Nhận xét sắc sảo về chiến tranh Việt Nam của một ký giả nước ngoài

Lính Mỹ đốt phá xóm làng
Lính Mỹ đốt phá xóm làng
(PLO) - Là một nhà báo từng có mặt trong thời gian dài tại chiến trường Việt Nam những năm 1960, Neil Sheehan đã có nhiều bài viết với những nhận xét sắc sảo. Xin giới thiệu bài viết của ông đăng trên The New York Times Magazine, số ra ngày 9/10/1966.

Khi lần đầu tiên tôi bước đi trên mặt đường nhựa trong sân bay tan và một tối tháng 4 ấm áp của năm 1962, tôi cũng từng tin vào những gì nước Mỹ đang làm ở xứ sở này. Với viện trợ kinh tế và quân sự và mấy ngàn phi công cùng cố vấn Lục quân, nước Mỹ đang cố giúp VNCH xây dựng một quốc gia độc lập. Và tôi vẫn thường bất đồng với cách thi hành chính sách này của Mỹ trong hai năm đầu sống tại Nam Việt Nam…

Tôi còn nhớ rõ cảm giác run run khi leo lên một trực thăng Mỹ trong cái lạnh buổi sáng và bay bốc qua những đồng lúa với một tiểu đoàn VNCH trong một ngày quần thảo với du kích Quân Giải phóng (QGP). Có nhiều điều thất vọng trong hai năm đầu tiên đó, và tôi rời Việt Nam năm 1964.

Tôi trở lại Sài Gòn năm 1965 để ở thêm một năm nữa. Bây giờ tôi lại ra đi, và nhiều điều đã thay đổi. Có 17.000 lính Mỹ tại Việt Nam vào lần trước khi tôi rời nơi đây, và con số ấy hiện lên tới 317.000 lính. Bây giờ tôi nhận ra đã quá ngây thơ khi tin rằng VNCH sẽ đánh bại phong trào du kích QGP.

Thiếu tướng không quân Nguyễn Cao Kỳ, Thủ tướng VNCH, từng là một phi công của Pháp. Trong những lần hiếm hoi thăm viếng vùng nông thôn, ông ta xuất hiện với bộ đồ bay màu đen và chiếc khăn buộc quanh cổ và khẩu súng ngắn có báng nạm ngọc trai đeo bên hông.

Phó Thủ tướng, Trung tướng Nguyễn Hữu Có, và các tướng lãnh khác trong hội đồng tướng lãnh Sài Gòn, từng là sĩ quan hoặc thầy đội trong lực lượng thuộc địa Pháp. Cái kiểu họ ưa thích cách nấu ăn Pháp, đồng phục bảnh bao và những bữa tiệc cocktail và tiếp tân chính là sự phản ánh của giới thượng lưu thời thuộc địa.

Họ là những người đã tiếp thu những điều tồi tệ nhất của hai nền văn hoá, vẻ kệch cỡm của giới quan lại bản xứ và thói câu nệ cứng ngắc của sĩ quan và viên chức Pháp. Tuy trong bọn họ cũng có những người hiểu biết, nhưng hầu hết những người nắm quyền ở Sài Gòn chẳng học được gì mới và không quên được điều gì cũ. Họ tìm cách duy trì những đặc quyền hiện có và tìm cách lấy lại những đặc quyền đã mất.

Vũ khí và quân Mỹ đã gieo rắc nhiều đau khổ cho thường dân Việt Nam
Vũ khí và quân Mỹ đã gieo rắc nhiều đau khổ cho thường dân Việt Nam

Chúng tôi liên tục phải buồn rầu khi khám phá ra rằng tinh thần lý tưởng và tận tuỵ chủ yếu lại là thế mạnh của đối phương. Người lính Mỹ thường xem sự thiếu ý chí tiến công của các lực lượng VNCH là mục tiêu chế giễu bất tận. Anh ta trở nên thù ghét “Charlie”, biệt danh lính Mỹ đặt cho du kích QGP, nhưng rồi anh ta cũng phải kính nể sự can đảm và khôn ngoan của QGP.

