“Ranh giới" chết người trong vụ án tìm chủ chiếc va ly 1,7kg ma túy

 Bị cáo Nguyễn Thị Ron
Bị cáo Nguyễn Thị Ron
(PLO) -Luật sư nói: “Tôi hiểu được sự khó khăn của các cơ quan tố tụng khi thụ lý vụ án này. Ở đây chỉ có hai khả năng: hoặc bị cáo vô tội, hoặc có tội thì phải tử hình”. 

Ai là chủ chiếc valy chứa ma túy?

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM: vào lúc 19h30 ngày 24/4/2012, tại khu vực kiểm tra hành lý xuất nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất, Chi cục hải quan cửa khẩu kiểm tra hành lý của khách hàng Nguyễn Thị Đức (SN 1980, quận Gò Vấp) đang làm thủ tục xuất cảnh trên trên bay từ TP HCM đi Úc, phát hiện dấu hiệu khả nghi. 

Cụ thể, giữa hai lớp vải của thành chiếc vali màu đỏ đen của hành khách này cất giấu 7 gói nilon được phủ bên ngoài một lớp bột cà phê và bột tiêu màu đen, bên trong là chất bột màu trắng. Kết quả giám định xác định 7 gói nilon trên chứa hơn 1,7kg chế phẩm heroin.

Chị Đức cho biết số hành lý trên là của một người quen nhờ gửi sang cho mẹ ruột người này ở Úc. Căn cứ vào lời khai này, CQĐT đã bắt khẩn cấp Nguyễn Thị Ron (SN 1964 HKTT: huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre).

Tại cơ quan điều tra, Ron khai, cách đó ít ngày, mẹ của Ron điện thoại từ Úc về nói có chị Đức là con của người bạn sắp xuất cảnh sang Úc nên nhờ con gái mua ít bánh kẹo, đồ khô các loại gửi qua. Người mẹ cho Ron số điện thoại của chị Đức để hai người liên lạc. 

Ngày 23/4/2012, Ron đón xe từ Bến Tre lên TP HCM nghỉ tại khách sạn trên đường Lê Hồng Phong để mua thêm đồ gửi cho mẹ, đồng thời thăm con trai đang học ở đây. 

Sáng 24/4/2012, Ron nhận được điện thoại của mẹ nói ở bên Úc, bà còn quen với một người tên là Bé Ba, người này đối xử với bà rất tốt. Nay Bé Ba muốn gửi ít đồ sang Úc, vì vậy người mẹ nhờ Ron gửi giùm số hàng này cho Bé Ba.

Ngay sau đó, Ron nhận được điện thoại người phụ nữ xưng là Bé Ba, hẹn gặp trên đường 3/2. Khi hai bên gặp nhau, người này nhờ Ron chuyển giùm một chiếc vali màu đỏ đen, bên trong chứa ga, bao gối, quần áo sang Úc.

Sau đó Ron gọi taxi đến nhà chị Đức ở Gò Vấp để gửi hai chiếc vali: một chiếc màu đỏ đen nặng 22kg (của người tên là Bé Ba), chiếc màu đỏ nặng 15kg (của Ron gửi cho mẹ) rồi bắt xe đi Bến Tre. Ngày 26/4, Ron bị bắt giữ.

Theo cáo trạng của VKSND, mặc dù Nguyễn Thị Ron khai không biết trong chiếc vali có chứa ma túy và chiếc vali này do Bé Ba gửi, nhưng không chứng minh được lai lịch của người này. Ron chính là người trực tiếp đem chiếc vali này để gửi sang Úc cho mẹ ruột nên Ron phải chịu trách nhiệm hình sự đối với toàn bộ số ma túy bị thu giữ.

Để làm rõ thêm hành vi và trách nhiệm của mẹ Ron, trong quá trình điều tra, công an ghi lời khai và yêu cầu người nhà liên lạc với mẹ Ron để mời bà này về Việt Nam khai rõ sự việc. Nhưng người nhà cho biết từ khi Ron bị bắt, gia đình ở Việt Nam không liên lạc được với mẹ Ron.

Bị cáo kêu oan

Sau bốn năm với nhiều lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung, ngày 17/8, TAND TP HCM đã đưa vụ án “Vận chuyển trái phép chất ma túy” đối với bị cáo Nguyễn Thị Ron ra xét xử.

Tại tòa, nữ bị cáo này một mực kêu oan: “Bị cáo chỉ chuyển giùm chiếc vali màu đỏ đen cho người có tên là Bé Ba. Bị cáo không biết trong đó có ma túy,Viện kiểm sát truy tố như vậy bị cáo không cam tâm”.

Hình minh họa
Hình minh họa

Phần xét hỏi để làm rõ việc có hay không đối tượng Bé Ba như lời khai của bị cáo diễn ra căng thẳng. Theo đại diện VKS, mẹ bị cáo là bà Phạm Thị Kiếm có đơn gửi từ Úc gửi về Việt Nam đề nghị các cơ quan tố tụng xem xét việc Nguyễn Thị Ron bị oan, tuy nhiên trong đơn không hề đề cập đến một nhân vật nào có tên là Bé Ba như lời khai của bị cáo.

Mặc khác, Nguyễn Thị Ron cũng không cung cấp được nhân thân lai lịch của đối tượng này, vì thế không có cơ sở để điều tra xử lý.

