Ăn chay - theo mốt hay vì tâm?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
(PLVN) - Ăn chay đang trở thành một trào lưu trên thế giới. Ở các nước phương Tây, theo một thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 5% dân số Anh và Mỹ cho biết họ ăn chay trường hay ăn chay thường xuyên. Ở Việt Nam, tuy chưa có số liệu chính thức, nhưng từ chùa chiền, quán xá đến tư gia, ở đâu cũng có các bữa cơm chay thanh tịnh. Số người ăn chay đang tăng dần. Nhưng, liệu trong số những người đang ăn chay ấy, ai đang ăn theo mốt, ai đang hướng tâm, ăn chay để thấy lòng thanh đạm là câu hỏi khó trả lời.

Ăn chay để làm gì? Để trả lời câu hỏi này, Thượng tọa Thích Tâm Hạnh đã đưa ra khái niệm về ăn chay và những lợi ích từ ăn chay. Theo đó, ăn chay (ăn chay lạt) chỉ việc ăn uống những đồ ăn, thức uống có nguồn gốc từ thực vật, ngược lại với ăn mặn ăn uống những món thuộc về động vật.

Theo Thượng tọa Thích Tâm Hạnh, ăn chay có những lợi ích như: Giúp bảo vệ sức khỏe, giải độc; giúp trí tuệ nhẹ nhàng, sáng suốt hơn; giúp bảo vệ môi trường vì lượng khí thải ngành chăn nuôi tạo ra chiếm tới gần 15% tổng lượng khí gây hiệu ứng nhà kính làm cho trái đất nóng thêm… 

Ăn chay nuôi dưỡng lòng từ bi vì xưa nay con người vẫn quan niệm rằng “vật dưỡng nhân”, tức các con vật sinh ra để nuôi dưỡng con người. Nhưng thực ra, chỉ cần đặt mình vào người khác và con vật để cảm thông, biết được sự hoảng sợ và đau đớn của chúng sinh khi bị giết như thế nào thì chúng ta sẽ không ăn trên sự đau đớn của sinh vật khác. Khi đã nghĩ và sống được như vậy thì căn lành theo đó cũng được tăng trưởng. Không chấp nhận những cảnh làm khổ con vật, sẽ không cho phép chúng ta có thể làm ác được.

Con người biết hận thù khi bị xúc phạm, loài vật cũng thế. Chúng ta có cảm xúc, biết đau, loài vật cũng thế. Nếu giết chúng để ăn, chắc chắn chúng cũng có tất cả những nỗi sân hận, uất ức, muốn tìm cách trả thù. Cho nên, nếu có điều kiện ăn chay được, chúng ta sẽ không gieo rắc oan trái, hận thù, không mắc nợ mạng sống chúng sinh…

Ăn chay – không chỉ miệng ăn mà tâm cũng cần ăn

Sao lại nói như vậy? Theo Thượng tọa Thích Tâm Hạnh, bởi có nhiều người ăn chay nhưng lại thích làm giả thức ăn giống như những hình thù món mặn, như là tôm, gà... Như vậy là miệng ăn chay, nhưng tâm hồn thì chưa chay trọn vẹn. Sẽ thiếu cơ hội để cảm nhận được sự thanh cao, hoan hỷ và vui thích khi ăn chay. Hay nói cách khác, ăn chay phải là tự tâm mình có niềm vui thích ăn chay.

Còn nhớ, nhà báo Hoàng Nguyên Vũ đã từng chia sẻ một bài viết về ăn chay rất hay. Anh kể rằng: “Tôi từng đến một chùa nọ và nhìn thấy trên bàn món “tiết canh chay”. Bình thường, đây là món gây sợ với tôi vì tôi vốn sợ màu máu sống; chưa kể đến chuyện bao nhiêu ca ngộ độc giun sán từ món này. Nay, chốn cửa Phật, ở cái nơi lòng tâm dạ tĩnh, lại choé lên cái màu của sát sinh giết chóc, tôi thực sự thấy sợ. Chẳng hiểu sao các thầy đã đi tu, các phật tử đã quy y hướng Phật mà lòng vẫn nghĩ đến những thứ phàm trần gây sợ đến như vậy?

Tôi không ăn chay. Trước đây, từng có lần ăn vào ngày rằm, mồng một hàng tháng thời mới quy y tam bảo, nhưng sau này tôi thấy, ăn chay không đủ đạm, người cứ mệt mỏi (là thể trạng tôi, bạn có thể thấy ăn chay tốt theo thể trạng của bạn) thì tôi ngừng.

Thi thoảng, bạn bè rủ tôi đi ăn chay một bữa. Những cỗ chay người ta bày biện trên bàn ăn, nào là “cá lóc kho tộ”, “sườn ram mặn”, “lẩu cá kèo”, rồi “thịt kho hột vịt”…, tôi tá hoả. Có lần tôi hỏi thầy, ăn chay rồi mà cứ nặn thành hình cá, hình thịt, hình những thứ được làm bởi những sinh linh thì có nên không, thầy bảo, “không nên”. Thầy bảo thế thôi, chứ nhiều thầy khác thì vẫn nấu, vẫn nặn thế mỗi ngày;

Mà các thầy không nấu, không nặn thì có các nhà cung cấp thực phẩm chay nấu hộ, nặn hộ. Đủ thứ thập loại chúng sinh hồn vía trên đời, cá thịt ê hề, cái gì là cái không được nặn ra từ món chay đâu. Mà cá thì giống cá như đúc, ăn còn thấy tanh tanh vị cá; thịt thì thơm cứ như được nấu thịt thật từ một đầu bếp khéo tay. Thật thật giả giả lẫn lộn, không biết đâu mà lần cả.