Một tướng lãnh Mỹ đã bày tỏ sự kính nể khác thường đối với một du kích QGP, người đã cầm chân cả một đại đội bộ binh Mỹ suốt một tiếng trong khu rừng phía bắc Sài Gòn. Anh du kích này là người sống sót cuối cùng của nhóm cố thủ một công sự chiến đấu. Anh ta bắn hết đạn của mình, đạn của các đồng chí đã chết, và ném trả lại người Mỹ những trái lựu đạn mà họ đã thảy vào công sự.

Sau cùng anh ta đã bị giết khi đang ném đá về phía quân thù như một hành động thách thức cuối cùng. “Nếu một trong những lính của tôi chiến đấu như thế này”, ông tướng nói, “hẳn anh ta đã được tặng Huy chương Danh dự”.

***

Mặc cho bị dội bom liên tục vào hệ thống đường bộ và đường sắt cũng như Đường mòn Hồ Chí Minh sát Lào, Hà Nội vẫn tiếp tục đưa người vào miền Nam. Những thanh niên này đã chiến đấu rất tốt, và tỉ lệ đào ngũ rất thấp cho dù gian khổ và tổn thất nặng nề vì bệnh tật và chiến sự. Du kích QGP cũng liên tục tăng cường được lực lượng của mình bằng cách tuyển mộ và động viên gia nhập lực lượng.

Chế độ Sài Gòn, ngược lại, đã gặp khó khăn lớn trong việc tăng cường quân số vì tỉ lệ đào ngũ rất cao. Mức đào ngũ trong tầng lớp lính quân dịch là cao nhất, đây là dấu hiệu cho thấy người ta ít hoặc không, cảm thấy gắn bó gì với cuộc chiến.

Lính Mỹ đốt phá xóm làng
Lính Mỹ đốt phá xóm làng

Khoảng 85% quân đội Sài Gòn là lính cầm vũ khí chỉ để kiếm tiền. Điều này khiến quân đội VNCH có tính chất đánh thuê rõ rệt và nó đã ảnh hưởng đến cả thái độ của họ đối với dân chúng lẫn chất lượng trong chiến đấu, không kể một ít đơn vị thiện chiến.

Từ lối ứng xử trái ngược lẫn nhau của hai bên, tôi chỉ có thể kết luận rằng người Việt sẽ sẵn sàng chết vì một chế độ ít nhất cũng thực sự của người Việt, vì nó có thể cho họ một hi vọng cải thiện đời mình, hơn là chết vì một chế độ gắn liền với một nguyên trạng đáng chán và là con đẻ của Washington.

Sự nhận định chính thức cho rằng người lính QGP chịu đựng những điều kiện sống kinh khủng và hành xử một cách đáng nể trong chiến đấu là do khiếp sợ cấp trên đã trở nên quá khôi hài với những ai từng chứng kiến một trận đánh.

Sự khiếp sợ có thể khiến người ta tiến về mũi súng quân thù, nhưng nó không thể khiến người ta chiến đấu kiên cường. Cuộc xung đột đã cho thấy rõ QGP có thể khơi dậy và khai thác khả năng chịu gian khổ và quật cường của người Việt và thuyết phục đám đông rằng bên họ có chính nghĩa.

Ở miền Nam, một số người, do những giá trị của cái xã hội họ đang sống, đều không có khả năng nhìn xa hơn quyền lợi gia đình và bản thân. Quan tâm bao trùm của họ về “bản thân tôi và họ hàng nhà tôi” đã khiến xã hội không có được một ý thức xã hội và chủ nghĩa dòng tộc vốn tràn lan khắp guồng máy cai trị.

Căn bệnh tham nhũng có vẻ tăng tiến theo tỉ lệ thuận với lượng viện trợ đổ vào VNCH ngày càng nhiều. Những câu chuyện về biển thủ công quỹ thì quá tràn lan và liên tục khiến người Mỹ cay đắng.

Các ghế quận trưởng và tỉnh trưởng thường được những kẻ giữ việc bổ nhiệm bán cho kẻ trả giá cao nhất. Các quan chức như vậy tất sẽ gỡ lại phí tổn mua chức tước bằng cách tham nhũng hoặc trả lễ cho các nhân viên cao hơn đã giao chức đó cho họ.

