Khi phụ huynh run rủi… “gửi trứng cho ác”

Hàng ngàn phụ huynh đưa con tới viện xét nghiệm sán lợn
Hàng ngàn phụ huynh đưa con tới viện xét nghiệm sán lợn
(PLVN) - Chỉ trong những ngày đầu tuần qua, đã có khoảng 2.000 trẻ từ 1-10 tuổi tại huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) về Hà Nội và khám, làm xét nghiệm sán lợn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương...

Gà thối, sán lợn gạo rúng động làng quê ở Bắc Ninh

Trước khi dư luận sục sôi bất bình về con số vài trăm bé bị nhiễm sán lợn tăng lên từng ngày, sự việc đã bắt đầu vào ngày 14/2/2019. Khi đó, phụ huynh tại Trường mầm non Thanh Khương (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) phát hiện thịt lợn đã nấu chín cho trẻ em do Công ty Hương Thành cung cấp có nhiều hạt nhỏ như gạo nghi là sán.

Trước sự phản ứng gay gắt của phụ huynh, nhà trường đã tổ chức đối thoại nhưng do chưa có câu trả lời thỏa đáng từ phía nhà trường nên nhiều phụ huynh không tiếp tục cho con ăn bán trú tại trường.

Đến trưa ngày 5/3/2019, một số phụ huynh phát hiện nhà trường dùng thịt gà đông lạnh nghi không đảm bảo an toàn. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện khoảng 10kg thịt gà đông lạnh được cất giữ trong tủ lạnh của khu bếp ăn nhà trường. Sự việc khiến nhiều phụ huynh hoang mang về bữa ăn của con em mình tại trường cũng như sức khỏe của các bé. Được biết, Trường mầm non Thanh Khương có khoảng 580 học sinh theo học. Đây cũng là trường công lập duy nhất tại xã Thanh Khương. 

Sau khi có thông tin công ty cung cấp thực phẩm cho trường Thanh Khương đồng thời cũng cung cấp thực phẩm cho 18 trường khác trong địa bàn huyện, hàng trăm phụ huynh có con học tại gần 20 trường trên địa bàn huyện Thuận Thành đã hốt hoảng  đưa con đi xét nghiệm và con bị kết luận có nhiễm sán lợn gạo không ngừng tăng lên.

Phụ huynh rơi nước mắt khi con nhiễm sán lợn
Phụ huynh rơi nước mắt khi con nhiễm sán lợn

Vụ việc đang được tiếp tục xác minh, làm rõ. Dư luận hết sức bất bình, đòi hỏi phải có câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề này, cần thiết phải khởi tố công ty cung cấp thực phẩm bẩn và lãnh đạo các trường học để xảy ra vi phạm trên. Bởi vụ việc ở Bắc Ninh như “giọt nước làm tràn ly” khi mà trước đó đã từng xảy ra nhiều vụ thực phẩm bẩn len lỏi vào bếp ăn trường học gây rúng động dư luận.

Chiều 15/11/2018, tại trường Mầm non Xuân Nộn (Bắc Ninh) xuất hiện trẻ có triệu chứng sốt cao, buồn nôn. Từ ngày 15 đến ngày 20/11, đã có tổng số 209 trẻ mầm non và 3 giáo viên nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đông Anh và Bệnh viện Bắc Thăng Long. Sau khi tiến hành xét nghiệm, cơ quan y tế đã xác định nguyên nhân là do vi nhiễm Salmonella tub 2 trong bánh ngọt.

Tháng 10/2018, 352 học sinh trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, thành phố Ninh Bình đã phải nhập viện sau bữa ăn trưa tại trường với triệu chứng đau bụng, buồn nôn nghi do ngộ độc thực phẩm. Cụ thể, kết quả xét nghiệm cho thấy trong món ruốc gà có độc tố tụ cầu vàng, bắt nguồn từ thịt gà sống sử dụng làm ruốc, độc tố này khi nấu chín vẫn không tiêu diệt được. Đây chính là nguyên nhân khiến các học sinh bị đau bụng, buồn nôn phải nhập viện. 

Hồi tháng 9/2017, vụ việc xe chở rau củ vào trường Tiểu học Lý Nhân (xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) bị người dân chặn bắt ngoài cổng trường, phát hiện hàng loạt rau củ thối rữa từng gây xôn xao dư luận một thời gian dài.

Ngày 17/5/2017, một số phụ huynh có con học tại trường mầm non xã Thọ Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) phát hiện, chụp lại hình ảnh nhân viên hợp đồng nấu ăn của trường này mua một con gà có biểu hiện bị nhiễm dịch bệnh về nấu ăn cho các em học sinh bán trú của trường.

