Vụ xả súng tại Las Vegas: Nước Mỹ và câu chuyện đau đầu quanh việc sở hữu súng

Khung cảnh hỗn loạn trong vụ xả súng
Khung cảnh hỗn loạn trong vụ xả súng
(PLO) - Ngày 2/10, cảnh sát Mỹ cho biết đã phát hiện thuốc nổ và một kho đạn tại ngôi nhà thuộc sở hữu của đối tượng tiến hành vụ xả súng trước đó 1 ngày tại thành phố Las Vegas, Stephen Paddock, khiến 59 người thiệt mạng. 

47 khẩu súng, một kho đạn, cùng nhiều thiết bị có thể “hô biến” súng trường thành súng tự động là những gì mà cảnh sát tìm thấy tại phòng khách sạn, nơi Stephen Paddock thực hiện vụ thảm sát tại Las Vegas, bang Nevada, và 2 căn hộ của y. 

Giữ súng dễ như giữ... đồ chơi

Nhiều người có thể thắc mắc làm thế nào Paddock có thể tích trữ một kho vũ khí lớn như vậy. Nhưng tại Mỹ, đặc biệt tại các bang như Nevada, điều này là hoàn toàn dễ dàng và hợp pháp. Mặc dù được biết đến là đất nước có quy định kiểm soát súng đạn lỏng lẻo, song tại Mỹ vẫn có một số hạn chế khi mua súng với số lượng lớn. “Số lượng lớn” ở đây được hiểu là mua nhiều hơn 2 khẩu súng tại cùng một cửa hàng trong vòng 5 ngày. Tuy nhiên, một người vẫn có thể sở hữu một kho súng trường như Paddock nếu họ muốn, mà không bị chú ý. 

Luật pháp Mỹ quy định các cơ sở bán súng được cấp phép phải kiểm tra lý lịch của người mua. Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) sẽ rà soát tên người mua súng thông qua Hệ thống Kiểm tra lý lịch tội phạm quốc gia, vốn dựa trên 3 cơ sở dữ liệu được cho là không hoàn toàn chính xác. Dylann Roof, thủ phạm gây ra vụ xả súng tại Charleston, bang South Carolina, hồi tháng 6/2015 khiến 9 người thiệt mạng, đã vượt qua vòng kiểm tra lý lịch chỉ vài tuần trước khi hành động, mặc dù đối tượng này có tiền án về sử dụng ma túy. Một người có lý lịch trong sạch như Paddock lại càng dễ dàng mua súng với số lượng tùy thích. 

Theo Trung tâm pháp luật ngăn ngừa bạo lực súng đạn, những cửa hàng bán súng hợp pháp, chiếm 60% tổng doanh số súng tại Mỹ, phải báo cáo về các trường hợp mua súng số lượng lớn tới Cục quản lý Rượu, Thuốc lá và Súng (ATF). Luật pháp các bang California, New York và New Jersey cấm mua nhiều hơn 1 khẩu súng trong từ 30-90 ngày. Tuy nhiên, các cơ sở tư nhân bán súng đã qua sử dụng không bị yêu cầu phải kiểm tra lý lịch của người mua, mặc dù cũng có một số hạn chế đối với việc mua súng trường.  Tại các bang mà quy định kiểm soát súng vẫn còn lỏng lẻo như Nevada, việc Paddock tích lũy một kho súng đạn mà không bị ATF và FBI chú ý cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, chi tiết nổi bật trong vụ thảm sát tại Las Vegas ngày 1/10 vừa qua khiến gần 600 người thương vong, đó là tốc độ xả súng. Theo các báo cáo, Paddock đã “cải tiến” một số khẩu súng thành súng tự động để có thể bắn hàng trăm phát đạn chỉ trong 1 phút với 1 lần bóp cò. 

Súng tự động đã bị cấm tại Mỹ trong 3 thập kỷ qua song điều đáng nói là việc cải biên một loại súng bán tự động, trong đó có súng trường AR-15 và AK-47 được bán phổ biến tại các cửa hàng súng ở Mỹ, thành súng tự động rất dễ dàng. Chỉ với 40 USD, người ta có thể mua một thiết bị nhỏ có thể gắn vào cò súng. Thiết bị này có thể làm tăng 3-4 lần tốc độ bắn chỉ với một lần bóp cò. Tương tự, chỉ với 99 USD là có thể mua một thiết bị cho phép bắn tốc độ 600 phát đạn/phút. Hai thiết bị này được bán hoàn toàn hợp pháp tại Mỹ.

