mừng rỡ thấy cháu không việc gì, nhưng ngày ấy điện thoại chưa thông dụng như bây giờ, nên dì cũng không thể gọi về nhà báo tin.

Trong khi đó ở nhà, ba của Diệu đang ngồi uống trà thì thấy người thân ùn ùn kéo đến cũng ngỡ ngàng. Sau một hồi, thấy ba Diệu “không động tĩnh” chi, mọi người lặng lẽ giải tán mà không giải thích.

Đọc thêm

Rước họa vì thói quen nhiều người hay làm

Bệnh nhân nhập viện vì uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) -  Liên tiếp trong thời gian gần đây, các bác sĩ tại các bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu vì tự ý uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Điều đáng nói, nhiều người hiện nay tự ý sử dụng các loại thuốc này để điều trị nhiều căn bệnh như: Viêm gan B, sỏi túi mật….

Không dễ dãi với mặt hàng đặc thù liên quan sức khỏe

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (dự kiến được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024), mới đây khi được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã được chỉ ra một số nội dung cần xem xét.

Tháng cao điểm an toàn thực phẩm: Địa phương phải kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm

Nhiều học sinh là nạn nhân ngộ độc do đồ ăn trước cổng trường. (Ảnh minh họa - Nguồn: SKĐS)
(PLVN) - Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động các cơ sở nếu không bảo đảm điều kiện, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng...

Người phụ nữ có 2 bàng quang

Người phụ nữ có 2 bàng quang. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) - Các bác sĩ khoa Phẫu thuật tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E mới tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho nữ bệnh nhân cao tuổi có 2 bàng quang.

Lạm dụng thực phẩm ngọt: Suy giảm sức khỏe gia đình

Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần. (Ảnh minh họa - Nguồn: Shutterstock)
(PLVN) - Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần, gây nguy hiểm cho sức khỏe bởi những tác nhân từ bệnh không lây nhiễm. Con số đáng báo động này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cảnh báo tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường vừa diễn ra vào đầu tháng 4/2024.

Khám sức khỏe miễn phí cho hơn 500 học sinh ở Điện Biên Đông

Khám sức khỏe miễn phí cho hơn 500 học sinh ở Điện Biên Đông
(PLVN) - Ngày 13-14/4, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba (Hà Nội) tổ chức Chương trình thiện nguyện tặng quà và thăm khám miễn phí cho hơn 500 học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học Tìa Dình (xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.