Nhắn tin SMS 3 lần là... bỏ vợ

Chị Dodobayeva, bà mẹ 33 tuổi của hai đứa con đang quét dọn vườn tược thì chiếc điện thoại của chị chợt rung nhẹ báo hiệu tin nhắn của chồng. Nội dung tin nhắn không thể ngắn gọn và sốc hơn: “Talaq Talaq Talaq”, theo tiếng Ả-rập có nghĩa là “ly dị”.

Một buối sáng tháng 10/2011, chị Dodobayeva, bà mẹ 33 tuổi của hai đứa con đang quét dọn vườn tược thì chiếc điện thoại của chị chợt rung nhẹ báo hiệu tin nhắn của chồng. Nội dung tin nhắn không thể ngắn gọn và sốc hơn: “Talaq Talaq Talaq” (Talaq theo tiếng Ả-rập có nghĩa là “ly dị”).

Với tin nhắn này, chị Dodobayeva trở thành một nạn nhân của cái gọi là “3 talaq”, một nghi thức Hồi giáo dòng Sunni, theo đó người chồng có thể bỏ vợ chỉ bằng cách nói với “bà xã” cụm từ nêu trên 3 lần liên tiếp.

Đặc quyền của người chồng

Tajikistan là một nước cộng hoà Trung Á, trước đây nằm trong Liên bang Xô viết. Khi còn thuộc Liên Xô (cũ), vấn đề tôn giáo tại nước này được kiểm soát rất chặt chẽ. Nhưng kể từ khi trở thành một quốc gia độc lập vào năm 1991, các giá trị và tập quán Hồi giáo đã phát triển trở lại và trở nên phổ biến ở nước này. Trong số các tập quán Hồi giáo lạ lùng, phải nói đến đặc quyền của các đấng mày râu Tajikistan trong việc…bỏ vợ nêu trên.

Theo tục lệ của đạo Hồi tại nước này, các trường hợp ly dị thường chỉ được chấp nhận khi người đàn ông muốn bỏ vợ và được giáo sĩ chấp thuận. Phụ nữ thì ngược lại là không được phép bỏ chồng, trừ một số trường hợp đặc biệt.

Nếu như ở nhiều nước trên thế giới, những cuộc hôn nhân không hạnh phúc thường kết thúc bằng những cuộc cãi vã “nảy lửa” hay những giọt nước mắt bi ai thì ở đất nước này lại kết thúc đơn giản đến không ngờ: Chỉ vỏn vẹn bằng một...tin nhắn từ điện thoại di động.

Trước đây, người chồng phải đứng trước mặt vợ nói 3 lần từ “Talaq” nhưng kể từ khi có điện thoại di động, các ông chồng đã “ứng dụng công nghệ cao” bằng nhắn tin thay cho lời nói. Chính quyền không tổng hợp nên không thể biết chính xác mỗi năm tại nước này có bao nhiêu vụ ly hôn qua tin nhắn SMS, nhưng giới chức tôn giáo cho hay họ nhận thấy số lượng phụ nữ bị ruồng bỏ theo phương pháp “hiện đại” này và phải gõ cửa các nhà thờ van nài cứu giúp ngày càng gia tăng.

Thẩm phán Ahmed, một chuyên gia tư vấn đang làm việc tại Bộ Tư pháp Tajikistan tại thủ đô Dushanbe cho biết: “Nạn ly hôn qua tin nhắn đang lan tràn. Sự gia tăng này xuất hiện cách đây vài năm khi các phương tiện truyền thông đưa tin về một người đàn ông Ả - rập Xê - út ly dị vợ mình bằng tin nhắn SMS. Tôi chắc chắn rằng anh ta là người Hồi giáo đầu tiên áp dụng kỹ thuật ly dị này”.

Ông Ahmed còn cho biết các ông chồng đã “học hỏi cặn kẽ” phương thức này đến mức giờ đây khi gửi tin nhắn để bỏ vợ, họ còn cẩn thận đến mức thường gửi tin bằng cả hai thứ tiếng Tajikistan và Ả-rập cho…chắc ăn.

Theo quan tòa này, tin nhắn mới chỉ là khởi đầu của quy trình ly hôn. Sau khi nhận được tin nhắn, các bà vợ tội nghiệp sẽ tới toà án và xuất trình tin nhắn cho quan toà. Sau đó, các “đức lang quân” sẽ được toà triệu tập để xác nhận nội dung tin, xem đó có phải là tin của họ hay không, cuối cùng toà sẽ mở phiên xử ly hôn và thông thường thì “ít trường hợp nào có thể hàn gắn được”.

“Có mới nới cũ”

Số lượng các vụ “ly hôn bất thình lình” không ngừng tăng lên qua các năm đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều bà vợ khốn khổ đến gõ cửa cầu cứu cơ quan chức năng. Đứng trước “vấn nạn” nêu trên, giới chức Tajikistan đã phải có động thái lên án kiểu “ly hôn thời @” này. Giữa năm 2011, chính  quyền ra một sắc lệnh tôn giáo có nội dung chống lại thông lệ bất bình đẳng nêu trên.

