Tín hiệu tích cực thúc đẩy cải thiện mối quan hệ Triều Tiên - Hàn Quốc

Một sĩ quan Hàn Quốc liên lạc với phía Triều Tiên qua đường dây nóng chuyên dụng tại làng biên giới Bàn Môn Điếm ở Paju, Hàn Quốc
Một sĩ quan Hàn Quốc liên lạc với phía Triều Tiên qua đường dây nóng chuyên dụng tại làng biên giới Bàn Môn Điếm ở Paju, Hàn Quốc
(PLO) - Như PLVN đã đưa tin, ngày 9/1/2017, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đã kết thúc cuộc đàm phán cấp cao tại Ngôi nhà Hòa Bình trong làng đình chiến Panmunjom với những tín hiệu tích cực để thúc đẩy cải thiện mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên.

Đây là cuộc đàm phán liên Triều đầu tiên sau hơn 2 năm gián đoạn. Trong bối cảnh quan hệ liên Triều căng thẳng sau hàng loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên, cuộc đàm phán cấp cao liên Triều đã đạt được kết quả đột phá. 

Dấu hiệu tốt lành

Lãnh đạo cấp cao của hai nước đã tập trung thảo luận việc CHDCND Triều Tiên tham gia Thế vận hội mùa Đông PyeongChang. Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon cho biết, sẽ nỗ lực hết sức để biến kỳ thể thao này thành lễ hội hòa bình và trở thành bước đi đầu tiên hướng tới cải thiện mối quan hệ liên Triều. Phía Hàn Quốc đã đề nghị hai bên cùng diễu hành dưới một lá cờ thống nhất vào lễ khai mạc và bế mạc Thế vận hội diễn ra vào tháng tới, và CHDCND Triều Tiên cũng sẽ cử đội cổ động tới sự kiện này. 

Ngoài ra, Seoul cũng đề nghị tổ chức một cuộc họp để thảo luận vấn đề đoàn tụ các gia đình bị phân ly do cuộc chiến tranh liên Triều 1950-1953 vào khoảng tháng 2/2018. “Chúng tôi cũng nhấn mạnh đến đòi hỏi phải chấm dứt các hành động có thể làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và nối lại đối thoại nhằm mang lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên như phi hạt nhân hóa”, ông Chun cho biết.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Roh Kyu-deok cũng cho biết, chính phủ nước này sẽ cân nhắc dỡ bỏ tạm thời các lệnh trừng phạt nhằm vào CHDCND Triều Tiên nếu cần thiết để tạo điều kiện cho phái đoàn Triều Tiên tham dự Thế vận hội vào tháng sau. “Nếu Seoul cần có những bước ban đầu để giúp Triều Tiên dự Thế vận hội, chúng tôi sẽ cân nhắc phối hợp cùng với Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và các quốc gia có liên quan khác”, ông Roh Kyu-deok nói. Đáp lại, CHDCND Triều Tiên cho biết sẽ cử một phái đoàn cấp cao và các nhóm khác gồm vận động viên, cổ động viên và đoàn nghệ thuật, nhà báo tới tham dự Thế vận hội.

Ngoài ra, CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc đã nhất trí nối lại một đường dây nóng quân sự, chưa đầy một tuần sau khi một đường điện thoại dân sự liên Triều được nối lại. Theo đó, CHDCND Triều Tiên thông báo một đường dây ở khu vực phía Tây của biên giới hai miền đã hoạt động trở lại, bắt đầu từ 8 giờ sáng ngày 10-1. Phát biểu với báo giới, Thứ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Chun Hae-Sung cho biết Triều Tiên đã hoàn tất công tác kỹ thuật để mở lại đường dây nóng quân sự với Hàn Quốc ở vùng biển phía Tây.

Ngay sau những diễn biến tích cực trên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moskva hoan nghênh cuộc đối thoại trực tiếp giữa đại diện của Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên, coi đây là con đường duy nhất để giảm căng thẳng tại bán đảo này. Ông Peskov cho biết, Tổng thống Putin đã nhiều lần ủng hộ việc tạo mọi điều kiện cần thiết để nối lại đối thoại giữa hai bên, cũng như cần phải “kiềm chế mọi hành động, biện pháp và tuyên bố có thể cản trở tiến trình này”.