Chay hay mặn mọi việc làm đều xuất phát từ tâm chứ không phải chỉ để theo trào lưu.
 Chay hay mặn mọi việc làm đều xuất phát từ tâm chứ không phải chỉ để theo trào lưu.

Nhưng có cái này thì không lẫn lộn, hoặc là ăn mặn luôn đi, hoặc chay thì chay hẳn, chứ miệng chay mà lòng thì “mặn”, cũng có bằng không. Ăn đậu mà cứ nghĩ là ăn cá, ăn bột mà cứ nghĩ ăn thịt, thế thì thà bỏ cá, bỏ thịt luôn vào miệng mà nhai, mà nuốt cho rồi đi chứ nhân danh làm gì cho mệt?

Một khi lòng còn vương vất những dư vị hồng trần thì dù có ăn gì cũng hồng trần bay lượn. Nó đến từ trong tâm. Đi tu suy cho cùng là tu tâm, mà tâm không tu nổi thì đi tu làm cái gì? Miệng cứ lẩm bẩm câu kinh lời tụng làm cái gì chứ? Bạn có quan điểm riêng và lựa chọn riêng của bạn. Còn tôi, đã đồ chay mà nặn cho giống đồ mặn, làm y như đồ mặn, tôi xin tẩy chay đến cùng!”.

“Ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối”

Câu này nói có vẻ đầy hơi hướng chỉ trích, chê bài này không có nghĩa khuyên người nên ăn mặn mà cốt cảnh tỉnh người ăn chay. Có nhiều người ăn chay vì không hiểu sâu xa tâm nghĩa của việc ăn chay nên dễ dàng sinh lòng kiêu mạn, tự cho mình hơn người rồi khinh người ăn mặn. Hoặc có người mới bước vào đạo đã ăn chay trường ngay, cốt để người khác khen ngợi. Ăn chay như vậy là do lòng háo danh mà ra.

Trên đây là quan điểm của tác giả Thích Trí Siêu trong bài viết “Đạo gì?”. Để chứng minh cho quan điểm của mình, tác giả kể câu chuyện, trong một chuyến hành hương sang Ấn Ðộ, trên máy bay vào giờ ăn có vài vị sư Nam Tông ăn thịt do chiêu đãi viên đưa tới.

Thấy thế, vài phật tử Việt Nam xì xào với nhau: “Mấy ông thầy này tu hành kiểu gì mà ăn mặn, không biết từ bi chỗ nào!”. Một dịp khác, có một thầy Việt Nam đi cùng với phật tử đến viếng thăm một trung tâm Phật giáo Tây Tạng. Không biết thầy này thơ thẩn làm sao mà lại đi ngang nhà bếp thấy họ đang xào nấu thịt bò, trở ra nói với phật tử: “Trời ơi, ở đây họ ăn thịt!”. 

Quan niệm của đa số phật tử Việt Nam là người tu hành không được ăn thịt, nếu ăn thịt thì không phải kẻ tu hành. Trong khi đó, phật tử các nước Nam Tông khi nhìn vào người tu hành Bắc Tông thì họ nói: “Tu hành gì mà lại ăn buổi chiều, không giữ đúng giới luật của Phật!”. Người ăn chay thì hãnh diện cho mình tu thật. Còn người ăn mặn nhưng ngày ăn một bữa thì cho mình tu đúng lời Phật dạy. 

Trước hết, trở về dòng lịch sử. Xưa kia đức Phật và chư tăng đi khất thực, ai cho gì thì các ngài ăn cái đó, không đòi hỏi phân biệt chay mặn. Trong bộ Mahavagga khi đi khất thực, Tỳ Kheo được phép ăn năm thứ thịt, gọi là ngũ tịnh nhục: thịt ăn mà không thấy người giết; thịt ăn mà mình không nghe tiếng của con vật kêu la; thịt ăn mà mình không nghi người ta giết vì mình và cho mình ăn; thịt của con thú tự chết; thịt của con thú khác ăn còn dư.

Cũng cần thông cảm là khi đi xin ăn, một vị khất sĩ không thể nào đòi hỏi thí chủ phải cúng cho mình thứ này, thứ kia theo khẩu vị và ý thích của mình được. Hơn nữa khi đi khất thực, nhiều khi phải đi đến những làng mạc xa xôi, hẻo lánh nơi mà thí chủ đa số không phải là phật tử.

Ở một câu chuyện khác, trong câu chuyện một lần trong buổi thuyết pháp của Thrangou Rinpoché (một vị Lạt Ma cao cấp của phái Kagyupa), có người hỏi: “Tại sao các sư Tây Tạng không ăn chay?”.  Thrangou Rinpoché trả lời: “Dân Tây Tạng giết một con Yak nuôi được 10 người trong một tháng, trong khi đó nếu rửa và nấu một bó cải làm chết biết bao côn trùng sâu bọ mà chỉ nuôi được một người trong một bữa. Vậy thì cái nào lợi và ai sát sinh nhiều hơn?”. 

…Như vậy, qua một vài quan điểm trích dẫn trên đây có thể ngộ ra một điều rằng ăn chay hay ăn mặn cái đó tùy ý bạn. Dù rằng có thể tranh luận mãi về vấn đề này, vì người ăn thịt sẽ có lý lẽ của người ăn thịt và người ăn chay cũng có lý lẽ của người ăn chay. Nhưng ở đời đâu phải lúc nào cũng sống để ăn thua đủ với nhau dành phần thắng về mình. Miễn sao, mọi việc làm đều xuất phát từ tâm chứ không phải chỉ để theo trào lưu, hiếu thắng hay chứng tỏ bản thân cao ngạo hơn người… 

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.