Khám sức khỏe tiền hôn nhân: Hãy nghĩ đến con mà đừng từ chối!

Khám sức khỏe tiền hôn nhân: Hãy nghĩ đến con mà đừng từ chối!
(PLO) - Tại hội nghị tổng kết mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân vừa tổ chức, bà Phạm Thị Mỹ Lệ - Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) TP HCM đã cho biết, Chi cục DS-KHHGĐ TP HCM kiến nghị Bộ Y tế bổ sung nội dung khám sức khỏe tiền hôn nhân là một nghĩa vụ bắt buộc đối với các cặp nam, nữ khi tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn.

Khoảng 22.000 - 30.000 trẻ bị dị tật bẩm sinh mỗi năm

Mặc dù chưa có nghiên cứu toàn diện về dị tật bẩm sinh ở Việt Nam nhưng qua các nghiên cứu quốc tế, tỷ lệ dị tật bẩm sinh ở Việt Nam nằm trong khoảng 1,5 - 2% dân số. Với ước tính này, hàng năm cả nước có khoảng 22.000 - 30.000 trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh.

Trong số các dị tật, có các bệnh phổ biến như: Down, hội chứng Ewards, dị tật ống thần kinh, suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, tan máu bẩm sinh (Thalassemia) thể nặng và các bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh khác. 

Nói riêng về căn bệnh  tan máu bẩm sinh (Thalassemia), đây là căn bệnh có tần suất cao nhất trong tất cả các bệnh lý di truyền và để lại gánh nặng, nỗi đau tinh thần cho người bệnh và gia đình. Thalassemia là bệnh di truyền lặn. Bệnh di truyền qua nhiều thế hệ nên ảnh hưởng xấu tới giống nòi.

Nếu cả hai vợ chồng cùng mang gene lặn, khi sinh con có 25% khả năng bị bệnh mức độ nặng do nhận cả hai gene của bố và mẹ truyền cho, 50% khả năng con bị bệnh mức độ nhẹ, hoặc là người mang gene bệnh của bố hoặc của mẹ truyền cho.

Việt Nam hiện có trên 5 triệu người mang gene bệnh và khoảng 20.000 người mắc bệnh ở thể nặng gây tử vong sớm.

Cũng như nhiều căn bệnh mang tính di truyền khác, Thalassemia có thể được ngăn chặn nếu như loại trừ được việc cả hai người cùng mang gene lặn lấy nhau và điều này sẽ đạt được khi cả hai bên nam – nữ đi khám sức khỏe tiền hôn nhân (SKTHN).

Không phải đến bây giờ câu chuyện về khám SKTHN mới được đề cập tới. Tuy nhiên, dường như con số mỗi năm Việt Nam có khoảng 22.000 - 30.000 trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh, chiếm khoảng 1,5 - 2% dân số chưa đủ để làm những người sắp kết hôn nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung sợ.  

Hàng năm, trên cả nước có hàng triệu thanh niên bước vào độ tuổi kết hôn, tuy nhiên vẫn còn nhiều bạn trẻ chưa biết, e ngại hoặc phản đối việc đến cơ sở y tế để khám SKTHN. Bằng chứng là mới đây, khi Chi cục DS-KHHGĐ TP HCM đề xuất góp ý bổ sung nội dung kiểm tra SKTHN là một nghĩa vụ bắt buộc đối với các cặp nam nữ khi tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn, đã gặp không ít những quan điểm không tán đồng vì nhiều lý do.

Có luật hóa được không?

Sự không tán đồng này cũng không mới bởi cách đây mấy năm, trong quá trình bàn bạc để sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình, vấn đề khám SKTHN đã được nhà làm luật cân nhắc để luật hóa. Tuy nhiên, ngay chính đại diện ngành y tế có mặt tại buổi họp ban  soạn thảo cũng không nhất trí với lý do ngành vốn đã luôn quá tải sẽ không đủ nhân lực, cơ sở vật chất để đáp ứng. 

Ở góc độ xã hội, phân tích việc các đôi nam nữ chưa mặn mà với khám SKTHN, bà Đoàn Thị Hương - chuyên viên tham vấn tâm lý của Trung tâm Tham vấn, nghiên cứu và tâm lý học cuộc sống cho rằng mỗi người đều có lý do khiến họ chưa sẵn sàng đi khám SKTHN.

Có người sợ bị phát hiện ra bệnh tật, sợ bạn bè và người thân dị nghị “chắc là có vấn đề mới đi phải khám”, sợ rằng tình yêu của người kia không đủ mạnh để có thể vượt qua cú sốc, cuộc hôn nhân sẽ tan vỡ... Những suy nghĩ này trở thành nỗi lo sợ, ám ảnh nếu bắt buộc phải tham gia. 

