Lương y xứ Huế chữa khỏi bệnh tâm thần?

 Ông Hoàng Trọng Ninh
Ông Hoàng Trọng Ninh
(PLO) - Theo một số người địa phương, ông Hoàng Ngọc Ninh (SN 1949, ngụ xóm chợ Văn Xá, phường Hương Văn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) hàng chục năm nay chữa lành nhiều bệnh nhân tâm thần bằng thuốc nam kết hợp tâm lý trị liệu. Nhưng những người có chuyên môn y tế tại địa phương lại chần chừ phủ định. Sự thực vẫn là bức màn bí ẩn khiến người có bệnh hoang mang.

Chuyện kể của những người trong cuộc

Tìm đến xóm chợ Văn Xá, hỏi về những người từng mắc bệnh điên được ông Ninh chữa, nhiều người dân sốt sắng: “Mấy chục năm nay, ông Ninh chữa cho nhiều bệnh nhân điên lắm, trong vùng ngoài tỉnh đều có. Tìm mô cho xa, bà Sào, ông Thẻo… là những người được chữa khỏi, đang sinh sống ở địa phương”.
Bà Nguyễn Thị Sào (ngụ phường Hương Văn) làn da hồng hào, miệng cười tươi tắn và cách nói chuyện chất phác nhưng cởi mở, không ai nghĩ bà từng có thời gian bị điên rất nặng. Buổi sáng cách đây 25 năm, bà Sào đang bình thường, xúc một gánh lúa ra máy xay.
Trưa, mẹ chồng bảo sàng một ít gạo mới đem nấu, con dâu chưa kịp làm thì một cơn đau đầu khủng khiếp ập tới. Bà Sào hét lên, chạy vô giường nằm vật vã. Vừa lúc người chồng về, mẹ chồng “méc”, “bảo hắn lấy gạo nấu mà không biết vì răng hắn lẫy, nằm trong nớ tề”. Chồng bực, nạt vợ, bảo vợ dậy đi cho con bú. Nhưng bà Sào không còn nhận biết gì nữa.
Người hàng xóm ngồi bóc lạc cạnh góp chuyện, “khi nớ mụ Sào đau, mụ chạy bậy bạ, la hét, không nhận biết được ai hết. Thằng con trai lẫm chẫm tới gần gọi mẹ, mụ xách con vứt. Có đứa trẻ con hàng xóm chạy theo chọc ghẹo, kêu “mụ điên” bị mụ đá một cái bay xuống ruộng. Khiếp lắm”.
Theo lời kể của bà Sào, thấy bà đang bình thường bỗng nhiên thành điên, gia đình cứ nghĩ bà bị “vương”, đi khấn, đi cúng hết nhiều tiền lắm, nhưng không khỏi, lúc đó mới đưa đến ông Ninh chữa. Thời gian bà ở tại nhà ông Ninh chữa bệnh là tám tháng. Năm tháng đầu bà Sào hoàn toàn không có nhận biết nào về người thân. Sau này bà nghe gia đình kể lại, đến tháng thứ sáu, bà mới nhận biết chồng, con.
“Khi nhận biết được, tui thấy có nhiều người cũng đến ở lại nhà thầy chữa bệnh. Trong số đó, có o Xuân ở Quảng Trị được gia đình đưa vô, điên nặng lắm, họ phải trói lại. Tui thấy o Xuân mà khiếp, hỏi thầy Ninh, mình có bị giống như o nớ không. Thầy nói, Sào chỉ chạy bậy, không phá, nên không bị trói”, bà nhớ lại, nở nụ cười tươi.
Theo lời kể của bà Sào, đến chữa bệnh điên tại nhà ông Ninh thời điểm đó, ngoài bà Xuân điên nặng như vậy nhưng cũng được chữa lành, sau đó lấy chồng. "Ấn tượng” nhất là trường hợp chị Bé Đen cũng người Quảng Trị. Chị này còn rất trẻ và rất xinh gái, sau này lành bệnh có người thanh niên ở Huế theo ra Quảng Trị “tán” đổ, cưới về làm vợ.
“O nớ vô đây làm dâu, chừ giàu, sang trọng lắm”, rồi bà tấm tắc, “giàu nghèo mỗi người một cảnh, nhưng mừng nhất là tui, o Xuân, Bé Đen và nhiều người khác tui biết, từ khi được chữa khỏi, bệnh không lần nào tái phát. Sau khi khỏi bệnh, tui về sinh thêm ba đứa con nữa, xây được cái nhà. Tui coi ông Ninh như người sinh ra tui lần thứ hai”.
Cũng như bà Sào, ông Phan Thẻo (73 tuổi, ngụ tổ 13, phường Hương Xuân) khẳng định: “Lúc bị bệnh, tui 42 tuổi. Gia đình đưa tui đến thầy Ninh chữa đúng tám tháng thì khỏi hẳn cho đến bây giờ."
Phương thuốc gia truyền?
Nhà ông Ninh ở ngay trong khu vực chợ Văn Xá, giữa cảnh mua bán ồn ào tấp nập. Ông Ninh đang tiếp khách, là gia đình của một bệnh nhân mắc bệnh tâm thần, ở tỉnh xa tìm đến. Ông Ninh nói: “Tui đã chữa bệnh tâm thần 46 năm bằng các phương pháp: châm cứu, bấm huyệt, vật lý trị liệu, tâm lý trị liệu đặc biệt là các phương thuốc gia truyền”.
