Nước Nga được, mất gì khi đăng cai World Cup 2018?

Tổng thống Nga Putin (bên phải hình)
Tổng thống Nga Putin (bên phải hình)
(PLO) - Nước Nga của tổng thống Vladimir Putin có một tháng để là tâm điểm truyền thông và thể thao thế giới. Trong vòng một tháng, từ ngày 14/6 đến hết ngày 15/7/2018, Cúp Bóng đá Thế giới 2018 diễn ra tại Nga. Đây cũng là lần đầu tiên Nga tổ chức một sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh kể từ sau Thế Vận hội mùa Hè năm 1980.  

Năm 2010, quyết định chọn Nga là nước tổ chức World Cup 2018 đã từng làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận. Tám năm sau, những chủ đề gây tranh cãi đó giờ vẫn còn mang tính thời sự. World Cup lần thứ 21 năm nay diễn ra tại Nga mang một bầu không khí đặc biệt.

Quan hệ Nga và phương Tây ngày càng xấu hơn so với thời điểm được giao quyền tổ chức sự kiện. Nước Nga bị phương Tây cô lập do sự can dự của Nga vào Ukraina, những bất đồng về giải pháp chính trị cho Syria, những căng thẳng ngoại giao giữa Luân Đôn với Matxcơva do nghi án đầu độc cựu điệp viên của Nga Serguei Skripal trên lãnh thổ Anh.

Nước Nga của ông Putin tổ chức lễ hội thể thao lớn nhất hành tinh trong bối cảnh bị tai tiếng sử dụng thuốc kích thích có hệ thống trong các kỳ tranh giải lớn. Nga bị đình chỉ không được tham gia giải điền kinh quốc tế và Thế Vận hội mùa Đông 2018 ở Hàn Quốc.

Do vậy, với tổng thống Nga Vladimir Putin, giải World Cup lần này không đơn giản chỉ là sắp xếp tổ chức các trận cầu, mà có lẽ còn là một công cụ ngoại giao để ông đưa ra một hình ảnh tích cực về đất nước.

Công cụ đối ngoại không của riêng ai

Tuy nhiên, công cụ ngoại giao này không chỉ riêng nước Nga, mà bất kỳ một quốc gia nào, một chế độ nào cũng đều sử dụng đến để tô bóng hình ảnh đất nước của mình, như lưu ý của giáo sư Pascale Boniface:

“Đương nhiên ngay cả khi nằm ngoài bối cảnh này, tất cả những quốc gia nào được tổ chức các sự kiện thể thao thế giới lớn như vậy, chẳng hạn như Cúp Bóng đá Thế giới hay Thế Vận hội mùa Hè, vốn là những sự kiện chính trên cấp độ quốc tế, sẽ có đến hàng tỷ người theo dõi.

Một trận đấu tại World Cup 2018
Một trận đấu tại World Cup 2018

Do vậy, tất cả những nước nào được tổ chức các sự kiện này đều tìm cách thu lợi về ngoại giao, uy tín, bất chấp những khó khăn hay thuận lợi vào thời điểm diễn ra sự kiện. Ông Putin làm những gì mà tổng thống Pháp tương lai sẽ thực hiện vào năm 2024 cho Thế Vận hội mùa Hè.

Đó là truyền thống từ trước tới nay, người ta luôn cố gắng nâng cao vai trò, uy tín quốc gia thông qua các sự kiện này. Nhưng đồng thời, đây cũng là một mối nguy hiểm, bởi vì ai thu hút mọi ống kính thì cũng thu hút mọi ánh sáng chiếu rọi vào mình, và như vậy họ cũng thu hút luôn ống kính và ánh sáng chiếu rọi lên cả những khía cạnh tiêu cực của bản thân.

Do vậy, khi người ta đã "phóng lao rồi thì phải theo lao". Đối với ông Putin, đó còn là một thách thức ở tầm cỡ quốc tế cũng như là quốc gia. Ông biết rõ là có nhiều thử thách phải vượt qua để giành lấy thắng lợi trên mặt trận ngoại giao, nhiều hơn là thể thao trong lần thử sức này”. 

Quả thật với hơn 2 tỷ người theo dõi trong lần World Cup 2014, sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này chẳng khác gì như một chiếc tủ kính để nước chủ nhà tìm cách trưng bày và quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới bên ngoài.  

