Ngạc nhiên vì căn bệnh truyền nhiễm gây chết người lại bị lãng quên

Ngạc nhiên vì căn bệnh truyền nhiễm gây chết người lại bị lãng quên
(PLO) - Xuất hiện tại Việt Nam hàng chục năm qua, có thể gây chết người trong 48 giờ song bệnh Whitmore đang bị lãng quên trong cộng đồng và dễ nhầm lẫn với nhiều loại bệnh truyền nhiễm khác khiến người bệnh chủ quan, mơ hồ về căn bệnh này. 

Không phải bệnh hiếm gặp…

Bệnh nhân Bùi Đức Sáng (6 tuổi) ở xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà  Tĩnh bị nổi 2 mụn nhỏ bên mang tai, được người nhà đưa đến y sĩ điều trị, tuy nhiên sau 2 tuần điều trị vẫn không khỏi. Em được đưa vào điều trị tại Khoa Răng Hàm Mặt bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Sau hơn 1 tuần điều trị, em bị sốt, tuyến mang tai sưng to, nóng, đỏ, đau có mủ. Sau đó, bệnh nhân được chuyển xuống khoa Truyền nhiễm và được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật lấy mủ, máu bên tuyến mang tai, nuôi cấy và phân lập vi khuẩn, kết quả xét nghiệm, em bị mắc bệnh do vi khuẩn Whitmore gây ra.

Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Bệnh có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. Bệnh Whitmore gặp ở mọi đối tượng, từ trẻ sơ sinh đến người già, người khỏe mạnh cho đến người có hệ miễn dịch yếu. Điều đặc biệt, bệnh nguy hiểm nhưng không có những biểu hiện lâm sàng rõ ràng nên ngay cả các bác sĩ đôi khi cũng khó chẩn đoán. Đặc biệt hơn nữa, hiện nay căn bệnh này đang bị lãng quên ở Việt Nam. 

Bác sĩ Nguyễn Xuân Bảo - Trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Từ tháng 6/2015 đến tháng 12/2015, bệnh viện đã phát hiện 31 ca nhiễm bệnh trong đó 11 ca tử vong do nhiễm trùng huyết. Nguy hiểm cho tính mạng người bệnh nhất chính là thể bệnh Whitmore nhiễm trùng máu, thậm chí nặng hơn nữa là sốc nhiễm khuẩn gây suy nhiều cơ quan, nhiều tạng, bệnh nhân có tiên lượng xấu, dễ tử vong. Tỷ lệ tử vong chung của các bệnh nhân nhiễm bệnh Whitmore hiện nay là từ khoảng 40% đến 60%. Đối với những trường hợp nhiễm khuẩn cấp có thể tử vong trong vòng 1 tuần sau khi phát bệnh. Người bệnh có cơ địa tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mãn tính dễ mắc Whitmore”.

Không chỉ Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh, Bệnh viện Hữu Nghị đa khoa Nghệ An cũng là một trong số các tỉnh có số lượng bệnh nhân bị Whitmore đứng đầu trong cả nước. Từ đầu tháng 6/2015 đến đầu tháng 10/2016 bệnh viện tiếp nhận 41 ca mắc bệnh này. Tiến sĩ Quế Anh Trâm - Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Hữu Nghị đa khoa Nghệ An cho biết: “Vi khuẩn gây bệnh Whitmore có thể sống ở tất cả mọi nơi, bệnh gặp trên mọi đối tượng. Đặc biệt, những người có tiền sử đái tháo đường, bệnh phổi và bệnh thận mạn tính dễ mắc bệnh này và những người làm nông nghiệp chủ yếu tiếp  xúc với bùn đất bởi trong bùn đất chứa rất nhiều vi khuẩn gây bệnh Whitmore. Các ca bệnh Whitmore vẫn thường xuất hiện ở Việt Nam nhưng người dân và nhiều bác sỹ vẫn còn chủ quan và không để ý”.

Nhưng đa số bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm

Whitmore không phải căn bệnh mới hay “bệnh lạ” mà trên thực tế đã được phát hiện và lưu hành tại nước ta từ khá lâu. Gần đây, các ca bệnh được báo cáo có xu hướng gia tăng, cao điểm thường xảy ra vào mùa mưa, tập trung từ tháng 9 đến tháng 11, đồng thời bệnh cũng gia tăng mạnh tại khu vực Bắc Trung Bộ và các tỉnh miền Trung. Bệnh Whitmore khó chẩn đoán trên lâm sàng, quá trình điều trị bệnh cũng hết sức khó khăn vì bệnh nhân phải dùng kháng sinh, tấn công liều cao kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2 đến 4 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng nữa. Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, dẫn đến người bệnh sức khỏe suy kiệt dần.

