Bảo hiểm y tế - Tấm vé thoát nghèo kỳ diệu

Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.
(PLO) - BHYT được coi là tấm vé thoát nghèo kỳ diệu, bởi nhờ có thẻ BHYT mà nhiều gia đình đã thoát khỏi cảnh bị đói nghèo đe dọa vì gánh nặng chi phí y tế. Cũng nhờ có BHYT, nhiều người dân có mức sống trung bình cũng có điều kiện chăm sóc sức khỏe của mình một cách tốt nhất. 

Có mặt tại Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 103, phóng viên đã được chứng kiến nhiều trường hợp bệnh nhân bị chấn thương nặng sau những ca tai nạn giao thông. Chị Nguyễn Thị Hằng (Bắc Ninh) trên đường đi làm về chẳng may bị chiếc xe máy đi ngược chiều tông thẳng vào người.

Hậu quả, chị Hằng bị gãy xương đùi, được bác sĩ chỉ định phải phẫu thuật để đặt đinh, nẹp vít nối xương. Chị cho biết: “Cũng may tôi được BHYT đồng chi trả 80%, nếu không đợt đi viện này tôi phải tiêu tốn đến hơn chục triệu đồng, bằng 3 tháng tôi cần mẫn đi làm công”. 

Không may mắn như chị Hằng, anh Trần Văn Quyến (Hà Nội) bị gãy xương đòn phải phẫu thuật. Anh Quyến không có BHYT nên phải tự trả toàn bộ chi phí. Mắt đỏ hoe, anh cho biết: “Nhà khó khăn, không có BHYT nên số tiền gần chục triệu đồng cho đợt nằm viện phẫu thuật này như một gánh nặng đè nặng lên đôi vai của tôi. Biết thế này, tôi đã cố gắng chắt chiu tham gia BHYT thì đỡ rồi”.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, đều đặn tuần 3 lần chị Huế (Nam Định) phải chạy thận nhân tạo. Chị Huế phát hiện bị suy thận độ 2 từ năm 2010. Từ đó, cuộc sống của chị hầu như gắn liền với bệnh viện. Mặc dù được BHYT thanh toán 80%, nhưng chị Huế vẫn phải đồng chi trả 20%, tức là mỗi tháng chị vẫn phải tiêu tốn 2 triệu đồng, chưa kể chị phải mua thêm thuốc bổ. Chị tự hỏi, nếu không có BHYT gánh đỡ chi phí, chắc chị không thể gắng gượng điều trị cho đến bây giờ.

Chị Nguyễn Thị Hoàng Anh (Hà Nội) đang nuôi con nhỏ dưới 24 tháng tuổi. Từ đầu năm đến nay, con trai chị ốm đau thường xuyên đến mức phải nhập viện. Trận sốt vi rút hồi tháng 4 vừa mới qua thì mới đây, con trai chị lại bị tiêu chảy. Cháu phải nhập viện và điều trị nội trú mất 4 – 5 ngày. Chị xúc động cho biết:

“Mọi lần trước cháu bị ho hay viêm phế quản, tôi đều đưa cháu đến khám tại phòng khám tư, mỗi lần khám và mua thuốc đều hết ít nhất 400 – 500 nghìn. Bây giờ cháu bị ốm làm sao tôi đều đưa thẳng ra bệnh viện nơi đăng ký khám chữa bệnh BHYT của cháu. Ở đây, cháu được các bác sĩ thăm khám và điều trị tôi cũng thấy yên tâm hơn nhiều. Quan trọng hơn, chi phí điều trị của cháu được BHYT thanh toán 100% nên chúng tôi không bị ảnh hưởng nhiều về kinh tế. Như vừa rồi cháu bị tiêu chảy, ở nội trú 4 – 5 ngày rồi điều trị thuốc men hết hơn 1 triệu đồng, nhưng được BHYT chi trả 100% nên tôi chỉ phải đóng thêm 60 ngàn đồng tiền vận chuyển và vệ sinh”.

Cứ cách 3 tháng hoặc 6 tháng, bà Vi Thị Thiết (60 tuổi, Hà Nội) lại nhờ con cháu chở ra Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, nơi đăng ký khám chữa bệnh trên BHYT của mình để kiểm tra bệnh tật. Bà Thiết bị cao huyết áp, chớm tiểu đường. Nhờ việc kiểm tra bệnh tật thường xuyên theo lời dặn của bác sĩ, bà Thiết đã ngăn được nhiều biến chứng từ căn bệnh cao huyết áp.

Bà chia sẻ: “Mỗi lần thấy nhức đầu, chóng mặt, ra hiệu thuốc nhờ các cháu đo huyết áp mà thấy huyết áp tăng lên tôi lại bảo con cháu chở vào bệnh viện để bác sĩ khám và làm các xét nghiệm. Nhờ uống thuốc đều đặn nên huyết áp của tôi mới duy trì ổn định, không bị biến chứng gì. Nhưng cũng phải nói thêm nhờ có BHYT tôi mới có điều kiện chăm sóc sức khỏe của mình như vậy. Nếu không có BHYT, chắc tôi chẳng dám nghĩ đến việc đi kiểm tra sức khỏe của mình đều đặn theo lời dặn của bác sĩ như vậy, vì như thế tốn tiền lắm”.

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.