Khó tin chuyện ông – cháu cùng làm tổng thống

Benjamin Harrison,
Benjamin Harrison,
(PLO) -Trong lịch sử nước Mỹ có nhiều gia đình có truyền thống chính trị lẫy lừng nhưng cả 2 ông cháu đều làm tổng thống như các ông William Henry Harrison và Benjamin Harrison thì chỉ có một.

Như đã đề cập ở số báo trước, Tổng thống thứ 9 của nước Mỹ William Henry Harrison là người nổi tiếng với rất nhiều kỷ lục “nhất” trong các đời tổng thống Mỹ. Ông là tổng thống nhiều tuổi nhất đắc cử, lên nắm quyền khi đã 68 tuổi trong khi tuổi thọ trung bình của người Mỹ lúc bấy giờ chưa đến 40. Ông cũng là tổng thống đầu tiên được chụp ảnh. 

Ông truyền

Tuy nhiên, điều khiến nhiều người nhớ đến ông nhất chính là việc ông là người có bài diễn văn nhậm chức dài nhất trong lịch sử các đời tổng thống Mỹ nhưng cũng là người nắm quyền ngắn ngủi nhất.

Nhận chức ngày 4/3/1841, sau khi hoàn thành bài diễn văn nhậm chức dài 8.445 chữ trong 1 tiếng 40 phút trong điều kiện mưa gió rét mướt, William Henry Harrison đã bị viêm phổi và qua đời vào ngày 4/4/1841, tức chỉ 1 tháng sau khi lên nắm quyền.

Gần như gắn liền với giường bệnh ngay sau khi nhậm chức và qua đời sau đó ít ngày nên di sản của ông William Henry Harrison trên cương vị tổng thống gần như không có gì. Ông đã không có hoạt động nào nổi bật, không ký ban hành một sắc lệnh nào và thường xuyên bị xếp vào danh sách những tổng thống tệ nhất của Mỹ.

Song, cũng có ý kiến cho rằng dựa trên những quan điểm tiến bộ và thành tích đạt được trước đó, ông William Henry Harrison lẽ ra đã có thể viết được những trang sử khác nếu có thể sống lâu hơn.

… cháu nối

Những người ủng hộ quan điểm trên đã có cơ hội chứng minh rằng mình đúng khi hơn 40 năm sau khi ông William Henry Harrison qua đời, cháu trai của ông là Benjamin Harrison tiếp tục đắc cử là tổng thống thứ 23 của nước Mỹ.

Không chỉ là là cháu nội của một tổng thống Mỹ, Benjamin còn là chắt của Benjamin Harrison V – thống đốc bang Virginia và là một trong những người đã ký vào bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ. Cặp đôi William Henry Harrison và Benjamin Harrison cũng chính là cặp ông – cháu duy nhất ở Mỹ cùng là tổng thống.

Khi ông William Henry Harrison nhậm chức, Benjamin mới tròn 7 tuổi. Dù gia đình có truyền thống chính trị nhưng cha mẹ của ông lại không hề giàu có. Cha ông là ông John Scott Harrison – một nông dân còn mẹ của ông chỉ là một bà nội trợ.

Mặc dù vậy nhưng Benjamin vẫn được cha mẹ cho ăn học đầy đủ. Đặc biệt, ngay từ nhỏ, ông đã thể hiện đam mê chính trị rõ ràng khi thường xuyên dành nhiều giờ để đọc sách trong phòng sách của ông nội thay vì chơi với anh em, bạn bè.

Đến tuổi trưởng thành, Benjamin theo học ở trường dự bị 2 năm trước khi nhập học trường Đại học Miami ở Oxford, Ohio. Là một sinh viên sáng dạ lại chăm chỉ, ông đã tốt nghiệp với thứ bậc gần như đầu lớp vào năm 1852. 1 năm sau, ông tiếp tục học thêm luật ở Cincinnati. Sau khi qua được kỳ thi vào đoàn luật sư Ohio, ông cùng vợ chuyển tới hành nghề luật ở Indianapolis, Indiana từ năm 1854 tới 1860.

