Trước thực trạng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có ý tưởng phải có văn bản hướng dẫn hòa giải tranh chấp môi trường. Và hôm qua (10/11), Viện Khoa học Môi trường thuộc Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến cho Dự thảo Hướng dẫn hòa giải tranh chấp môi trường.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường cho biết, hiện Viện đã nghiên cứu và đến nay đã có bản Dự thảo Hướng dẫn hòa giải tranh chấp môi trường. Theo nội dung của Dự thảo, sẽ thành lập Ủy ban hòa giải tranh chấp môi trường xuyên suốt từ cấp Trung ương cho đến cấp xã. Ở cấp Trung ương, Ủy ban này sẽ do Thứ trưởng Bộ TN&MT làm trưởng ban, cấp tỉnh sẽ do Phó Chủ tịch tỉnh làm trưởng ban. Ủy ban có trách nhiệm giải quyết tranh chấp môi trường, trên cơ sở biên bản hòa giải tại cuộc họp, các bên liên quan có trách nhiệm thực hiện những điều đã thống nhất trong biên bản. Trường hợp không thực hiện theo biên bản hòa giải, các bên có thể khởi kiện.
Trao đổi tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, tranh chấp môi trường đang là một vấn đề bức xúc hiện nay, cần có biện pháp giải quyết và Dự thảo Hướng dẫn hòa giải tranh chấp môi trường là một biện pháp hữu ích. Tuy nhiên, dự thảo không nên chỉ dừng lại ở dạng ban hành văn bản hướng dẫn mà cần nâng cấp, đề xuất ban hành theo dạng Nghị định của Chính phủ thì mới có sức nặng trong việc tổ chức thực hiện. Mặt khác, nếu chỉ ban hành theo văn bản hướng dẫn thì việc thành lập Ủy ban hòa giải tranh chấp môi trường xuyên suốt từ cấp Trung ương xuống cấp cơ sở là khó khả thi.
Đồng quan điểm, đại diện Bộ Tư pháp đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ những văn bản quy phạm pháp luật liên quan như Bộ luật Dân sự 2015, Luật Hòa giải cơ sở, Luật Bảo vệ môi trường 2014, các nguyên tắc giải quyết tranh chấp đất đai, tranh chấp thương mại... để từ đó tham chiếu áp dụng vào trường hợp tranh chấp môi trường cụ thể. Việc làm này cũng sẽ tránh được tình trạng chồng chéo Luật, Nghị định đã ban hành, gây lúng túng cho người thực hiện.
Cũng liên quan đến lĩnh vực TN&MT, ngày 10/11, Hội Cấp thoát nước Việt Nam đã tổ chức Hội thảo ngành nước Việt Nam 2016. Hội thảo lần này có chủ đề “Các giải pháp phát triển cấp thoát nước bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ứng phó với suy thoái nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn”.
Theo Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ TN&MT, lượng nước bình quân trên đầu người ở 4/16 lưu vực sông của nước ta đang ở mức căng thẳng cao. Đó là lưu vực sông Mã, các sông ở Đông Nam bộ, sông Hương và sông Đồng Nai. Nhiều lưu vực sông khác cũng ở gần mức căng thẳng. Nguồn nước của Việt Nam hiện phụ thuộc từ nước ngoài với 62% trong tổng số 520 tỷ mét khối nước được sản sinh từ các nước khác. Tác động của El Nino trong thời gian gần đây càng khiến cho nguồn nước của nước ta suy giảm nghiêm trọng. Trong đó, đợt hạn hán ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ năm nay được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong vòng 60 năm trở lại đây.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia khuyến cáo các nhà quản lý và cả người dân cần có những giải pháp chủ động hơn để ứng phó trong bối cảnh nguồn nước suy giảm ngày càng nghiêm trọng. Ở tầm vĩ mô, chúng ta cần sắp xếp hợp lý các hồ thủy điện, thủy lợi ở đầu nguồn các con sông; tăng cường quan trắc và giám sát nguồn tài nguyên nước. Đặc biệt, cần quy hoạch nguồn tài nguyên nước trong điều kiện biến đổi khí hậu, hướng dẫn người dân sử dụng các biện pháp tiết kiệm nước hiệu quả.
Việc thủy điện xã lũ gây thiệt hại cho người dân đang là vấn đề nóng mỗi khi mùa mưa bão đến. Ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cho biết, cho dù việc vận hành các hồ nước đã đóng góp cho tưới tiêu, giảm lũ, nhưng vẫn có tình trạng nhiều hồ thủy điện xả lũ sai quy trình, gây thiệt hại lớn cho nhân dân. “Bộ TN&MT chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy trình vận hành liên hồ chứa. Trong quá trình theo dõi, Cục đã phát hiện một số trường hợp vận hành chưa đúng quy định đã có thông báo, nhắc nhở chủ hồ, kể cả bằng văn bản. Đồng thời, Cục cũng đã lập các đoàn kiểm tra đột xuất, qua đó đã chấn chỉnh, xử lý kịp thời và đã xử phạt một số chủ hồ như: Đăk Mi4, Srêpok, An Khê - Ka Nak. Hiện Bộ đã thành lập các đoàn thanh tra việc tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa trên 6 lưu vực sông lớn là: sông Hồng, sông Mã, sông Cả, sông Hương, sông Trà Khúc và sông Kôn - Hà Thanh và Đoàn thanh tra đang làm việc với 22 chủ hồ về việc thực hiện các quy định của Quy trình liên hồ cũng như việc thực hiện các quy định về cấp phép”, ông Bảy nói.
Cũng theo ông Bảy, thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra việc vận hành của các hồ chứa theo Quy trình liên hồ trên các lưu vực sông Đồng Nai, sông Ba, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Se San và lưu vực sông Srêpok và kiểm tra đột xuất các hồ nước khác.
Để việc giám sát tốt hơn, hiện tại, Cục Quản lý tài nguyên nước đã xây dựng thử nghiệm và đang hoàn thiện hệ thống theo dõi, giám sát việc vận hành hồ và dữ liệu quan trắc thủy văn trực tuyến, bước đầu cho thấy hệ thống này khá hiệu quả, phục vụ đắc lực công tác chỉ đạo, điều hành và kiểm tra, giám sát việc vận hành của các hồ chứa.
Cục sẽ tập trung theo dõi, giám sát thường xuyên việc vận hành bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu của các hồ thông qua việc áp dụng công nghệ giám sát vận hành tự động trực tuyến nhằm bảo đảm việc tuân thủ Quy trình, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh