Kinh hãi món ăn quen thuộc nhưng gây nên căn bệnh chết người

Ăn tiết canh là nguyên nhân chính gây nhiễm khuẩn liên cầu lợn.
Ăn tiết canh là nguyên nhân chính gây nhiễm khuẩn liên cầu lợn.
(PLO) - Thói quen ăn tiết canh lợn, ăn thịt lợn chưa nấu kĩ, tiếp xúc với lợn trong điều kiện da tổn thương là những nguyên nhân phổ biến gây bệnh viêm màng não liên cầu lợn. Nếu không chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. 

Mới đây nhất, ngày 23/5/2016, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết  bệnh nhân 67 tuổi (ngụ Phú Thọ) nhập viện từ ngày 19/5 đã tử vong do sốc nhiễm trùng vì nhiễm liên cầu lợn. Trước đó sau 1 ngày ăn tiết canh lòng lợn, nạn nhân có biểu hiện sốt cao, đau đầu, nôn, ý thức lơ mơ, xuất hiện nhiều ban tím vùng mặt và vành tai cẳng chân và đùi 2 bên.

Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ sau đó chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Bệnh nhân được đưa về nhà trong ngày 21/5, đến ngày 22/5 thì tử vong.

Trong số báo này, TS.BS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm bệnh viện Bạch Mai (Bộ Y tế) tư vấn cho bạn đọc PL&TĐ cách nhận biết cũng như phòng tránh căn bệnh này.

Nguyên nhân: Theo TS.BS Cường, viêm màng não (VMN) có rất nhiều thể, trong đó VMN liên cầu lợn là bệnh lý “mới nổi”, nguy hiểm và có tỉ lệ tử vong cao hiện nay. Bệnh thường gặp vào mùa hè bùng thành dịch. 

BS Cường thăm khám một bệnh nhân VMN liên cầu lợn.

 BS Cường thăm khám một bệnh nhân VMN liên cầu lợn.

Vị trưởng khoa giải thích: Bệnh VMN liên cầu lợn do vi khuẩn liên cầu lợn có tên Streptococus suis (S.suis) gây ra. Nó thường trú trên hầu họng lợn và có thể gây bệnh cho người, lợn nếu tiếp xúc trực tiếp. Vi khuẩn này có thể sống ở nhiệt độ tương đối cao từ 50 - 60 độ C. Lưu ý nữa là VMN liên cầu lợn chỉ lây từ động vật sang người, không lây từ người sang người như các thể VMN khác.

Vẫn theo lời TS Cường, bệnh có những nguyên nhân sau: Lây qua đường tiêu hóa do ăn tiết canh lợn chứa vi khuẩn liên cầu lợn; Tiếp xúc với máu lợn trong điều kiện da bị tổn thương (trầy xước, vết thương hở) khiến vi khuẩn thâm nhập qua đường niêm mạc đi vào máu. Nguyên nhân này thường gặp ở những người chăn nuôi lợn, làm nghề mổ lợn không mặc áo quần bảo hộ. Cuối cùng là nhiễm vi khuẩn do ăn thịt lợn chưa nấu chín kĩ tương đối ít gặp.

TS Cường nhấn mạnh, nhiều năm qua khoa truyền nhiễm bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận rất nhiều ca VMN liên cầu lợn. Nguyên nhân chủ yếu do ăn tiết canh lợn. Thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 3-7 ngày, có thể lâu hơn. Tỉ lệ tử vong của VMN liên cầu lợn hiện nay khoảng 30%, nếu bị kèm nhiễm trùng huyết thì tỉ lệ tử vong lên tới 50%. Tuy nhiên chỉ cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ nhanh chóng khỏi bệnh. Cơ chế gây tử vong là người bệnh hôn mê, nhiễm trùng huyết dẫn đến suy đa tạng.

Triệu chứng: Trưởng khoa truyền nhiễm bệnh viện Bạch Mai thông tin, người bị VMN liên cầu lợn thường xuất hiện những triệu chứng như: Sốt cao đột ngột và kéo dài liên tục, đau đầu, buồn nôn và các triệu chứng thần kinh như điếc, nặng có thể hôn mê. 

Trường hợp vi khuẩn liên cầu lợn đi vào máu gây nhiễm trùng huyết thì bệnh nhân có dấu hiệu xuất huyết từng đám trên bề mặt da, tím tái môi, da tím đen lại. Đó là hiện tượng phát ban ngoài da kiểu hồng hoặc ban lan rộng. Trong đó suy giảm thính giác được xem là triệu chứng chỉ điểm.

Về cơ chế, VMN liên cầu lợn bùng phát thành hai giai đoạn: Ở thời kì khởi phát, bệnh nhân có triệu chứng cấp tính như sốt cao, có thể kèm theo rét run, đau đầu, buồn nôn và nôn, chóng mặt. Nhiều trường hợp đau mỏi các bắp thịt, tăng cảm giác đau ngoài da, thậm chí có thể có biểu hiện đau khớp. Một số trường hợp có đau bụng âm ỉ và đại tiện phân lỏng không nhầy máu. Giai đoạn khởi phát thường diễn biến ngắn kéo dài 1 đến 2 ngày. 

Đến giai đoạn toàn phát, bệnh nhân có hội chứng màng não rõ hơn. Các dấu hiệu màng não cổ điển và hiện tượng co cứng cơ, nhất là gáy cứng rất rõ. Hầu hết các trường hợp đều có rối loạn ý thức từ mức độ nhẹ (mê sảng) đến trung bình (lơ mơ), đặc biệt là bệnh nhân trong tình trạng rất kích thích. Có những bệnh nhân hôn mê tới mức phải đặt ống nội khí quản để kiểm soát đường thở. 