Chuyên gia Regis Gente đồng quan điểm: “Một sự kiện thể thao như vậy cũng là cách thức để khẳng định mình, để chứng tỏ với phương Tây với một ẩn ý địa chính trị giống như mọi quốc gia khác, đó là khẳng định vị trí của mình, được thừa nhận như là một quốc gia đáng nể trọng có khả năng tổ chức các sự kiện mang tầm cỡ thế giới, và đưa ra một hình ảnh đất nước hiện đại”.  

Công cụ đối nội

Với tổng thống Nga, World Cup lần này còn là dịp để nước Nga “rửa mối giận” Thế Vận hội mùa Hè năm 1980. Năm đó, nhằm phản đối Matxcơva đưa quân sang Afghanistan, nhiều nước phương Tây đã tẩy chay không tham dự.

Đồng thời, thông qua lễ hội thể thao này, tổng thống Nga cùng với các chiến dịch tuyên truyền muốn củng cố hơn nữa vai trò lãnh đạo của ông trên các định chế Nga thông qua chuỗi các giá trị đi từ tự hào dân tộc đến sức mạnh quốc gia. Chuyên gia Pascale Boniface phân tích:

“Đối với ông Putin, nước Nga phải là tâm điểm của thế giới, một nước Nga rộng lớn. Đó chính là điều ông ấy muốn. Do vậy, sẽ có hình ảnh nhằm tuyên truyền với người nước ngoài và những hình ảnh tuyên truyền với chính người Nga. Nghĩa là ông ấy đánh vào lòng tự hào bản thân của người Nga, bằng cách chứng tỏ cho họ thấy là dưới sự lãnh đạo của ông, đất nước đã được vực dậy.

Bởi vì Putin đã đặt cược vào việc tạo dựng tính chính đáng, mức độ được lòng dân của ông, qua việc ông đã phục hồi hình ảnh đất nước so với ở thời kỳ của tổng thống Boris Eltsin, và thậm chí ông còn làm tốt hơn cả những gì dưới thời Liên Xô đã làm, bởi vì lần này không có hiện tượng tẩy chay thể thao”.

Cổ động viên đội Nga
Cổ động viên đội Nga

Chính trong mối bận tâm này, nước Nga của ông Vladimir Putin đã dồn hết mọi nỗ lực với hy vọng tổ chức thành công sự kiện. Tổng cộng khoảng 21 tỷ đô la đã được chi ra để đầu tư cơ sở hạ tầng và xây mới nhiều sân vận động. Ba mươi hai đội bóng tham gia với 64 trận đấu được dàn trải tại 11 thành phố của Nga, đôi khi cách xa thủ đô đến hàng nghìn cây số.

Theo quan điểm của chuyên gia Regis Gente, tuy quyết định chọn các thành phố tổ chức các cuộc tranh tài có phần khó hiểu, nhưng sự việc cho thấy tổng thống Nga muốn nhân kỳ World Cup này đưa ra một cái nhìn khác về nước Nga: Hiện đại hơn, giàu di sản văn hóa, đa dạng sắc tộc, nhưng không kém phần hấp dẫn về mặt vị thế địa chính trị nhằm thúc đẩy tăng trưởng ngành du lịch. 

“Có rất nhiều thành phố liên quan, ví dụ Saransk hay Kazan, thủ đô Tatarstan. Đó là một trong những cách cho thấy nước Nga là một quốc gia đa sắc tộc, với những sắc tộc như Nga, Mordves. Hay Kalinigrad. Khi giới thiệu thành phố này, người ta muốn nhấn mạnh yếu tố đậm nét địa chính trị . Đó là một cách để nói rằng nước Nga gắn liền với châu Âu, bởi vì ở đây, Nga triển khai vũ khí nguyên tử. Như vậy, chính quyền tìm cách làm rõ những dấu ấn địa chính trị.

Bên cạnh đó, có một số thành phố biểu tượng cho lịch sử Liên Xô, lịch sử ngành công nghiệp như Saratov, Ekaterinburg. Như vậy, để thể hiện sự đa dạng của nước Nga, chính quyền khai thác nhiều khía cạnh khác nhau”.  

