Đời bi kịch của nữ thủ tướng Pakistan đầu tiên

Bà Bhutto
Bà Bhutto
(PLO) -Nổi tiếng với biệt danh “Bà đầm thép” của Pakistan, bà Benazir Bhutto chính là người mở cánh cửa tiếp cận chính trị cho nữ giới ở Pakistan. Không chỉ là người đầu tiên trở thành nữ chủ tịch của một đảng chính trị lớn, bà còn là người đầu tiên và cho đến nay vẫn là nữ thủ tướng duy nhất của đất nước Hồi giáo này.

Bà Benazir Bhutto sinh ngày 21/6/1953, ở Karachi, phía đông nam Pakistan. Bà chính là con cả của ông Zulfikar Ali Bhutto – người thành lập Đảng nhân dân Pakistan (PPP) và là thủ tướng Pakistan từ năm 1971 tới 1977.

Sau khi hoàn thành chương trình trung học cơ sở trong nước, bà tới Mỹ học phổ thông. Từ năm 1969 tới 1973, bà học trường Đại học Radcliffe và sau đó là trường Đại học danh tiếng Harvard. Sau khi nhận được bằng cử nhân của trường Harvard, bà tiếp tục sang Anh theo học ở trường Oxford về chuyên ngành Luật quốc tế và ngoại giao. 

Những bi kịch gia đình liên tiếp

Năm 1977, sau khi tốt nghiệp, bà về nước. Tuy nhiên, tai ương cũng từ đây ập đến. Bởi, vừa về nước được ít lâu, bà đã phải chịu án quản thúc tại gia sau khi tướng Mohammad Zia ul-Haq đảo chính, lật đổ chính phủ của cha bà.

Một năm sau khi Zia ul-Haq trở thành tổng thống vào năm 1978, ông Zulfikar đã bị treo cổ sau khi bị buộc tội cho phép nhân viên giết một đối thủ chính trị. 

Tai họa đối với gia đình Bhutto không dừng lại ở đó. Năm 1980, em trai của bà là ông Shahnawaz qua đời ở nhà riêng tại Riviera. Gia đình bà khẳng định ông Shahnawaz đã bị đầu độc nhưng giới chức Pakistan khi đó đã không tiến hành điều tra và khởi tố vụ việc. 

Đến năm 1982, một phần nhờ vào sự ủng hộ của mọi người với cha bà, bà Bhutto trở thành Chủ tịch PPP, đánh dấu sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử Pakistan có một phụ nữ là thủ lĩnh của một đảng chính trị lớn.

2 năm sau đó, bà phải sang Anh sống lưu vong nhưng vẫn duy trì quyền đồng chủ tịch PPP. Sau 2 năm sống ở nước ngoài, tháng 4/1986, bà về nước, phát động một chiến dịch đấu tranh đòi tổ chức bầu cử công khai ở Pakistan.

Năm 1987, bà kết hôn với một chủ đất giàu có tên Asif Ali Zardari. 2 người có với nhau tất cả 3 con, bao gồm 1 con trai và 2 con gái.

Nữ thủ tướng đầu tiên

Thời cơ đến với bà Bhutto vào năm 1988, khi ông Zia ul-Haq thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay, chấm dứt chế độ độc tài do ông ta đứng đầu.

Cùng trong năm đó, bà được bầu làm thủ tướng của Pakistan, trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của một đất nước Hồi giáo và cho đến nay vẫn là nữ thủ tướng duy nhất của Pakistan. Ở tuổi 35, bà cũng là một trong những lãnh đạo trẻ nhất trên thế giới từ trước đến nay.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, bà Bhutto đã có nhiều sáng kiến để thúc đẩy phát triển kinh tế và an ninh quốc gia của Pakistan, thực hiện các chính sách về vốn để thúc đẩy phát triển công nghiệp và tăng trưởng.

Lý thuyết chính trị và các chính sách kinh tế của bà nhấn mạnh vào việc xóa bỏ các quy định, thúc đẩy tính linh hoạt của thị trường lao động, giảm dần sở hữu nhà nước và chính sách hỗ trợ cho các tập đoàn nhà nước.

Dù những chính sách của bà được đánh giá là rất tiến bộ nhưng nó đã không thể giúp vực dậy được nền kinh tế Pakistan khi đó đang chìm vào suy thoái, tỉ lệ thất nghiệp cao.