Xích lại gần nhau

Ý tưởng về sự xích lại gần nhau giữa hai miền Triều Tiên được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un trong Thông điệp năm mới đưa ra ngày 1/1 vừa qua đã để ngỏ khả năng cử một phái đoàn tham dự Olympic mùa Đông PyeongChang, diễn ra từ ngày 9 đến ngày 25/2 tới tại Hàn Quốc.

Trong Thông điệp đầu Năm mới 2018, ông Kim Jong-un đã khẳng định hai miền Triều Tiên cần cải thiện quan hệ, Bình Nhưỡng sẵn sàng đàm phán với Seoul về khả năng tham gia Olympic mùa Đông Pyeongchang 2018, giống như một “nhành ô liu” hưởng ứng chủ trương đối thoại của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Đây là sự thay đổi đáng kể trong chính sách của Bình Nhưỡng bởi lâu nay CHDCND Triều Tiên dường như vẫn “phớt lờ” đề xuất của Seoul về đối thoại hai miền, bất chấp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kể từ khi nhậm chức hồi tháng 5 năm ngoái đã nhiều lần gợi ý Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên giải quyết căng thẳng leo thang trên Bán đảo Triều Tiên trên bàn đàm phán. Ngoài ra, ông Kim Jong-un cũng bày tỏ hy vọng về một “giải pháp hòa bình” và một lần nữa muốn khẳng định rằng CHDCND Triều Tiên là một quốc gia “hành xử có trách nhiệm”.

Đáp lại, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã hoan nghênh tuyên bố của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên, đồng thời nêu rõ Hàn Quốc sẵn sàng đối thoại “bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu và dưới bất kỳ hình thức nào”. Trước đây, Tổng thống Moon Jae-in, là người ủng hộ “Chính sách Ánh dương”, vốn được các đời tổng thống tiền nhiệm của Hàn Quốc thực thi từ năm 1998-2008, đã nhiều lần đưa ra các đề xuất đàm phán quân sự liên Triều, đối thoại Hội Chữ thập Đỏ, và đoàn tụ các gia đình bị ly tán sau Chiến tranh Triều Tiên… song không nhận được sự hưởng ứng của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Hàn Quốc cho tới nay vẫn theo đuổi giải pháp đối thoại, và có cách tiếp cận cởi mở hơn với Triều Tiên so với người tiền nhiệm Park Geun-hye.

Phía Hàn Quốc hy vọng việc CHDCND Triều Tiên tham gia Olympic mùa Đông PyeongChang sẽ giúp giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, từ đó mở đường cho việc giải quyết vấn đề hạt nhân của của CHDCND Triều Tiên cũng như các cuộc đối thoại sâu rộng hơn giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên.

Bên cạnh đó, những nỗ lực hòa giải giữa 2 miền Triều Tiên lần này cũng ghi nhận được sự ủng hộ của Mỹ, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhất trí lùi thời điểm tập trận chung Mỹ-Hàn theo đề nghị của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, đồng thời ông Trump đã nhiều lần bày tỏ hy vọng đàm phán liên Triều đạt kết quả. Do đó, việc Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đạt được bước đột phá tại cuộc đàm phán liên Triều ngày 9/1 được cho là sẽ mở ra hy vọng cho những lần đàm phán tiếp theo... 

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Viện Brookings.

Tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài tới Việt Nam đầu tư, kinh doanh

(PLVN) - Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng dù bối cảnh tình hình có thay đổi Việt Nam vẫn tiếp tục nhất quán đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong đó coi trọng quan hệ với các nước lớn... Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài tới đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Đọc thêm

Việt Nam phát biểu chung đại diện nhóm các nước tại Khóa họp 55 Hội đồng Nhân quyền

 Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Anh Hiển/TTXVN
(PLVN) - Theo tin từ Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại thế giới và các Tổ chức quốc tế khác tại Geneva, trong khuôn khổ Khóa họp 55 của Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) LHQ tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 27/3, Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn đã có bài phát biểu chung trong Phiên thảo luận chung tại đề mục về việc theo sát và thực hiện Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA) với chủ đề về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu người dân trong xung đột vũ trang, thu hút đông đảo các nước tham gia quan tâm và đồng bảo trợ.

Việt Nam – Hoa Kỳ thúc đẩy việc triển khai các thỏa thuận cấp cao

Hình ảnh tại Đối thoại.
(PLVN) - Nhận lời mời của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và triển khai thực hiện Tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tháng 9/2023 về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện, ngày 25/3, tại thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Antony Blinken đã đồng chủ trì Đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ nhất.