Vụ đánh bom mở màn thời kỳ khủng bố mới

Hình ảnh từ các vụ đánh bom ngày 7/8/1998
Hình ảnh từ các vụ đánh bom ngày 7/8/1998
(PLO) -Hai vụ đánh bom xảy ra gần như cùng lúc tại Đại sứ quán Mỹ ở Tanzania và Kenya ngày 7/8/1998 đã khiến giới chức Mỹ lần đầu tiên biết đến trùm khủng bố Osama bin Laden và tổ chức khủng bố al-Qaeda. Vụ việc cũng được cho là sự kiện mở màn của một thời kỳ khủng bố mới với dấu mốc là vụ tấn công ngày 11/9/2001.

Hai vụ đánh bom, hơn 5000 nạn nhân

Chỉ trong vòng 10 phút, từ 10h30 đến 10h40 ngày 7/8/1998, các đại sứ quán của Mỹ ở Dar es Salaam, Tanzania và Nairobi, Kenya rúng động bởi những vụ nổ chát chúa. Hai vụ việc xảy ra gần như cùng lúc. Theo kết quả điều tra của giới chức Mỹ sau đó, những kẻ đánh bom liều chết đã lái những chiếc xe tải chứa đầy thuốc nổ tới đậu bên ngoài các tòa đại sứ và kích hoạt những khối bom. 

Các vụ đánh bom đã gây tổn thất khá nặng nề. Theo thống kê, đã có 213 người thiệt mạng trong vụ nổ tại Nairobi và 11 người ở Dar es Salaam cũng đã tử vong. Ngoài ra, 2 vụ đánh bom còn khiến hơn 5.000 người khác bị thương. Trong số những người thiệt mạng có 12 người Mỹ. Các điều tra viên cho biết, các phân tích về địa chấn cho thấy đã có từ 2,7 tới 12,7 tấn vật liệu nổ được sử dụng trong 2 vụ việc. 

Trong vụ tấn công tại Nairobi, vụ nổ đã gây hư hại lớn tới tòa nhà đại sứ quán và làm sập một tòa nhà ở gần đó. Đa số những người thiệt mạng trong vụ tấn công chính là những người đang có mặt tại tòa nhà này, chủ yếu là sinh viên và nhân viên của một trường đại học. Sức nóng của vụ việc đã khiến một chiếc xe bus di chuyển ở gần nơi xảy ra vụ đánh bom bị cháy. Trong số những nạn nhân của vụ việc, có nhiều người đã bị thương ở mắt khi họ ghé qua cửa sổ của các tòa nhà ở gần hiện trường để nghe ngóng tình hình khi nghe thấy tiếng súng vang lên trước khi khối thuốc nổ được kích hoạt. 

Sau vụ tấn công, một nhóm tự xưng là “Quân giải phóng những vùng đất thánh” mà theo các điều tra viên Mỹ chính là nhóm Các phần tử thánh chiến Hồi giáo Ai Cập (EIJ) đã lên tiếng nhận trách nhiệm. Nhóm về sau nhập vào với al Qaeda. Các điều tra viên cho rằng các vụ đánh bom này là để trả thù việc Mỹ có liên quan đến vụ dẫn độ 4 thành viên của EIJ bị bắt ở Albania vì cáo buộc giết nhiều người ở Ai Cập tới Ai Cập 2 tháng trước đó. Một tháng trước 2 vụ đánh bom đồng loạt, EIJ đã phát đi cảnh báo “chuẩn bị trả nợ” tới giới chức Mỹ. Vụ tấn công được ấn định vào ngày 7/8/1998 vì đây là ngày kỷ niệm 8 năm Mỹ đưa quân đến Ả rập Xê-út trong giai đoạn đầu của cuộc Chiến tranh vùng Vịnh.

Sau các vụ đánh bom, Tổng thống Mỹ Bill Clinton cam kết sẽ dùng mọi biện pháp để “thủ phạm phải chịu sự trừng trị của pháp luật, dù quá trình này sẽ kéo dài bao lâu”. Ngày 12/8/1998, ông Clinton mở một cuộc họp tại Nhà Trắng để xem xét các giải pháp phù hợp. Sau một thời gian điều tra, giới chức Mỹ cho rằng các vụ đánh bom khủng bố ở các đại sứ quán của nước này ở Đông Phi do phần tử khủng bố có tên Osama bin Laden giật dây. Bin Laden bị cho là nghi phạm hàng đầu bởi hắn có mối thâm thù với Mỹ, có nguồn lực tài chính mạnh và khả năng điều hành những vụ tấn công ở thủ đô hai quốc gia châu Phi này.

