Hé lộ cuộc đời “lá mặt lá trái” của điệp viên bí ẩn trên đất Mỹ

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLO) - Sinh ra ở Đông Đức nhưng Jack Barsky đã bỏ lại mẹ, em trai và vợ con để trở thành một điệp viên cho KGB tại Mỹ. Ở đây, ông ta xây dựng một gia đình thứ 2 và tìm mọi cách để biện hộ cho cuộc sống 2 mặt của mình cho đến khi bị phát giác.

Thông điệp bất ngờ

Một sáng mùa đông lạnh giá tháng 12/1988, nhà phân tích máy tính Jack Barsky lên tàu tới văn phòng ở đại lộ Madison thuộc quận Manhattan, New York, Mỹ như thường lệ. 

Vừa lên tàu, Barsky đã nhận ra một chấm sơn đỏ ở thanh kim loại trên tàu. Thanh sắt đó là thứ mà Barsky ngày nào cũng quan sát đầu tiên mỗi khi bước lên tàu mỗi sáng bởi chấm đỏ đó chính là cảnh báo tính mạng của ông đang bị đe dọa.

Ngay sau khi nhận được tín hiệu, Barsky lập tức tới điểm hẹn và nhận được yêu cầu phải nhanh chóng vượt biên sang Canada, liên lạc với lãnh sự quán Liên Xô ở Toronto để nhận được hướng dẫn về cách trở về Đông Đức. 

Nếu thực hiện đến bước đó, ông ta sẽ không còn là Jack Barsky nữa mà sẽ trở lại là Albrecht Dittrich, một nhà hóa học đồng thời là một điệp viên của KGB đang có người vợ và một cậu con trai 7 tuổi chờ đợi ở Đông Đức. 

Thông báo bất ngờ khiến Barsky vô cùng hoang mang. Hàng loạt câu hỏi nhảy múa trong đầu: Sao ông ta có thể bỏ cô con gái Chelsea vừa tròn 1 tuổi để bỏ trốn? Nhưng nếu ở lại Mỹ, làm sao ông ta có thể tránh được sự truy đuổi của cả KGB và tình báo Mỹ?

Từ cử nhân thành điệp viên 

Jack Barsky ở đây có tên thật là Albrecht Dittrich, sinh năm 1949 ở Đông Đức. Vốn thông minh từ nhỏ nên Dittrich dễ dàng thi đỗ ngành hóa học của trường Đại học Jena. Bước ngoặt trong cuộc đời ông diễn ra khi ông đang học năm 4. Khi đó, vào một buổi tối, một người đàn ông đã gõ cửa phòng ký túc xá của ông và đưa ra đề nghị tới làm việc tại một nhà máy sản xuất ống kính. Trước lời mời đầy hấp dẫn, Dittrich đồng ý tới một nhà hàng. Tại đây, người lạ mặt tiết lộ là nhân viên của cơ quan tình báo Đông Đức Stasi và đề nghị hợp tác. 

Sau một hồi suy nghĩ, với bản tính thích khám phá, Dittrich đồng ý. Kể từ đó cho đến khi tốt nghiệp và theo học lên thạc sỹ, Dittrich được nhân viên của Stasi đào tạo thường xuyên. Đến một ngày, ông ta được đưa đến gặp một nhân viên cấp cao của KGB. Người này nói rõ Liên Xô chỉ cần những điệp viên mà bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng làm việc cho họ. Sau 24 giờ suy nghĩ, Dittrich gật đầu. 

Tháng 2/1973, Dittrich nói với mẹ sẽ tới Berlin tham gia khóa học về ngoại giao nhưng thực chất là để tham gia huấn luyện với KGB. 2 năm sau, ở tuổi 26, Dittrich lần đầu đặt chân tới Moscow. Tại đây, sau khi 2 người phụ nữ tiến hành đánh giá, ông ta được thông báo sẽ trở thành một phần của chương trình điệp viên bất hợp pháp của KGB ở Mỹ. Sau đó, Dittrich trải qua 2 năm đào tạo thêm tại Moscow. 

Tháng 6/1978, khi việc đào tạo gần hoàn tất, các điệp viên Liên Xô phát hiện tấm bia mộ của một cậu bé đã tử vong tại Maryland vào năm 10 tuổi tên Jack Barsky và đã tìm mọi cách để lấy được giấy khai sinh của cậu bé. 

Song song với đó, tại Moscow, Dittrich và người quản lý của ông ta bắt đầu tạo hồ sơ cho Barsky, từ tên các trường từng học tới địa chỉ nhà riêng và cả một bà mẹ người Đức để lý giải cho chút giọng Đức còn lại của ông ta. Khi hồ sơ hoàn tất, Dittrich – lúc này đã mang tên Barsky – chính thức được điều tới Mỹ với nhiệm vụ thiết lập liên lạc với những nhà hoạch định chính sách của Mỹ, đặc biệt là cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Jimmy Carter - Zbigniew Brzezinski.

