Các tỉnh phía Nam hứng “bão” dịch bệnh tay chân miệng

Các tỉnh phía Nam hứng “bão” dịch bệnh tay chân miệng
(PLO) - Chiếm tới 78,5% số ca bệnh của cả nước, các tỉnh khu vực phía Nam đang là điểm nóng của bệnh tay chân miệng. Cục Y tế Dự phòng cảnh báo bệnh có nguy cơ bùng phát dịch rất cao, người dân cần chủ động phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe cho con trẻ.
Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) từ đầu năm đến ngày 29/5 cả nước ghi nhận 24.730 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 62 địa phương trong đó có hai trường hợp tử vong tại tỉnh Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu. Nếu so với cùng kỳ năm 2013 thì năm nay tỷ lệ mắc bệnh trên cả nước đã giảm gần 14% (năm 2013 ghi nhận 28.725 ca bệnh).
Tuy nhiên, khác với tình hình năm trước tay chân miệng có xu hương phân bố đều trên cả nước thì trong năm nay bệnh đang tập trung chủ yếu tại các tỉnh phía Nam. Ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cho biết: “Khu vực phía Nam đang chiếm tới 78,5% tổng số ca bệnh tay chân miệng từ đầu năm đến nay. Năm tỉnh thành có số ca bệnh đã tăng cao so với năm trước và hiện vẫn chưa có chiều hướng chững lại gồm: TPHCM; Bà Rịa – Vũng Tàu; Cà Mau; Lâm Đồng; Sóc Trăng”.
Cũng theo ông Bắc, bệnh tay chân miệng đang có những diễn biến phức tạp tại một số nước lân cận như Trung Quốc (bệnh tăng 92,4%); Ma Cao (tăng 79,7%); Singapore (tăng 2,3%). Tay chân miệng là bệnh chưa có vắc-xin dự phòng và thuốc điều trị đặc hiệu, bên cạnh đó điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường còn chưa tốt nên Việt Nam cũng đang đứng trước nguy cơ gia tăng tỷ lệ mắc bệnh, bùng phát dịch trong thời gian tới.
Trước tình hình bệnh tay chân miệng đang có những diễn biến phức tạp có nguy cơ kết hợp với các dịch bệnh khác như sởi, sốt xuất huyết đe dọa sức khỏe cộng đồng, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu các bệnh viện tại khu vực phía Nam chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, nhận lực, thuốc, vật tư, hóa chất, giường bệnh, khu cách li điều trị bệnh truyền nhiễm… sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xảy ra.
Trẻ mắc bệnh điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 1
Trẻ mắc bệnh điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 1 
Để hạn chế nguy cơ dịch bệnh gia tăng, lây lan, bùng phát trên diện rộng Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày. Đối với người chăm sóc trẻ ngoài việc vệ sinh cá nhân sạch sẽ cần rửa tay trước khi chế biến thức ăn; rửa tay trước khi cho trẻ ăn, trước khi bế trẻ, sau khi làm vệ sinh cho trẻ.
Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ dinh dưỡng, ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm hoặc mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như ly, bát, đĩa, muỗng… Đồ chơi, khu vực sàn vui chơi của trẻ cần được rửa sạch, lau sạch hàng ngày bằng dung dịch sát khuẩn; thu gom chất thải của trẻ đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh tay chân miệng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Bệnh diễn tiến nặng có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ, kịp thời phát hiện, cách ly và đưa ngay đến cơ sở y tế để được chăm sóc, điều trị kịp thời. Trẻ mắc tay chân miệng cần được cách ly ít nhất 10 ngày kể từ khi bệnh khởi phát, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến trường hoặc vui chơi với các trẻ khác để hạn chế nguy cơ phát tán mầm bệnh. 

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.