Theo ông Ninh, hai chân ông bị bại liệt, đi nạng từ năm 7 tuổi khiến ông phải lựa chọn nghề thợ may, nhưng vì phụ giúp bố bốc thuốc, chẩn bệnh nên học nghề y luôn lúc nào chẳng hay. Năm 20 tuổi, ông tự bốc thuốc, chữa bệnh và chuyên tâm với nghề này.
Ông là đời thứ tư kế thừa nghề thuốc gia truyền. Ông cho rằng, điều trị bệnh điên, trước tiên phải áp dụng biện pháp tâm lý trị liệu, đó là nói chuyện với bệnh nhân giúp họ giảm căng thẳng, sau đó mới dùng phương pháp châm cứu, bấm huyệt, đốc mạch để đả thông kinh mạch, khí huyết cho người bệnh.
Sau khi đã “kiểm soát” được người bệnh, mới cho uống thuốc, bào chế từ 18 vị thuốc nam do tổ tiên của ông truyền lại. Tuy nhiên, vì yếu tố gia truyền, nên ông Ninh chưa thể tiết lộ tên các vị thuốc.
Ông Ninh cho biết, thuốc có thể sử dụng ở ba dạng: Sắc nước uống mỗi ngày, tán mịn các vị thuốc thành bột rồi pha nước uống hoặc bào chế thuốc thành những viên nhỏ để nhai. Bệnh nhân kiên trì uống thuốc chừng nửa năm sẽ khỏi.
Một số người cho rằng đã được ông Ninh trị khỏi bệnh tâm thần
Một số người cho rằng đã được ông Ninh trị khỏi bệnh tâm thần
Ông Ninh tâm sự, bây giờ ông không để bệnh nhân ở trong nhà nữa, mà chữa bệnh “từ xa”. Có nghĩa, người bệnh được gia đình đưa đến để ông bắt mạch, xem xét mức độ bệnh rồi bốc thuốc, hướng dẫn phương pháp cho người nhà.
Ông cho rằng, trong quá trình chữa trị bệnh tâm thần, phương pháp tâm lý trị liệu tuy đơn giản nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng. Theo ông, bệnh tâm thần đều do thần kinh của người bệnh căng thẳng quá mức và kéo dài, dẫn đến sinh bệnh. Vì vậy, để bệnh nhân được chữa trị tốt, người thân cần quan tâm, chia sẻ, chuyện trò sẽ giúp người bệnh dần dần ổn định tâm lý. “Sau khi bốc thuốc cho người bệnh, tui đều dặn dò kỹ lưỡng người nhà về phương pháp điều trị này”, ông nói.
Cơ quan chức năng thận trọng
Ông Huỳnh Quang Trọng (ngụ đảo Trí Nghiêm, phường Vĩnh Nghiêm,  Khánh Hòa) kể, con trai của ông 20 tuổi, bị tâm thần 5 năm. Gia đình ông đã đưa con đi chữa bệnh ở các bệnh viện tại tỉnh Khánh Hòa và TP.HCM. Mấy năm qua, điều trị bằng thuốc tây, bệnh tình không đỡ. Nghe ông Ninh chữa khỏi cho nhiều người, gia đình lặn lội đưa con trai từ Khánh Hòa ra Huế.
“Tôi đã gặp một thanh niên người Đà Nẵng, trước bị điên, nhưng bây giờ qua thời gian chữa trị đã hồi phục bình thường, đã đi học lại. Thấy vậy, chúng tôi càng tin tưởng  hơn”, niềm hi vọng làm sáng gương mặt lo âu của ông Trọng.
Nhân chứng thì nói như vậy, nhưng cơ quan chức năng thì khá thận trọng. Ông Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch Hội đông y thị xã Hương Trà cho biết, trước đây ông Ninh từng gia nhập Hội, tuy nhiên đến khi ông Hiền làm Chủ tịch, tiếp nhận danh sách thì không có tên ông Ninh, có thể do ông ít sinh hoạt. “Tôi không nghe tiếng tăm của ông Ninh. Hiệu quả chữa bệnh của thầy thuốc thì do người bệnh đánh giá”, ông Hiền nói.
Bà Nguyễn Thị Hậu, Trưởng phòng y tế thị xã xác nhận ông Ninh là lương y, chữa bệnh bằng phương pháp gia truyền, nhưng không kết luận được có chữa lành bệnh hay không.
Còn theo ông Lê Đình Thao, Giám đốc Trung tâm y tế thị xã, vừa qua, cơ quan chức năng kiểm tra, cho thấy ông Ninh không đủ tiêu chuẩn hành nghề (không có giấy phép của cấp có thẩm quyền), chữa bệnh theo kinh nghiệm, cha truyền con nối.
Cũng như ông Hiền, cả bà Hậu và ông Thao đều cho hay “Không nghe tiếng tăm ông Ninh chữa trị thành công cho người bệnh tâm thần”./.

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.