Tăng cường vai trò của phụ nữ đối với hòa bình và an ninh

Các đại biểu tại hội thảo. Ảnh: Baoquocte
Các đại biểu tại hội thảo. Ảnh: Baoquocte
(PLVN) - Sáng 30/10, Học viện Ngoại giao phối hợp với Quỹ Konrad-Adenauter (KAS, Đức) tổ chức Hội thảo quốc tế “Tăng cường vai trò của phụ nữ đối với hòa bình và an ninh” (Enhancing the role of women in peace and security).

Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của phụ nữ trong các tiến trình hoà bình, hướng tới thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong hòa bình và an ninh, đồng thời đóng góp cho sự tham gia của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt là tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và ASEAN, trong việc thúc đẩy nghị trình về phụ nữ, hòa bình và an ninh. 

Hội thảo được thực hiện theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Hơn 70 đại biểu đến từ các Bộ, Ban, Ngành, các cơ quan nghiên cứu, trường Đại học có uy tín của Việt Nam và đại diện Đại sứ quán các nước tại Hà Nội đã tham dự trực tiếp. 

Ngoài ra, một số diễn giả trình bày trực tuyến. Đặc biệt có Giám đốc Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức UN Women, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, và các chuyên gia hàng đầu thế giới và khu vực về vấn đề phụ nữ với hòa bình và an ninh, nổi bật là TS. Miriam Coronel Ferrer - Đại học Philippines.

Hội thảo gồm hai phiên, tập trung vào hai nội dung chính bao gồm các cơ hội và thách thức đối với phụ nữ, hòa bình và an ninh dưới tác động của các xu thế mới nổi lên thời kỳ hậu Covid-19; và khuyến nghị nhằm tăng cường vai trò của phụ nữ đối với hòa bình và an ninh.

Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Hùng Sơn - Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao - nhấn mạnh đây là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa thiết thực góp phần tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình và an ninh, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam và các nước trong việc tăng cường vai trò của phụ nữ trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp và nhiều thách thức mới nổi lên. 

TS. Nguyễn Hùng Sơn cũng khẳng định nghị trình về phụ nữ, hòa bình và an ninh là một trọng tâm trong đối ngoại đa phương của Việt Nam, đặc biệt là tại Liên hợp quốc và trong khuôn khổ ASEAN. 

Ông Mohammad Naciri - Giám đốc UN Women tại Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương - cho biết Hội thảo này diễn ra rất kịp thời bởi tuần này Liên hợp quốc đang tổ chức kỷ niệm lần thứ 20 Nghị quyết 1325 về Phụ nữ, hòa bình, an ninh - văn kiện lịch sử đánh dấu lần đầu tiên HĐBA ghi nhận ảnh hưởng của xung đột vũ trang đối với phụ nữ và trẻ em gái; thừa nhận những giá trị và đóng góp của phụ nữ đối với gìn giữ hòa bình, giải quyết xung đột và kiến tạo hòa bình. 

Ông cũng nhấn mạnh vai trò của phụ nữ, đặc biệt phụ nữ tại khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, Ông khẳng định Việt Nam là một trong những minh chứng tiêu biểu trong việc thúc đẩy vai trò và sự tham gia của phụ nữ đối với hoạt động giữ gìn hòa bình của LHQ.

Hội thảo diễn ra trong không khí trao đổi sôi nổi, thẳng thắn và thực chất. Đa số các đại biểu đều thống nhất với quan điểm rằng sự tham gia của phụ nữ là điều cần thiết để xây dựng hòa bình bền vững, đặc biệt trong việc giải quyết nguồn gốc của vấn đề. 

Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng hiện nay vai trò và vị thế của phụ nữ, đặc biệt là tiến bộ về bình đẳng giới ở nhiều nơi vẫn còn hạn chế. Các đại biểu đã đề xuất nhiều khuyến nghị có giá trị nhằm khắc phục tình trạng này.

Trong bối cảnh thế giới và khu vực đang đứng trước những mối đe doạ an ninh mới đang nổi lên, đặc biệt dưới tác động của đại dịch Covid-19, Việt Nam với tư cách là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch ASEAN năm 2020, được kỳ vọng sẽ phát huy vai trò tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, tiếng nói và sự tham gia của phụ nữ trong kiến tạo và duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực và trên thế giới.

Cũng liên quan đến chủ đề trên, theo Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, ngày 29/10, dưới sự chủ trì của Nga - Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) tháng 10/2020 - HĐBA vừa thảo luận mở trực tuyến về chương trình nghị sự “Phụ nữ, hoà bình, an ninh (WPS)” nhằm chia sẻ kinh nghiệm, biện pháp, thành tựu, cũng như thách thức trong thực hiện chương trình nghị sự này và thực hiện Nghị quyết 1325 về WPS trong 20 năm qua.

Phát biểu tại cuộc thảo luận, để thúc đẩy việc thực hiện chương trình nghị sự WPS, Đại sứ Đặng Đình Quý - Trưởng Đại diện Phái đoàn Việt Nam tại LHQ - kêu gọi các nước ủng hộ Lời kêu gọi của Tổng Thư ký về ngừng bắn toàn cầu và chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch ở mọi nơi trên thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho hỗ trợ nhân đạo và hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.

Đại sứ cho rằng cần giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của xung đột, phòng ngừa xung đột, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hòa bình, khôi phục và tái thiết sau xung đột. Các nước cần xóa bỏ các rào cản và định kiến đối với phụ nữ trong các nỗ lực gìn giữ và xây dựng hòa bình; đảm bảo rằng phụ nữ tham gia đầy đủ với tư cách là đối tác bình đẳng từ những giai đoạn sớm nhất trong mỗi và mọi tiến trình hòa bình và chính trị. 

Đại sứ cũng kêu gọi cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế cần tiếp tục cung cấp tối thiểu 15% vốn ODA cho các nước bị ảnh hưởng bởi xung đột nhằm thúc đẩy bình đẳng giới; tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác và sự điều phối hiệu quả của LHQ. Nhân dịp này, Đại sứ khẳng định Việt Nam luôn coi trọng vai trò của phụ nữ và nêu các thành tựu của Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực này.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Gen Z Trung Quốc đua nhau tích trữ hạt đậu vàng

Giới trẻ Trung Quốc đổ xô tích trữ hạt đậu vàng. Ảnh: BLOOMBERG.
(PLVN) - Trong bối cảnh giảm phát tồi tệ nhất của Trung Quốc trong 15 năm, thị trường chứng khoán biến động, lãi suất ngân hàng thấp so với mong muốn, nhiều các bạn trẻ Gen Z đặt niềm tin vào hạt đậu vàng như một cách tiết kiệm tài sản.

Italia cảnh báo việc đưa binh sỹ vào Ukraine

Ngoại trưởng Italia Antonio Tajani.
(PLVN) - Ngoại trưởng Italia Antonio Tajani cảnh báo việc triển khai binh sỹ của NATO tới các chiến trường ở Ukraine có thể dẫn đến một cuộc xung đột toàn cầu, thực chất là một Chiến tranh thế giới thứ III.