Chăm sóc vết mổ sau phẫu thuật thẩm mỹ

Hình minh họa
Hình minh họa
(PLO) -Phẫu thuật thẩm mỹ là phương pháp làm đẹp bằng cách dùng dao mổ tác động trực tiếp lên da và các bộ phận khác trên cơ thể để cơ thể trở nên đẹp và hoàn hảo hơn.

Việc phẫu thuật thẩm mỹ sẽ làm tổn thương làn da và để lại sẹo sau khi mổ. Vì vậy, việc chăm sóc vết mổ sau phẫu thuật rất quan trọng.

Sau một cuộc phẫu thuật, bác sĩ đã lấy đi các mô, các tổ chức dư thừa, trên cơ thể, đặc biệt là vùng da bề mặt, từ đó làm mới vùng da, đồng thời phần làm mới để lại một vết thương nhỏ và hình thành một vết sẹo sau này.

Quá trình hình thành sẹo đó chúng ta gọi là quá trình sửa chữa và phục hồi vết thương, quá trình này sẽ xảy ra liên tục bao gồm các hiện tượng viêm và phục hồi. Đồng hành quá trình sửa chữa vết thương là các tế bào biểu mô, tế bào nội mạc, tế bào viêm, tiểu cầu và các nguyên bào sợi tập trung lại với nhau để khôi phục hình thành chức năng bình thường.

Các yếu tố ảnh hưởng đến vết mổ thẩm mỹ

Vết mổ thẩm mỹ đạt được sự hoàn hảo và đẹp, ngoài kỹ năng và khéo léo của bác sĩ phẫu thuật, còn có những tác động của nhiều yếu tố.

Tuổi: khi có tuổi, da của chúng ta trở nên kém đàn hồi và trở nên mỏng hơn. Bởi vì, collagen thay đổi khi chúng ta già, và lớp mỡ dưới da của chúng ta trở nên mỏng hơn. Kết quả của những thay đổi này, cùng với ánh nắng mặt trời, hút thuốc lá, tiếp xúc với môi trường và các vấn đề cuộc sống khác nhau, sẽ làm cho vết thương chậm liền khi chúng ta già.

Di truyền xu hướng sẹo: nếu cha mẹ, anh, chị, em ruột có xu hướng có vết sẹo nặng nề, chúng ta có khả năng bị sẹo như vậy. Chính điều đó khi làm thẩm mỹ chúng ta cần trao đổi với bác sĩ phẫu thuật.

Kích thước và độ sâu của vết thương: một vết rạch lớn là có nhiều khả năng để lại một vết sẹo hơn so với một vết rạch nhỏ. Một vết rạch sâu hơn sẽ mất nhiều thời gian để lành và nguy cơ sẹo nhiều hơn.

Cách chăm sóc vết mổ sau phẫu thuật thẩm mỹ

Trong thời gian tuần lễ đầu:

Ngay sau khi phẫu thuật thẩm mỹ xong, chúng ta cần nằm nghỉ ngơi, uống thuốc theo toa của bác sĩ. Những trường hợp phẫu thuật thẩm mỹ lớn như hút mỡ bụng, căng da mặt, nâng ngực… Chúng ta phải nằm viện, có sự chăm sóc của bác sĩ và nhân viên y tế. Ngoài việc sử dụng thuốc, việc ăn uống cũng theo sự hướng dẫn của bác sĩ, trong thời gian nằm viện.

Ngoài việc sát trùng, chúng ta còn có thể sử dụng thuốc bôi để vết mổ mau lành hơn. Trong thời gian đầu khi vết mổ còn chảy dịch, không nên dùng các loại thuốc bôi dạng mỡ hay kem vì thuốc bị nhét trong kẽ càng làm vết mổ lâu lành hơn. Vì vậy, trong những ngày đầu ngay sau khi phẫu thuật, chỉ nên sử dụng thuốc màu hoặc dung dịch sát trùng trên bề mặt.

