Tôn Chính Tài – “Ngôi sao” tắt khi chưa kịp sáng

Ông Tôn Chính Tài
Ông Tôn Chính Tài
(PLO) -Tối 24/7, Tân Hoa xã (THX) phát đi bản tin ngắn vài dòng: “Do đồng chí Tôn Chính Tài có dấu hiệu vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, Trung ương ĐCS Trung Quốc quyết định giao Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (UBKTKLTW) lập hồ sơ điều tra”. 
 

Như thế là sau 10 ngày sau khi bị bãi chức Bí thư Trùng Khánh, tin đồn về việc Tôn Chính Tài - Ủy viên Bộ Chính trị, người từng được cho là “Ngôi sao chính trường” sẽ vào Ban thường vụ Bộ Chính trị - bất ngờ bị UBKTKLTW bắt giữ, điều tra lan truyền trên báo chí hải ngoại và mạng xã hội đã được chính thức xác nhận.

Ứng cử viên  “thế hệ lãnh đạo thứ sáu”

Thông tin chính thức cho biết, ông Tôn Chính Tài người dân tộc Hán, sinh tháng 9/1963, người Vinh Thành, Sơn Đông, tham gia công tác tháng 5/1987, vào đảng 7/1988, tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp, Tiến sĩ Nông học, hiện đang là Ủy viên Bộ Chính trị khóa 18 trẻ nhất.

 Tiểu sử chính trị cho thấy ông Tôn Chính Tài là một chính khách theo trương phái kỹ trị: từ 1980 – 1984 ông theo học Học viện Nông nghiệp Lai Dương, Sơn Đông; từ 1984 – 1987 là nghiên cứu viên Thạc sĩ Đại học Nông nghiệp Bắc Kinh. Sau đó là Phó chủ nhiệm Phòng nghiên cứu cây Ngô, Viện khoa học Nông lâm Bắc Kinh từ 1987 – 1993.

Tiếp đó ông là Bí thư, Viện trưởng Đất trồng, Viện khoa học Nông Lâm Bắc Kinh (1993 – 1994), Viện phó Viện khoa học Nông lâm Bắc Kinh (1994 – 1995), Phó Bí thư, Viện phó thường trực, chủ trì công tác của Viện (1995 – 1997).

Ông Tôn Chính Tài
Ông Tôn Chính Tài

Năm 1997, ở tuổi 34, Tôn Chính Tài bước vào chính trường với khởi đầu khá cao: là Phó bí thư, rồi Huyện trưởng huyện Thuận Nghĩa, Bắc Kinh (1997 – 1998), rồi Phó bí thư, quận trưởng Thuận Nghĩa (1998 – 2002); từ 2002 – 2006 là Ủy viên thường vụ thành ủy, Bí thư quận ủy Thuận Nghĩa, Tổng thư ký thành ủy Bắc Kinh. Sau đó, Tôn Chính Tài thăng tiến rất nhanh: từ 2006 – 2009 là Bộ trưởng, Bí thư đảng đoàn Bộ Nông nghiệp; 2009 – 2010 là Bí thư tỉnh ủy Cát Lâm; 2010 – 2012 là Bí thư tỉnh ủy kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh Cát Lâm. 

Ngày 15/11/2012, ông Tôn Chính Tài được bầu vào Bộ Chính trị tại Hội nghị trung ương lần thứ nhất khóa 18, trở thành ủy viên trẻ nhất và là 1 trong 2 Ủy viên Bộ Chính trị thế hệ 6X (cùng với Hồ Xuân Hoa); 5 ngày sau ông được đưa về Trùng Khánh giữ chức Bí thư thành phố có tới trên 30 triệu dân này thay thế ông Trương Đức Giang – người được điều về trước đó mấy tháng để “chữa cháy” sau vụ án Bạc Hy Lai.

Báo chí từng đưa tin Tôn Chính Tài và ông Hồ Xuân Hoa là hai người được chọn là nhân sự lãnh đạo “thế hệ thứ 6” của Trung Quốc vào năm 2022. Đáng chú ý, ông Tôn Chính Tài vừa mới được bầu lại làm Bí thư thành ủy Trùng Khánh hôm 24/5/2017. Năm 2016, ông Tập Cận Bình từng bắt tay, biểu dương Tôn Chính Tài về những thành tích tốt trong việc lãnh đạo Trùng Khánh phục hồi, phát triển sau thời kỳ Bạc Hy Lai làm mưa làm gió ở đây.

Thế nhưng,  ngày 14/7/2017, ngay trước thềm Hội nghị Bộ Chính trị và các nhà lãnh đạo đã nghỉ họp ở Bắc Đới Hà chuẩn bị nhân sự cho Đại hội 19, ông Tôn Chính Tài đột nhiên “biến mất” sau khi được thông báo rời khỏi chức Bí thư Trùng Khánh chỉ 5 ngày sau khi ông phát biểu ca ngợi “trí tuệ chính trị cao siêu” của ông Tập Cận Bình. 

