Bé sinh non 24 tuần 5 ngày, nặng 550 gram được nuôi sống và xuất viện khỏe mạnh

(PLVN) - Sau gần 4 tháng được chăm sóc tích cực tại BVĐK Tâm Anh (Hà Nội), bé sinh non lúc 24 tuần 5 ngày, cân nặng chỉ 550 gram đã khỏe mạnh xuất viện với cân nặng 3 kg. Kỳ tích mới này tiếp tục làm giàu thêm bảng thành tích của BVĐK Tâm Anh nói riêng và ngành y tế Việt Nam nói chung.
Bé gái sinh non 24 tuần 5 ngày được nuôi dưỡng thành công tại khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (Hà Nội)
Bé gái sinh non 24 tuần 5 ngày được nuôi dưỡng thành công tại khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (Hà Nội) 

Tiền sử 2 lần IUI và 4 lần IVF bất thành, từng mất con ở tuần thai 21 do sảy, một lần thai ngoài tử cung…, chị N.T.D (29 tuổi, Hưng Yên) tưởng đã không còn cơ hội làm mẹ, nhưng ngay lần đầu tiên thực hiện thụ tinh ống nghiệm (IVF) tại BVĐK Tâm Anh (Hà Nội) chị đã có thai.

Hạnh phúc chưa được bao lâu, ở tuần thai thứ 6, chị D bị dọa sảy, phải nhập viện chăm sóc đặc biệt tại khoa Sản BVĐK Tâm Anh (Hà Nội). Bình yên được hơn 2 tháng, chị lại phải nhập viện cấp cứu ở tuần thai thứ 16 trong tình trạng có cơn co, cổ tử cung mở, có dấu hiệu sinh non, các bác sĩ sản khoa phải điều trị rất tích cực để cắt cơn co tử cung.

Chị tiếp tục bị dọa sảy ở tuần thai thứ 18 và 19, cổ tử cung chỉ còn 12mm và lỗ trong 21mm. Các bác sĩ tiên lượng vô cùng xấu: Thai nhi có nguy cơ cao thiếu oxy, chết trong bụng mẹ. 

“Trường hợp dọa sảy do cổ tử cung ngắn ở tuần thai 18 là vô cùng khó khăn, khả năng giữ thai cực thấp, thai phụ dễ nhiễm trùng lòng tử cung, nhiễm trùng huyết, khó có thể đảm bảo được chuyện mẹ tròn con vuông. Khâu vòng tử cung cũng không ngăn nổi cổ tử cung mở hết lúc 22 tuần, ối phồng căng, nguy cơ sảy thai chỉ còn tính từng phút. Và nếu như thai nhi chào đời lúc 22 tuần thì 100% là không thể nuôi được”.

Kết luận không mấy tươi sáng của cuộc hội chẩn ngay trong đêm giữa ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê - bác sĩ cao cấp khoa Phụ sản và BSCKII Lê Tố Như - Trưởng khoa Sơ sinh, cùng các chuyên gia hàng đầu về sản khoa và khoa sơ sinh của BVĐK Tâm Anh khiến quyết tâm giữ con cho cặp vợ chồng hiếm muộn càng thêm cháy bỏng.

“Trong tình huống ngàn cân treo sợi tóc, chúng tôi quyết định áp dụng thủ thuật chưa từng được nhắc đến trong y văn thế giới với hy vọng kéo dài thêm thời gian thai nhi được nằm trong bụng mẹ”, ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê xúc động nhớ lại quyết định đúng đắn của cả ekip đã giúp thai nhi an toàn trong bụng mẹ thêm gần 3 tuần.

Khi thai được 24 tuần 5 ngày, chị D bất ngờ sốt cao, nguy cơ nhiễm trùng gây nguy hiểm tính mạng của cả 2 mẹ con, các bác sĩ quyết định mổ bắt thai. Bé gái chào đời tại khoa Sản BVĐK Tâm Anh với cân nặng chỉ 550 gram.