Theo kế hoạch được vạch ra, Barsky lên tàu tới Serbia rồi tới Italia và Áo. Tại Áo, ông ta nhận được một tấm hộ chiếu Canada với tên William Dyson. Với tấm hộ chiếu này, ông ta tiếp tục mua vé tới Tây Ban Nha trước khi tới Mexico, Canada và cuối cùng là Mỹ. Barsky về sau kể rằng thời khắc ông ta đặt chân tới Chicago ngày 8/10/1978 là “60 phút căng thẳng nhất trong cuộc đời ông ta”. 

May mắn là nhân viên hải quan sau khi xem xét đã đồng ý đóng dấu cho ông ta nhập cảnh Mỹ. Hành trang tới Mỹ của ông ta lúc bấy giờ có 7.000 USD tiền mặt và một chiếc máy thu phát sóng cấp cao. 

Jack Barsky
Jack Barsky

2 nhân cách trong một con người 

Từ Chicago, Barsky chuyển tới New York. Với giấy khai sinh mới, ông ta làm được thẻ thư viện và cả bằng lái xe. Tuy nhiên, con đường để tiếp cận những nhà hoạch định chính sách cấp cao của Mỹ của ông ta trở nên vô cùng xa vời vì trong khi Dittrich có bằng kỹ sư thì Barsky lại không có bằng cấp gì nên buộc phải nhận công việc giao hàng bằng xe đạp! 

Trong hoàn cảnh như vậy, hầu hết những công việc mà Barsky được KGB giao phó chỉ là những công việc tầm thường, như kiểm tra địa chỉ của một điệp viên đã đào tẩu sang Mỹ hay cung cấp tiểu sử những người mà ông ta nhận thấy có thể tuyển mộ. Nhiệm vụ quan trọng nhất mà ông ta thực hiện lúc bấy giờ có lẽ là thăm dò thái độ của người Mỹ về cuộc chiến của Liên Xô ở Afghanistan. 

Chính vì nhận thấy sẽ khó có thể tiến triển hơn trong công việc nếu không có được công việc và vị trí tốt hơn nên Barsky quyết định thi vào trường đại học Baruch ở New York. Với bằng cấp mới này, năm 1984, ông ta được nhận vào làm nhân viên lập trình máy tính tại công ty bảo hiểm Metlife. Lúc này, với khả năng tin học đáng kể, ông ta đã thành công trong việc sao chép mật mã lập trình của một số công nghệ mới của Mỹ để chuyển về cho Liên Xô.

Cùng thời gian, mỗi 2 năm, Barsky vẫn về Đông Đức thăm người thân bằng giấy tờ giả. Trong chuyến đi đầu tiên diễn ra vào năm 1980, ông ta kết hôn với người bạn gái lâu năm Gerlinde. 9 tháng sau, từ Mỹ, ông ta nhận được tin vợ đã sinh con trai. 

Tuy nhiên, tại Mỹ, vì cảm thấy buồn chán nên Barsky đã hẹn hò với một tiếp viên hàng không người Guyana tên Penelope. Barsky cần tình cảm còn Penelope phải kết hôn để ở lại Mỹ nên 2 người đã nhanh chóng tiến hành hôn lễ. 

Cũng kể từ đây, Barsky bắt đầu cuộc sống 2 mặt – một là nhân viên lập trình máy tính người Mỹ Jack Barsky và một là công dân Đức Albrecht Dittrich. Barsky về sau cho biết, 2 danh tính khác nhau được ông ta sắp xếp hoàn hảo ở các vị trí khác nhau trong não bộ và không hề mâu thuẫn với nhau. 

“Người Đức Albrecht Dittrich và người Mỹ Jack Barsky là 2 nhân cách khác nhau. Barsky chẳng liên quan gì tới Dittrich và Dittrich cũng không phải chịu trách nhiệm về Barsky”, ông ta nói. 

Sai phạm cùng lúc kết hôn với 2 phụ nữ cũng được ông ta biện hộ rằng khi ở Mỹ, ông ta chỉ chung thủy với Penelope và chỉ chung sống với Gerlinde khi trở về Đức mỗi 2 năm, đồng nghĩa với việc ông ta không hề hẹn hò với 2 phụ nữ cùng lúc. 

Khi ở với gia đình nào, Barsky lại tỏ ra hết lòng với gia đình đó. Cũng vì Barsky giỏi che giấu nên người thân của ông ta tại Đức hoàn toàn không hề biết về sự tồn tại của Penelope cùng những đứa con của ông ta tại Mỹ.