Hai thách thức chính

Trước ngày sắp khai mạc lễ hội lớn nhất hành tinh, báo chí phương Tây tỏ ra lo ngại về nạn hooligan của Nga, vốn “tai tiếng”. Tuy nhiên, về điểm này, cả hai chuyên gia Pascale Boniface và Regis Gente, đều tỏ ra lạc quan, không xem đấy như là một thách thức chính.

Nhiều hình ảnh được phát đi những ngày gần đây đều cho thấy an ninh đã được siết chặt nghiêm ngặt. Theo quan điểm của ông Boniface, ngoài vấn đề khủng bố thì bất kể quốc gia nào giờ cũng phải đối mặt, điều đáng lo nhất đối với nguyên thủ Nga chính là tình trạng kỳ thị và năng lực của đội nhà, trước khi bước vào tranh giải đã bị chỉ trích là quá yếu kém.

Cảnh khai mạc World Cup 2018
Cảnh khai mạc World Cup 2018

“Thực ra, có hai thách thức mà ông Putin rất khó kiểm soát được. Thứ nhất là những tiếng hò hét mang tính phân biệt chủng tộc trên sân vận động khi một số đội nước ngoài thi đấu. 

Người ta biết là có những kẻ tạm gọi là cổ động viên Nga thường xuyên hò hét, bắt chước tiếng kêu của khỉ, ném chuối vào các cầu thủ ngoại quốc. Đó là thách thức ngoại giao quan trọng, bởi vì nếu có những bằng chứng phân biệt kyd thị, thì đó sẽ là một thất bại.

Thách thức thứ hai và thực sự quan trọng, đó là trình độ thi đấu của đội tuyển bóng đá Nga không cao”.  

Dẫu sao đi chăng nữa World Cup cũng là mùa hội thể thao lớn. Bất kể những tính toán gì đi chăng nữa, đây cũng là dịp để thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc. Người dân Nga có một tháng để quên đi những lo âu thường nhật, tạm gác một bên những bất đồng chính kiến để chạy theo quả bóng tròn. Với hai bàn thắng trước đội Ai Cập và Ả Rập Xê Út, nước Nga của ông Putin có hy vọng vượt qua vòng một mà không phải ngồi ghế khán giả nhìn các nước khác thi đấu như nước chủ nhà Nam Phi năm 2010.

Tổ chức Cúp Bóng đá Thế giới trên sân nhà có đem lại một làn gió mới cho kinh tế nước Nga? Điện Kremlin kỳ vọng gặt hái được nhiều thành quả kinh tế. Nhưng dự báo thực tế sẽ chỉ có những thành tích khiêm tốn, đặc biệt là cho ngành du lịch.  

Cơ quan tư vấn McKinsey của Mỹ thẩm định mùa bóng đá 2018 cho phép nước Nga thu về 15 tỷ đô la trong 6 năm qua. Con số này cao hơn so với những kỳ World Cup trước đây ở Brazil, Nam Phi hay Hàn Quốc.

Số tiền nói trên có vẻ lớn, nhưng cơ quan thẩm định tài chính Moody's nhắc lại rằng, bản thân lễ hội bóng đá mở ra trong một tháng và 15 tỷ đô la chỉ là một giọt nước so với tổng sản lượng nội địa của Nga là 1.300 tỷ đô la.

Về chỉ số dễ thấy nhất là du lịch, đô trưởng Matxcơva, Sergueï Sobianine chờ đợi lượng du khách đến tham quan thủ đô nước Nga tăng 10 % nhờ World Cup, cho phép thành phố này thu về thêm 250 triệu đô la. Giới trong ngành không lạc quan như vậy.

Chính ban tổ chức cho biết sẽ có khoảng từ 600.000 cho đến 1.000.000 khách tham quan nước Nga trong mùa bóng năm nay. Đây cũng là một con số khá khiêm tốn so với 24,6 triệu lượt du khách dừng chân tại Nga vào năm 2016, hay so với 1,4 triệu hồi Thế Vận hội mùa Đông Sochi 2014.

Một điều chắc chắn là trong những tuần lễ diễn ra các trận đấu trên sân cỏ, giá khách sạn, các dịch vụ nhà hàng, và thuê xe ... tăng lên cao. Nhưng với tuyệt đại đa số người dân Nga, thì hiệu ứng Cúp Bóng đá Thế giới 2018 là "một tia sáng trong đêm đen".  