Một số viên chức Mỹ ở VNCH lâu năm đánh giá rằng khoảng 20% viện trợ Mỹ cho những chương trình chống du kích ở nông thôn đã lọt vào tay QGP và từ 30% đến 40% nữa bị quan chức VNCH tẩu tán. Xi măng, tôn lợp, sắt thép và những vật liệu xây dựng khác dành cho trường học và trại tạm cư đã chui ra chợ trời một cách bí ẩn, hay biến thành những biệt thự và cao ốc riêng.

Máy bay Mỹ tàn phá bừa bãi
Máy bay Mỹ tàn phá bừa bãi

“Chỉ còn lại chút xíu đến được tay những con người khốn khổ trên đồng ruộng”, một viên chức nói. Một đại uý Lực lượng đặc biệt Mỹ có lần kể cho tôi nghe chuyện ông ta đã thu xếp thế nào để chở lúa gạo bằng máy bay Mỹ tới một trại có mấy ngàn dân tị nạn ở một vùng xa xôi đang thiếu ăn. Tay quận trưởng địa phương đã giữ số gạo đó lại và bán cho dân tị nạn với giá cắt cổ.

***

Trong khi người Mỹ lo làm cách nào để thắng cuộc chiến và xây dựng một Chính phủ đủ hiệu năng để thu hút sự ủng hộ của dân chúng, thì các gia đình gốc quan lại đang điều hành chế độ lại có những ưu tiên khác. Tại một tỉnh quan trọng ở duyên hải miền Trung, một quan chức VNCH giỏi giang và trung thực hiếm hoi, ông ta rất được người Mỹ ưu ái, đã bị cách chức vì dám tố cáo chuyện tham nhũng của hai tư lệnh quân đội trong vùng. Thế chỗ ông ta là cháu của một trong các viên tướng lãnh đó.

Nhiều lời than phiền từ Toà đại sứ Mỹ đã khiến ông Kỳ phải cảnh báo các tướng lãnh trong một buổi họp hội đồng tướng lãnh rằng họ đã biển thủ công quỹ quá nhiều và phải hạn chế lại. Câu trả lời của họ là phải lo cho gia đình của mình.

Những tuyên bố của Thủ tướng rằng các quan chức tham nhũng sẽ bị xử bắn đã dẫn tới vài hàng tít lớn trên báo chí Sài Gòn và việc xử tử một thương gia người Hoa và năm bảy trùm băng đảng.  

Vào tháng 2, hội đồng tướng lãnh đã tổ chức một “Ngày cách mạng xã hội" tại Sài Gòn. Hai ngàn công chức, binh lính, sinh viên và lãnh đạo tôn giáo được tập hợp trong bãi cỏ của phủ tổng thống trước đây ngay trung tâm Sài Gòn. Những nhà cải cách xã hội đến bằng những chiếc Mercedes-Benz sang trọng, mặc đồ lớn may khéo hoặc quân phục đầy huy chương, bắt đầu đọc những bài diễn văn thường lệ.

Quang cảnh có một không khí hỗn độn của cảm giác đã thấy chuyện nhàm chán này rồi. Trong vòng 10 phút, một số trong đám đông, kém lịch sự hơn số còn lại, bắt đầu bỏ về vì chán. Cảnh sát, rõ ràng đã tiên liệu chuyện này, nên đã khoá những cổng ra vào khuôn viên. Không ai được ra về cho đến khi hết diễn văn, mặc cho những la ó và cãi cọ qua lại bên hàng rào sắt.

Hệ thống xã hội hiện đại đối xử phân biệt với người nghèo và ngăn cản tính cơ động xã hội. Các gia đình quan lại kháng cự mọi nỗ lực thay đổi, vì nó đang có lợi cho họ. Tuy người Mỹ đã chi ra hàng triệu đôla để xây trường tiểu học, nó cũng không thể đem lại cải cách nền tảng nào cho cấu trúc giáo dục vốn luôn bảo đảm rằng con cái nhà giàu, và hầu như không ai khác, sẽ hưởng được nền giáo dục trung học cần cho sự thăng tiến xã hội, dù là trong quân đội, công sở hay nghề nghiệp chuyên môn.