Lộ mặt

Năm 1988, 1 năm sau khi con chung của Barsky và Penelope là Barsky chào đời, ông ta nhận được lệnh cần phải rời Mỹ khẩn cấp từ KGB như đã nói ở trên. 2 tuần sau, trong lúc Barsky vẫn còn băn khoăn, một người lạ tìm đến, thông báo ông ta đã bị lộ nên nếu không rời khỏi Mỹ ngay lập tức, ông ta có thể sẽ bị giết. 

Tuy nhiên, cuối cùng, Barsky lại quyết định ở lại Mỹ. Ông ta gửi thư về cho KGB, nói rằng ông ta đã bị lây nhiễm HIV và phải ở lại vì chỉ Mỹ mới có cách điều trị. Barsky cũng khẳng định sẽ không phản bội Liên Xô. Phải nói thêm rằng người Liên Xô lúc bấy giờ rất sợ HIV. Thêm vào đó, những thay đổi mạnh mẽ đang diễn ra tại Liên Xô lúc bấy giờ khiến lãnh đạo KGB cũng có nhiều việc phải lo nên họ đã bỏ qua Barsky, giúp ông ta có thể yên ổn ở lại. 

Bất ngờ là, năm 1991, điệp viên KGB Vasili Mitrokin đã đào tẩu và đem tới đại sứ quán Anh ở Riga những tài liệu mật mà ông ta đã ghi chép được trong thời gian làm việc tại KGB, trong đó có tên của những điệp viên bất hợp pháp của Liên Xô ở Mỹ. Từ danh sách này, FBI đã phát hiện Barsky và tiến hành do thám nhà ông ta để tìm bằng chứng buộc tội. 

Trong suốt 3 năm điều tra, FBI đã theo dõi toàn bộ hành tung của Barsky và gia đình của ông ta, thậm chí còn thuê nhà ở cạnh nhà Barsky để theo dõi nhưng không thu được bằng chứng nào. 

Cuối cùng, nhờ việc nghe lén nhà của Barsky, FBI thu được lời Barsky thú nhận làm điệp viên cho Liên Xô với vợ khi 2 người cãi nhau gay gắt nên quyết định giăng lưới vây bắt. Barsky bị bắt vào năm 1994 nhưng nhờ thành khẩn khai báo và việc được xác định đã không còn hoạt động cho KGB, năm 2009, Barsky cuối cùng được cấp thẻ xanh. Đến năm 2014, ông ta được công nhận là công dân Mỹ mang tên Jack Barsky – cái tên giả của đứa trẻ chết từ năm 10 tuổi mà ông ta bấy lâu sử dụng. Hiện, ông vẫn đang sinh sống ở bang Georgia với người vợ thứ 3. 

Đọc thêm

Việt Nam – Hoa Kỳ thúc đẩy việc triển khai các thỏa thuận cấp cao

Hình ảnh tại Đối thoại.
(PLVN) - Nhận lời mời của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và triển khai thực hiện Tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tháng 9/2023 về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện, ngày 25/3, tại thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Antony Blinken đã đồng chủ trì Đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ nhất.

Pháp nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất

Tháp Eiffel là biểu tượng nổi tiếng và hấp dẫn nhất của thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: REUTERS/Sarah Meyssonnier.
(PLVN) - Chính phủ Pháp đã nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất sau vụ xả súng đẫm máu tại nhà hát ở ngoại ô Moscow, Nga. Thông báo được đưa ra sau cuộc họp giữa các quan chức an ninh và quốc phòng cấp cao của Pháp với Tổng thống Emmanuel Macron.

Lái máy bay khi say rượu, phi công Mỹ bị kết án tù

Ông Lawrence Russell Jr bị phát hiện uống rượu vượt quá giới hạn cho phép của hãng hàng không gấp gần 2,5 lần.
(PLVN) - Phi công Lawrence Russell (63 tuổi), một công dân Mỹ, vừa bị kết án 10 tháng tù tại Scotland sau khi bị phát hiện có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép trong máu trước khi tiến hành chuyến bay xuyên Đại Tây Dương vào ngày 16 tháng 6 năm 2023.

Chưa ghi nhận công dân Việt Nam gặp nạn trong vụ tấn công khủng bố tại Nga

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng.
(PLVN) - Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, đến nay, chưa ghi nhận có công dân Việt Nam là nạn nhân trong vụ việc. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán đang khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại bám sát tình hình, sẵn sàng các biện pháp bảo hộ cần thiết trong trường hợp có công dân Việt Nam gặp nạn.

Hiện trường vụ tấn công khủng bố ở Nga

Hiện trường vụ tấn công khủng bố ở Nga
(PLVN) - Ít nhất 60 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương sau vụ xả súng vào đoàn người tham dự hòa nhạc ở Nga. Đây là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất ở Nga trong nhiều thập kỷ.