TS.BS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm bệnh viện Bạch Mai (Bộ Y tế)

TS.BS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm bệnh viện Bạch Mai (Bộ Y tế)

Lưu ý khi chẩn đoán: Các triệu chứng của VMN liên cầu lợn dễ nhầm lẫn với bệnh VMN thông thường khác. Do đó bác sĩ khi chẩn khám bệnh cần lưu ý hỏi bệnh nhân có ăn tiết canh lợn, tiếp xúc với lợn hay không. Nguồn bệnh không chỉ có ở lợn bệnh mà có thể tồn tại ở cả lợn khỏe mạnh.

Hiện nay có hai phương pháp chẩn đoán VMN liên cầu lợn. Thứ nhất, chọc dịch não đem soi dưới thiết bị chuyên dụng hoặc nuôi cấy sẽ tìm thấy vi khuẩn liên cầu lợn hoặc không. Nếu soi chiếu chỉ sai vài tiếng đồng hồ sẽ có kết quả, còn nuôi cấy vi rút cho kết quả sau 48 tiếng. Ngoài ra để đảm bảo tính chính xác, có thể thực hiện thêm xét nghiệm máu.

TS Cường nhấn mạnh, việc chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời có ý nghĩa quyết định trong việc cứu sống bệnh nhân. Do đó bệnh nhân khi có những biểu hiện trên cần cung cấp đầy đủ thông tin với bác sĩ. Còn nhân viên y tế lưu ý hỏi bệnh nhân yếu tố dịch tễ. Đó là người bệnh tiếp xúc với các nguồn lây nào không. Không ít trường hợp như lời TS Cường kể lại, bệnh nhân khai chỉ ăn tiết canh dê nhưng kết quả xét nghiệm lại nhiễm liên cầu lợn. Đó là do các quán ăn, nhà hàng sử dụng tiết canh lợn làm giả tiết canh dê.

Di chứng thường gặp: Sau khi chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ lập kháng sinh đồ điều trị. Những bệnh nhân kháng thuốc thì việc trị liệu tương đối khó. Hiện nay phương pháp điều trị VMN liên cầu lợn là sử dụng kháng sinh và tiêm truyền tĩnh mạch. Tùy theo mức độ nặng nhẹ, thầy thuốc sẽ kê đơn những kháng sinh có mức độ khác nhau. TS Cường cho hay, nếu phát hiện bệnh sớm có thể điều trị tại tuyến huyện, tỉnh.

Trường hợp bệnh nhân sống sót, ít khi gặp di chứng. Nhưng nếu không may, họ thường bị di chứng suy giảm thính giác do viêm thần kinh thính giác và rất khó hồi phục. Những bệnh nhân chữa trị di chứng này phải thay ốc tai rất tốn kém. Theo các thống kê chưa đầy đủ, khoảng 30-40% bệnh nhân VMN liên cầu lợn bị điếc tai sau trị liệu, ngoài ra một số ít bị liệt.

Cách phòng tránh: TS Cường cho biết hiện nay liệu pháp điều trị VMN liên cầu lợn ở Việt Nam không khác gì các nước trên thế giới. Thậm chí y tế các nước còn lạ lẫm với bệnh lý này bởi ở họ rất hiếm gặp (chủ yếu do ít ăn tiết canh lợn). 

Hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh nhiễm liên cầu lợn cho người. Do đó, phòng bệnh tốt nhất phụ thuộc vào ý thức mỗi người như: Tránh các nguồn lây bằng cách tuyệt đối không ăn tiết canh lợn. Đối với người chăn nuôi lợn, làm nghề giết mổ lợn cần đeo bảo hộ khi tiếp xúc với lợn. Đồng thời chú ý tẩy trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Khi lợn bị ốm phải cách ly. Đối với lợn chết phải chôn, đổ thuốc sát khuẩn xung quanh hố chôn hoặc tiêu hủy./.

Đọc thêm

Trẻ ngộ độc thuốc giảm cân, thuốc diệt chuột

Bác sĩ thăm khám cho một trường hợp trẻ nhập viện điều trị tại khoa Cấp cứu và Chống độc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) - Cuối tháng 2 vừa qua, bé gái H.T (3 tuổi ở Hà Nam) phải nhập viện cấp cứu do ăn nhầm thuốc giảm cân của chị gái. Cùng thời gian này, một bệnh nhi 13 tuổi cũng phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc thuốc diệt chuột. Đây là hồi chuông cảnh báo về hiểm họa khôn lường khi trẻ em bị ngộ độc thuốc, hoá chất, đặc biệt là các loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang được bán tràn lan trên mạng.

Tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh Dại

Tăng cường tiêm phòng cho chó mèo để phòng ngừa bệnh Dại
(PLVN) - Trước tình hình số người tử vong do bệnh Dại và số người phải điều trị dự phòng bệnh Dại tăng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh Dại.

Cứu sống ca bệnh hiếm, 100 năm mới có 150 người mắc

ThS.BS Trần Vũ Đức - khoa Ngoại Tiêu hóa thăm khám cho bệnh nhân.
(PLVN) - Ngày 14/3, Bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức buổi chia sẻ thông tin về việc điều trị thành công cho 1 thai phụ bị thoát vị hoành nghẹt hiếm gặp. Theo thống kê của y văn, hơn 100 năm qua, thế giới ghi nhận chỉ có hơn 150 ca bệnh nhân có tình trạng tương tự.

Chủ động phòng, chống bệnh dại

Công tác tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh dại cho đàn chó hiện chưa đạt hiệu quả cao. (Ảnh minh họa: TTXVN)
(PLVN) - Là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm, bệnh dại là nguyên nhân gây ra khoảng hơn 70 ca tử vong ở Việt Nam mỗi năm. Hầu hết các trường hợp bệnh dại ở nước ta do chó dại cắn.