Sự kiện mở màn

Khi thông tin về 2 vụ đánh bom kép được công bố, không chỉ giới chức cơ quan an ninh phương tây bắt đầu chú ý tới Osama bin Laden và nhóm khủng bố al Qaeda mà ngay cả những phong trào Hồi giáo cực đoan trên khắp thế giới cũng bị “ấn tượng”. Từng tham gia các phong trào Hồi giáo cực đoan từ cuối những năm 1970 nhưng cho đến trước khi xảy ra vụ việc, bin Laden vẫn là một cái tên chưa được nhiều người chú ý đến, là một gã trai trẻ giàu có chưa có nhiều kinh nghiệm trận mạc trong mắt những phần tử Thánh chiến khác. Tuy nhiên, theo một nhà hoạt động kỳ cựu ở Libya, các vụ tấn công xảy ra tại Đông Phi đã “khiến nhiều người bật dậy và chú ý tới cái tên bin Laden cũng như al Qaeda”.

Hình thành ở Pakistan vào cuối những năm 1980, al Qaeda trong suốt một thời gian dài chỉ được xem là một nhóm “du thủ du thực”, không có nhiều nguồn lực nhân lực hay chiến lược hoạt động rõ ràng. Những vụ tấn công khủng bố chấn động thế giới trong những năm 1990 như vụ tấn công Trung tâm thương mại thế giới xảy ra vào năm 1993, hay các vụ tấn công ở Ả rập Xê-út và Pakistan là do những nhóm khủng bố khác gây ra. Bản thân bin Laden từng được xác định có liên quan đến vụ tấn công các nhân viên của Mỹ ở một khách sạn ở Yemen và một vụ bạo lực khác nhưng không bị xem là một phần tử quá nguy hiểm.

Nạn nhân vụ đánh bom ngày 7/8/1998
 Nạn nhân vụ đánh bom ngày 7/8/1998

Thế nhưng, sau các vụ đánh bom năm 1998, không chỉ bin Laden, al Qaeda và mà cuộc chiến chống khủng bố trên thế giới cũng đã có những bước thay đổi rất lớn. Sau vụ việc, giới chức Mỹ đã đưa bin Laden vào danh sách 10 tội phạm trốn truy nã bị truy đuổi gắt gao nhất của nước này và treo thưởng 5 triệu USD cho người nào cung cấp thông tin dẫn tới việc bắt giữ hoặc truy tố đối tượng này. 

Ngày 20/8/1998, để trả thù cho các vụ đánh bom khủng bố nói trên, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã ra lệnh phóng 60 tên lửa Tomahawk nhằm vào vị trí nghi là trại huấn luyện của al-Qaeda ở Afghanistan và 20 quả tên lửa khác nhằm vào một nhà máy được cho là nơi sản xuất chất độc thần kinh và có liên quan tới bin Laden tại Sudan. Phát biểu trước công chúng lúc bấy giờ, ông Clinton nêu rõ mục tiêu của những hành động này là để những kẻ khủng bố không còn nơi trú ẩn.

Những kẻ dẫn đầu phong trào cực đoan

Tuy nhiên, trên thực tế, bin Laden không có mặt ở địa điểm tại Afghanistan mà Mỹ đã tấn công. Vì thế nên mục tiêu của Mỹ không đạt được. Vụ việc còn khiến nhóm khủng bố Taliban chuyển từ việc dè chừng sang ủng hộ bin Laden và các ý đồ của hắn hơn. Hay nói cách khác, vụ việc đã góp phần dỡ bỏ rào cản để al Qaeda có thể thực hiện thêm những vụ tấn công mới. Ngày 12/10/2000, al-Qaeda tiếp tục gây ra vụ tấn công tàu khu trục USS Cole của hải quân Mỹ khi con tàu đang tiếp nhiên liệu tại cảng Aden, Yemen, cướp đi sinh mạng của 17 thành viên Hải quân Mỹ. 

Sau các vụ việc này, bin Laden và nhóm khủng bố của mình trở thành những kẻ dẫn đầu trong phong trào cực đoan trên toàn thế giới. Al Qaeda cũng trở thành “điểm đến yêu thích” của những phần tử cực đoan. Chúng cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ cả về vật chất và nhân lực từ khắp nơi. Chính những việc đó đã tạo nền tảng để al Qaeda xây dựng một mạng lưới khủng bố rộng khắp thế giới và chuẩn bị cho những vụ tấn công quy mô lớn hơn. 