Nguyên Giám đốc CA Trùng Khánh Hà Đình
Nguyên Giám đốc CA Trùng Khánh Hà Đình

Việc Bạc Hy Lai bị ngã ngựa ở Trùng Khánh đã đem lại cơ hội chính trị lớn cho Tôn Chính Tài, nhưng đồng thời cũng khiến cho ông ta thất bại. Ngày 15/7, Tân Hoa xã bất ngờ đưa tin, Trung ương đảng mới đây quyết định: Tôn Chính Tài thôi giữ các chức vụ Ủy viên, Ủy viên thường vụ, Bí thư thành ủy Trùng Khánh; các chức vụ nói trên do Trần Mẫn Nhĩ, Bí thư tỉnh ủy Quý Châu tiếp nhận.

Tại lễ công bố quyết định Trần Mẫn Nhĩ thay thế Tôn Chính Tài do Trưởng ban Tổ chức trung ương Triệu Lạc Tế chủ trì, ông Tôn Chính Tài đã không có mặt, điều này khác với tập quán thông thường khi điều động, bổ nhiệm nhân sự; mặt khác, trong tin của Tân Hoa xã cũng không nói Tôn Chính Tài “giữ chức vụ khác” hay chuyển đến đâu, từ đó dậy lên tin đồn ông đã bị ngã ngựa. Hồi tháng 2/2017.

Tổ tuần thị (thanh tra) trung ương đã về Trùng Khánh làm việc và phê phán lãnh đạo đảng, chính quyền Trùng Khánh “đề bạt cán bộ mang bệnh”, “lãnh đạo đảng yếu ớt, ý thức trách nhiệm không cao, không làm đủ mạnh trong việc thanh lọc tàn dư nọc độc của Bạc (Hy Lai), Vương (Lập Quân)”. Sau đó Tôn Chính Tài đã hai lần bày tỏ cam kết tiếp thu ý kiến của Tổ tuần thị, thành lập tổ chuyên trách để cải thiện việc lãnh đạo điều hành.

Cùng ngày 15/7, Đài truyền hình trung ương (CCTV) khi đưa tin về Hội nghị công tác tài chính toàn quốc họp trong 2 ngày 13, 14/7, tất cả các Ủy viên Bộ Chính trị khác (trừ hai người đi công tác nước ngoài) đều có mặt, nhưng không có hình ảnh của ông Tôn Chính Tài. Tờ Minh Báo cho biết, Tôn Chính Tài có tham dự hội nghị, nhưng tối 14/7 bị Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (UBKTKLTW) thực hiện biện pháp “Song quy” (tạm giữ để cách ly điều tra) nên hình ảnh của ông đã bị CCTV cắt bỏ. 

Hồ Dĩnh (phải), vợ ông Tôn Chính Tài giữ nhiều chức vụ trong Ngân hàng Dân Sinh
Hồ Dĩnh (phải), vợ ông Tôn Chính Tài giữ nhiều chức vụ trong Ngân hàng Dân Sinh

“Ngã ngựa” vì đâu?

Việc ông Tôn Chính Tài bị mất chức và điều tra không được giải thích rõ lý do cụ thể; bản tin của Tân Hoa xã chỉ nói ông “có dấu hiệu vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” - một cụm từ ngầm chỉ phạm tội tham nhũng hoặc vi phạm quy định về chính trị. Theo những phân tích, phán đoán của giới bình luận chính trị thì ông Tôn Chính Tài bị ngã ngựa có thể do các nguyên nhân sau:

Thứ nhất, có liên quan đến việc Hà Đình, Giám đốc Công an Trùng Khánh ngã ngựa và đó chính là lý do Tôn Chính Tài bị cho là “không triệt để trong việc thanh lọc nọc độc sót lại của Bạc (Hy Lai), Vương (Lập Quân)”. Tháng 3/2017, Hà Đình bị các nhân viên cuả UBKTKLTW đưa đi điều tra; tại Đại hội đảng bộ Trùng Khánh tháng 5 vừa qua, Phó thị trưởng Hà Đình không được bầu vào đoàn chủ tịch đại hội, cũng không trúng vào thành ủy, tiểu sử ông ta cũng biến mất trên trang web địa phương từ đầu tháng 6. Ngày 16/6, hội nghị Ban thường vụ Hội đồng nhân dân thành phố Trùng Khánh đã quyết định bãi miễn chức Phó thị trưởng và Giám đốc Công an của Hà Đình.