Cùng với những cáo buộc về tình trạng tham nhũng trong chính quyền, tỉ lệ ủng hộ của người dân với nữ thủ tướng ngày một giảm, đưa đến việc bà bị Tổng thống bảo thủ Ghulam Ishaq Khan đánh bại tại cuộc bầu cử diễn ra vào năm 1990. Không chỉ mất chức, bà còn phải ra hầu tòa về một số cáo buộc về các sai phạm khi nắm quyền. 

Đến năm 1993, bà một lần nữa được bầu làm thủ tướng Pakistan. Ở nhiệm kỳ thứ 2 này, bà tiếp tục thực thi nhiều chính sách tiến bộ khác như đưa điện về các vùng quê, xây các trường học trên cả nước.

Bà cũng đặt ưu tiên lập các trung tâm chăm sóc người nghèo, các dự án nhà ở và cơ sở y tế, đồng thời mạnh mẽ thúc đẩy các biện pháp nhằm hiện đại hóa Pakistan.

Quan điểm cứng rắn của bà trong việc phản đối các tổ chức công đoàn, những luận điệu của phe đối lập và với nước láng giềng Pakistan khiến bà được đặt cho biệt danh “Bà đầm thép”.

Năm 1995, quân đội Pakistan tiến hành đảo chính nhưng không thành nhưng đến năm 1996, chính phủ của bà đã bị Tổng thống Farooq Leghari bãi miễn với lý do bản thân bà vướng vào nhiều cáo buộc sai phạm khác nhau. 

Năm 1997, bà thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội Pakistan và buộc phải sống lưu vong ở Dubai từ năm 1998. Năm 1999, bà bị buộc tội tham nhũng với mức án 3 năm tù giam vắng mặt.

Trong thời gian lưu vong ở Dubai và ở Anh, bà vẫn tiếp tục chỉ đạo đảng PPP từ nước ngoài và tiếp tục tái khẳng định vị trí lãnh đạo của đảng này vào năm 2002.

Mãi đến năm 2007, bà đạt được thỏa thuận với Tổng thống Pervez Musharraf và trở về nước. Theo thỏa thuận này, ông Musharraf đã ân xá và hủy bỏ tất cả các cáo buộc tham nhũng nhằm vào bà.

Nữ thủ tướng đầu tiên của Pakistan ít phút trước khi bị bắn.
Nữ thủ tướng đầu tiên của Pakistan ít phút trước khi bị bắn.

Vụ ám sát gây tranh cãi

Cuối năm 2007, bà Bhutto trở về nước. Nhưng, cuộc tuần hành đón bà trở về đã trở thành một sự kiện đẫm máu khi những người ủng hộ bà trở thành nạn nhân một vụ tấn công liều chết khiến 136 người thiệt mạng. Bản thân bà may mắn thoát nạn khi kịp nằm rạp xuống chiếc xe bọc thép. 

Ngày 27/12/2007, lại một vụ đánh bom liều chết khác xảy ra tại một cuộc vận động tranh cử của bà Bhutto. Nhưng, lần này may mắn đã không mỉm cười với bà. Thủ phạm trước khi kích hoạt khối thuốc nổ mang theo trên người đã xả súng liên tục về phía chiếc xe của bà, khiến bà gục xuống.

Bà Bhutto đã được đưa tới bệnh viện nhưng đã không qua khỏi. Tuy nhiên, theo Bộ Nội vụ Pakistan, bà đã tử vong do đập đầu vào phần cứng của chiếc xe chứ không phải do những viên đạn. Vụ tấn công cũng đã khiến 28 người khác thiệt mạng và 100 người bị thương. 

Ngày 28/12/2007, hàng nghìn người đã tới viếng bà ở bảo tàng của gia đình bà tại Garhi Khuda Bakhsh, thuộc tỉnh Sindh. Thi thể bà sau đó được đặt cạnh cha bà, ông Zulfikar Ali Bhutto – tổng thống do dân bầu đầu tiên của Pakistan.

Vụ tấn công nhằm vào vị cựu thủ tướng được nhiều người dân mến mộ này đã đẩy Pakistan vào tình trạng hỗn loạn. Những người ủng hộ bà Bhutto sau đó đã đổ ra đường biểu tình ở một số thành phố lớn, đốt xe hơi, tàu hỏa và các cửa hàng, khiến 23 người thiệt mạng, đồng thời cũng khiến giới chức Pakistan phải hoãn cuộc bầu cử quốc hội lại hơn 1 tháng. 

