Khốn đốn vì chứng bệnh tan máu tự miễn truyền đời

Ông Thắng chia sẻ về nỗi lòng 3 đứa con chẳng may mắc chứng bệnh hiếm gặp
Ông Thắng chia sẻ về nỗi lòng 3 đứa con chẳng may mắc chứng bệnh hiếm gặp
(PLO) -Đột nhiên xuất hiện các triệu chứng lạ ở mắt, da vàng, sốt cao, đau đầu triền miên, sức khỏe giảm sút, ông Thắng sau thời gian chịu đựng mới đi khám và biết bị bệnh tan máu tự miễn.

 Điều khiến người đàn ông này buồn rầu hơn là ba người con trai cũng lần lượt phát hiện bệnh như vậy. Căn bệnh không những khiến sức khỏe các thành viên trong gia đình bị giảm sút, phải thường xuyên nhập viện, tiêu tốn tiền bạc mà nó còn làm ba chàng trai con ông Thắng không dám đi tìm hạnh phúc riêng.

4 cha con đón Tết trong viện

54 tuổi, nhưng vì căn bệnh trên, ông Ngô Đức Thắng (ngụ xóm 4 Hưng Thịnh, xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) trông gầy gò, da vàng nhợt, già hơn nhiều so với số tuổi của mình. Căn bệnh tan máu tự miễn nhiều năm trời khiến ông và gia đình khốn đốn.

Do điều kiện kinh tế hạn hẹp nên việc truyền máu định kỳ theo lời dặn của bác sỹ cũng bị ông Thắng làm lơ. Chỉ khi nào cảm thấy sức khỏe suy kiệt, ông mới tìm đến bệnh viện để xử lý tình huống. Do vậy, sức khỏe vốn đã không tốt lại ngày càng ốm yếu hơn. 

Nói rõ hơn về căn bệnh 4 bố con đang mắc phải, ông Thắng cho hay, năm 1994, cơ thể ông xuất hiện một số triệu chứng khác thường như mắt và da bị vàng, kèm theo đó là những cơn đau đầu, sức khỏe giảm sút.

Nghĩ do mình làm việc quá sức, ông không đi bệnh viện liền mà ở nhà tự uống thuốc, nghỉ ngơi. Thế nhưng, cơn đau đầu vẫn kéo dài khiến ông Thắng không thể làm được gì, hay cáu gắt với người thân. Cuối cùng, vợ ông đành nhất quyết đưa chồng đi khám.

Tại một bệnh viện ở Hà Nội, sau khi xét nghiệm, người đàn ông này được các bác sỹ cho biết đã mắc căn bệnh hiếm gặp. Những ai không may mắc bệnh này đều có triệu chứng đau đầu, choáng, sốt cao 40 độ, máu khó đông. Người bệnh chỉ có thể sống chung với căn bệnh bằng việc thay máu và uống thuốc. 

Sup sụp, chán nản vì đột nhiên mắc bệnh lạ, tâm lý xấu khiến sức khỏe ông Thắng càng xuống dốc không phanh. Chỉ trong thời gian ngắn, ông trở nên gày gò, xanh xao, tóc rụng, gương mặt hốc hác. Thiếu đi bàn tay lao động của người đàn ông trụ cột gia đình, kinh tế gia đình ngày càng sa sút. Áp lực cuộc sống ngày càng đè nặng lên vai vợ và các con.

Nhưng, đó chưa phải là cơ cực trong gia đình này. Năm năm sau, người con trai đầu sinh năm 1990 của vợ chồng ông Thắng cũng bị vàng mắt, vàng da. Vợ chồng ông vội đưa con đi khám ở Hà Nội và cũng được chẩn đoán mắc bệnh giống như bố. 

Để chữa trị cho con, bao nhiêu tài sản tích góp được, đôi vợ chồng ấy đều lôi ra chữa bệnh. Đến khi không đủ cho các khoản chi phí trong bệnh viện, họ phải vay mượn thêm bên ngoài. Nhưng sau 3 tháng điều trị, bác sỹ cho hay, đây là loại bệnh tan máu tự miễn nên chỉ điều trị bằng cách lọc máu và mua máu để truyền, chứ không phẫu thuật hay can thiệp. 

Sau điều trị đợt dài ngày, bệnh tình người con được các bác sỹ chẩn đoán theo chiều hướng tốt. Nhưng chỉ được vài tháng, hai cha con ông Thắng lại nhập viện vì những triệu chứng như trước. Thời điểm đó, gia đình này đã khó khăn nhiều.

