Gương mặt “quân sư” mới của nước Mỹ

Tổng thống Trump đã gọi ông McMaster (trái) là “một người tài năng kiệt xuất và kinh nghiệm phong phú”
Tổng thống Trump đã gọi ông McMaster (trái) là “một người tài năng kiệt xuất và kinh nghiệm phong phú”
(PLO) - Ngày 20/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố lựa chọn tướng về hưu H.R McMaster làm Cố vấn An ninh Quốc gia mới của nước này để thay thế cho ông Michael Flynn, người từ chức hồi tuần trước sau chưa đầy 1 tháng đảm nhiệm vị trí quan trọng này. 

Nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Trump đã công bố lựa chọn tướng McMaster khi trả lời câu hỏi của phóng viên tại Palm Beach, tiểu bang Florida về ứng cử viên thay thế tướng Flynn. Tổng thống Trump đã gọi ông McMaster là “một người tài năng kiệt xuất và kinh nghiệm phong phú”. 

“Người ngắn vận”

Quyết định của Tổng thống Trump  được đưa ra hơn 1 tuần sau khi ông Flynn quyết định rút khỏi vị trí Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ do dính líu tới vụ bê bối bị cáo buộc che giấu các cuộc tiếp xúc với giới chức Nga trước khi nhận nhiệm vụ. 

Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer xác nhận, chính Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn từ chức vì làm “xói mòn lòng tin”. Theo đài Sputknik, mặc dù phát ngôn viên Spicer tái khẳng định rằng hành động của cố vấn Flynn không phạm pháp và hơn nữa việc liên lạc với Đại sứ Nga tại Mỹ là một phần công việc của ông nhưng Tổng thống Trump đã cảm thấy không thoải mái để tiếp tục làm việc với Trung tướng Flynn.

Báo chí Mỹ cho biết tướng Michael Flynn, Cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã nói chuyện với Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak để trấn an về những trừng phạt của Mỹ đối với Nga. Cuộc nói chuyện này diễn ra ngày 8/11/2016, khi ông Trump chưa nhậm chức, trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa thông báo quyết định trừng phạt Nga sau báo cáo về vụ tấn công tin tặc trong thời gian tranh cử tổng thống Mỹ. Việc cố vấn thân cận đã không báo cáo toàn bộ chi tiết về các cuộc hội thoại giữa nhân viên này với quan chức ngoại giao Nga khiến ông Trump rất không hài lòng. 

Ông Flynn, 57 tuổi, từng giữ chức vụ Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ và đã làm nhiệm vụ cố vấn cho ông Trump về an ninh quốc gia nhiều tháng trở lại đây. Trong quân đội, ông được biết tới như 1 chuyên gia tình báo sắc sảo và thẳng thắn. Ông nghỉ hưu hồi năm 2014 và là một nhân vật chỉ trích mạnh mẽ chính sách của Chính quyền Tổng thống Barack Obama trong các vấn đề toàn cầu và chiến dịch tiêu diệt lực lượng “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng.

Chiến lược gia lão luyện

Tướng McMaster, được giới quân sự Mỹ đánh giá là một chuyên gia chiến lược lão luyện, là Giám đốc Trung tâm Phối hợp Năng lực quân đội, một tổ chức nghiên cứu nội bộ có nhiệm vụ phát hiện các mối đe dọa nhằm vào Mỹ và đề xuất cách thức đối phó. Ông McMaster từng tốt nghiệp Học việc Quân sự West Point danh tiếng của Mỹ. Cùng việc chỉ định tướng McMaster, ông Trump cũng đã chỉ định tướng Keith Kellogg, người hiện giữ cương vị quyền Cố vấn An ninh Quốc gia, làm Chánh Văn phòng Cố vấn An ninh Quốc gia. Theo luật, cả hai chức vụ trên đều không cần phải Thượng viện Mỹ phê chuẩn.

Vì sao Tổng thống Donald Trump chọn H.R McMaster? Theo báo chí nước ngoài, nếu tướng Michael Flynn nổi tiếng qua các chiến công trên chiến trường Iraq và Afghanistan thì kinh nghiệm của Herbert Raymond McMaster, trên hai chiến trường này, cũng không kém. Sau cuộc đổ bộ năm 1991 vào Iraq, ông quay lại vùng Vịnh hai lần từ 2003-2006 và từ 2007-2008, là “tác giả” của chiến công tái chiếm Tal Afar từ tay Al Qaeida vào năm 2004. Ngoài tài chỉ huy, McMaster còn là một lý thuyết gia quân sự, đề ra chiến lược thu phục nhân tâm để bình định các cuộc nổi dậy ở Irak. Hơn thế nữa, tân Cố vấn An ninh Quốc gia còn được quân đội lẫn giới chính trị trong hai đảng Cộng hoà và Dân chủ tại Washington kính phục. 

