Dùng mỡ bụng chữa khàn giọng

 BS Hồng tư vấn về bệnh khàn giọng
BS Hồng tư vấn về bệnh khàn giọng
(PLO) - TS.BS Trần Việt Hồng, Trưởng khoa Tai mũi họng, bệnh viện nhân dân Gia Định (TP.HCM) tư vấn cách điều trị hiệu quả nhất bệnh khàn giọng bằng chính.... mỡ bụng.

Khàn tiếng do viêm nhiễm dây thanh

BS Hồng giới thiệu, khàn tiếng còn được gọi là rối loạn thực thể giọng nói, giọng khàn, rè, hụt hơi. Trường hợp khàn nặng, người bệnh nói không rõ tiếng, gần giống câm. Nguyên nhân đầu tiên, khàn tiếng có thể do viêm nhiễm dây thanh (thanh quản).
Với nguyên nhân trên, BS Hồng khuyên người bệnh cần giảm nói và cho miệng nghỉ ngơi nhiều hơn, đồng thời uống nhiều nước. Trường hợp đặc thù công việc phải nói nhiều, bệnh nhân chú ý nghỉ giữa chừng, uống nước thành từng ngụm cách khoảng để làm mát cổ họng. Ngoài ra mọi người tránh ở lâu trong môi trường quá lạnh hoặc quá nóng. Nếu thực hiện nghiêm túc những việc trên, trong vòng 7-10 ngày, bệnh sẽ thuyên giảm rõ rệt.
Ngoài ra còn có nguyên nhân những u nhọt xuất hiện ở vùng thanh quản gọi là hạt dây thanh gây phù ranh-ke (reinke) khiến âm phát ra bị khàn, rè. Nguyên nhân do phát âm quá mức (la, hét). Đặc biệt giáo viên và những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, người làm việc trong môi trường ồn ào dễ bị nổi hạt ở dây thanh. BS Hồng cho hay, trước tiên phải khám nội soi, tuỳ mức độ tổn thương mà áp dụng điều trị nội khoa hay phẫu thuật. Điều trị nội khoa chẳng hạn như giảm nói, nghỉ ngơi, dùng thuốc. Nếu hạt ở dây thanh có kích thước lớn, gây khó thở cần phẫu thuật cắt bỏ hạt.
TS.BS Trần Việt Hồng
 TS.BS Trần Việt Hồng
Trường hợp phức tạp hơn, bệnh nhân bị nổi u nhọt u ác tính ở dây thanh (ung thư thanh quản). Thông thường do bệnh nhân hút thuốc lá quá nhiều, hít thở nhiều khói bụi độc hại. Với u ác tính, biện pháp can thiệp bắt buộc là phẫu thuật nội soi cắt bỏ u. Ngay khi người bệnh bị ung thư thanh quản, chỉ cần được phát hiện sớm thì khả năng điều trị thành công rất cao: “Phát hiện ung thư sớm, chỉ cần cắt bỏ một bên dây thanh là khỏi và người bệnh vẫn nói được. Ngược lại khi u nhọt đã to, phải cắt bỏ cả thanh quản”, BS Hồng nói. Vị bác sĩ khuyên, những người bị khàn tiếng trên 3 tuần mà không có dấu hiệu thuyên giảm cần đến cơ sở y tế khám ngay bởi nguy cơ bị ung thư thanh quản rất cao.
Khàn tiếng do bất động dây thanh (liệt dây thanh)
Liệt dây thanh phân thành 2 nhóm: Liệt một bên và liệt hai bên. Dây thanh bị liệt có thể bởi ảnh hưởng của bệnh lý nội khoa (lao, viêm nhiễm, sốt) hay hậu phẫu những khối u ở vùng cổ, u tuyến giáp, u vùng trung thất. Khàn tiếng do liệt dây thanh là nguyên nhân phổ biến nhất hiện nay. Về hướng điều trị, tuỳ theo mức độ khàn mà áp dụng phương pháp điều trị. Hiện có một số phương pháp chính như sau:
Trước tiên, điều trị hẹp dây thanh một bên. Phương pháp thứ nhất là luyện âm, mục đích để dây thanh lành chồm sang phần thiếu của dây thanh liệt không thể “vươn ra” khép kín thanh ngôn (chỉ nói thành tiếng khi hai dây thanh mở và khép kín). Tuy nhiên việc luyện âm đòi hỏi thời gian lâu, tập luyện khó khăn.
Phương pháp thứ hai là tiêm vật liệu vào dây thanh liệt như mỡ tự nhiên, keo sinh học, chất collagen để làm đầy dây thanh, nhờ đó khép kín thanh ngôn. Trường hợp liệt dây thanh 2 bên, có thế gây khó thở nên bắt buộc phẫu thuật mở thanh quản.