Ở một số quốc gia trên thế giới, việc khám SKTHN đã được luật hóa, nếu không thì cũng thành thông lệ bắt buộc với tất cả những ai muốn kết hôn. Tuy nhiên, vì những lý do trên Việt Nam mới chỉ dừng lại ở góc độ “khuyến khích và tạo điều kiện” theo như Khoản 1 Điều 23 Pháp lệnh Dân số quy định Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho nam, nữ kiểm tra sức khỏe trước khi đăng ký kết hôn… ; Điều 25 Nghị định số 104/2003/NĐ-CP cũng quy định tương tự. 

Mới đây, trả lời báo giới, ông Trần Văn Trị - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ TP HCM cho rằng khám SKTHN là nội dung trọng tâm của công tác dân số trong giai đoạn hiện nay nhằm nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân không chỉ khám cho cặp nam nữ sau này trở thành vợ chồng mà còn là khám cho đứa con trong tương lai. Thế nên theo ông Nguyễn Văn Tiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội trong dự thảo Luật Dân số sắp tới chắc chắn sẽ có quy định bắt buộc khám SKTHN. Nhưng cần phải cân nhắc xem xét để đảm bảo quy định pháp luật được thực hiện một cách thuận lợi và có hiệu quả.

Có thể quy định bắt buộc khám SKTHN ở một số vùng. Còn những vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa thì nên khuyến khích vì không có điều kiện khám sức khỏe, xét nghiệm máu… 

Khám sức khỏe tiền hôn nhân có phải quyền cá nhân?

Để phản đối việc luật hóa, bắt buộc khám SKTHN, nhiều người cho rằng khám sức khỏe là quyền của cá nhân. Tuy nhiên con số hàng năm Việt Nam có khoảng 22.000 - 30.000 trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh sẽ dẫn đến một thực tế rằng nhiều gia đình con sinh ra bị tàn tật nếu cha mẹ không nuôi nổi nên phải dựa vào phúc lợi Nhà nước. Điều này gây tốn kém cho bản thân, gia đình và xã hội. 

Hơn nữa, hiện nay theo khảo sát của ngành DS-KHHGĐ, tỉ lệ vô sinh hiện nay của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ là 10%, trong đó 40% do người chồng, 40% do người vợ, 10% do cả hai người và 10% chưa rõ nguyên nhân.

Khi khám sức khỏe tiền hôn nhân thì sẽ biết vô sinh do ai và từ đó tiến hành điều trị trước khi kết hôn.

Vì chất lượng và số lượng dân số quốc gia, thiết nghĩ những cặp nam – nữ sắp kết hôn nên cân nhắc tới điều này trước khi nói tới “khám SKTHN là tự do cá nhân, không ai có thể can thiệp”./.

Đọc thêm

Rước họa vì thói quen nhiều người hay làm

Bệnh nhân nhập viện vì uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) -  Liên tiếp trong thời gian gần đây, các bác sĩ tại các bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu vì tự ý uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Điều đáng nói, nhiều người hiện nay tự ý sử dụng các loại thuốc này để điều trị nhiều căn bệnh như: Viêm gan B, sỏi túi mật….

Không dễ dãi với mặt hàng đặc thù liên quan sức khỏe

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (dự kiến được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024), mới đây khi được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã được chỉ ra một số nội dung cần xem xét.

Tháng cao điểm an toàn thực phẩm: Địa phương phải kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm

Nhiều học sinh là nạn nhân ngộ độc do đồ ăn trước cổng trường. (Ảnh minh họa - Nguồn: SKĐS)
(PLVN) - Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động các cơ sở nếu không bảo đảm điều kiện, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng...

Người phụ nữ có 2 bàng quang

Người phụ nữ có 2 bàng quang. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) - Các bác sĩ khoa Phẫu thuật tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E mới tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho nữ bệnh nhân cao tuổi có 2 bàng quang.

Lạm dụng thực phẩm ngọt: Suy giảm sức khỏe gia đình

Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần. (Ảnh minh họa - Nguồn: Shutterstock)
(PLVN) - Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần, gây nguy hiểm cho sức khỏe bởi những tác nhân từ bệnh không lây nhiễm. Con số đáng báo động này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cảnh báo tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường vừa diễn ra vào đầu tháng 4/2024.

Khám sức khỏe miễn phí cho hơn 500 học sinh ở Điện Biên Đông

Khám sức khỏe miễn phí cho hơn 500 học sinh ở Điện Biên Đông
(PLVN) - Ngày 13-14/4, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba (Hà Nội) tổ chức Chương trình thiện nguyện tặng quà và thăm khám miễn phí cho hơn 500 học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học Tìa Dình (xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.