Vũ khí Mỹ tàn phá bừa bãi
Vũ khí Mỹ tàn phá bừa bãi

Một người bạn của tôi từng thăm viếng một thôn xóm cùng một thiếu tá bộ binh vốn thuộc lớp một ít những sĩ quan trận địa đã thắng được chế độ này bằng cách leo lên từ một khởi đầu khiêm tốn. Anh thiếu tá nói chuyện với các nông dân bằng ngôn ngữ nhà nông thay vì bằng giọng thị thành sành sỏi thường gặp ở hầu hết các quan chức chính phủ.

“Chú em không phải thiếu tá”, một nông dân nói.

“Con thiếu tá thiệt mà”, anh thiếu tá nói.

“Không, tui hổng tin”, ông nông dân nói. “Chú em nói chuyện giống nông dân quá mà hổng có nông dân nào lên tới thiếu tá nổi đâu”.

Chạy xe một vòng Sài Gòn ta sẽ thấy chế độ xã hội vận hành theo một kiểu khác nữa. Tất cả những kiến trúc mới xây chỉ là những cao ốc, khách sạn và toà nhà văn phòng sang trọng, do thương gia có thế lực trong chính quyền bỏ tiền xây dựng. Những toà nhà này nhắm vào việc cho người Mỹ thuê. Còn công nhân Sài Gòn, như lâu nay, vẫn sống trong những khu ổ chuột ở ngoại vi thành phố.

Từ 1954, Mỹ đã đổ hơn 3,2 tỷ đôla viện trợ kinh tế vào miền Nam, nhưng không chính phủ Sài Gòn nào tiến hành một chương trình gia cư giá rẻ ở bất kỳ quy mô nào. Ngược lại, chính phủ Singapore đã xây được hàng ngàn căn hộ giá rẻ cho dân chúng của họ.

Trong khi những người có thế lực giàu lên trong thành thị thì cuộc chiến đã tạo ra một thế giới khác ở nông thôn. Đó là một thế giới mà trong đó đám đông nông dân không còn là sống nữa, mà là chịu đựng.

***

Mỗi buổi chiều, trong phòng họp gắn máy lạnh tại Sài Gòn, Bộ chỉ huy quân sự Mỹ lại đưa thông báo cho biết có hơn 300 “cấu trúc của đối phương” đã bị phi cơ hoặc đại bác từ Hạm đội 7 phá huỷ trong ngày hôm đó.

Thống kê luôn hàm ý một tiến triển quân sự đáng kể, cho đến khi ta về nông thôn mới hiểu rằng, một “cấu trúc của đối phương” thường chỉ là một căn chòi trong một làng do QGP kiểm soát, hoặc một căn chòi mà giới chức Mỹ và Việt Nam cho là do QGP kiểm soát.

Không có thống kê chi tiết nào về thương vong dân sự. Bản chất của cuộc chiến khiến việc thu thập những thống kê như vậy trở nên khó khăn, nhưng các giới chức quân sự cũng không hề cố gắng làm việc ấy một cách nghiêm túc.

Máy bay Mỹ tàn phá bừa bãi
Máy bay Mỹ tàn phá bừa bãi

Tuy nhiên, một thông tin về thương vong dân sự có thể nhìn thấy qua sự kiện các nhóm y tế Mỹ và ngoại quốc khác hoạt động tại ¾ trong số 43 tỉnh của VNCH đã điều trị khoảng 2.000 thường dân bị thương do chiến tranh mỗi tháng. Nếu ta chấp nhận tỉ lệ bình thường của giới quân sự là cứ một chết thì có hai bị thương, ta có thể suy ra rằng có khoảng 1.000 thường dân thiệt mạng mỗi tháng.

Theo quan sát của riêng tôi, con số người bị thương được các nhóm y tế cứu chữa chỉ là một phần trong tổng số. Các đơn vị y tế chỉ điều trị những người tới được bệnh viện của tỉnh. Rõ ràng còn có nhiều người không đi được xa như thế. Họ được cứu chữa ở bộ chỉ huy quận hoặc các tiền đồn, hoặc tại trạm xá hay bệnh viện dã chiến của QGP, hoặc họ đã sống sót, hoặc đã chết.

