Hiến mô tạng: Sự sống hồi sinh từ những tấm lòng thiện

Hiến tạng có thể cứu sống được nhiều người. (Ảnh: Internet)
Hiến tạng có thể cứu sống được nhiều người. (Ảnh: Internet)
(PLO) -Số lượng người hiến tặng mô tạng vẫn là vấn đề lớn đối với ngành ghép tạng ở Việt Nam, bởi rào cản quan niệm xã hội của người Việt. Tâm lý sợ hãi, kiêng kỵ với lối suy nghĩ phải toàn vẹn thi thể khi mất đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Thế nhưng, vẫn còn đó những câu chuyện về bao trái tim nhân ái, nguyện cho đi một phần cơ thể mình, để lại nhiều suy ngẫm trong cuộc đời. 

Cho đi là còn mãi

Tại Bệnh viện Việt Đức, trung bình mỗi ngày có 1 – 2 trường hợp chết não, trên cả nước có hàng nghìn trường hợp chết não mỗi năm. Thế nhưng số lượng người chết não cho tạng để cứu những bệnh nhân khác còn rất ít.

Con số bệnh nhân chờ ghép tạng là hàng nghìn trường hợp và trong đó, phần lớn đều đã không có cơ hội để chờ đợi thêm bởi suy gan, suy thận, suy tim… đã đến giai đoạn cuối, không cho phép họ có nhiều thời gian để chờ đợi.

Nỗi đau của một gia đình không may mất đi người thân vì tai nạn lao động, tai nạn giao thông… là một nỗi đau rất lớn. Nỗi đau của những người suy tạng mòn mỏi chờ chết cũng như dao cứa vào trái tim người bệnh, thân nhân người bệnh khi nhìn thấy cái chết được báo trước và sống trong cảnh mỏi mòn chờ cái chết.

Tuy nhiên, chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị Phượng Hoàng, cán bộ truyền thông của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết đã có những câu chuyện về tình nguyện đăng ký hiến tạng lay động cũng như thay đổi nhận thức của cộng đồng Việt Nam.

Như trường hợp bé Hải An vừa bước qua tuổi thứ 7 nhưng đã phát hiện mắc ung thư thần kinh thể sao từ tháng 9/2017. Gia đình đã nhiều tháng nỗ lực điều trị tại Bệnh viện K, tuy nhiên khi thấy con gái khó qua khỏi, mẹ bé đã gọi điện đến Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để xin được hiến tạng con, cứu người khác khi bé qua đời.

Để rồi sau một giờ phẫu thuật, món quà mà Hải An để lại là hai người được ghép giác mạc thành công từ giác mạc của em. Những gì An để lại cho đời, cho mọi người là khai sáng tư tưởng, nhận thức cho nhiều người còn sống, đó chính là giá trị thiết thực nhất.

Câu chuyện của kỹ sư Nguyễn Xuân Hải được bà Nguyễn Thị Phượng Hoàng chia sẻ thêm, anh Hải vốn là một kỹ sư xây dựng (37 tuổi - trú tại ngõ Trại Cá – Hai Bà Trưng – Hà Nội), anh có chuyến công tác tại đảo Phú Quốc (Kiên Giang) và không may gặp tai nạn trong những ngày ở đây.

Khi biết em trai không thể qua khỏi, anh Nguyễn Xuân Hiếu (anh ruột của anh Nguyễn Xuân Hải) đã đưa ra ý tưởng sẽ hiến tặng mô tạng của anh Hải cho những người bệnh nặng. Đề nghị đó của anh Hiếu nhanh chóng được vợ anh Hải là chị Nhữ Mai Trang và cả gia đình ủng hộ. Họ đã thông báo với các bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang về nguyện vọng này.

Sau khi nhận được thông tin kể trên, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã kết nối với Bệnh viện Chợ Rẫy. Ngay lập tức, một kíp bác sỹ của Bệnh viện Chợ Rẫy đã lên đường về Kiên Giang để tiếp nhận mô, tạng của anh Nguyễn Xuân Hải. Hai thận và hai giác mạc của anh Hải đã được tiếp nhận và đưa về ghép cho 4 người bệnh đang chờ đợi.