Hung thủ Stephen Paddock
Hung thủ Stephen Paddock

Tranh luận kiểm soát súng: Chưa diễn ra

Tình trạng bạo lực súng đạn đã trở thành một vấn nạn nhức nhối trong xã hội Mỹ nhiều năm nay, ước tính khiến 90 người Mỹ thiệt mạng mỗi ngày. Trong khi đó, thống kê mới đây của trang web gunviolencearchive.org cho thấy kể từ đầu năm đến nay có gần 250 vụ xả súng tại Mỹ, khiến hơn 10.000 người thiệt mạng và hơn 20.000 người bị thương. Trong số những người bị thương vong có 480 trẻ em dưới 12 tuổi.

Dân số Mỹ hiện có khoảng 315 triệu người nhưng có tới hơn 310 triệu khẩu súng đang được lưu hành trong xã hội mà chưa được kiểm soát. Hiện việc mua bán và sử dụng vũ khí tại nhiều bang ở Mỹ vẫn diễn ra mà không cần thông qua bất kể sự rà soát nào về lý lịch cũng như tiền sử tâm lý của người sở hữu súng. 

Thời cựu Tổng thống Barack Obama đã nhiều lần nỗ lực thúc đẩy thông qua dự luật kiểm soát súng đạn tại Mỹ, song đều bị thất bại trong bối cảnh đảng Cộng hòa chiếm đa số ghế trong Quốc hội Mỹ. Hiện có nhiều ý kiến đã lên tiếng kêu gọi giới lập pháp Mỹ phải có hành động cụ thể nhằm kiểm soát bạo lực súng đạn ở Mỹ. Ngày 2-10, hàng loạt nghị sĩ đảng Dân chủ, trong đó có thủ lĩnh phe thiểu số tại Hạ viện, bà Nancy Pelosi, đã lên tiếng hối thúc chính quyền có hành động đối với nạn bạo lực súng đạn. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3/10 tuyên bố cuộc tranh luận chính trị về vấn đề kiểm soát súng sẽ diễn ra nhưng không phải lúc này. Sau khi trở về từ chuyến thị sát tình hình thiệt hại thiên tai ở Puerto Rico, khi được hỏi về việc liệu khi nào sẽ diễn ra cuộc tranh luận về kiểm soát súng, ông Trump tuyên bố: “Có lẽ điều đó sẽ đến, nhưng không phải lúc này”. Về câu hỏi liệu Stephen Paddock, hung thủ gây ra vụ xả súng kinh hoàng nhất trong lịch sự nước Mỹ hiện đại, có liên quan gì với nhóm khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng hay không, ông Trump nói “Tôi không biết”. 

Vụ xả súng tại Las Vegas một lần nữa đưa vấn đề kiểm soát súng đạn trở thành chủ đề nóng trong dư luận 2 ngày qua. Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết hiện “vẫn chưa phải lúc” để khơi lại cuộc tranh luận về kiểm soát súng đạn tại Mỹ mà cần tập trung đoàn kết đất nước. Tuy nhiên, quan chức này vẫn để ngỏ khả năng thảo luận về vấn đề kiểm soát súng đạn “trong những ngày tới”, đồng thời nhấn mạnh chính quyền Tổng thống Trump mong muốn xây dựng được các quy định có thể thực sự ngăn chặn các vụ bạo lực súng đạn.

Vũ khí được tìm thấy bên trong phòng khách sạn Mandalay Bay của Stephen Paddoc
Vũ khí được tìm thấy bên trong phòng khách sạn Mandalay Bay của Stephen Paddoc

Vì sao các luật về súng đạn ở Mỹ không thay đổi?

Sau vụ xả súng ở Las Vegas, những người ủng hộ việc kiểm soát súng đạn lại đưa ra những lời kêu gọi mới về việc thắt chặt các quy định sử dụng súng. Tuy nhiên, có nhiều trở ngại lớn cản trở việc kiểm soát súng đạn. 

Trước hết, Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ (NRA) là một trong các nhóm lợi ích có ảnh hưởng nhất trên chính trường Mỹ - không chỉ bởi số tiền mà họ sử dụng để vận động các chính khách mà còn bởi sự tham gia của 5 triệu thành viên. NRA phản đối hầu hết các đề xuất tăng cường quy định kiểm soát súng và đứng sau các nỗ lực ở cấp độ liên bang và tiểu bang nhằm giảm bớt các hạn chế trong việc sở hữu súng đạn. Năm 2016, NRA giành 4 triệu USD để vận động hành lang và đóng góp trực tiếp cho các chính khách, dành hơn 50 triệu USD cho vận động tranh cử, bao gồm một khoản ước tính vào khoảng 30 triệu USD để giúp Tổng thống Donald Trump thắng cử. Chừng nào các nhóm ủng hộ việc sử dụng súng đạn còn can thiệp vào bầu cử và ngành lập pháp, thì họ vẫn là “bá chủ”. 

