Chuyên gia Viện Pháp y Quốc gia: Những lưu ý khi giám định ADN

Hình minh họa
Hình minh họa
(PLO) - Giám định ADN nhằm xác định quan hệ huyết thống hoặc phục vụ công tác điều tra “giải mã” các vụ án hiện đang được ứng dụng rộng rãi ở Việt Nam. Ông Hà Hữu Hảo (Viện Pháp Y Quốc gia - Bộ Y tế) sẽ giải đáp những câu hỏi thắc mắc, cũng như chia sẻ những lưu ý liên quan đến công tác giám định ADN.

24 tiếng có kết quả

Trước tiên, xin ông cho biết giám định ADN là gì?

ADN (gen) là chữ viết tắt của Axit DeoxyriboNucleic. ADN tồn tại chủ yếu trong nhân tế bào, trên các nhiễm sắc thể, lưu trữ thông tin di truyền của sinh vật. Một đoạn ADN mang thông tin di truyền còn được gọi là gen. 

Theo di truyền học, ADN của một cơ thể thừa hưởng một nửa từ bố và một nửa từ mẹ, đó là đặc điểm riêng. Giám định ADN là phân tích, so sánh những đoạn ADN tách chiết được từ tế bào của cơ thể gồm: Máu, chân tóc, mô, tinh dịch, dấu vết sinh học chứa ADN. 

Giám định ADN phổ biến ở Việt Nam từ thời gian nào, thưa ông?

Việc ứng dụng công nghệ giám định ADN trong xác định quan hệ huyết thống ở Việt nam bắt đầu từ những năm 1998 đến năm 2000, và bắt đầu phát triển mạnh khoảng từ năm 2005 đến nay. Trước khi có phương pháp này, người ta thường xác định quan hệ huyết thống dựa vào xác định nhóm máu (chủ yếu để loại trừ) hoặc xác định nhân thân bằng cảm quan. 

Vậy giám định ADN ở các nước trên thế giới phát triển trước Việt Nam lâu không?

Công nghệ giám định gen trên thế giới đã phát triển từ những năm 1980 nhằm đáp ứng đòi hỏi tìm kiếm bằng chứng trong việc giải quyết các vụ án tại Hoa Kỳ. Các bằng chứng tìm thấy là các dấu vết sinh học cần xác định danh tính. 

Nói cách khác, công nghệ giám định ADN trên thế giới phát triển sớm hơn chúng ta. Ban đầu công nghệ này chủ yếu phục vụ trong lĩnh vực hình sự, về sau được ứng dụng phục vụ các yêu cầu khác trong xã hội.

Đến nay công nghệ phân tích ADN trên thế giới đã phát triển qua nhiều giai đoạn và đang ở giai đoạn bùng nổ của công nghệ sinh học kết hợp với công nghệ tin học và công nghệ Nano. Kết quả giám định gần như chính xác tuyệt đối.

Công nghệ giám định ADN ở Việt Nam so với các nước tiên tiến có khác biệt gì không?

Đối chiếu ở Việt Nam, giám định AND cũng phát triển mạnh trong những năm gần đây, xét tổng thể không hề thua kém thế giới. Nhiều cơ sở giám định ở nước ta được trang bị các thiết bị máy móc, hóa chất sử dụng trong giám định tuân theo tiêu chuẩn và công nghệ của Hoa Kỳ. Đội ngũ cán bộ giám định được đào tạo bài bản đã trải qua kiểm định tay nghề thành thạo.

Kỹ thuật viên phân tích ADN trong phòng thí nghiệm
Kỹ thuật viên phân tích ADN trong phòng thí nghiệm

Hiện nay Việt Nam có thể giải quyết được tất cả các trường hợp phân tích ADN, thậm chí chúng ta còn là địa chỉ giám định dịch vụ cho nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Thời gian cho kết quả giám định ADN từ 2-3 ngày. Những trường hợp đặc biệt có kết quả trong 24 tiếng.

Tôi cũng xin nói thêm, việc sử dụng máy móc hiện đại, thực hiện quá trình giám định đúng quy trình là điều rất quan trọng có tính quyết định đến chất lượng và độ chính xác của kết quả giám định ADN.

Điều quan trọng nhất là… chuẩn bị tâm lý

Ông có thể hướng dẫn người dân các bước khi giám định ADN? 