Từ đó, đại diện VKS đề nghị mức án tử hình đối với Nguyễn Thị Ron về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”.

Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo đưa ra nhiều bằng chứng để đã bác bỏ quan điểm trên của đại diện VKS. Theo luật sư: Kết quả điều tra xác định sáng 24/4 có một số điện thoại lạ gọi đến máy của bị cáo. Xác minh cho thấy đã có người dùng CMND giả để đăng ký số điện thoại trên.

Như vậy có thể khẳng định lời khai của bị cáo là đúng sự thật. Cũng theo luật sư, việc CQĐT không tìm được ra nhân vật này không có nghĩa bị cáo Ron phải chịu trách nhiệm về số ma túy mà đối tượng đã gửi.

Mặt khác, khi nghe tin chị Đức bị tạm giữ ở sân bay, chính mẹ Ron ở Úc đã cung cấp tên tuổi cũng như địa chỉ của con mình để chị này khai báo với CQĐT. Theo luật sư, nếu họ đã bàn bạc vận chuyển ma túy từ trước thì không có lý do gì người mẹ lại cung cấp địa chỉ để công an bắt con mình.

Đồng thời khi nghe tin, Ron đã thuê xe ôm chạy từ Bến Tre lên sân bay để tìm chị Đức, nhưng không thấy nên đành quay về. Về đến Bến Tre, nghe người nhà nói có công an đến nhà tìm, bị cáo Ron đã đi thẳng đến công an xã để hỏi xem tìm có việc gì (việc này công an xã đã xác nhận). 

Theo luật sư đánh giá, các đối tượng vận chuyển ma túy đều xác định sẽ phải đối diện với sự trừng phạt cực kỳ nghiêm khắc của pháp luật, vì vậy khi biết sự việc đã bị phát hiện sẽ bằng mọi cách “cao chạy xe bay”.

Việc bị cáo ngược xuôi lên sân bay rồi lại về công an xã không hợp với tâm lý thông thường. Từ đó, có thể kết luận bị cáo hành xử như vậy do không hề biết trong chiếc vali kia có chứa ma túy. 

Kết thúc bài phát biểu, luật sư nói: “Tôi hiểu được sự khó khăn của các cơ quan tố tụng khi thụ lý vụ án này. Ở đâu chỉ có hai khả năng, hoặc bị cáo vô tội, hoặc có tội thì phải tử hình. Tuy nhiên, sinh mạng con người là quan trọng, mong HĐXX hãy thận trọng khi lượng hình”. 

Sau gần một tiếng nghị án, HĐXX quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Như vậy, sau nhiều năm, vụ án lại quay lại điều tra từ đầu.

Tình tiết bất ngờ tại tòa

Trong khi biện minh cho sự vô tội của mình, bị cáo Nguyễn Thị Ron đã lấy lý do: “Nếu bị cáo và mẹ bị cáo cấu kết thì mẹ bị cáo không đời nào dám về Việt Nam và vào trại giam thăm bị cáo”. 

Đại diện VKS tỏ ra rất bất ngờ về thông tin này. Vị này cho biết: “Tôi là người thụ lý hồ sơ này, tôi không hề cấp giấy thăm nuôi nào cho mẹ bị cáo. Tôi không hiểu tại sao không có sự đồng ý của Viện mà mẹ bị cáo lại vào trại thăm được bị cáo”. Đại diện VKS khẳng định sẽ xác minh thông tin trên.

Đọc thêm

Có 3 tiền án nhưng vẫn không quên nghề 'đạo chích'

Đối tượng Lại Trung Thành cùng tang vật thu giữ trong vụ án.
(PLVN) - Tại cơ quan điều tra, Lại Trung Thành bước đầu thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Bản thân Thành từng có 3 tiền án về tội trộm cắp tài sản, tổng thời gian chấp hành án phạt tù là 8 năm 6 tháng.

Thanh Hóa: Tổ chức sử dụng ma túy trong đám cưới

Các đối tượng: Chung, Minh, Ba, Nam (từ phải qua trái)
(PLVN) - Một số đối tượng có biểu hiện tổ chức sử dụng ma túy tại đám cưới của Phùng Văn Chung nên đã triệu tập lên Công an xã làm việc và test nhanh ma túy. Qua test nhanh nước tiểu trong cơ thể của Phùng Văn Chung, Đặng Trọng Minh kết quả đều dương tính với ma túy.

Nghệ An: Khởi tố đối tượng gây ra hơn 10 vụ trộm cắp

Đối tượng Lê Sỹ Đào
(PLVN) - Ngày 24/4, thông tin từ Công an tỉnh Nghệ An, Công an huyện Yên Thành vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với đối tượng Lê Sỹ Đào (SN 1986, trú tại xóm 7, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn). Đây là đối tượng đã gây ra hàng chục vụ trộm cắp tài sản.

Bản án của 2 người đàn ông làm thuê cho "trà xanh"

Hai bị cáo tại phiên xét xử.
(PLVN) - Ngày 23/4, Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng mở phiên xét xử và tuyên phạt Lê Văn Sinh Nhật (49 tuổi, trú quận Sơn Trà) 4 năm 6 tháng tù; Nguyễn Quang Nam (29 tuổi, trú quận Cẩm Lệ) 4 năm tù cùng về tội Cố ý làm hư hỏng tài sản.