Hay như câu chuyện của Thiếu tá Lê Hải Ninh là cán bộ thuộc Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp 202, Quân đoàn 1, người Yên Mô, Ninh Bình đang ở tuổi 45 bỗng nhiên bị đột quỵ. Thiếu tá Ninh được tuyến dưới chuyển tới bệnh viện trong tình trạng vô cùng nguy kịch. Anh bị đột quỵ não xuất huyết dưới nhện lan tỏa, phù não, sau hội chẩn đã được hội đồng chuyên môn kết luận bị chết não. 

Trong phòng bệnh, với đủ loại máy móc xung quanh người anh Ninh, khi biết chồng mình không thể qua khỏi, chị Tạ Thị Kiều và gia đình đã bàn bạc, thống nhất tình nguyện hiến tạng của anh để những người bệnh khác có cơ hội được nhìn thấy, được thở và để trái tim anh vẫn còn tiếp tục được đập trên cuộc đời này. Và rồi tim, phổi, hai thận, hai giác mạc của người con Yên Mô, Ninh Bình đã được gia đình hiến để ghép cho 6 người trong ca ghép tạng xuyên Việt vào cuối tháng 2 vừa qua. 

Những câu chuyện của bé An, anh Hải, Thiếu tá Ninh và những người thân trong gia đình họ đang viết tiếp một câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, một hành trình nối dài của sự sống, của những tấm lòng. Họ  đã ra đi và để lại một món quà kỳ diệu giữa cuộc đời với nhiều ước nguyện và gửi gắm yêu thương.

Từ nghĩa cử cao đẹp này, ngành ghép tạng có thêm những bước tiến mới, tạo nên kỳ tích cho y học Việt Nam, đó là ca ghép phổi đầu tiên thành công. Hơn thế, sự sống được nối dài khi cả phổi, tim, thận, giác mạc của người hiến tạng đã mang lại sự sống, đem lại ánh sáng cho 6 con người.

 “Những con số biết nói”

Theo bà Nguyễn Thị Phượng Hoàng, nhu cầu ghép tạng ở Việt Nam là rất lớn. Với số dân hơn 85 triệu người, trong khi đó có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn cần được ghép thận, trên 1.500 người có chỉ định ghép gan (chỉ tính riêng tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội), khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc và trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc và hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi...

Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người được nhiều người ví là nơi giúp cho người khác sống thêm một lần nữa, bởi đơn vị này chính là cầu nối để nhiều bệnh nhân cận kề cái chết có cơ hội được tiếp tục cuộc sống từ nguồn mô tạng của người khác. Còn những người hiến tặng nguồn mô tạng đó, tuy họ mất đi nhưng họ lại có cơ hội sống thêm một lần thứ 2 trên cơ thể của người khác.

“Đến thời điểm hiện tại, trung tâm thành lập được 5 năm thì 4 năm vừa rồi, tức là đến hết năm 2017 có 12.000 người đăng kí và tính đến thời điểm hiện tại trong cả nước có 18.983 trường hợp đăng kí hiến mô tạng, tức là tăng khoảng 7000 trường hợp”, bà Hoàng chia sẻ. Theo bà Hoàng, thời gian gần đây, một điều đáng mừng, sự chủ động liên hệ hiến mô tạng từ những bệnh nhân chết não của các gia đình là điều thay đổi khá rõ rệt và tích cực.

Như trước đây, cán bộ trung tâm khi thấy có trường hợp chết não đều xuống vận động và ít có trường hợp nào chủ động như bây giờ. Thời gian tới, bà Hoàng mong muốn tất cả mọi người hãy biến đau thương thành hành động.

Một người thân không may mất đi nhưng trái tim họ, lá gan của họ vẫn sống trong một cơ thể khác, mang lại một cuộc sống mới hồi sinh cho những người còn cơ hội sống. Mở lòng, sẵn sàng đăng ký hiến tạng nếu không may chết não, nhắm mắt xuôi tay.

Bởi một cuộc đời không may mắn mất đi, nhưng trái tim, lá gan, quả thận... của họ đã mang đến cuộc sống cho những người bệnh khác. Và từ đó câu chuyện truyền thông về hiến tạng không chỉ riêng của ngành Y tế mà còn là vấn đề chung của xã hội, của tất cả chúng ta.

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.