Theo tôi, giám định ADN quan trọng nhất là bước chuẩn bị tâm lý. Mọi người cần suy nghĩ kỹ trước khi đi làm giám định ADN. Đặc biệt nên cân nhắc và lường trước về chuyện tình cảm và gia đình sẽ ra sao khi có kết quả giám định. Theo tôi mọi người cần bình tĩnh để suy xét và lựa chọn cách giám định hay lấy mẫu thật kín đáo, tế nhị để không làm tổn thương và thay đổi tình cảm của các thành viên trong gia đình dù kết quả giám định như mong muốn hay không.

Sau bước chuẩn bị tâm lý, mọi người phải chọn cơ sở đủ tin cậy, có đầy đủ tính pháp lý, có trách nhiệm về kết quả giám định ADN để tiến hành giám định. Nếu có điều kiện, chúng ta có thể giám định ở nhiều cơ sở khác nhau để đối chiếu kết quả. Mọi người cần lưu ý rằng hiện nay có rất nhiều cơ sở giám định ADN, tất nhiên tùy theo điều kiện cơ sở vật chất, tính pháp lý mà giá thành có độ chênh nhất định. Tuy nhiên vì kết quả giám định ADN ảnh hưởng lớn đến cuộc sống gia đình nên tốt nhất chúng ta đừng quá nặng nề về chi phí. 

Hiện nay có thể giám định qua những mẫu phẩm nào?

Về việc lấy mẫu giám định thì tất cả mẫu sinh học đều có thể phân tích ADN như máu, tóc. Tốt nhất là lấy mẫu máu, tóc có chân, móng tay, móng chân để giám định sẽ cho kết quả chính xác cao. Đối với các mẫu máu và tóc có chân thì việc tách chiết ADN dễ dàng hơn đối với mẫu móng tay.

Ông cho biết trong giám định ADN cần lưu ý những gì để mang lại kết quả chính xác?

Đối với người đi giám định: Cần cung cấp đầy đủ và trung thực thông tin về mẫu, thân nhân, giới tính. Họ cần được tư vấn về cách lấy mẫu sao cho tránh nhiễm, bảo quản mẫu cho tốt nhất, và các thủ tục pháp lý nếu cần sau này. Ví dụ như khi lấy mẫu nên mang găng tay, bảo quản cách ly hoàn toàn.

Đối với giám định viên: Đòi hỏi có năng lực về chuyên môn, được đào tạo đúng chuyên ngành giám định y khoa. Trong quá trình giám định, giám định viên phải tuân thủ đúng quy trình và trung thực với kết quả.

Ông có thể giải thích cụ thể hơn về cơ chế đánh giá độ chính xác trong giám định ADN?

Việc đánh giá độ chính xác trong giám định ADN rất phức tạp và tuân theo các kết quả nghiên cứu về đa hình trong quần thể người Việt, kết hợp với việc sử dụng các phương pháp thống kê sinh học để tính toán độ phù hợp, tin cậy của việc giám định ADN.

Phức tạp và khó nhất là giám định đối với mẫu xương lâu năm, hài cốt liệt sĩ. Do phần lớn ADN đã bị phân hủy rất nhiều nên việc phân tích ADN từ các mẫu xương này rất khó và ưu tiên phân tích ADN ty thể (di truyền theo dòng mẹ) sau đó đến phân tích trên nhiễm sắc thể Y di truyền trực hệ; và cuối cùng là phân tích trên nhiễm sắc thể thường để tổng hợp thành kết quả cuối cùng. 

Trong trường hợp nào cần thực hiện các phương pháp bổ sung đối với kết quả giám định?

Đối với trường hợp giám định ADN mà đã phân tích tới 24 locus (một Locus là một vị trí trên các nhiễm sắc thể có chứa một hoặc nhiều gen hoặc một trình tự AND) thì độ chính xác rất cao, có thể nói 99,99%. Nhưng trong quá trình giám định có khoảng 1% số vụ xảy ra đột biến giữa hai bố con khác nhau một locus thì việc phân tích ADN cần làm bổ sung các phân tích khác trên nhiễm sắc thể X hoặc nhiễm sắc thể Y để có kết quả chính xác.

Xin cảm ơn ông!

“Việc phân tích ADN chỉ xác định về mặt huyết thống và di truyền. Còn việc một đứa trẻ mà bạn đang nuôi nấng, chăm sóc và yêu thương là cả một số phận, duyên kiếp giữa hai con người; nên nếu có thể tha thứ và kiềm chế những đau đớn để yêu thương, thì đó là điều quý giá nhất trong cuộc đời của bất kỳ ai”, ông Hà Hữu Hảo.

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.