Hầu hết những vết thương mà tôi gặp tại các bệnh viện tỉnh đều thuộc loại mà nạn nhân sẽ sống được hai ba ngày mà không cần chữa trị. Những vết thương cần được chữa trị gấp thì thường không có bằng chứng vì các nạn nhân chắc đã chết trước khi họ tới được bệnh viện.

Những điều tra của riêng tôi đã cho thấy rằng đa số thương vong của thường dân là do không quân, pháo binh hay đại bác hải quân của Mỹ và VNCH. Tháng 11/1965, tôi đến một làng chài ở Quảng Ngãi thuộc miền Trung, trong đó ít nhất 180 người, và có thể lên tới 600 người, đã bị chết trong hai tháng trước đó vì bom đạn từ máy bay Hạm đội 7. Năm ấp của khu làng đó, từng là một cộng đồng gồm 15.000 dân, đã thành bình địa.

Không đủ quân số Mỹ để chiếm đóng và giữ vững địa bàn. Khi một trận đánh kết thúc, quân đội Mỹ và Nam Việt Nam thường rút lui. Việc bình định an dân sau đó của các lực lượng địa phương, cảnh sát và viên chức hành chánh theo lý thuyết thì lại không được tiến hành ngoại trừ trong một số rất ít trường hợp, và du kích QGP thường quay trở lại. Rồi quân Mỹ cũng phải trở lại và chiến sự ở vùng đó cứ tái đi tái lại mãi.

QGP thường tổ chức phòng thủ trong xóm ấp bằng hệ thống giao thông hào, địa đạo và hầm trú ẩn. Bộ binh Mỹ và VNCH tấn công từ ngoài đồng trống vào đó theo lối cổ điển thường chịu thương vong khủng khiếp.

Lính Mỹ trong một số cuộc càn quét
Lính Mỹ trong một số cuộc càn quét

Đại tướng William C.Westmoreland, tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam, đã ra lệnh cho quân đội phải cẩn thận hết sức để tránh gây thương vong cho người vô tội và bất cứ khi nào có thể được, quân đội phải cảnh báo cho thường dân di tản khỏi xóm ấp trước khi có không quân hay pháo kích. Thế nhưng lệnh của tướng Westmoreland đôi khi vẫn bị chỉ huy cấp dưới bỏ ngoài tai.

Các làng xóm thường bị dội bom hay pháo kích theo yêu cầu của quận hay tỉnh trưởng VNCH nếu họ có được tin chỉ điểm nói rằng ở đó có đối phương. Tin của các tay chỉ điểm đặc biệt thì thường không đáng tin cậy.

***

Hoả lực quá mạnh của vũ khí Mỹ, mà sự tàn bạo của nó phải chứng kiến mới hiểu thấu được, là một yếu tố khác dẫn tới đau thương lan tràn cho thường dân. Trong một ngày bình thường, các máy bay Mỹ vẫn trút từ 175 tới 200 tấn chất nổ xuống các vùng nông thôn Việt Nam.

Rồi còn hàng ngàn viên đạn đại bác của pháo binh và hải quân, cộng thêm hàng trăm ngàn viên đạn súng cối và súng cá nhân nữa. Quang cảnh đầy hố bom nhìn thấy từ máy bay là một quảng cáo tuyệt vời cho tài năng của những chế tạo võ khí Mỹ.

Dòng người tị nạn từ nông thôn là bằng chứng thuyết phục nhất cho sự phá huỷ dần dần xã hội nông nghiệp do tác động của chiến tranh. Con số người tị nạn hiện đã vượt mức một triệu. Tình hình phải gay go lắm thì mới khiến một nông dân bỏ lại đất đai và mồ mả tổ tiền của mình. Họ bảo, họ bỏ nhà cửa của mình vì không chịu nổi bom đạn của Mỹ và quân đội VNCH.

Nếu được tái định cư tốt, dân tị nạn có thể trở thành một lợi thế cho chính phủ Sài Gòn. Tuy nhiên, theo kiểu hành xử thường thấy ở họ, chính phủ này đã bỏ mặc số dân này và đa số phải tự lo lấy thân. Những nhà ổ chuột của dân tị nạn đã mọc lên trong thành phố cũng nhanh như các quán bar cho lính Mỹ.