Dây thanh bị liệt còn có thể do thẹo dính khiến dây thanh không thể di động. Thẹo do bẩm sinh hoặc chấn thương gây nên. Những trường hợp này bắt buộc phẫu thuật cắt bỏ u, thẹo. Ngoài ra không ít trường hợp người bị khàn tiếng nhưng dây thanh vẫn bình thường, ví dụ như: Rối loạn giọng nói ở tuổi dậy thì, co thắt thanh quản, làm việc quá sức dẫn đến suy kiệt. Với nhóm nguyên nhân này, BS Hồng tư vấn phương pháp điều trị hữu nghiệm nhất là tập luyện, nghỉ ngơi và hạn chế can thiệp bằng phẫu thuật.
BS Hồng cho biết, khàn tiếng do liệt dây thanh thường gặp nhất. Hiện nay trên thế giới sử dụng các phương pháp điều trị chủ yếu gồm: Luyện âm, tiêm vật liệu, mở khí quản chỉnh đẩy dây thanh, nối dây thần kinh bị liệt với thần kinh số 12 (dây thần kinh chi phối phát âm) hoặc dây thần kinh tuyến giáp.
Tuy nhiên mỗi phương pháp đều có những hạn chế nhất định. Chẳng hạn như nối dây thần kinh cực kì phức tạp, tới hiện tại trên thế giới chỉ mới thực hiện vài ca. Hay phẫu thuật đặt dụng cụ đẩy dây thanh, về lâu dài dụng cụ cũng sẽ lệch đi so với lúc đặt, để lại thẹo.
Phương pháp mới “made in Việt Nam”  
Từ năm 2002, các bác sĩ khoa Tai mũi họng bệnh viện Gia Định được giao thực hiện đề tài nghiên cứu phương pháp điều trị khàn tiếng bằng bơm mỡ tự thân. BS Hồng là trưởng nhóm, đến năm 2006, công trình được thử nghiệm thành công và được công bố.
BS Hồng giải thích, phương pháp bơm mỡ tự thân là lấy mỡ bụng trên chính cơ thể người bệnh kết hợp với cologenl (mô liên kết), sau khi qua xử lí sẽ bơm hỗn hợp này vào dây thanh bị liệt. Sự khác biệt so với phương pháp bơm vật liệu trên thế giới ứng dụng lâu nay đó là nhóm bác sĩ Việt Nam sử dụng mỡ tự thân và mô liên kết để bơm:
“Nếu bơm keo sinh học, mỡ, collagen khi chúng đi vào dây thanh sẽ “chết cứng” luôn bên trong. Còn hỗn hợp mỡ tự thân và mô liên kết có độ dẻo, dễ dàng nắn chỉnh theo mục đích và có thể co giãn. Mặt khác, nhờ sử dụng mỡ bụng của chính người bệnh nên khi bơm vào dây thanh, vật liệu bơm có độ tương thích lớn, phát triển nhanh và không gây ra những dị ứng. Giá thành mỗi ca phẫu thuật nội soi bơm mỡ thấp hơn ở nước ngoài 10-15 lần. Về cơ bản chúng tôi thừa kế phương pháp bơm vật liệu vào dây thanh nhưng thay thế bằng mỡ tự thân cũng như quy trình xử lí vật liệu”, BS Hồng nói.
Ca phẫu thuật nội soi bơm mỡ bụng tự thân chữa trị khàn giọng
 Ca phẫu thuật nội soi bơm mỡ bụng tự thân chữa trị khàn giọng
Ưu điểm nữa, mỗi ca can thiệp chỉ mất 60 phút, ngay hôm sau bệnh nhân có thể xuất viện. Hiện nay, thời gian bơm mỡ được rút ngắn xuống còn 45 phút. Khó khăn lớn nhất của phương pháp trên, đòi hỏi kỹ thuật thực hành cao bởi dây thanh rất nhỏ, nếu bơm không đúng cách, thiếu chính xác dễ gây vỡ, tắc mỡ. Trong khi phẫu thuật, tay bác sĩ bơm mỡ phải đều nhịp, nhẹ nhàng. BS Hồng cho biết thêm, đến nay đã áp dụng phương pháp mới cho hơn 200 bệnh nhân, kết quả đều khả quan và chưa ghi nhận bất kì tác dụng phụ nào. Để chứng minh hiệu quả, TS.BS Hồng đã mời nhiều chuyên gia ngôn ngữ hỗ trợ, sử dụng máy phân tích âm để so sánh giọng nói bệnh nhân trước và sau khi mổ.
Với công trình bơm mỡ tự thân điều trị liệt dây thanh, TS.BS Trần Việt Hồng đã đạt giải 2 Hội thi sáng tạo kĩ thuật TP.HCM, giải 3 Hội thi sáng tạo kĩ thuật toàn quốc 2012-2013. Sau khi đưa vào ứng dụng thực tế, kỹ thuật trên được Bộ Y tế công nhận là phương pháp mới lần đầu tiên thực hiện thành công ở Việt Nam./. 

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.