Hiến tạng khi còn sống phải trả tiền xét nghiệm: Hợp luật nhưng chưa hợp lòng

Phó giám đốc Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người trao thẻ cho một người tự nguyện hiến tạng.
​
Phó giám đốc Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người trao thẻ cho một người tự nguyện hiến tạng. ​
(PLO) - Mặc dù thông tin phải tốn hàng chục triệu đồng mới được hiến tạng chỉ là thông tin phiến diện, một sự hiểu lầm tai hại, ảnh hưởng đến tâm nguyện tốt đẹp của người muốn hiến tặng một phần cơ thể mình sau khi chết, tuy nhiên, chính bản thân vị Phó Giám đốc trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (bộ Y tế) cũng cảm thấy ‘bối rối’ vì một % sự thật rất nhỏ này.

Như PLVN đã phản ánh trong bài viết Hiểu nhầm tai hại về việc ‘phải có tiền mới được hiến tạng’ việc đăng ký hiến tạng đối với người chết, chết não là hoàn toàn miễn phí, không  phải bỏ ra bất cứ khoản chi phí nào. Trường hợp phải bỏ tiền xét nghiệm chỉ xảy ra đối với những người đang còn sống, nhưng muốn tặng một bộ phận cơ thể mình.

Theo phân tích của  ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (bộ Y tế), y tế Việt Nam và thế giới không khuyến khích các trường hợp hiến tạng khi đang còn sống. Bởi một con người khỏe mạnh, mà phải mổ ra để lấy một phần cơ thể cho người khác là một việc làm bất đắc dĩ. Luật pháp cũng chỉ cho phép người đang sống được tặng 1 quả thận, 1 phần gan, 1 phần phổi. 

Những trường hợp bất đắc dĩ ấy thường gặp là người trong nhà cho nhau để cứu sống người thân của mình trong tình trạng thập tử nhất sinh. Và trong những trường hợp này, việc phải bỏ kinh phí để xét nghiệm “món quà” của mình có phù hợp với người được tặng không, là một việc làm đương nhiên,  hầu hết gia đình bệnh nhân vui vẻ với điều đó. Chi phí xét nghiệm này không đáng kể so với chi phí điều trị cho người đang mắc bệnh nan y cần được thay tạng. 

Có một số trường hợp rất ít những người hiến tặng vô danh, vô lợi nhuận. Họ đều có lý do rất thuyết phục cho việc hiến tặng của mình.

“Quả thật, với các trường hợp này, để họ phải bỏ tiền túi ra để xét nghiệm thì rất bất hợp lý. Dù nhiều hay ít thì đều bất hợp lý, chưa kể việc xét nghiệm các chỉ số cho việc ghép tạng đòi hỏi các hạng mục xét nghiệm cần chi phí cao.” ông Phúc khẳng định. Tuy nhiên, Luật pháp đã quy định như vậy, không thể làm khác.

Ông Phúc cũng chia sẻ thực tế, từ lúc thành  lập trung tâm, số lượng người đăng ký hiến vô danh, vô vụ lợi rất ít, chỉ có 5 trường hợp. Và bởi sự bất hợp lý của việc làm này, nên cả 5 trường hợp hiến tạng vô danh, vô vụ lợi, đều không phải tự trả tiền chi phí xét nghiệm.

Một cán bộ Trung tâm tiết lộ: Lãnh đạo của chúng tôi đã tự bỏ kinh phí, và kêu gọi sự hỗ trợ của các Mạnh Thường Quân để giúp họ trả kinh phí xét nghiệm. 

Hành động này của lãnh đạo và nhân viên Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho thấy chính họ cũng áy náy khi phải để người hiến tạng phải bỏ  tiền chi trả cho việc xét nghiệm.

Đứng trên phương diện của người quản lý, ông Phúc cho biết, dù đã nhận thấy đây là một điểm bất cập, nhưng phương diện quản lý phải tính toán đến nhiều góc độ: 

“Chúng tôi đã  nhận thấy vấn đề này khi  làm Luật. Ban soạn thảo Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác - đã  tính rằng nếu chúng ta quy định ngân sách nhà nước lo tất  cả thì sẽ phát sinh những lỗ hổng. Ví dụ như nhiều người đến đăng ký hiến, nhưng sau đó vì lý do gì đó mà họ không hiến nữa. Thậm chí có có thể có cả những động cơ không trong sáng. Như vậy ngân sách nhà nước sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Các nước trên thế giới cũng không làm như thế. Có người cho rằng, nếu chúng ta không quy định, sẽ thiệt thòi cho những người thực tâm họ muốn hiến vô danh, vô vụ lợi. Nhưng cũng có người cho rằng nếu không có hàng rào, giám sát khả thi thì sẽ bị lợi dụng kẽ hở, giống như việc lợi dụng bảo hiểm y tế hiện nay.”- ông Phúc phân tích.