Khi đang ở đỉnh cao quyền lực, Hà Đình thường rêu rao về mối quan hệ đặc biệt thân thiết của mình với Tôn Chính Tài, nói hai người là “bạn tương giao mấy chục năm”. Không ai kiểm chứng được điều này, nhưng có một thực tế là Tôn Chính Tài 54 tuổi, Hà Đình 55; không chỉ tuổi tác sàn sàn, hai người còn cùng quê Vinh Thành, Sơn Đông; cả hai cùng được điều về Trùng Khánh để thay thế bộ đôi Bạc Hy Lai, Vương Lập Quân, hai người đã cộng tác với nhau suốt 5 năm qua. Vì vậy, chuyện dư luận nói Hà Đình đã khai ra những chuyện của Tôn Chính Tài không phải không có lý… 

Thứ hai, ông Tôn Chính Tài bị điều tra có thể liên quan đến vụ việc của bà vợ Hồ Dĩnh, người có quan hệ mật thiết với bà Cốc Lệ Bình, vợ ông Lệnh Kế Hoạch, hai bà đều là thành viên “Câu lạc bộ phu nhân – Ngân hàng Dân Sinh “ khét tiếng. Ngay từ đầu năm 2015, khi giám đốc Ngân hàng Dân sinh Mao Hiểu Phong bị điều tra đã khai ra việc ngân hàng là “Câu lạc bộ” - nơi các quý phu nhân được giao giữ các chức vụ ngồi chơi lĩnh lương, trong đó có bà Hồ Dĩnh, vợ ông Tôn Chính Tài cùng với các bà Vu Lệ Phương, vợ Phó chủ tịch Chính Hiệp Tô Vinh và Cốc Lệ Bình vợ Bí thư trung ương khóa 17 Lệnh Kế Hoạch.

Ngân hàng Dân Sinh được coi là 'Câu lạc bộ phu nhân'. Từ trái qua, Hồ Dĩnh, Cốc Lệ Bình, Vu Lệ Phương
Ngân hàng Dân Sinh được coi là 'Câu lạc bộ phu nhân'. Từ trái qua, Hồ Dĩnh, Cốc Lệ Bình, Vu Lệ Phương

Bà Hồ Dĩnh được giao giữ các chức Chủ nhiệm Trung tâm tập huấn cán bộ, đồng Viện trưởng Học viện Tài Phú Dân Sinh Bắc Kinh và Tổng giám đốc Trung tâm giao lưu văn hóa quốc tế Dân Sinh để nhận những khoản lương hậu hĩnh.

Hiện nay báo chí Trung Quốc chưa đề cập cụ thể đến mối liên quan giữa ông Tôn Chính Tài với các nhân vật chủ ngân hàng này đang bị điều tra và bỏ trốn, nhưng ngay từ năm 2013 đã lan truyền những thông tin ngoài lề về chuyện tham nhũng của ông ta như việc ông ta có hơn chục chiếc đồng hồ đeo tay loại cực đắt, giá cả triệu tệ; hay khi Tôn Chính Tài giữ chức Bộ trưởng Nông nghiệp thì con gái sang Mỹ du học ở trường Đại học Cornell với mức chi phí ít nhất 70 ngàn USD/năm…số tiền đó ở đâu ra cũng là điều khiến mọi người thắc mắc.../.

Đọc thêm

Việt Nam – Hoa Kỳ thúc đẩy việc triển khai các thỏa thuận cấp cao

Hình ảnh tại Đối thoại.
(PLVN) - Nhận lời mời của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và triển khai thực hiện Tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tháng 9/2023 về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện, ngày 25/3, tại thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Antony Blinken đã đồng chủ trì Đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ nhất.

Pháp nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất

Tháp Eiffel là biểu tượng nổi tiếng và hấp dẫn nhất của thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: REUTERS/Sarah Meyssonnier.
(PLVN) - Chính phủ Pháp đã nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất sau vụ xả súng đẫm máu tại nhà hát ở ngoại ô Moscow, Nga. Thông báo được đưa ra sau cuộc họp giữa các quan chức an ninh và quốc phòng cấp cao của Pháp với Tổng thống Emmanuel Macron.

Lái máy bay khi say rượu, phi công Mỹ bị kết án tù

Ông Lawrence Russell Jr bị phát hiện uống rượu vượt quá giới hạn cho phép của hãng hàng không gấp gần 2,5 lần.
(PLVN) - Phi công Lawrence Russell (63 tuổi), một công dân Mỹ, vừa bị kết án 10 tháng tù tại Scotland sau khi bị phát hiện có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép trong máu trước khi tiến hành chuyến bay xuyên Đại Tây Dương vào ngày 16 tháng 6 năm 2023.

Chưa ghi nhận công dân Việt Nam gặp nạn trong vụ tấn công khủng bố tại Nga

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng.
(PLVN) - Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, đến nay, chưa ghi nhận có công dân Việt Nam là nạn nhân trong vụ việc. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán đang khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại bám sát tình hình, sẵn sàng các biện pháp bảo hộ cần thiết trong trường hợp có công dân Việt Nam gặp nạn.

Hiện trường vụ tấn công khủng bố ở Nga

Hiện trường vụ tấn công khủng bố ở Nga
(PLVN) - Ít nhất 60 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương sau vụ xả súng vào đoàn người tham dự hòa nhạc ở Nga. Đây là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất ở Nga trong nhiều thập kỷ.