Tháng 3/2015, nhiều phụ huynh Trường tiểu học chuẩn quốc gia Long Bình (xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, Bình Dương) phát hiện 72kg cá diêu hồng bốc mùi hôi thối, đầy ruồi nhặng cùng nhiều kg mỡ động vật, bì heo, hàng chục kg rau củ, quả đã hư hỏng, dập nát nên đã ngăn chặn và báo cơ quan chức năng. Số hàng này do Công ty Phú Nhật Hào (có trụ sở ở phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) đem đến để chuẩn bị 650 suất ăn cho học sinh.

Sau đó, ngày 9/4/2015, 16 học sinh Trường tiểu học Võ Thị Sáu (thị xã Bến Cát, Bình Dương) phải nhập viện đồng loạt với triệu chứng đau bụng, nôn ói. Số học sinh này đã ăn suất ăn do Phú Nhật Hào nấu ăn. Ngay sau đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tiến hành thanh tra vụ việc trên 18 trường học, thì phát hiện Công ty Phú Nhật Hào cung cấp đến hơn 14 nghìn suất ăn cho học sinh mỗi ngày.

Tại Trường mầm non Cẩm Thịnh (xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), vào sáng 27/12/2016 phụ huynh phát hiện một chiếc xe buýt chạy qua quốc lộ 1A đoạn trước cổng Trường mầm non Cẩm Thịnh và thả xuống một thùng đựng thịt bò. Một số phụ huynh đã đến mở thùng thịt để xem thì thấy khoảng 10kg thịt bò có màu nâu sẫm. Ngay sau đó, có một cô giáo và một người nấu ăn của trường mầm non Cẩm Thịnh ra đưa thùng thịt vào trường.

Và nữa, Trường mầm non ở Bà Rịa - Vũng Tàu cho trẻ ăn gạo mốc xanh, thức ăn chỉ toàn đầu cá…Còn bao nhiêu “pháo đài” trong các bếp ăn nhà trường mà phụ huynh không thể biết tới?

Tội ác không thể dung thứ

Ai cũng biết, nhiễm sán và ấu trùng sán nguy hiểm đến thế nào. Đã có nhiều người chết, mù, điếc, tổn thương não... Nếu trẻ bị dính phát bệnh sau 2-3 tháng thì hỗ trợ viện phí chữa bệnh không dù trẻ có bảo hiểm y tế? Trẻ phát bệnh hàng loạt do thái độ vô tâm của Công ty cung cấp lương thực và chính quyền địa phương không nhanh chóng giải quyết ngay khi phát hiện có thực phẩm bẩn trong nhà ăn! 

Theo nguyên tắc chọn đơn vị cung cấp thực phẩm thì Ban giám hiệu mỗi trường sẽ phải cùng với phòng giáo dục và đào tạo của huyện thẩm định đơn vị cung cấp. Thế nhưng có tới 19 trường đã được ký hợp đồng lập tức với Công ty Hương Thành ngay từ đầu năm học 2018-2019.

Trong khi đó, hàng năm luôn có rất nhiều những tổ chức thi nhau trong cuộc chạy đua “đấu thầu” cung cấp lương thực, thực phẩm cũng như nước uống vào các trường học. Thế nên, làm rõ trách nhiệm của những người ký tên trong hợp đồng với công ty cung ứng thực phẩm cũng là làm rõ trách nhiệm của người đứng sau sự việc này. 

Sẽ ra sao nếu những nạn nhân bé xíu này là con, là cháu các bạn? Sẽ ra sao nếu một trong những người ăn chực, nằm chờ, bỏ công bỏ việc, tay bế đứa nhỏ sốt cao hầm hập 39- 40 độ ngồi vạ vật ở sảnh bệnh viện kia là các bạn? Không ít vụ, phụ huynh dữ dằn khui ra chuyện hiệu trưởng bắt tay với nhà cung cấp thực phẩm để làm hóa đơn chứng từ sai lệch, hiệu trưởng ăn phần trăm chiết khấu nên thực phẩm loại 1 bị đổi sang loại 2... Thế nhưng, dường như cũng chưa có vụ việc nào bị truy tố.

Trong khi đó, không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi thực phẩm bẩn là kẻ giết người hàng loạt thầm lặng. Nó sẽ âm thầm tàn hại sức khỏe của con người. Ai dám chắc, những loại thực phẩm bốc mùi hôi thối kia chỉ gây nên bệnh sán lợn cho các em nhỏ? Ai có thể đo được sức khỏa của các em bị ảnh hưởng như thế nào? Hậu quả mà những thứ thịt bẩn, gà thối kia để lại trong cơ thể các em nhỏ rồi sẽ ra sao? Chẳng phải Việt Nam đang là một trong số những nước dẫn đầu về ung thư đó sao?

Bởi thế, đầu độc những em bé ngơ ngác, cũng là đầu độc nhiều thế hệ… Đau lòng hơn cả, chính nhà trường, hay một vài cá nhân nào đó, mà đứng đầu là hiệu trưởng, vì phần trăm, lợi nhuận, mà làm ngơ trước cái ác…Những người thầy như thế, sẽ dạy học trò điều gì ngoài chính sự bất chấp và vô cảm của chính mình? 