Tuy nhiên, bi kịch lại chưa dừng lại ở đó. Vào năm 2009, hai người con trai sinh đôi còn lại (nay 23 tuổi) của vợ chồng ông Thắng cũng được chẩn đoán mắc bệnh trên. “Lúc còn nhỏ, thấy chúng khỏe mạnh bình thường nên chúng tôi không để ý. Nhưng càng lớn lên, thấy hai đứa nó đều còi cọc, da vàng, hay ốm yếu, trán nhô cao, những lần không may bị đứt tay thì máu khó đông. Mãi đến khi hai đứa 15 tuổi, vợ chồng tôi mới phát hiện con mắc bệnh sau khi đi khám tại bệnh viện”, ông Thắng kể về các con.

Việc cả 4 cha con cùng mắc chung căn bệnh lạ khiến gia đình gặp nhiều phiền toái. Không những tốn kém về tiền bạc, họ còn phải nhận những ánh mắt ái ngại của một số người. Ông Thắng vẫn còn nhớ cái tết Tết Bính Thân năm 2016, thời điểm đó, 4 bố con ông Thắng đều phải nhập Bệnh viện Đa khoa Nghệ An để chữa trị. 

“Cả buồng bệnh thì có 4 giường là 4 cha con chúng tôi. Nhìn các con, nghĩ đến mình, tôi đã rơi nước mắt. Tết nhất đến nơi, gia đình người ta sum họp ở quê nhà, còn nhà mình thì đưa nhau vào viện nằm”, ông Thắng chia sẻ về cái Tết buồn của gia đình. Lần đó, sau khi trừ hết các chi phí bảo hiểm chi trả, 4 cha con ông Thắng mất hơn 40 triệu đồng tiền viện phí. 

Căn nhà gia đình ông Thắng đang sinh sống
Căn nhà gia đình ông Thắng đang sinh sống

Những chàng trai không dám mơ hạnh phúc 

Bệnh tật không những ảnh hướng lớn đến cuộc sống, kinh tế gia đình ấy, mà còn khiến ba người con trai ông Thắng không dám nghĩ đến hạnh phúc riêng.

Ông Thắng tâm sự: “Vì cả nhà đều bị bệnh thiếu máu huyết tán, da vàng vọt xanh xao nên ba anh em chúng nó không dám yêu ai. Bằng tuổi đó, người ta có vợ con, lập gia đình ổn định cuộc sống, còn chúng nó vẫn lông bông vậy. Có khi nó tâm sự bảo không dám yêu ai vì biết bệnh tình của mình”. 

Nghe bố nói chuyện với khách, cậu thanh niên 23 tuổi trước đó cứ trùm chăn trên giường bỗng bật dậy bỏ ra ngoài. Thấy con trai buồn, ông Thắng cũng thở dài.

Người đàn ông này cho hay, một phần do hoàn cảnh kinh tế, phần khác do bệnh tật nên các con ông đều không được theo học đầy đủ. Thời điểm nào ốm yếu thì ở nhà, nếu khỏe mạnh hơn thì theo tốp thợ xây đi phụ hồ kiếm thêm đồng tiền phụ giúp bố mẹ, chữa bệnh tật. 

“Cũng nhiều lần tôi đánh tiếng bảo thằng lớn đi tìm tấm vợ, nhưng nó chỉ cười trừ, bảo rằng: “Người bệnh tật, ốm yếu như con ai thèm để ý”. Nghe nó nói mà rơi nước mắt”, ông Thắng bộc bạch.

Chồng con đều ốm đau, đi viện như cơm bữa nên mọi công việc đồng áng đều dồn hết trên vai bà Đàm Thị Thuận (63 tuổi). Một mình bà nhiều lúc không cáng đáng nổi tất cả công việc trong gia đình.

Người phụ nữ khắc khổ tâm sự: “Bốn cha con ông ấy đi bệnh viện đến nỗi các bác sỹ quen mặt. Hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia đình nên có thời điểm các y bác sỹ của Bệnh viện tỉnh quyên góp tiền ủng hộ mấy triệu đồng cho gia đình. Tại địa phương, chính quyền, bà con chòm xóm cũng đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ khó khăn với gia đình. Từ ngày cha con ông ấy phát bệnh, gia đình đã tốn kém hàng trăm triệu đồng điều trị nhưng bệnh tình không khỏi, của nả đi hết”.