Bé gái con chị N.T.D chào đời tại khoa Sản, BVĐK Tâm Anh (Hà Nội) lúc 24 tuần 5 ngày, cân nặng chỉ 550 gram
Bé gái con chị N.T.D chào đời tại khoa Sản, BVĐK Tâm Anh (Hà Nội) lúc 24 tuần 5 ngày, cân nặng chỉ 550 gram 

Đây là ca trẻ sinh cực non, sau sinh không thở, không khóc, không có phản xạ, trên da nhiều mảng bầm tím, nhịp tim chậm. Với sự phối hợp chặt chẽ của khoa Sản và khoa Sơ sinh, các bác sĩ hồi sức tích cực sơ sinh đã túc trực ngay trong phòng sinh, BS Lê Tố Như đã ngay lập tức đặt nội khí quản cho bé và nhanh chóng chuyển bé về khoa Sơ sinh bằng thiết bị chuyên dụng. 

Với hơn 35 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sơ sinh, BS CKII Lê Tố Như - Trưởng khoa Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh đã nuôi thành công nhiều trẻ sinh non, nhẹ cân, nhưng vẫn khẳng định đây là một ca đặc biệt và khó.

“Trẻ sinh cực non (dưới 28 tuần thai) và nhẹ cân (dưới 1.000g) tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ sơ sinh như ngạt, suy hô hấp, xuất huyết não và phổi, hoại tử ruột, nhiễm khuẩn, rối loạn chuyển hóa, tan máu vàng da… Do đó, chúng tôi phải áp dụng cùng lúc nhiều biện pháp đồng bộ, như nằm lồng ấp, thở máy SIMV qua Nội khí quản, bơm Surfactant, nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn, kháng sinh, thuốc vận mạch… qua catheter tĩnh mạch rốn, đồng thời đặt động mạch rốn để theo dõi huyết áp liên tục. Trẻ cũng được làm các xét nghiệm máu, chụp X-quang… để tầm soát các bệnh lý.”, BS Như chia sẻ.

Tuy nhiên, do sinh cực non và rất nhẹ cân, sức khỏe của bé vô cùng yếu, sau 2 giờ thở máy, tình trạng chuyển biến xấu nhanh chóng, nguy cơ tử vong. BSCKII Lê Tố Như đã quyết định cho trẻ thở máy tần số cao (HFO), truyền máu, duy trì vận mạch liều cao và tiếp tục bơm Surfactant lần 2, điều chỉnh rối loạn điện giải, đường huyết, toan máu nhằm ngăn chặn các cơn co thắt, khó thở, rối loạn nhịp tim. Tình trạng của trẻ dần chuyển biến tích cực, các y bác sĩ thở phào khi đã vượt qua thời khắc khó khăn nhất.

Với chế độ chăm sóc đặc biệt được thiết kế riêng theo từng thể trạng của trẻ, các bác sĩ khoa Sơ sinh đã áp dụng cùng lúc các phương pháp hiện đại nhất với các trang thiết bị đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh. Bên cạnh đó, các chế độ ánh sáng, tiếng ồn, nhiễm khuẩn... được đặc biệt kiểm soát nghiêm ngặt. Sức khỏe của bé liên tục được cải thiện mỗi ngày.

Với các chuyên gia giỏi hàng đầu và các thiết bị chăm sóc đặc biệt tại BVĐK Tâm Anh (Hà Nội), bé xuất viện khỏe mạnh sau gần 4 tháng, vào đúng ngày dự sinh, cân nặng 3 kg
Với các chuyên gia giỏi hàng đầu và các thiết bị chăm sóc đặc biệt tại BVĐK Tâm Anh (Hà Nội), bé xuất viện khỏe mạnh sau gần 4 tháng, vào đúng ngày dự sinh, cân nặng 3 kg 

Một tuần sau sinh, bé được rút nội khí quản, chuyển qua thở máy không xâm nhập. Sau 3 tuần, bé đã có thể ăn sữa mẹ hoàn toàn qua sonde dạ dày. Sau 1 tháng 27 ngày, bé được cai máy thở, chuyển qua thở oxy gọng, dinh dưỡng hoàn toàn bằng đường miệng. Sau gần 4 tháng điều trị tại khoa Sơ sinh - Bệnh viện Tâm Anh (Hà Nội), bé phát triển bình thường với cân nặng 3 kg và có thể tự bú mẹ. 