Những thôn xóm bỏ hoang và đồng ruộng trơ trọi ở khắp nơi cũng là bằng chứng nữa về tác động của chiến tranh đối với nông thôn Nam Việt Nam. Ở một số tỉnh duyên hải về phía bắc, có đến 1/3 đất canh tác bị bỏ hoang. Chính sách tiêu diệt hoa màu trong những vùng QGP kiểm soát bằng cách dùng máy bay rải thuốc khai quang đã thúc đẩy tiến trình này nhanh hơn. Trong sáu tháng đầu năm nay, khoảng 23.900 ha đất đã bị phá huỷ. 

Cuộc xâm lược phi nghĩa của Mỹ tại Việt Nam bị dư luận thế giới phản đối
Cuộc xâm lược phi nghĩa của Mỹ tại Việt Nam bị dư luận thế giới phản đối

Ảnh hưởng xói mòn do sự hiện diện của Mỹ trên đất nước này không chỉ giới hạn trong các chiến dịch quân sự. Về kinh tế và văn hoá, sự có mặt của người Mỹ đã đem lại những căn bệnh mà chỉ có thời giạn mới chữa trị được. Một là lạm phá. Nền kinh tế sơ khai, đã bị suy sụp vì chiến tranh, nay lại bị tràn ngập vì sức mua của hàng trăm triệu đôla được chi dùng cho việc xây dựng các căn cứ, sân bay, bến cảng và tiêu xài cá nhân của lính Mỹ.

Năm nay Mỹ sẽ chi ít nhất 140 triệu đôla cho nền kinh tế VNCH để chi trả những phí tổn phát sinh tại chỗ trong việc xây dựng những căn cứ mới hoặc duy trì những căn cứ cũ. Số tiền này tương đương 1/7 nguồn cung tiền tệ của VNCH. Binh lính Mỹ hiện cũng chi tiêu khoảng 7 triệu đôla mỗi tháng.

Sự suy thoái đạo đức do lối sống của lính Mỹ vốn lan tràn tại thành thị là một căn bệnh khác. Những quán rượu và nhà chứa, hàng trăm ngàn thiếu nữ rơi vào những chốn này, những băng đảng du côn và ăn mày và trẻ em móc túi hay dẫn mối đã trở thành những đặc điểm phổ biến của đời sống đô thị. Có lần tôi nghĩ, khi một trẻ đường phố chân tay lở lói chặn tôi lại xin vài đồng lẻ, rằng nó chắc sẽ khá hơn nếu lớn lên nó theo QGP. Lúc đó, ít nhất nó cũng có được ít nhiều lòng tự trọng.

***

Điều kiện sống ở VNCH có lẽ luôn luôn khiến ta không thể đánh giá chính xác thái độ của nông dân đối với cuộc chiến… Tháng 3 rồi, tôi lưu lại hai ngày tại một thôn xóm ở phía nam Đà Nẵng. Một đại đội TQLC Mỹ đã chiếm lại thôn này từ tay QGP hồi tháng trước, và một nhóm bình định nông thôn được TQLC bảo vệ đang làm việc ở đó.

Trong ba năm, thôn này đã bị giành qua giành lại ba lần. Hầu như chẳng còn thanh niên nào ở đó. Khoảng một nửa các gia đình ở đó con con trai, anh em hay chồng nằm trong hàng ngũ QGP. Những gia đình còn lại chia làm hai nhóm: nhóm trung lập và nhóm ủng hộ chính phủ Sài Gòn.

Buổi sáng khi tôi tới đó, các nông dân, dưới sự giám sát của cán bộ bình định, bắt đầu dựng một hàng rào quanh thôn để ngăn QGP xâm nhập. Qua một thông dịch, tôi hỏi hai nông dân trong một nhóm gồm những ông già, phụ nữ và trẻ em đang đào lỗ chôn cột rằng họ có tin hàng rào này có tác dụng không.

“Có thể có”, một người nói, “nhưng tôi không chắc. Hàng rào cây đâu ngăn được”.

“Nếu các ông không tin hàng rào ngăn được”, tôi hỏi,”thế thì tại sao các ông lại dựng lên?”