Điều trớ trêu là cả 4 bố con ông Thắng ngoài mắc bệnh tan máu tự miễn còn mang nhiều loại bệnh khác. Người thì lách to hơn bình thường, người thì sỏi thận, sỏi mật, nhưng không thể can thiệp, phẫu thuật dứt điểm mà chỉ bằng cách truyền và lọc máu. Mỗi đợt điều trị mất khoảng 4 - 5 triệu đồng. Còn việc uống thuốc hàng ngày như là một phần trong cuộc sống của 4 cha con ông Thắng.

Ngồi ảo não, ông Thắng chia sẻ: “Tôi giờ cũng có tuổi, chống chọi với bệnh tật nhiều năm trời rồi, chỉ thương ba đứa con còn trẻ mà mắc phải chứng bệnh đó. Điều ấy khiến ba anh em rụt rè, sống cô lập so với các bạn đồng trang lứa. Giờ tôi chỉ mong các con có được mái ấm như bao người khác. Nhưng e rằng ước mơ giản dị đó rất khó thực hiện bởi ngăn cản bệnh tật”.

Nói về gia cảnh gia đình này, ông Đàm Xuân Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Nguyên cho biết, trường hợp ông Thắng là hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của xã do ốm đau bệnh tật. Chính quyền địa phương và hàng xóm thường xuyên động viên, thăm hỏi, nhưng hoàn cảnh gia đình vẫn rất khó khăn. Cuộc sống của gia đình ông Thắng rất cần sự chia sẻ của cộng đồng.

Bạn đọc hảo tâm giúp đỡ gia đình nhân vật xin liên hệ ông Ngô Đức Thắng (xóm 4 Hưng Thịnh, xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) hoặc số điện thoại 0979107354.

Đọc thêm

Không dễ dãi với mặt hàng đặc thù liên quan sức khỏe

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (dự kiến được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024), mới đây khi được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã được chỉ ra một số nội dung cần xem xét.

Tháng cao điểm an toàn thực phẩm: Địa phương phải kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm

Nhiều học sinh là nạn nhân ngộ độc do đồ ăn trước cổng trường. (Ảnh minh họa - Nguồn: SKĐS)
(PLVN) - Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động các cơ sở nếu không bảo đảm điều kiện, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng...

Người phụ nữ có 2 bàng quang

Người phụ nữ có 2 bàng quang. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) - Các bác sĩ khoa Phẫu thuật tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E mới tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho nữ bệnh nhân cao tuổi có 2 bàng quang.

Lạm dụng thực phẩm ngọt: Suy giảm sức khỏe gia đình

Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần. (Ảnh minh họa - Nguồn: Shutterstock)
(PLVN) - Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần, gây nguy hiểm cho sức khỏe bởi những tác nhân từ bệnh không lây nhiễm. Con số đáng báo động này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cảnh báo tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường vừa diễn ra vào đầu tháng 4/2024.

Khám sức khỏe miễn phí cho hơn 500 học sinh ở Điện Biên Đông

Khám sức khỏe miễn phí cho hơn 500 học sinh ở Điện Biên Đông
(PLVN) - Ngày 13-14/4, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba (Hà Nội) tổ chức Chương trình thiện nguyện tặng quà và thăm khám miễn phí cho hơn 500 học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học Tìa Dình (xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đẩy mạnh công tác khám chữa bệnh, đào tạo nhân lực cho nước bạn Lào

Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế trực tiếp hướng dẫn các bác sĩ Bệnh viện Mahosot thực hiện các kỹ thuật can thiệp nội soi tiêu hóa.
(PLVN) - Chiều 13/4, thông tin từ Bệnh viện Trung ương Huế, đoàn y bác sĩ của đơn vị này vừa kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tại thủ đô Viêng Chăng (Lào) đánh dấu sự hợp tác hữu nghị của ngành y tế hai nước, giúp nâng cao chất lượng chăm sóc y tế cho người dân Lào. Qua đó, góp phần thắt chặt thêm mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa 2 nước.

Con số đáng tự hào về hiến máu tình nguyện

Tình nguyện viên tham gia hiến máu. Ảnh: Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương
(PLVN) - Bộ Y tế đánh giá cao sự điều phối, tương trợ, "chia lửa" của các Trung tâm Truyền máu trên cả nước trong lúc khó khăn, đặc biệt đã hỗ trợ hàng chục nghìn đơn vị máu cho đồng bằng sông Cửu Long. Tỷ lệ hiến máu tình nguyện nước ta hiện đạt 97%...