Trong vòng 6 tháng sau vụ đánh bom khủng bố các Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Kenya và Tanzania, Osama bin Laden đã ra lệnh cho cấp dưới của hắn là Khalid Sheikh Mohammed khởi động kế hoạch tấn công New York và Washington. Vụ khủng bố này được thực hiện vào ngày 11/9/2001. Vào ngày định mệnh đó, 2 chiếc máy bay đã lao thẳng vào Tòa tháp đôi tại New York, Mỹ, khiến gần 3.000 người thiệt mạng, hơn 6.000 người bị thương, gây tổn hại hàng nghìn tỉ USD cho nền kinh tế Mỹ đồng thời khởi đầu cho một thời kỳ mới của chủ nghĩa khủng bố trên toàn cầu.

Các vụ đánh bom khủng bố ở Đông Phi cũng khiến khái niệm mới về xung đột trở nên phổ biến hơn, theo đó trong thời kỳ toàn cầu hóa vào cuối những năm 1990, với những kênh truyền hình vệ tinh, các chuyến bay giá rẻ, những đường biên giới tương đối mở và internet phổ rộng, xung đột không còn bị giới hạn bởi biên giới quốc gia nữa. Ngược lại, ở thế giới mở như vậy, những phần tử cực đoan vốn đang gặp nhiều khó khăn vì sự trấn áp mạnh mẽ của nhà chức trách và sự phản ứng của dư luận ở các nước từ Marroco tới Malaysia có được những điều kiện dễ hơn để gây án ở các nơi khác. 

Trở lại với các vụ đánh bom ở Đông Phi, tổng cộng đã có hơn 20 người bị truy tố ở Mỹ vì vụ việc. 8 người trong số này hiện vẫn đang ngồi tù.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Việt Nam phát biểu chung đại diện nhóm các nước tại Khóa họp 55 Hội đồng Nhân quyền

 Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Anh Hiển/TTXVN
(PLVN) - Theo tin từ Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại thế giới và các Tổ chức quốc tế khác tại Geneva, trong khuôn khổ Khóa họp 55 của Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) LHQ tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 27/3, Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn đã có bài phát biểu chung trong Phiên thảo luận chung tại đề mục về việc theo sát và thực hiện Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA) với chủ đề về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu người dân trong xung đột vũ trang, thu hút đông đảo các nước tham gia quan tâm và đồng bảo trợ.

Việt Nam – Hoa Kỳ thúc đẩy việc triển khai các thỏa thuận cấp cao

Hình ảnh tại Đối thoại.
(PLVN) - Nhận lời mời của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và triển khai thực hiện Tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tháng 9/2023 về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện, ngày 25/3, tại thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Antony Blinken đã đồng chủ trì Đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ nhất.

Pháp nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất

Tháp Eiffel là biểu tượng nổi tiếng và hấp dẫn nhất của thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: REUTERS/Sarah Meyssonnier.
(PLVN) - Chính phủ Pháp đã nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất sau vụ xả súng đẫm máu tại nhà hát ở ngoại ô Moscow, Nga. Thông báo được đưa ra sau cuộc họp giữa các quan chức an ninh và quốc phòng cấp cao của Pháp với Tổng thống Emmanuel Macron.

Lái máy bay khi say rượu, phi công Mỹ bị kết án tù

Ông Lawrence Russell Jr bị phát hiện uống rượu vượt quá giới hạn cho phép của hãng hàng không gấp gần 2,5 lần.
(PLVN) - Phi công Lawrence Russell (63 tuổi), một công dân Mỹ, vừa bị kết án 10 tháng tù tại Scotland sau khi bị phát hiện có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép trong máu trước khi tiến hành chuyến bay xuyên Đại Tây Dương vào ngày 16 tháng 6 năm 2023.

Chưa ghi nhận công dân Việt Nam gặp nạn trong vụ tấn công khủng bố tại Nga

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng.
(PLVN) - Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, đến nay, chưa ghi nhận có công dân Việt Nam là nạn nhân trong vụ việc. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán đang khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại bám sát tình hình, sẵn sàng các biện pháp bảo hộ cần thiết trong trường hợp có công dân Việt Nam gặp nạn.