Dù cha của Benjamin luôn cảnh báo ông về áp lực của cuộc sống làm chính trị nhưng vợ ông lại tích cực khuyến khích những tham vọng chính trị của ông. Trong thời gian hành nghề luật, ông cũng rất tích cực tham gia hoạt động chính trị ở Indiana. Ông gia nhập đảng Dân chủ mới được thành lập với quan điểm chống đối chế độ nô lệ và ủng hộ các ứng viên tổng thống đầu tiên của đảng Cộng hòa là John C. Frémont và Abraham Lincoln.

Khi cuộc nội chiến bùng nổ ở Mỹ vào năm 1861, Benjamin gia nhập quân đội liên minh với hàm trung úy. Thể hiện được rằng mình là một chỉ huy dũng cảm, mưu trí, đến năm 1865, ông đã trở thành thiếu tướng. Chiến tranh kết thúc, ông trở về và tiếp tục hành nghề luật, đồng thời cũng tích cực tham gia hoạt động chính trị. 

William Henry Harrison.
William Henry Harrison.

Năm 1872, ông ra tranh cử chức Thống đốc bang Indianna nhưng không thành công. Nhưng bù lại, từ năm 1881 tới 1887, ông được bầu làm thượng nghị sỹ bang này. Trong quyền hạn của mình, ông ủng hộ nhiều vấn đề mà về sau đã giúp ông trở thành tổng thống như cấp lương hưu cho những cựu binh từng tham gia nội chiến, sáp nhập bang Dakota, đánh thuế cao, cải thiện dịch vụ công cộng, hiện đại hóa quân đội và bảo tồn đất tự nhiên.

Song, năm 1887, ông đã trượt khỏi dòng chảy của đảng Cộng hòa khi phản đối Đạo luật loại trừ Trung Quốc, theo đó chấm dứt tất cả các dòng người di cư từ Trung Quốc tới Mỹ.

Một năm sau đó, Harrison tuyên bố ra tranh cử tổng thống với khẩu hiệu “sống và hồi sinh đảng Cộng hòa”. Tại cuộc bầu cử sơ bộ sau đó, ứng viên hàng đầu của đảng Cộng hòa James G. Blaine đã không thể giành được đủ đề cử để trở thành đại diện của đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống. Trải qua đến 8 vòng bầu bán, đảng Cộng hòa cuối cùng chọn Benjamin Harrison làm đại diện của họ. 

Tại cuộc bầu cử năm 1888, Harrison nhận được ít hơn 100.000 phiếu phổ thông so với đương kim Tổng thống Grover Cleveland nhưng lại nhận được 233 phiếu đại cử tri so với 168 phiếu của ông Cleveland và chính thức trở thành tổng thống thứ 23 của nước Mỹ.

Dấu ấn Tổng thống Benjamin

Dù nhiệm kỳ của Benjamin Harrison không mấy thành công so với nhiều tổng thống khác nhưng nhiều ý kiến nói rằng ông vẫn hoàn toàn có thể tự hào về chính sách đối ngoại mà ông đã giúp định hình. Dưới thời của ông, Hội nghị quốc tế các quốc gia châu Mỹ lần đầu tiên họp ở Washington vào năm 1889, đặt nền móng cho sự ra đời của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ sau này. 

Trong các vấn đề đối nội, một trong những di sản lớn nhất của ông là việc mở rộng diện tích của nước Mỹ bao gồm thêm các bang Montana, Washington, Idaho, Wyoming và Dakotas. Vào cuối nhiệm kỳ, Benjamin cũng đã đệ trình lên Quốc hội Mỹ hiệp ước sáp nhập Hawaii nhưng không thúc đẩy thành công việc thông qua hiệp ước này.

Ông cũng là người đã ký nhiều dự luật để cải thiện các vấn đề nội bộ của Mỹ, mở rộng hải quân Mỹ, trợ cấp cho các công ty đóng tàu để thúc đẩy ngành này phát triển. Để cải cách tiền tệ và vốn chủ sở hữu, ông ban hành Luật chống độc quyền Sherman để bảo vệ thương mại khỏi tình trạng độc quyền và những hạn chế bất hợp pháp, đạo luật liên bang đầu tiên của Mỹ để điều chỉnh tình trạng độc quyền. 