“Tụi tôi chỉ là nông dân”, ông thứ nhất nói, liếc nhìn viên cảnh sát đeo súng trường đứng gần đó. “Tụi tôi phải tuân theo lệnh người ở đây”…

Trong một chuyến viếng thăm VNCH năm 1963, Đại tướng Earle G.Wheeler, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, gọi cuộc chiến này là “cuộc chiến vặt vãnh tồi tệ”. Tuy cuộc hiến hiện nay có thể còn tồi tệ hơn so với năm 1963, nhưng nó không còn có thể gọi là vặt vãnh nữa.

Thiệt hại của lính Mỹ vẫn ở mức tương đối thấp cho đến 1965, khi Chính phủ Johnson đưa thêm những đơn vị chiến đấu trên bộ và bắt đầu lập những quân đoàn viễn chinh. Năm đó, 1.369 lính Mỹ đã chết, và có 6.114 lính bị thương.

Năm nay, khi những cuộc hành quân tiến công của Mỹ đã được đẩy mạnh theo đà tăng cường guồng máy hậu cần, số thương vong đã vọt lên 3.524 chết và 21.107 bị thương, tính đến giữa tháng 9. Số tử vong của Mỹ hiện trung bình là gần 100 người một tháng và có nguy cơ tăng lên khi các quân đoàn viễn chinh tăng lên và nhiều lính Mỹ có mặt tại trận địa hơn.

Tôi không thể không lo nghĩ rằng, trong việc tiến hành cuộc chiến này, chúng ta đang tự làm mình suy đồi. Khi nhìn những thôn xóm bị bom đạn bình địa, những trẻ mồ côi ăn xin hay trộm cắp trên đường phố Sài Gòn và những đàn bà và trẻ con bi bom napalm đang nằm trên giường bệnh, tôi lại tự hỏi liệu nước Mỹ hay bất kỳ nước nào khác có quyền gây ra sự đau khổ và khốn cùng cho dân tộc khác vì những mục đích của riêng mình hay không? 

Đọc thêm

Việt Nam – Hoa Kỳ thúc đẩy việc triển khai các thỏa thuận cấp cao

Hình ảnh tại Đối thoại.
(PLVN) - Nhận lời mời của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và triển khai thực hiện Tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tháng 9/2023 về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện, ngày 25/3, tại thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Antony Blinken đã đồng chủ trì Đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ nhất.

Pháp nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất

Tháp Eiffel là biểu tượng nổi tiếng và hấp dẫn nhất của thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: REUTERS/Sarah Meyssonnier.
(PLVN) - Chính phủ Pháp đã nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất sau vụ xả súng đẫm máu tại nhà hát ở ngoại ô Moscow, Nga. Thông báo được đưa ra sau cuộc họp giữa các quan chức an ninh và quốc phòng cấp cao của Pháp với Tổng thống Emmanuel Macron.

Lái máy bay khi say rượu, phi công Mỹ bị kết án tù

Ông Lawrence Russell Jr bị phát hiện uống rượu vượt quá giới hạn cho phép của hãng hàng không gấp gần 2,5 lần.
(PLVN) - Phi công Lawrence Russell (63 tuổi), một công dân Mỹ, vừa bị kết án 10 tháng tù tại Scotland sau khi bị phát hiện có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép trong máu trước khi tiến hành chuyến bay xuyên Đại Tây Dương vào ngày 16 tháng 6 năm 2023.

Chưa ghi nhận công dân Việt Nam gặp nạn trong vụ tấn công khủng bố tại Nga

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng.
(PLVN) - Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, đến nay, chưa ghi nhận có công dân Việt Nam là nạn nhân trong vụ việc. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán đang khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại bám sát tình hình, sẵn sàng các biện pháp bảo hộ cần thiết trong trường hợp có công dân Việt Nam gặp nạn.

Hiện trường vụ tấn công khủng bố ở Nga

Hiện trường vụ tấn công khủng bố ở Nga
(PLVN) - Ít nhất 60 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương sau vụ xả súng vào đoàn người tham dự hòa nhạc ở Nga. Đây là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất ở Nga trong nhiều thập kỷ.