Bệnh ung thư hoành hành ở ngôi làng thiếu nước

Bệnh ung thư hoành hành ở ngôi làng thiếu nước
(PLO) - Ít ai ngờ rằng ở huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hoà), nơi nổi tiếng với những danh thắng nổi tiếng như bãi biển Đại Lãnh, vịnh Vân Phong, lại có một xã ven biển suốt 20 năm qua người dân luôn phải canh cánh nỗi lo vì sử dụng nguồn nước ô nhiễm.
Năm năm trở lại đây, người dân càng thêm hoang mang khi chứng bệnh ung thư quái ác đã cướp đi cuộc sống hàng chục người dân.
“Vùng đất dữ” ven biển
Vạn Hưng là một xã đồng bằng, tiếp giáp với biển và có trục đường quốc lộ 1A đi qua. Khung cảnh vùng quê này cũng thanh bình, yên ả như bao miền quê khác, dân trong vùng còn được tận hưởng bầu không khí trong lành do trực tiếp đón gió từ biển thổi vào đất liền.
Thế nhưng, cách đây 5 năm, cuộc sống bình yên ấy bỗng “dậy sóng” bởi hàng loạt trường hợp người dân đổ bệnh, rồi sau đó nhanh chóng qua đời. Điều khiến ai nấy đều “sởn gai ốc” khi những cái chết bất thường chỉ tập trung vào hai thôn: Xuân Đông và Xuân Tây.
Ông Vũ Trọng Nậm, Trưởng thôn Xuân Đông, cho biết: “Trong 5 năm qua, thôn Xuân Đông có tới gần 20 người chết vì ung thư, trong đó nhiều nhất là ung thư dạ dày. Người mắc bệnh thường là ở độ tuổi lao động từ 40 – 50”. Cũng theo vị trưởng thôn, vì điều kiện kinh tế khó khăn nên những người dân ở đây khi mắc bệnh thường không được phát hiện và khám chữa kịp thời.
“Lúc phát hiện đã ở giai đoạn cuối cùng, chỉ điều trị  được vài tháng thì bệnh viện trả về. Nhiều người chết vì ung thư đến nỗi người dân những nơi khác mỗi khi có dịp đi ngang qua thôn Xuân Đông đều gọi đây là “đất dữ”, vị trưởng thôn tiếp lời.
Ông Cao Như Hoàng, Trưởng thôn Xuân Tây thì cho biết: “Xuân Tây có 250 hộ dân, số dân xấp xỉ một nửa số dân Xuân Đông, số người chết vì ung thư cũng khoảng phân nửa so với Xuân Đông, gần 10 người. Hiện nay vẫn có một số trường hợp mới mắc bệnh đang điều trị tại các bệnh viện tại TP.HCM”.
Theo lời trưởng thôn Hoàng, trước những cái chết thương tâm ở hai thôn như đã đề cập, đến nay vẫn chưa có bất kì đoàn khoa học nào về nghiên cứu nguyên nhân gây bệnh. Vì vậy, người dân đến giờ phút này vẫn “đoán già, đoán non”...
Hồ lọc nước 2,7 tỷ đồng cũng đắp chiếu
Bà Trần Thị Thu, Chủ tịch xã Vạn Hưng, cho biết: “Năm 1993, dự án hồ chứa nước Đá Bàn được triển khai, sau đó một hệ thống thủy lợi đưa nước về cho dân trong vùng sử dụng được xây dựng. Đến năm 1995, xã Vạn Hưng có chủ trương thành lập hai thôn Xuân Đông, Xuân Tây.
Vì hai thôn này tiếp giáp với biển, nên không thể đào giếng vì nước tại khu vực này bị nhiễm phèn rất nặng. Người dân chủ yếu sử dụng nước từ hồ Đá Bàn xả về. Nhưng từ 3 tháng nay, không biết vì sao hồ này không xả nước nữa. Chính vì vậy, người dân hai thôn Xuân Đông, Xuân Tây hiện đang sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng”.
Về các giải pháp để hỗ trợ người dân, bà Thu cho biết năm 2004, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã đầu tư 2,7 tỷ đồng xây dựng một hệ thống bơm và hồ chứa, lọc nước sạch đưa về hai thôn Xuân Đông, Xuân Tây.
Khi đó, mỗi hộ dân đã đóng góp từ 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng để làm đường ống dẫn nước vào nhà. Hệ thống nước sạch này đáp ứng tạm đủ nhu cầu của người dân, nhưng từ cách đây 3 tháng, hồ lọc nước tiền tỷ cũng “đắp chiếu” vì hồ Đá Bàn không xả nước về.