Khi xuất viện, chúng ta cần được nghỉ ngơi trong tuần lễ đầu. Khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài, cần phải che chắn vết mổ thật kỹ, cần sử dụng những tấm gạc mỏng để hạn chế bụi và vi trùng xâm nhập vào vết mổ.

Hàng ngày, có thể sát trùng nhẹ vết mổ bằng dung dịch nước muối sinh lý, hoặc betadine pha loãng với nước muối sinh lý. Không nên sử dụng các loại dung dịch sát trùng quá mạnh. Nên dùng gạc thấm nhẹ bề mặt vết thương cho khô, chứ không nên chà qua chà lại, làm lệch đường chỉ khâu khiến vết mổ sau khi lành không được đẹp.

Sang tuần lễ thứ 2 trở đi sau mổ thẩm mỹ:

Đối với những vết mổ thẩm mỹ lớn, vẫn cần có sự nằm nghỉ ngơi hoàn toàn, việc dùng thuốc, chăm sóc vết mổ và chế độ ăn uống theo sự chỉ dẫn của bác sĩ phẫu thuật.

Đối với vết mổ nhỏ, trung bình chúng ta có thể làm việc trở lại với những công việc nhẹ, văn phòng và trong phòng có mái che, không nên làm việc ngoài trời tiếp xúc nhiều ánh nắng và không nên làm việc nặng.

Chế độ ăn uống: chúng ta ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, không được ăn những thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng cao khiến vết mổ để lại sẹo xấu sau khi lành. Cần tránh ăn các loại: trứng, thực phẩm lên men (tương, mắm, dưa chua,...), hải sản không còn tươi sống (vì các loại hải sản không còn tươi sống sẽ sản sinh ra chất gây dị ứng). Từ trước đến nay, nhiều người vẫn quan niệm ăn đồ hải sản sẽ làm sẹo lồi.

Tuy nhiên, đây là một quan niệm không hoàn toàn đúng vì đối với những người có cơ địa sẹo lồi, dù không ăn hải sản thì sẹo vẫn bị lồi. Do đó, đối với những người không dị ứng với hải sản thì việc ăn hải sản tươi sống sẽ cung cấp dưỡng chất cho cơ thể, giúp vết thương mau lành hơn.

Nếu là người ăn kiêng, chúng ta có thể sử dụng các thực phẩm chức năng có chứa collagen, vitamin C, đồng, kẽm nhằm cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể. Như vậy, vết mổ sẽ đạt tính thẩm mỹ cao hơn.

Sử dụng thuốc thoa trên vết mổ: chúng ta có thể sử dụng thuốc bôi dạng mỡ hoặc dạng kem để làm vết thương dịu lại và mau lành hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể dùng thuốc bôi dạng kem có chứa kháng sinh để hạn chế nhiễm trùng, hoặc một số loại thuốc bôi lành sẹo có chiết xuất từ thiên nhiên.

Những lưu ý chăm sóc vết mổ thẩm mỹ

Đầu tiên, chúng ta cần khai báo tình trạng sức khỏe của bản thân, đặc biệt có các bệnh lý nào đi kèm, cơ địa có dị ứng không, bản thân và gia đình có bị sẹo lồi hay không, để bác sĩ phẫu thuật đánh giá và có lời khuyên tốt nhất.

Giai đoạn sau phẫu thuật thẩm mỹ, nếu cơ thể có những vấn đề gì lạ, cần báo ngay cho bác sĩ biết, không nên tự ý mua thuốc tại nhà thuốc tây về uống điều đó gây nguy hiểm cho cơ thể và ảnh hưởng xấu đến sự lành vết mổ.

Khi thấy vết thương chảy dịch màu vàng (dịch bình thường có màu trong suốt hoặc màu nâu) và bề mặt vết thương không còn khô ráo thì nên đến gặp bác sĩ phẫu thuật để được chăm sóc kịp thời vì những dấu hiệu trên chính là biểu hiện của nguy cơ nhiễm trùng.