Các ca bệnh Whitmore có bệnh cảnh lâm sàng đa dạng phức tạp, bệnh nhân có thể nhập viện ở nhiều chuyên khoa khác nhau như truyền nhiễm, nội tổng hợp, hô hấp, nội tiết, cơ - xương - khớp, da liễu, ngoại khoa... do đó có thể khiến bác sĩ chẩn đoán nhầm Whitmore với các bệnh khác như: viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu,... Đáng chú ý, do bệnh cảnh lâm sàng của bệnh này đa dạng và phức tạp nên hầu hết bệnh nhân không được chẩn đoán đúng.

Tiến sĩ Trịnh Thành Trung - Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học - Đại học Quốc gia Hà Nội – người đã và đang nghiên cứu về vi khuẩn gây căn bệnh này cho biết: “Vi khuẩn gây bệnh Whitmore cực kỳ nguy hiểm, tuy nhiên, nếu bệnh nhân được chẩn đoán xét nghiệm sớm và điều trị kháng sinh phù hợp thì tỷ lệ tử vong sẽ giảm đi đáng kể”. Ở người lớn, đa số bệnh nhân có biểu hiện viêm phổi cùng với nhiễm khuẩn huyết, viêm bàng quang, có các vết mưng mủ trên da, một số trường hợp viêm cơ khớp hoặc viêm màng não. Dấu hiệu nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm bệnh Whitmore thường là sốt, viêm phổi và có ổ áp xe ở nhiều vị trí, nhiễm trùng đường tiết niệu. Với trẻ em, khoảng 35% trường hợp nhiễm bệnh có biểu hiện viêm mủ tuyến nước bọt mang tai, 65% có các biểu hiện khác như viêm phổi, áp xe lách, thận… hoặc các vết mưng mủ ngoài da, đặc biệt là vùng đầu, mặt và cổ.

Đáng chú ý, ngay cả khi phát hiện ra bệnh thì việc điều trị bệnh Withmore cũng hết sức khó khăn vì phải dùng kháng sinh kéo dài. Có trường hợp tử vong sau vài ngày nhập viện nhưng cũng có trường hợp phải dùng kháng sinh duy trì từ 3 đến 6 tháng. Theo các chuyên gia, nếu Whitmore không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe người bệnh sẽ suy kiệt dần. Việc điều trị bệnh kéo dài, tốn kém nên không ít bệnh nhân không có đủ khả năng để theo điều trị đến cùng. Đây là những nguyên nhân khiến điều trị thất bại và bệnh nhân tử vong.

Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh và cũng chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về sử dụng kháng sinh dự phòng. Do đó, người dân cần tăng cường hơn nữa các phương tiện bảo hộ, phòng hộ khi lao động cũng như trong sinh hoạt để tránh nguy cơ vi khuẩn trong đất xâm nhập cơ thể qua các vết thương. 

Giúp bác sĩ “nhận diện” chính xác Whitmore

Tiêu chuẩn vàng cho chẩn đoán bệnh Whitmore là phải dựa vào các xét nghiệm nuôi cấy vi sinh. Tuy nhiên, phương pháp này đang bộc lộ những hạn chế nhất định như độ nhậy vẫn còn thấp và thời gian cho kết quả xét nghiệm lâu (thường từ 3 đến 4 ngày), chính vì vậy khó cứu sống được bệnh nhân đang diễn tiến cấp.

Mới đây, Tiến sĩ Trịnh Thành Trung - Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học - Đại học Quốc gia Hà Nội đã triển khai đề tài “Thiết lập mạng lưới quốc gia về nghiên cứu chẩn đoán và điều trị bệnh Whitmore tại Việt Nam” trong chương trình hợp tác Nghị định thư do Bộ Khoa học Công nghệ tài trợ. Hơn một năm qua, Tiến sĩ Trung đã triển khai hướng dẫn phương pháp xét nghiệm định danh vi khuẩn tới nhiều phòng xét nghiệm vi sinh, giúp nhiều bệnh viện trên cả nước phát hiện ra các ca bệnh Whitmore.

Được sự ủng hộ của các chuyên gia quốc tế, Tiến sĩ Trung đang phối hợp với 4 bệnh viện ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Vĩnh Phúc và Bắc Giang tiếp cận và triển khai thử nghiệm phương pháp định danh nhanh vi khuẩn Whitmore trong 10 giây, xét nghiệm nhanh mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân dương tính với Whitmore trong 5 phút. Rút ngắn thời gian xét nghiệm là yếu tố quan trọng, tiên quyết để cứu sống người bệnh. Với các kết quả bước đầu thu được đã giúp đội ngũ bác sĩ tự tin, chẩn đoán nhanh và gần như không bỏ sót bệnh Whitmore.

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.