Bởi thầy không chỉ dạy học bằng kiến thức, mà chính là bằng những giá trị nhân phẩm, tấm lòng yêu thương của người thầy. Để mỗi đứa trẻ lớn lên, trưởng thành, ngay thẳng với những vẻ đẹp chân thiện mỹ, những bài học làm người. Chứ hoàn toàn không phải phụ huynh run rủi… “gửi trứng cho ác”… 

Có cần thiết ồ ạt đi xét nghiệm máu? 

Theo PGS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai thì  việc người dân Bắc Ninh dồn dập đưa con đi lấy máu xét nghiệm sán lợn là không cần thiết. Ông Cường lý giải, xét nghiệm máu sàng lọc hiện nay chỉ phát hiện kháng thể và kháng nguyên của ấu trùng sán lợn trong huyết thanh, với các trẻ khỏe mạnh không triệu chứng là vô nghĩa. Nếu kết quả dương tính với sán cũng chỉ khẳng định là trẻ có phơi nhiễm với trứng sán do ăn uống phải nguồn nước, rau sống chứa trứng sán, không phải do ăn thịt lợn chứa ấu trùng.

Người ăn phải thịt lợn chưa chín có chứa các nang sán (lợn gạo), khi đến dạ dày ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non rồi phát triển thành sán dây trưởng thành. Để khẳng định ăn thịt lợn gạo mà bị bệnh sán trưởng thành thì phải lấy mẫu phân làm xét nghiệm xem có thấy đốt sán trưởng thành hay không. Nếu có đốt sán mới khẳng định người bệnh bị bệnh sán trưởng thành. 

Những người có nguy cơ hoặc triệu chứng như động kinh, có vấn đề về thị lực không rõ nguyên nhân, rối loạn tiêu hóa, hấp thu, bệnh nhân nghi ngờ ấu trùng sán não, xuất hiện các nốt dưới da... thì mới xét nghiệm tìm ấu trùng sán, thậm chí phải làm nhiều xét nghiệm khác để khẳng định như siêu âm, chụp cắt lớp, sinh thiết... 

Theo ông Cường, xét nghiệm máu sàng lọc dương tính với sán thì chưa đủ khẳng định là có bệnh ấu trùng hay không và bác sĩ chỉ điều trị khi có triệu chứng, nếu không thì chỉ theo dõi. Ngoài ra có tỷ lệ dương tính chéo giữa sán lợn với một số loại ký sinh trùng khác. Với các cháu ở Bắc Ninh nếu không có triệu chứng, tức là chỉ phơi nhiễm với bệnh, thì không cần phải điều trị. 

Đọc thêm

Không dễ dãi với mặt hàng đặc thù liên quan sức khỏe

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (dự kiến được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024), mới đây khi được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã được chỉ ra một số nội dung cần xem xét.

Tháng cao điểm an toàn thực phẩm: Địa phương phải kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm

Nhiều học sinh là nạn nhân ngộ độc do đồ ăn trước cổng trường. (Ảnh minh họa - Nguồn: SKĐS)
(PLVN) - Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động các cơ sở nếu không bảo đảm điều kiện, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng...

Người phụ nữ có 2 bàng quang

Người phụ nữ có 2 bàng quang. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) - Các bác sĩ khoa Phẫu thuật tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E mới tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho nữ bệnh nhân cao tuổi có 2 bàng quang.

Lạm dụng thực phẩm ngọt: Suy giảm sức khỏe gia đình

Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần. (Ảnh minh họa - Nguồn: Shutterstock)
(PLVN) - Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần, gây nguy hiểm cho sức khỏe bởi những tác nhân từ bệnh không lây nhiễm. Con số đáng báo động này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cảnh báo tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường vừa diễn ra vào đầu tháng 4/2024.

Khám sức khỏe miễn phí cho hơn 500 học sinh ở Điện Biên Đông

Khám sức khỏe miễn phí cho hơn 500 học sinh ở Điện Biên Đông
(PLVN) - Ngày 13-14/4, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba (Hà Nội) tổ chức Chương trình thiện nguyện tặng quà và thăm khám miễn phí cho hơn 500 học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học Tìa Dình (xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đẩy mạnh công tác khám chữa bệnh, đào tạo nhân lực cho nước bạn Lào

Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế trực tiếp hướng dẫn các bác sĩ Bệnh viện Mahosot thực hiện các kỹ thuật can thiệp nội soi tiêu hóa.
(PLVN) - Chiều 13/4, thông tin từ Bệnh viện Trung ương Huế, đoàn y bác sĩ của đơn vị này vừa kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tại thủ đô Viêng Chăng (Lào) đánh dấu sự hợp tác hữu nghị của ngành y tế hai nước, giúp nâng cao chất lượng chăm sóc y tế cho người dân Lào. Qua đó, góp phần thắt chặt thêm mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa 2 nước.