Herbert Raymond McMaster từ nhiều năm qua đã kêu gọi phải tăng cường quân lực Mỹ. Trong cuộc điều trần hồi tháng 4/2016 tại Thượng viện, McMaster cảnh báo nguy cơ quân đội Mỹ không đủ sức để “bảo vệ quốc gia”. Chủ trương cải cách quân đội do ông đề nghị lại phù hợp với lời hứa lúc tranh cử của chủ nhân Nhà Trắng. 

Trong nội các mới, tân Cố vấn An ninh Quốc gia cũng hợp ý với chủ nhân Lầu Năm Góc James Mattis khi cả hai có cùng chiến lược mới dựa trên các bài học lịch sử, thắng cũng như thua. McMaster từng được công luận biết đến tên tuổi qua một quyển sách, xuất bản năm 1997, vạch ra những sai lầm của Bộ Tổng tham mưu quân đội Mỹ dẫn đến thất bại trong chiến tranh Việt Nam. Trong quyển Dereliction of Duty, tướng McMaster thẳng thắn chê trách các tướng lĩnh cầm quân đã “hèn nhát”, không dám tố giác quyết định bỏ chạy của Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara và Tổng thống Lyndon B Johnson. 

Tính khí cương trực này khiến binh nghiệp của McMaster bị lận đận. Trong hai năm liền, 2006-2007, ông không được thăng cấp tướng cho dù là một đại tá thâm niên. Tuy nhiên, binh nghiệp dạn dày của ông lọt vào mắt xanh của Tổng thống Barack Obama. Chủ nhân Nhà Trắng lúc đó đã không để nhân tài mai một: từ 2008-2017, trong vòng 6 năm, McMaster được thăng ba cấp. 

Cũng theo báo chí Mỹ, các Thượng nghị sĩ John McCain và Tom Cottom hài lòng với tin tướng McMaster được bổ nhiệm làm Cố vấn An ninh Quốc gia, cho phép suy đoán chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump sẽ theo chủ trương của đảng Cộng hoà, chứ không thể tùy nghi quyết định ai là bạn ai là thù. 

Câu hỏi đặt ra là liệu Nhà Trắng có thể là đất dụng võ của tướng McMaster hay không? Tân cố vấn có một nhược điểm là thiếu kinh nghiệm chính trường trong bối cảnh trách nhiệm trong guồng máy lãnh đạo chưa được quy định rõ ràng. Báo chí Mỹ cho rằng căng thẳng trong nội bộ ông Trump, làm người tiền nhiệm của Tướng McMaster từ chức, xuất phát từ ảnh hưởng áp đảo của “quân sư” Stephen Bannon, mà chức danh chính thức là “chiến lược gia của Tổng thống”...

Đọc thêm

Việt Nam phát biểu chung đại diện nhóm các nước tại Khóa họp 55 Hội đồng Nhân quyền

 Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Anh Hiển/TTXVN
(PLVN) - Theo tin từ Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại thế giới và các Tổ chức quốc tế khác tại Geneva, trong khuôn khổ Khóa họp 55 của Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) LHQ tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 27/3, Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn đã có bài phát biểu chung trong Phiên thảo luận chung tại đề mục về việc theo sát và thực hiện Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA) với chủ đề về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu người dân trong xung đột vũ trang, thu hút đông đảo các nước tham gia quan tâm và đồng bảo trợ.

Việt Nam – Hoa Kỳ thúc đẩy việc triển khai các thỏa thuận cấp cao

Hình ảnh tại Đối thoại.
(PLVN) - Nhận lời mời của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và triển khai thực hiện Tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tháng 9/2023 về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện, ngày 25/3, tại thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Antony Blinken đã đồng chủ trì Đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ nhất.

Pháp nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất

Tháp Eiffel là biểu tượng nổi tiếng và hấp dẫn nhất của thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: REUTERS/Sarah Meyssonnier.
(PLVN) - Chính phủ Pháp đã nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất sau vụ xả súng đẫm máu tại nhà hát ở ngoại ô Moscow, Nga. Thông báo được đưa ra sau cuộc họp giữa các quan chức an ninh và quốc phòng cấp cao của Pháp với Tổng thống Emmanuel Macron.