Tại Hạ viện, hầu hết các nỗ lực gần đây để thông qua các luật liên bang mới nhằm kiểm soát súng đạn đã bị dập tắt trước khi được bắt đầu, đặc biệt bị ngăn chặn tại Hạ viện Mỹ, vốn nằm dưới sự kiểm soát của đảng Cộng hòa kể từ năm 2011. Tháng 6/2016, một nhóm chính khách đảng Dân chủ đã tổ chức cuộc biểu tình ngồi tại Hạ viện để phản đối quyết định không tổ chức bỏ phiếu về hai dự luật kiểm soát súng đạn của giới lãnh đạo Hạ viện. Nếu dự luật kiểm soát súng đạn được thông qua tại Hạ viện, thì nó vẫn đối mặt với thách thức tại Thượng viện, nơi sự chia rẽ giữa thành thị và nông thôn cũng có ảnh hưởng ở cấp độ tiểu bang. Các thủ tục trong Thượng viện cũng có thể dập tắt các nỗ lực nhằm ban hành một quy định kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt hơn. Bởi thủ tục “filibuster” (quyền được tranh luận không giới hạn trong nghị trường), nên hầu hết các quy định cần tới 60/100 phiếu ủng hộ tại Thượng viện để được thông qua, thay vì đa số 51 phiếu. 

Với việc Quốc hội có xu hướng giảm bớt các quy định kiểm soát súng đạn hiện hành thay vì thực thi các quy định mới, các bang theo cánh tả của Mỹ đã đóng vai trò lớn hơn trong việc thực thi các biện pháp kiểm soát súng đạn. Sau vụ xả súng tại Newtown, bang Connecticut năm 2012, 21 bang đã thông qua các quy định kiểm soát súng đạn mới, bao gồm việc áp đặt lệnh cấm bán vũ khí tấn công tại bang Connecticut, Maryland và New York. Tuy nhiên, một số quy định đã vấp phải một rào cản khác - đó là hệ thống tòa án Mỹ. Trong những năm gần đây, Tòa án Tối cao đã 2 lần khẳng định rằng quyền sở hữu vũ khí cá nhân như súng ngắn được ghi trong Hiến pháp Mỹ. 

Trở ngại lớn nhất đối với các đạo luật kiểm soát súng đạn mới ở cấp quốc gia đó là những người phản đối các đạo luật này thường kiên quyết bảo vệ quan điểm của họ trong khi sự ủng hộ các quy định mới thường có xu hướng giảm mỗi khi có các cá nhân bị tấn công...

Đọc thêm

Việt Nam – Hoa Kỳ thúc đẩy việc triển khai các thỏa thuận cấp cao

Hình ảnh tại Đối thoại.
(PLVN) - Nhận lời mời của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và triển khai thực hiện Tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tháng 9/2023 về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện, ngày 25/3, tại thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Antony Blinken đã đồng chủ trì Đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ nhất.

Pháp nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất

Tháp Eiffel là biểu tượng nổi tiếng và hấp dẫn nhất của thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: REUTERS/Sarah Meyssonnier.
(PLVN) - Chính phủ Pháp đã nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất sau vụ xả súng đẫm máu tại nhà hát ở ngoại ô Moscow, Nga. Thông báo được đưa ra sau cuộc họp giữa các quan chức an ninh và quốc phòng cấp cao của Pháp với Tổng thống Emmanuel Macron.

Lái máy bay khi say rượu, phi công Mỹ bị kết án tù

Ông Lawrence Russell Jr bị phát hiện uống rượu vượt quá giới hạn cho phép của hãng hàng không gấp gần 2,5 lần.
(PLVN) - Phi công Lawrence Russell (63 tuổi), một công dân Mỹ, vừa bị kết án 10 tháng tù tại Scotland sau khi bị phát hiện có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép trong máu trước khi tiến hành chuyến bay xuyên Đại Tây Dương vào ngày 16 tháng 6 năm 2023.

Chưa ghi nhận công dân Việt Nam gặp nạn trong vụ tấn công khủng bố tại Nga

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng.
(PLVN) - Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, đến nay, chưa ghi nhận có công dân Việt Nam là nạn nhân trong vụ việc. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán đang khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại bám sát tình hình, sẵn sàng các biện pháp bảo hộ cần thiết trong trường hợp có công dân Việt Nam gặp nạn.

Hiện trường vụ tấn công khủng bố ở Nga

Hiện trường vụ tấn công khủng bố ở Nga
(PLVN) - Ít nhất 60 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương sau vụ xả súng vào đoàn người tham dự hòa nhạc ở Nga. Đây là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất ở Nga trong nhiều thập kỷ.