“Gia đình tôi gọi đây là một kỳ tích”, sản phụ N.T.D nghẹn ngào chia sẻ. Không ai có thể ngờ người phụ nữ hiếm muộn 6 năm, bao lần nhìn con bé bỏng “thập tử nhất sinh” trong lồng ấp, nay đã có thể âu yếm con yêu trong vòng tay, cho con bú.

Cuộc “lội dòng ngoạn mục” của chị D và con gái cũng chính là kỳ tích mới, được tạo nên bởi sự sáng tạo, linh hoạt và phối hợp chặt chẽ giữa “bộ ba”: Trung tâm hỗ trợ sinh sản - IVF Tâm Anh, khoa Phụ sản và đơn vị Sơ sinh vững mạnh, trên nền tảng trang thiết bị hiện đại bậc nhất và những chuyên gia giỏi, giàu kinh nghiệm.

“Chúng tôi tự hào khi có một “đội hình mạnh” ở tất cả các khâu trong hành trình mang thai và sinh nở của các bà mẹ, đó là các chuyên gia hỗ trợ sinh sản - thụ tinh ống nghiệm, sản khoa, đặc biệt là khoa nhi sơ sinh; mỗi chuyên khoa có một nhiệm vụ khác nhau nhưng sẽ hỗ trợ, bảo vệ thành quả cho nhau để đi đến đích thành công cuối cùng. Chúng tôi luôn nỗ lực với hy vọng viết nên những kỳ tích mới về y khoa, mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người”, PGS.TS.BS Lê Hoàng - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh (Hà Nội) khẳng định.

Chăm sóc và điều trị trẻ sinh non và cực non vẫn luôn là thách thức lớn trong lĩnh vực hồi sức sơ sinh vì tỷ lệ biến chứng và tử vong cao, với nguy cơ cao mắc các bệnh về đường hô hấp, nhiễm khuẩn, đe dọa tính mạng.

Để một em bé sơ sinh 550 gram phát triển lên 3 kg sau gần 4 tháng nuôi dưỡng, không chỉ cần có các trang thiết bị máy móc hiện đại, các phác đồ đặc biệt, mà quan trọng hơn cả chính là sự tận tâm, khéo léo của các bác sĩ, điều dưỡng...

Kỳ tích mới trong lĩnh vực sản khoa, nhi sơ sinh đã tiếp tục làm giàu thêm bảng thành tích “khủng” của BVĐK Tâm Anh (Hà Nội) nói riêng và ngành y tế Việt Nam nói chung. 

Clip: Lựa chọn nơi sinh con tốt nhất tại khoa Sản phụ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (Hà Nội)

Tại BVĐK Tâm Anh, trẻ sinh non và cực non được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng tĩnh mạch, được giữ ấm và chống nhiễm trùng, trong đó khâu chống nhiễm trùng là khâu then chốt trong quá trình điều trị.

Bé được nuôi trong lồng ấp hiện đại bậc nhất, nhiều chức năng, như hẹn giờ chiếu đèn vàng da cho các em bé bị vàng da, ổn định thân nhiệt cho những bé mới sinh bị tăng hoặc hạ nhiệt độ, theo dõi cân nặng, cân bằng nhiệt độ cơ thể, cân bằng độ ẩm, hỗ trợ oxy trong trường hợp bị suy hô hấp nhẹ...

Đặc biệt, các y bác sĩ luôn túc trực chăm sóc 24/24 với chế độ ánh sáng và tiếng động được kiểm soát tối đa, đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho trẻ.

BVĐK Tâm Anh (Hà Nội) được trang bị hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn quốc tế từ Hội đồng KSNK đến khoa KSNK và mạng lưới KSNK. Hệ thống này hoạt động theo 83 tiêu chí chất lượng của Bộ Y tế và các hướng dẫn Kiểm soát nhiễm khuẩn của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và các tổ chức Kiểm soát nhiễm khuẩn quốc tế giúp phòng ngừa lây nhiễm chéo, từ đó hạn chế tối đa nhiễm khuẩn, bảo vệ tốt sức khỏe của trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non.

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (Hà Nội): 108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội.

Hotline tư vấn và đặt lịch khám: 1800 6858

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.