Trong khi trên sân cỏ có nhiều chuyện thú vị từ các trận đấu thì ở bên ngoài, không khí cũng sôi động không kém.

Sự kiện quý giá của quốc gia: World Cup 2018 lần đầu tiên được tổ chức ở Nga nên chuyện thi đấu của đội chủ nhà tất nhiên được người Nga rất quan tâm.

Trong trận khai mạc, dù không xem trận đấu này do phải đi công tác ngay sau lễ khai mạc (ngày 14/6), Tổng thống Nga Putin khi được thông báo kết quả trận đấu, ông cũng rất hài lòng. Thư ký báo chí của Tổng thống, ông Peskov cho hay Tổng thống Nga nói “đây là sự kiện vui mừng và quý giá cho cả quốc gia”.

Hình ảnh đẹp: Đó là việc các cổ động viên Nhật Bản và Senegal nhặt rác trên khán đài sau trận đấu.

Sau khi chứng kiến trận thắng Colombia 2 - 1 (ngày 19/6) của đội nhà, các cổ động viên Nhật Bản đã nán lại để thu dọn rác trên khán đài. Hành động “giữ gìn môi trường World Cup” này nhận được sự tán thưởng của hàng triệu người khắp thế giới. Người ta cũng bình luận đây là “cách ăn mừng đáng nể” của người Nhật Bản. Đây cũng là điều họ đã làm trong mùa World Cup 2014 ở Brazil.

Tương tự, các cổ động viên Senegal cũng đã nán lại sau trận đấu giữa đội tuyển của họ với Ba Lan (ngày 19/6). FIFA ca ngợi “đây là hình ảnh đẹp nhất ngày”.

Ronaldo: Bóng bàn… cũng hay như bóng đá: Một câu chuyện bên lề thú vị về siêu sao Bồ Đào Nha - Ronaldo được Evra, một cầu thủ người Pháp, thuật lại. 

Hồi còn ở Manchester United, sau bóng đá, các cầu thủ đều chơi bóng bàn. Ronaldo thua Rio Ferdinand. Do bị đồng đội trêu chọc, CR7 quyết chí “phục hận” bằng cách lẳng lặng mua cả bộ bóng – bàn - vợt về nhà tập riêng.

Sự siêng năng của anh đã được đền đáp. Hai tuần sau, Ronaldo đã hạ được Ferdinand. Tinh thần vươn lên không ngừng nghỉ của Ronaldo là điểm khiến đồng đội người Pháp ở Manchester cảm phục.

Đúng là “nhà tiên tri”: Đó là chú mèo Achilles. Chú mèo bị điếc này đã đoán đúng đội thắng ở 3 trận: Nga - Saudi Arabia, Nga - Ai Cập và Iran -Morocco.

Điều rất thú vị là mỗi khi các nhà tổ chức bày biện bàn ăn có cắm cờ của mỗi đội, Achilles không hề do dự chọn ngay đội thắng cuộc bằng cách ăn hết thức ăn phía bàn đội đó.

World Cup trong nhà tù: Trong khi World Cup tại Nga đang diễn ra tưng bừng thì ít người biết ở một trại tù trên đất Kenya, nhà quản lý cũng tổ chức một World Cup cho các tù nhân.

Kamiti là nhà tù an ninh nghiêm ngặt bậc nhất được đặt tại khu vực hẻo lánh của Kenya. Dù vậy, đây cũng là nơi mà chế độ giam giữ phạm nhân được đánh giá là rất nhân văn. 

Lần này, song song với World Cup trên đất Nga, các quản giáo ở Kamiti cũng tổ chức World Cup riêng cho các tù nhân. 

Phiên bản World Cup Kamiti có 8 đội, mỗi đội 7 người. Màu áo mô phỏng màu áo các đội bóng dự World Cup tại Nga.