Ngoài việc sử dụng thuốc uống và thuốc bôi theo chỉ định của bác sĩ phẫu thuật, cũng cần có một chế độ chăm sóc da như sau: tránh nắng tuyệt đối từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Thoa kem chống nắng có chỉ số chống nắng SPF>5O.

Tránh uống các thuốc gây tăng sắc tố da như: kháng sinh nhóm cycline (tétracycline, doxycycline, minocycline); kháng sinh nhóm Quinolone; kháng sinh nhóm Sulfamide (sulfadiazine, bactrim...); thuốc kháng nấm (griséofulvine); các loại thuốc chống viêm. Không sử dụng các sản phẩm có chứa chất Bergamot Oil hay dầu thơm. Những chất này dễ bắt nắng, làm tăng sắc tố da, từ đó gia tăng nguy cơ tăng sắc tố sau viêm.

Dùng các sản phẩm tẩy rửa nhẹ nhàng, trung tính, không gây kích thích, dị ứng. Nếu phẫu thuật thẩm mỹ ở vùng mặt, không được chà xát khi rửa mặt, không được massage mặt hay đắp mặt nạ.

Không tự ý sử dụng bất cứ loại thuốc bôi (ngay cả các sản phẩm dưỡng da đang sử dụng) và thuốc uống nào khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ phẫu thuật.

Đọc thêm

Không dễ dãi với mặt hàng đặc thù liên quan sức khỏe

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (dự kiến được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024), mới đây khi được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã được chỉ ra một số nội dung cần xem xét.

Tháng cao điểm an toàn thực phẩm: Địa phương phải kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm

Nhiều học sinh là nạn nhân ngộ độc do đồ ăn trước cổng trường. (Ảnh minh họa - Nguồn: SKĐS)
(PLVN) - Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động các cơ sở nếu không bảo đảm điều kiện, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng...

Người phụ nữ có 2 bàng quang

Người phụ nữ có 2 bàng quang. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) - Các bác sĩ khoa Phẫu thuật tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E mới tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho nữ bệnh nhân cao tuổi có 2 bàng quang.

Lạm dụng thực phẩm ngọt: Suy giảm sức khỏe gia đình

Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần. (Ảnh minh họa - Nguồn: Shutterstock)
(PLVN) - Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần, gây nguy hiểm cho sức khỏe bởi những tác nhân từ bệnh không lây nhiễm. Con số đáng báo động này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cảnh báo tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường vừa diễn ra vào đầu tháng 4/2024.

Khám sức khỏe miễn phí cho hơn 500 học sinh ở Điện Biên Đông

Khám sức khỏe miễn phí cho hơn 500 học sinh ở Điện Biên Đông
(PLVN) - Ngày 13-14/4, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba (Hà Nội) tổ chức Chương trình thiện nguyện tặng quà và thăm khám miễn phí cho hơn 500 học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học Tìa Dình (xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đẩy mạnh công tác khám chữa bệnh, đào tạo nhân lực cho nước bạn Lào

Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế trực tiếp hướng dẫn các bác sĩ Bệnh viện Mahosot thực hiện các kỹ thuật can thiệp nội soi tiêu hóa.
(PLVN) - Chiều 13/4, thông tin từ Bệnh viện Trung ương Huế, đoàn y bác sĩ của đơn vị này vừa kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tại thủ đô Viêng Chăng (Lào) đánh dấu sự hợp tác hữu nghị của ngành y tế hai nước, giúp nâng cao chất lượng chăm sóc y tế cho người dân Lào. Qua đó, góp phần thắt chặt thêm mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa 2 nước.

Con số đáng tự hào về hiến máu tình nguyện

Tình nguyện viên tham gia hiến máu. Ảnh: Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương
(PLVN) - Bộ Y tế đánh giá cao sự điều phối, tương trợ, "chia lửa" của các Trung tâm Truyền máu trên cả nước trong lúc khó khăn, đặc biệt đã hỗ trợ hàng chục nghìn đơn vị máu cho đồng bằng sông Cửu Long. Tỷ lệ hiến máu tình nguyện nước ta hiện đạt 97%...