Thiếu nước sạch đã trở thành nỗi ám ảnh đè nặng lên đời sống của bao thế hệ con người hai thôn thuộc diện “vùng sâu, vùng xa” của Vạn Ninh. Ông Vũ Trọng Nậm, trưởng thôn Xuân Đông cho biết, chuyện hồ lọccạn nước từng tái diễn vào nhiều mùa khô trước đây.
Vị trưởng thôn đưa chúng tôi đi xem một con mương rộng chừng hơn 1m. Theo lời giới thiệu của ông Nậm, đây vốn là mương dẫn nước từ hồ Đá Bàn về đồng bằng và đó cũng là nguồn nước chính của thôn Xuân Đông. Giờ đây, con mương này đã trơ đáy, chỉ còn thấy bùn, rác và vỏ chai thuốc trừ sâu nằm ngổn ngang.
Vị trưởng thôn cho hay: “Những phiến đá cuội xếp khá ngay ngắn nằm trơ dưới lòng kênh mương đó là “bến nước” của người dân trong thôn. Mỗi khi mương có nước, bà con kéo nhau ra đó tắm, giặt, có người lấy cả nước về lọc và sử dụng”.
Để đối phó với tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nhiều hộ dân đào ao giống như ao thả cá, rộng vài chục mét vuông, sâu 3 – 4 thước để trữ nước từ kênh mương. Sau đó, họ xây dựng những giếng nhỏ, dưới giếng đổ một lớp cát để lọc nước từ các ao thẩm thấu vào làm nước sinh hoạt. Tất cả mọi việc, từ nước dùng cho ăn, uống, tắm, giặt… đều dùng nguồn nước này.
Thời điểm này, nhiều ao chứa nước của người dân cạn khô đáy, ao nào còn nước thì nước cũng ngả màu vàng quạch, rong rêu xuất hiện dày trên mặt ao. Vậy mà, người dân vẫn cứ sử dụng vì không có nguồn nước nào khác để thay thế. Một người dân buồn rầu bày tỏ: “Dù biết nguồn nước lấy từ kênh mương, bờ ruộng bị ô nhiễm từ xác chết súc vật, rác thải và nhất là thuốc trừ sâu, nhưng trong hoàn cảnh này, người dân không có sự lựa chọn khác nên đành cam chịu”.
Một số người dân có điều kiện hơn thì bỏ tiền ra mua nước sinh hoạt. Họ phải đi gần chục cây số để mua nước, giá nước có khi lên đến 150.000 đồng/m3.
Anh Huỳnh Văn Dũng, một người dân được xem là có kinh tế tương đối khá giả tại thôn Xuân Đông cũng giật mình trước số tiền mua nước. Gia đình anh có 7 người, nên nhẩm tính mỗi tháng cũng phải bỏ ra cả triệu đồng chỉ để mua nước, một con số không phải nhỏ ở nông thôn.
Trong nhiều cuộc tiếp xúc đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, người dân hai thôn Xuân Đông, Xuân Tây đều phản ánh tình trạng thiếu nước sạch, mong muốn được cơ quan chức năng quan tâm hơn, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Với mong muốn có nguồn nước sạch cho dân trong vùng sử dụng, vị trưởng thôn Xuân Đông, đưa kiến nghị: “Theo tôi, hiện nay cách tốt nhất để dân Xuân Đông và Xuân Tây có nước sạch là lắp đường dẫn nước từ thị xã Ninh Hòa ra. Còn lấy nguồn nước tại huyện Vạn Ninh thì rất khó vì bản thân đường ống cung cấp nước tại Vạn Ninh đã quá tải so với nhu cầu hiện tại”.
Trao đổi với Xa lộ Pháp luật, Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh nói: “Việc người dân hai thôn Xuân Đông và Xuân Tây 20 năm qua mòn mỏi chờ nước sạch và nhiều người mắc bệnh ung thư là có thật.
Hiện nay, hồ nghi duy nhất về nguyên nhân gây bệnh ung thư là việc sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Tuy nhiên, người dân vô cùng lo lắng là thời điểm hiện tại vẫn chưa có đoàn khoa học nào về địa phương kiểm tra, hay lấy mẫu nước làm xét nghiệm, xác định nguyên nhân để trả lời thỏa đáng cho dân. Vừa qua chính quyền xã đã gửi tờ trình lên UBND huyện, đồng thời kêu gọi các cơ quan chức năng giúp đỡ về các biện pháp chuyên môn để sớm có hướng xử lý".

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.