Thật tuyệt là trong trận “khai mạc” tại Kamiti, “đội tuyển Nga” đã thắng “đội tuyển Saudi Arabia” đúng… 5 - 0, sự trùng hợp y như đời thực.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Độc đáo tác phẩm kêu gọi hành động vì Ngày Trái Đất

Độc đáo tác phẩm kêu gọi hành động vì Ngày Trái Đất
Từ trên không trung nhìn xuống những ngọn đồi nhấp nhô gần cây cầu Hebden, miền Bắc nước Anh, một tác phẩm nghệ thuật khổng lồ độc đáo đã được trình bày trên đồng cỏ xanh rộng lớn kèm với một lời kêu gọi hành động vì môi trường nhân Ngày Trái Đất 22/4.

Kiều bào tại Ba Lan trúng cử vào Hội đồng quận Ochota, Thủ đô Warsaw

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng trao thư chúc mừng bà Cao Hồng Vinh.
(PLVN) - Tối 20/4, tại tiệc chiêu đãi do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Bộ Ngoại giao tổ chức chào mừng các đại biểu kiều bào về dự Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2024, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Thu Hằng đã trao Thư chúc mừng bà Cao Hồng Vinh (kiều bào ta tại Ba Lan) vừa trúng cử vào Hội đồng quận Ochota, Thủ đô Warsaw, Ba Lan.

Gần 70 đại biểu kiều bào tham dự Giỗ tổ Hùng Vương 2024

Đoàn chụp ảnh lưu niệm trước cổng Đền Hùng.
(PLVN) - Ngày 20/4 (tức ngày 12/3 Âm lịch), nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Giáp Thìn 2024, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Bộ Ngoại giao tổ chức Đoàn kiều bào gồm gần 70 đại biểu trở về từ hơn 20 quốc gia trên thế giới do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Thu Hằng dẫn đầu, hành hương về Đền Hùng - Phú Thọ.

Văn hóa đọc đặc trưng tại các quốc gia

Hội chợ sách sách lớn nhất thế giới Frankfurt năm 2022. (Ảnh: DW)
(PLVN) - Đã gần 5.000 năm kể từ khi cuốn sách đầu tiên ra đời, cũng là ngần ấy thời gian hình thành nên văn hoá đọc - cầu nối đến kho tàng tri thức quý báu của nhân loại. Tại mỗi quốc gia, văn hoá đọc có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống xã hội, luôn được quan tâm đặc biệt và thúc đẩy trong dân chúng.

IMF cảnh báo mối nguy toàn cầu nếu tịch thu tài sản của Nga

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Ông Alfred Kammer - Giám đốc khu vực châu Âu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, bất kỳ bước đi nào nhằm tịch thu nguồn tài sản đang bị đóng băng của Nga đều cần được hỗ trợ về mặt pháp lý để tránh nguy cơ làm suy yếu hệ thống tài chính toàn cầu.

Dubai chìm trong nước

Dubai chìm trong nước
(PLVN) - Lượng mưa một ngày tương đương một năm gây ra ngập lụt khủng khiếp ở Dubai vào ngày 16/4.

Tổng thống Nga Putin nhận tấm giấy quan trọng

Chủ tịch Ủy ban bầu cử trung ương Nga Ella Pamfilova và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
(PLVN) - Chủ tịch Ủy ban bầu cử trung ương Nga (CEC) Ella Pamfilova đã trao cho Tổng thống Nga Vladimir Putin giấy chứng nhận chính thức đánh dấu chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử Tổng thống tại Nga diễn ra hồi tháng 3 vừa qua.

Tin không vui với Ukraine

Thủ tướng Slovakia Robert Fico.
(PLVN) - Thủ tướng Slovakia Robert Fico tại một cuộc họp báo tuyên bố Slovakia sẽ phản đối việc Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Việt Nam tin tưởng vào việc tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ tới

Đại sứ Mai Phan Dũng phát biểu chung trong Phiên thảo luận chung tại đề mục về việc theo sát và thực hiện Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA) trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 55 của HĐNQ. Ảnh: TTXVN
(PLVN) - Cùng với vai trò, vị thế của đất nước, sự tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam trong tư cách thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ) nhiệm kỳ 2023 - 2025 hiện nay, sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với sự tham gia của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương quốc tế, chúng ta có cơ sở để tin tưởng vào sự ủng hộ của các nước đối với việc Việt Nam tái ứng cử vào HĐNQ nhiệm kỳ 2026 - 2028 sắp tới.