Chủ tịch Uỷ ban các vấn đề tôn giáo của Chính phủ Tajikistan cho rằng trong các vụ ly hôn kiểu này, “đối tượng gây án” thường là những ông chồng ra nước ngoài làm việc hoặc sinh sống đã “có mới nới cũ”.

Thống kê cho thấy dân số Tajikistan là bảy triệu người thì có tới trên một triệu người sống ở nước ngoài. Trong số này, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính có tới 1/3 không quay trở về đất nước. “Nam giới ra nước ngoài sinh sống và làm việc rồi chọn cách ly hôn vợ như thế đấy”, một quan chức có trách nhiệm buồn bã.

Trường hợp chồng chị Dodobayeva như nhắc ở phần đầu bài là một trong số này. Vài năm trước đây, tình hình thất nghiệp trong nước bức bách khiến anh ta phải sang Nga tìm việc làm và bỏ lại gia đình. Tình trạng của chị Dodobayeva càng bi đát hơn khi rất ít có hy vọng nhận được tiền chu cấp từ chồng sau khi bị nói lời ly dị. “Tôi thấy thương bọn trẻ quá. Anh ta còn không thèm nói chuyện với chúng”, chị khóc nức nở.

Một chuyên gia pháp lý cho biết toà án có thể buộc các ông chồng xin ly dị vợ phải đóng tiền cấp dưỡng cho con cái, nhưng điều này rất khó trong trường hợp họ làm việc ở nước ngoài. “Đa số những ông chồng làm việc ở nước ngoài đều không có chỗ làm việc cố định và việc tính toán số tiền cấp dưỡng mà họ phải đóng góp là điều bất khả thi”, vị chuyên gia nói.

Trong trường hợp của chị Dodobayeva, “nạn nhân” chỉ có thể trông chờ vào tình thương của gia đình nhà chồng. “Hy vọng vì mấy đứa cháu nội mà họ sẽ không cho tôi ra đường, dù sao họ cũng là “máu mủ ruột rà” mà”, chị rụt rè.

Nơi bãi bỏ, nơi ủng hộ

Do tính chất phũ phàng của tục lệ ly dị vợ qua tin nhắn mà nhiều quốc gia có nhiều người dân theo đạo Hồi sinh sống như Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisia, Algeria, Iraq, Iran, Indonesia, Pakistan và Bangladesh đã coi thông lệ này là bất hợp pháp. Tại Ấn Độ, luật nước này quy định rõ việc ông chồng tuyên bố “3 talaq” mà không có sự phân xử hay hoà giải của toà án thì tuyên bố vẫn chưa có giá trị pháp lý.

Trước đó, năm 2001 giới chức Hồi giáo tại Singapore ra sắc lệnh tuyên bố việc gửi tin nhắn để ly hôn là hành vi bị cấm. Cùng năm này, các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) hạn chế tập tục này bằng quy định phải thoả mãn thêm một số điều kiện khác thì tuyên bố “3 Talaq” mới có hiệu lực.

Một số quốc gia khác thì lại “nhiệt liệt ủng hộ”. Năm 2003, một toà án Hồi giáo tại Malaysia ra phán quyết cho phép các ông chồng ly hôn bằng tin nhắn SMS. Quyết định này đã gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi trong công chúng về cách làm thế nào để kết hợp một cách hài hoà những tập quán của đạo Hồi với những hình thức thông tin liên lạc ngày càng tối tân, nhưng lại thiếu tính nhân văn cần thiết.

Qatar cũng “dung túng” cho các ông chồng ưa ly hôn bằng một quy định “phóng khoáng” đến mức “vô tiền khoáng hậu”: Chấp nhận các ông chồng “nói” ly hôn vợ qua cả…thư điện tử (email).

Duy Quang (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục

Hình ảnh tại cuộc họp.

Hoạt động mới của Tổng thống Ukraine Zelensky

(PLVN) - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 28/3 đã gặp phái đoàn của nhóm Đổi mới châu Âu thuộc Nghị viện châu Âu do Chủ tịch nhóm Valérie Hayer đứng đầu, tờ Ukrinform dẫn thông tin từ Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết.

Đọc thêm

Việt Nam phát biểu chung đại diện nhóm các nước tại Khóa họp 55 Hội đồng Nhân quyền

 Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Anh Hiển/TTXVN
(PLVN) - Theo tin từ Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại thế giới và các Tổ chức quốc tế khác tại Geneva, trong khuôn khổ Khóa họp 55 của Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) LHQ tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 27/3, Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn đã có bài phát biểu chung trong Phiên thảo luận chung tại đề mục về việc theo sát và thực hiện Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA) với chủ đề về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu người dân trong xung đột vũ trang, thu hút đông đảo các nước tham gia quan tâm và đồng bảo trợ.

Việt Nam – Hoa Kỳ thúc đẩy việc triển khai các thỏa thuận cấp cao

Hình ảnh tại Đối thoại.
(PLVN) - Nhận lời mời của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và triển khai thực hiện Tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tháng 9/2023 về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện, ngày 25/3, tại thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Antony Blinken đã đồng chủ trì Đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ nhất.