Theo ông Phúc, ngành Ytế cũng đã tính đến phương án người hiến tặng sẽ tạm đóng chi phí xét nghiệm, khi nào có chứng nhận đã hiến tạng, hoặc khi có kết quả tạng hiến không phù hợp, sẽ được bồi hoàn lại tiền. Tuy nhiên, phương án này vẫn tạo nên sự phản cảm. 

Cũng có người đề nghị việc thanh toán các chi phí cho người hiến sẽ do người nhận tạng chi trả. Phương án này cũng nhanh chóng bị gạt bỏ, bởi việc làm này sẽ giống như tính chất của hành vi mua bán. Mà Luật pháp nghiêm cấm hành vi mua bán tạng dưới bất kỳ hình thức nào.

Một phương án theo vị Phó giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người khá khả thi là BHYT sẽ thanh toán khoản chi phí xét nghiệm này.  Nhưng theo quy định của Luật BHYT thì những khoản xét nghiệm liên quan đến việc hiến tạng lại không có trong danh mục được chi trả. 

“Chúng ta cũng biết thực tiễn luôn luôn đi trước pháp luật. Từ thực tiễn, mới đề xuất sửa đổi, bổ sung, những chính sách mới cho phù hợp, để đạt được mục tiêu, ý nghĩa nhân văn. Qua câu chuyện này, tôi nghĩ đã đến lúc  cần sửa đổi bổ sung cho nó phù hợp. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là tạo ra cơ chế giám sát để  kiểm soát được, nếu không, chúng ta sẽ để kẽ hở pháp luật rất lớn."- Ông Phúc phân trần.

Trả lời câu hỏi cho hướng ‘gỡ rối’ bất cập về việc người hiến tạng khi đang sống phải chi trả tiền xét nghiệm, ông Phúc nói: Có nhiều cách. Có thể chúng ta xây dựng quỹ để hỗ trợ cho các bệnh nhân được ghép tạng, những người hiến tạng.  Nhưng câu chuyện đặt ra là quỹ đó lấy từ nguồn nào? Chắc  chắn là chỉ huy động từ xã hội. Phương án thứ 2 là  BHYT sẽ vào cuộc. 

Ông Phúc bày tỏ: “Tôi nghĩ đây là phương án hợp lý. Bởi chi phí đầu tư cho một ca ghép  để một người  trở về cuộc sống bình thường, sau đó chỉ còn dùng thuốc chống đào thảo, thì  sẽ thấp hơn nhiều so với việc điều trị căn bệnh nan y suốt đời và BHYT phải thanh toán.  Đó là lý do các nước trên tg phát triển, quỹ BHYT thanh toán đến 80- 90% trong các trường hợp này. Đã  đến lúc BHYT cần phải vào cuộc vì lợi ích chính cho BHYT.” 

Hiểu nhầm tai hại về việc ‘phải có tiền mới được hiến tạng’

(PLO) - Gần đây, có thông tin cho rằng phải tốn hàng chục triệu đồng chi phí cho việc xét nghiệm mới được phép hiến tạng. Thông tin này đã làm nhiều người có tâm nguyện đẹp bị nhụt chí. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế) Nguyễn Hoàng Phúc thì đây chỉ là thông tin phiến diện, một sự hiểu nhầm tai hại.

Hiểu nhầm tai hại về việc ‘phải có tiền mới được hiến tạng’

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người

Trả lời phóng viên báo PLVN, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (bộ Y tế) khẳng định: Các trường hợp tự nguyện hiến tạng sau khi bị chết não, sẽ không phải mất bất cứ chi phí nào.

Nếu việc hiến tạng được thực hiện, toàn bộ chi phí cho các xét nghiệm liên quan đến việc lấy tạng sẽ do bệnh viện chi trả. Không những không mất bất kỳ khoản tiền nào, mà người hiến tạng còn được truy tặng kỷ niệm chương, được hỗ trợ mai táng phí. Các chi phí hồi sức, cấp cứu trong giai đoạn người đó ở tại cơ sở y tế, cũng sẽ được miễn phí, như một sự đồng cảm, chia sẻ với gia đình.(đọc tiếp>>>>>)

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.