Làm việc văn phòng, tăng nguy cơ loãng xương

Hình minh họa (Internet)
Hình minh họa (Internet)
(PLO) - Các nghiên cứu cho thấy phụ nữ làm việc văn phòng có nguy cơ loãng xương cao hơn những người thường xuyên được tiếp xúc với ánh nắng.  

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, đại học Garvan, tại Úc cho biết: “Trong các cuộc nghiên cứu được thực hiện ở các tỉnh miền Bắc, chúng tôi cũng có so sánh tỷ lệ thiếu vitamin D giữa cư dân thành thị và nông thôn. Nông thôn ở đây là những người làm ruộng ở ven nội thành Hà Nội.

Kết quả cho thấy rất rõ ràng, những người ở nông thôn có tỉ lệ thiếu vitamin D thấp hơn so với thành thị. Nói cách khác, nồng độ vitamin D ở trong máu, ở những người ở nông thôn cao hơn ở thành thị. 

Tôi nghĩ có một sự khác biệt rất rõ ràng, ở nông thôn, phần lớn người ta làm nghề nông, suốt ngày “đày nắng” ở ngoài đồng ruộng. Do đó, nồng độ vitamin D ở trong máu ở người dân nông thôn cao hơn của cư dân thành thị cũng không có gì ngạc nhiên. 

Ngay cả ở vùng thành thị cũng vậy, những người buôn gánh bán bưng, tức những người lao động chân tay, cũng có nồng độ vitamin D cao hơn những người làm việc ở văn phòng hay là các viên chức. Do đó, tình trạng thiếu vitamin D ở Việt Nam, ngoài yếu tố văn hóa (thích làn da trắng) còn có yếu tố nghề nghiệp nữa”.  

Thế còn tại TP.HCM thì sao? Nắng nhiều, gió nhiều, nhưng có đến 50% phụ nữ bị thiếu vitamin D. Về điểm này, giáo sư Tuấn cho biết cần phải đợi kết quả một nghiên cứu sâu rộng đang được tiến hành.

“Ở Sài Gòn hiện vẫn chưa có những so sánh giữa nông thôn với thành thị. Hy vọng là một năm nữa mới có kết quả. Hiện chúng tôi đang tiến hành một nghiên cứu rất là quy mô ở Sài Gòn để mà tìm hiểu rất nhiều vấn đề liên quan đến bệnh béo phì, loãng xương, tim mạch, thoái hóa khớp.. Trong nghiên cứu này, chúng tôi cũng sẽ đo nồng độ vitamin D”.

Nên hay không nên bổ sung canxi?

Câu hỏi đặt ra, trong tình hình phụ nữ Việt Nam bị thiếu hụt canxi và vitamin D trầm trọng, liệu có nên bổ sung canxi hay không. Theo giáo sư Tuấn, đây hiện là vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất trong giới nghiên cứu về loãng xương.

“Hiện nay đang có một cuộc tranh cãi trong thế giới y khoa trong vai trò và hiệu quả của bổ sung canxi. Theo quan điểm của các chuyên gia tại New Zealand, bổ sung canxi không có giúp giảm nguy cơ gãy xương. Tuy nhiên, tôi không đồng tình với quan điểm này. Theo nhiều nghiên cứu chúng tôi thực hiện, bổ sung canxi ở những người cao tuổi và những người có nguy cơ gãy xương cao thì vẫn có hiệu quả, giảm rủi ro gãy xương chừng 15%. 

Tranh cãi xung quanh vai trò bổ sung canxi gồm hai trường phái. Một bên cho là không cần bổ sung canxi. Bên khác cho là phải bổ sung canxi nhưng ở những người cần thiết đến nó. Ví dụ như ở người Việt Nam chẳng hạn, có rất nhiều người bị thiếu canxi, do đó, việc bổ sung canxi không phải là chuyện gì nghiêm trọng lắm. 

Theo quan điểm của tôi, bổ sung canxi vẫn cần thiết. Và trên thực tế, những người làm trong hội loãng xương thế giới đều khuyến cáo như vậy”.  

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, các chuyên gia về loãng xương khuyến khích chúng ta nếu có hút thuốc lá, hay dùng bia rượu quá nhiều thì nên hạn chế, nếu bỏ được càng tốt. Nên phơi nắng khoảng 10 – 20 phút mỗi ngày, đặc biệt là vào buổi sáng để có đủ vitamin D và xương của mình được chắc chắn hơn.  

Thực phẩm sẽ là nguồn bổ sung canxi tự nhiên và ít tốn kém nhất. Chúng ta có thể tìm thấy canxi trong các loại trái cây, rau củ, trái cây khô và nước khoáng. Các loại sản phẩm làm từ sữa, tuy cũng có chứa chất canxi, nhưng chưa đủ đáp ứng được nhiều yêu cầu.

Còn theo giải thích của bác sĩ Rodolphe Picquet, các loại sản phẩm sữa chưa cho phép chống lại bệnh loãng xương một cách hiệu quả như nhiều quảng cáo nói đến. Theo ông, tất cả các nghiên cứu độc lập (không do các hãng sữa tài trợ) chỉ ra là sữa chưa đủ tăng cường mật độ xương trong dài hạn.

Về phần vitamin D, ngoài việc phải phơi nắng mỗi ngày từ 15-20 phút, vitamin D còn có thể tìm thấy trong nguồn thực phẩm như cá hay nhiều loại thực phẩm chức năng.

Ông Rodolphe Picquet lưu ý là chế độ dinh dưỡng có quá nhiều chất axit cũng không tốt cho xương. Chế độ dinh dưỡng tốt cho xương lý tưởng nhất phải có rau củ, trái cây, cá, thịt, trái cây khô, ngũ cốc và dầu thực vật. Khi thực phẩm có quá nhiều axit, cơ thể chúng ta buộc phải bù đắp tính chua đó cách hút chất canxi bicacbonat trong xương và làm mất chất canxi.

Cuối cùng, luyện tập thể dục thường xuyên cũng giúp cho xương cốt dẻo dai. Vận động thể lực mỗi ngày – dù ở mức độ khiêm tốn, cũng làm cho xương phát triển và rắn chắc hơn. Chỉ cần 30 phút đi bộ là có thể đủ./.

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.