Hà Nội: Không tiến hành các chiến dịch đưa người đi cai nghiện

Không khí hăng say lao động ở Cơ sở cai nghiện ma túy số 7
Không khí hăng say lao động ở Cơ sở cai nghiện ma túy số 7
(PLO) - Ông Phùng Quang Thức - Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) TP Hà Nội – cho biết, Hà Nội đã có chỉ đạo không tiến hành những chiến dịch đưa người đi cai nghiện mà chỉ là xác định những cơ sở ở địa phương, lựa chọn những người nghiện để vận động, tuyên truyền họ đi cai.

Thông tin trên được ông Thức đưa ra tại buổi thăm, làm việc của các phóng viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 7, Hà Nội do Sở LĐ,TB&XH TP Hà Nội phối hợp với Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ tổ chức.

Chuyển đổi cả hình thức lẫn nội dung

Thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng chống ma túy và cai nghiện ma túy; Công văn hướng dẫn của Bộ LĐ,TB&XH về việc chuyển đổi các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, Trung tâm Quản lí sau cai nghiện ma túy thành Cơ sở Cai nghiện ma túy, ngày 20/10 vừa qua, Sở LĐ,TB&XH TP Hà Nội đã công bố Quyết định của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về việc chuyển đổi 7 Trung tâm thành Cơ sở Cai nghiện ma túy.

Theo ông Phùng Quang Thức, việc chuyển đổi các trung tâm thành cơ sở cai nghiện ma túy đang chuyển biến theo hướng tích cực. Việc chuyển đổi không chỉ về hình thức mà còn cả về nội dung. Hiện nay, các cơ sở cai nghiện ma túy đang ngày càng cởi mở, thân thiện với các học viên. Đời sống, tinh thần của họ được quan tâm, các hoạt động chuyên môn, công tác chăm sóc sức khỏe cũng được chú ý. Bản thân các học viên cũng đã có những chuyển biến tích cực. Nhận thức của họ khi đi vào cơ sở cai nghiện cũng đã thay đổi. 

Không chỉ vậy, việc chuyển đổi còn có hiệu quả về mặt kinh tế. Bởi, trước đây, chi phí cho cai nghiện bắt buộc khá lớn nhưng đến nay, khi chuyển dịch sang cơ chế tự nguyện thì gia đình và xã hội đã có một phần trách nhiệm, đóng góp vào việc cai nghiện. Việc đưa người đi cai nghiện đã không còn thành những chiến dịch như trước đây nữa. Hà Nội đã có chỉ đạo không tiến hành những chiến dịch đưa người đi cai nghiện mà chỉ xác định những cơ sở ở địa phương, lựa chọn những người nghiện để vận động, tuyên truyền họ đi cai. Thời gian qua, tình hình an ninh trật tự ở các địa phương trên địa bàn thành phố đã giảm nhiều.

Lo phần chìm của “tảng băng”

Tuy nhiên, ông Thức cũng cho biết, dù đã có những tiến bộ đáng kể nhưng thách thức trong vấn đề quản lý người nghiện hiện còn rất nhiều, nhất là liên quan đến ma túy tổng hợp. Theo đó, số người nghiện ma túy của thành phố có xu hướng giảm đi, trước đây có khoảng 21.000 người nhưng hiện nay chỉ còn 13.091 người, tức đã giảm khoảng 8.000 người. Song, ngược lại, vấn đề sử dụng ma túy tổng hợp lại nổi lên. Việc xác định tình trạng nghiện của những người sử dụng ma túy tổng hợp rất khó và nếu không xác định được tình trạng nghiện thì không thể lập hồ sơ để quản lý được. “Do đó, chúng tôi đánh giá con số 13.091 người là con số nắm bắt được và quản lý được còn con số không quản lý được, tức phần “chìm” của tảng băng nổi còn khá nhiều”, ông Thức cho biết. 

Cũng nhất trí cho rằng việc đánh giá số người nghiện ngoài cộng đồng và tỉ lệ tái nghiện hiện chưa chính xác, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Vũ Văn Trí còn cho rằng cần xem xét nghiêm túc công tác cai nghiện ngoài cộng đồng để tránh khả năng phát sinh thêm nhiều vấn đề liên quan trong bối cảnh hiệu quả của việc cai nghiện ngoài cộng đồng còn thấp do bộ máy, con người không đáp ứng được yêu cầu đặt ra. 

Theo ông Trí, cũng cần xem xét nghiêm túc chủ trương xã hội hóa hoạt động cai nghiện. Bởi, theo ông, nhiều người khi vào Cơ sở cai nghiện số 7 cho biết họ đã bị lừa cai nghiện ở ngoài, mất rất nhiều tiền nhưng vẫn hoàn tái nghiện. “Thậm chí có người bảo chỉ cần nghĩ đến Chúa trời hay tụng kinh là chữa được ma túy hay cả các trung tâm chỉ nghiên cứu tâm lý cũng nói có thể giúp cai nghiện nhưng không giúp người nghiện bỏ được”, ông cho hay. 

Bên cạnh đó, ông Trí cũng đề xuất nghiên cứu sửa đổi các quy định về việc đưa người vào cai nghiện bắt buộc. “Các quy định mặc dù đã sửa đổi nhưng việc thực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn do người nghiện trốn tránh, thủ tục còn khó và một số cơ quan, địa phương chưa quyết liệt. Trước đây, Bộ Tư pháp từng đề xuất lập tòa án ma túy nhưng chưa được thực hiện nên có những địa phương có người nghiện nhưng không đưa được vào”, ông Trí đề xuất. 

Theo Đại tá Phạm Văn Ba – Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo nhân quyền của Chính phủ, hiện nay, một số nước đề cập đến vấn đề nhân quyền liên quan đến công tác cai nghiện ma túy của Việt Nam.
Tuy nhiên, có thể khẳng định quy trình cai nghiện bắt buộc của Việt Nam rất minh bạch, rõ ràng, công khai và việc thực hiện rất bài bản. Sách trắng Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam nhận định cai nghiện bắt buộc là giải pháp mang tính nhân văn, giúp người nghiện có thời gian tránh xa ma túy, đồng thời cung cấp các kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp để tìm việc làm và ổn định cuộc sống.
Quan điểm này phù hợp với một trong những nguyên tắc điều trị cai nghiện ma túy hiệu quả mà Viện Nghiên cứu quốc gia về lạm dụng ma túy thuộc Bộ Y tế và dịch vụ con người của Mỹ đưa ra và được Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên Hợp quốc và Tổ chức Y tế thế giới nhất trí, cho rằng “Điều trị nghiện không nhất thiết phải là tự nguyện để có hiệu quả”.

Tin cùng chuyên mục

Bé gái H.A (5 tuổi, ở Hà Giang) bị chó cắn được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

Cảnh giác khi bị chó tấn công

(PLVN) - Thời gian gần đây, số lượng người bị chó cắn gia tăng và ghi nhận nhiều trường hợp là trẻ nhỏ. Đặc biệt, có những trường hợp trẻ bị chính chó nhà nuôi cắn dẫn đến tổn thương nặng nề.

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.