Ca phẫu thuật tưởng như “không tưởng” tại BV 108

Bệnh nhân đã có thể tự cầm mic bằng tay được ghép
Bệnh nhân đã có thể tự cầm mic bằng tay được ghép
(PLVN) - Bệnh viện (BV) Trung ương Quân đội 108 vừa thực hiện thành công ca ghép chi thể đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á, đồng thời cũng là ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống. Thành công này mở ra hướng điều trị mới trong tương lai cho những bệnh nhân không may mắn.

Ngày 3/1, BV 108 tiếp nhận một ca bệnh nặng và phức tạp, bệnh nhân bị băng chuyền của máy tải gạch cuốn và đè ép trực tiếp lên tay trái từ vùng 1/3 dưới cẳng tay cho đến sát nách. Trong 3 tuần điều trị với 3 lần mổ, mặc dù các bác sĩ đã nỗ lực cứu cánh tay cho bệnh nhân nhưng vẫn xuất hiện tình trạng hoại tử vùng khuỷu tay và cơ, nhiễm trùng không cứu vãn được và đe doạ tính mạng bệnh nhân. 

Sau khi được hội chẩn nhiều lần, các bác sĩ đã thống nhất chỉ định phải cắt cụt chi thể ngang mức 1/3 trên cánh tay. Tuy nhiên, sau nhiều lần thăm khám cho bệnh nhân, các bác sĩ nhận thấy 1/3 cẳng tay dưới lại có khả năng phục hồi chức năng và có thể sử dụng để ghép cho những bệnh nhân bị cụt ở vị trí tương ứng mặc dù bàn tay của bệnh nhân cũng đã bắt đầu thay màu, thiếu dưỡng thể...

Sau khi nghe giải thích của các bác sĩ, bệnh nhân và gia đình đã đồng ý và tự nguyện hiến một phần chỉ thể của mình cho bệnh nhân khác như một nghĩa cử nhân văn cao đẹp. 

Các bác sĩ đã tìm được bệnh nhân là anh Phạm Văn Vương, 31 tuổi, ở Thanh Trì, Hà Nội, từng bị tai nạn lao động từ năm 2016, điều trị tại BV 108 và phải cắt bỏ 1/3 dưới cẳng tay và bàn tay trái bị giập nát, biến dạng hoàn toàn. Bệnh nhân có các chỉ số nhóm máu, mô, sự miễn dịch... hoàn toàn phù hợp với người cho. 

Giám đốc BV 108, GS.TS. Mai Hồng Bàng cùng các bác sĩ trong ê kíp phẫu thuật đã hội chẩn đặc biệt và quyết định sẽ thực hiện ca mổ “ghép bằng tay mới” cho bệnh nhân Vương. Ê kíp mổ hoàn toàn do GS.TS. Nguyễn Thế Hoàng, Phó Giám đốc BV 108 cùng các bác sĩ của Bệnh viện thực hiện. 

Sau 8 tiếng, ca mổ “ghép cẳng tay và bàn tay mới” từ người hiến sống cho bệnh nhân Vương được thực hiện thành công. Tất cả các cấu trúc giải phẫu đã phục hồi và bàn tay ghép đồng loại (được ghép từ người khác) được tưới máu đầy đủ giống như tay lành. Hiện nay, một tháng sau ca mổ, bệnh nhân đã có thể sử dụng bàn tay ghép để cầm nắm một số đồ vật thô. 

Theo GS.TS. Hoàng, người trực tiếp thực hiện ca ghép chi cho bệnh nhân, ghép chi thể đồng loại (ghép bộ phận cơ thể của người khác) rất khác và khó khăn, phức tạp hơn nhiều so với ghép các bộ phận khác (như tim, phổi, gan, thận...) vì bộ phận chi thể có rất nhiều cấu trúc cơ phức tạp từ: Da, cơ (43 cơ), gân, xương, khớp, sụn khớp, mạch máu (8 mạch máu)...

Khó khăn nữa là vấn đề chống thải ghép, chống nhiễm khuẩn... ở người nhận, đặc biệt là khó khăn về kỹ thuật do khối cơ của người nhận đã bị bó buộc lâu năm nên vấn đề về mạch máu thần kinh và thải ghép càng khó khăn. Một vấn đề nữa, đây là ca ghép từ người cho sống, nên vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn từ bộ phận này cũng cực kỳ quan trọng.

GS.TS. Bàng cho biết, đối với cấy ghép chi thể từ người khác (đồng loại) thì trên thế giới, các nước phát triển cũng mới chỉ ghép được 89 ca trong 20 năm nay vì đây là kỹ thuật rất khó và cả 89 ca này đều từ người cho chết não và chưa có ca nào từ người cho sống.

“Trước kia, chúng ta cứ nghĩ đó là việc không tưởng, thậm chí hoang tưởng nhưng giờ chúng ta đã thực hiện trong thực tế và thành công”, ông Bàng chia sẻ. 

Đánh giá về ca ghép chi đồng loại này, GS.TS. Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam chia sẻ, đây là một thành công tuyệt vời vì đó là kỹ thuật rất khó, rất phức tạp nhưng các bác sĩ của Việt Nam đã thực hiện được. 

“Nếu ghép tạng là cứu sống người bệnh thì ghép chi là nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Điều khác nhau cơ bản của ghép tạng và ghép chi là vấn đề miễn dịch, mặc dù bệnh nhân đều phải dùng thuốc chống thải ghép ức chế miễn dịch nhưng thải ghép chi thể khó hơn rất nhiều”, ông Khánh cho biết.

Ông Khánh cũng chia sẻ, ca bệnh này là ca đầu tiên thành công tại Việt Nam vì nó hội tụ đầy đủ các yếu tố, điều kiện, trang thiết bị cũng như nhân lực. Trước tiên là phải có “cơ hội” có bệnh nhân bị chấn thương chi nhưng không tự ghép được mà phải đủ điều kiện để ghép lại cho người khác.

Thứ hai là khi có trường hợp chi của nạn nhân ghép được cho người khác thì không phải cơ sở y tế nào cũng làm được, bởi vì khi bệnh nhân vào cấp cứu, các bác sĩ luôn phải xác định cứu bệnh nhân trước.

Nếu chi đó không thể phục hồi mà có thể ghép cho bệnh nhân khác thì cũng không thể ghép được vì phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ rất lâu, từ trang thiết bị đến nhân lực cũng phải được đào tạo. Khi các cơ hội này hội tụ đầy đủ cùng lúc thì đó mới là thời cơ thực hiện được. Và BV 108 đã thực hiện thành công trên những điều kiện đó.

Theo GS.TS. Bàng, thành công này đã mở ra triển vọng rất lớn cho thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Hiện BV 108 đã thực hiện ghép chi thể tự thân thường quy từ đốt ngón tay, ngón chân tự thân. Tuy nhiên, ca ghép chi thể đồng loại (từ người khác) thì đây là lần đầu tiên, mở ra triển vọng lớn cho những nạn nhân không may bị tai nạn. 

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.