Tuy nhiên, trong suốt thời kỳ nắm quyền, ông vẫn không thể xử lý được ổn thỏa những tranh cãi về thuế và tình trạng thặng dư ngân sách của Mỹ. Không chỉ vậy, càng đến cuối nhiệm kỳ của Benjamin, nước Mỹ càng lao gần hơn tới khủng hoảng tài chính. Ông cũng không thành công trong việc thúc đẩy thông qua luật bảo vệ các quyền dân sự của người da đen.

Chính vì vậy nên khi đảng Dân chủ cử cựu tổng thống Cleveland ra tranh cử tiếp tại cuộc bầu cử năm 1892, Benjamin đã thua cả về số phiếu phổ thông lẫn đại cử tri, trở thành tổng thống đầu tiên và duy nhất của Mỹ cho đến nay thua cuộc trước một cựu tổng thống. 

Benjamin Harrison và những kỷ lục

Ít người biết được rằng ông Benjamin Harrison chính là tổng thống đầu tiên được sử dụng điện ở Nhà Trắng. Hệ thống đường điện lúc đó được Tổng Công ty điện lực Edison lắp đặt. Tuy nhiên, Benjamin và vợ của ông lại không dám động vào công tắc của hệ thống điện này do bị điện giật. Cũng chính vì lẽ đó nên cả 2 thường xuyên đi ngủ với những bóng đèn vẫn bật sáng trưng!

Và, dường như cũng thừa hưởng gen “thích nói” do ông nội để lại nên ông cũng là một người rất hoạt ngôn. Có những đợt, chỉ trong vòng 1 tháng, ông đã phát biểu tổng cộng 140 phát biểu lớn, tương đương với việc có đến hơn 5 bài phát biểu 1 ngày.

Ngoài ra, Benjamin cũng là một trong những tổng thống nắm nhiều kỷ lục khác của nước Mỹ. Ví dụ, ông là tổng thống đầu tiên và duy nhất của nước này xuất thân từ bang Indiana. Ông là tổng thống đầu tiên có giọng nói được lưu trữ lại vì vào năm 1889, một đoạn 36 giây trong bài phát biểu của ông đã được ghi vào đĩa. Dưới thời của ông Quốc hội Mỹ cũng đã ghi danh vào lịch sử khi lần đầu tiên có tổng mức chi hàng năm chạm con số 1 tỉ USD..../.

Đọc thêm

Việt Nam – Hoa Kỳ thúc đẩy việc triển khai các thỏa thuận cấp cao

Hình ảnh tại Đối thoại.
(PLVN) - Nhận lời mời của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và triển khai thực hiện Tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tháng 9/2023 về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện, ngày 25/3, tại thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Antony Blinken đã đồng chủ trì Đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ nhất.

Pháp nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất

Tháp Eiffel là biểu tượng nổi tiếng và hấp dẫn nhất của thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: REUTERS/Sarah Meyssonnier.
(PLVN) - Chính phủ Pháp đã nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất sau vụ xả súng đẫm máu tại nhà hát ở ngoại ô Moscow, Nga. Thông báo được đưa ra sau cuộc họp giữa các quan chức an ninh và quốc phòng cấp cao của Pháp với Tổng thống Emmanuel Macron.

Lái máy bay khi say rượu, phi công Mỹ bị kết án tù

Ông Lawrence Russell Jr bị phát hiện uống rượu vượt quá giới hạn cho phép của hãng hàng không gấp gần 2,5 lần.
(PLVN) - Phi công Lawrence Russell (63 tuổi), một công dân Mỹ, vừa bị kết án 10 tháng tù tại Scotland sau khi bị phát hiện có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép trong máu trước khi tiến hành chuyến bay xuyên Đại Tây Dương vào ngày 16 tháng 6 năm 2023.

Chưa ghi nhận công dân Việt Nam gặp nạn trong vụ tấn công khủng bố tại Nga

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng.
(PLVN) - Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, đến nay, chưa ghi nhận có công dân Việt Nam là nạn nhân trong vụ việc. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán đang khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại bám sát tình hình, sẵn sàng các biện pháp bảo hộ cần thiết trong trường hợp có công dân Việt Nam gặp nạn.

Hiện trường vụ tấn công khủng bố ở Nga

Hiện trường vụ tấn công khủng bố ở Nga
(PLVN) - Ít nhất 60 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương sau vụ xả súng vào đoàn người tham dự hòa nhạc ở Nga. Đây là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất ở Nga trong nhiều thập kỷ.