Tổng thống Musharraf sau đó đã mời một nhóm các điều tra viên từ Anh tới để điều tra vụ sát hại bà Bhutto. Bộ Nội vụ Pakistan về sau kết luận tổ chức khủng bố al-Qaeda là thủ phạm trong vụ tấn công.

Tuy nhiên, ông Musharraf cũng bị cáo buộc có liên quan đến cái chết của bà. Năm 2013, ông này đã bị truy tố về tội âm mưu giết chết bà Bhutto cùng một số tội danh khác. 

Theo hồ sơ vụ việc, bản thân bà Bhutto đã nhận thấy mối nguy hiểm tới tính mạng của mình và đề nghị ông Musharraf hỗ trợ, tăng cường an ninh cho bà nhưng không được chấp thuận. Cho đến nay, phiên tòa xét xử về vụ việc vẫn chưa đi đến hồi kết. 

Những cảnh báo sớm về thánh chiến

Theo hãng tin AP, thực ra 2 năm sau khi đắc cử nhiệm kỳ đầu, bà Bhutto đã nhận được các thông tin tình báo cho biết một người đàn ông tên Osama bin Laden – kẻ về sau trở thành trùm khủng bố khét tiếng – đã ra lệnh giết bà.

Đó là năm 1990, khi Al-Qaeda vẫn chưa chính thức được thành lập nhưng những phần tử nòng cốt của tổ chức thánh chiến toàn cầu này đã xác định sẽ lấy Afghanistan và Pakistan là cứ địa ban đầu để chúng thực hiện kế hoạch khôi phục lại một đế chế Hồi giáo như thời Trung cổ. 

Trước đó, trong hồi ký Người con gái phương Đông được xuất bản năm 1988, bà cũng đã nói về những đe dọa từ những phần tử thánh chiến tới tính mạng của bà.

Trong một số cuốn sách sau đó, bà cũng đã viết nhiều về sự phát triển của các tổ chức Hồi giáo cực đoan, về mối nguy cơ của những phần tử thánh chiến tới an ninh toàn cầu. Tuy nhiên, trước cuộc tấn công khủng bố 11/9/2001, những cảnh báo như vậy đều không được xem xét một cách cẩn trọng. 

Tại cuộc diễu hành ngay trước khi bà bị bắn chết, Bhutto cũng đã liên tục cảnh báo về Taliban và các nhóm cực đoan khác.

Theo các nhà phân tích, bà Bhutto là một phụ nữ nhưng lại là lãnh đạo của một nước Hồi giáo, thêm vào đó lại từng theo học ở phương Tây - hình tượng hội tụ của tất cả những điều mà những phần tử Hồi giáo cực đoan cực kỳ ghét- khiến chúng tìm mọi cách để triệt hạ bà cùng những tư tưởng tiến bộ mà bà khởi xướng...

Đọc thêm

Việt Nam phát biểu chung đại diện nhóm các nước tại Khóa họp 55 Hội đồng Nhân quyền

 Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Anh Hiển/TTXVN
(PLVN) - Theo tin từ Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại thế giới và các Tổ chức quốc tế khác tại Geneva, trong khuôn khổ Khóa họp 55 của Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) LHQ tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 27/3, Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn đã có bài phát biểu chung trong Phiên thảo luận chung tại đề mục về việc theo sát và thực hiện Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA) với chủ đề về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu người dân trong xung đột vũ trang, thu hút đông đảo các nước tham gia quan tâm và đồng bảo trợ.

Việt Nam – Hoa Kỳ thúc đẩy việc triển khai các thỏa thuận cấp cao

Hình ảnh tại Đối thoại.
(PLVN) - Nhận lời mời của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và triển khai thực hiện Tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tháng 9/2023 về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện, ngày 25/3, tại thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Antony Blinken đã đồng chủ trì Đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ nhất.

Pháp nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất

Tháp Eiffel là biểu tượng nổi tiếng và hấp dẫn nhất của thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: REUTERS/Sarah Meyssonnier.
(PLVN) - Chính phủ Pháp đã nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất sau vụ xả súng đẫm máu tại nhà hát ở ngoại ô Moscow, Nga. Thông báo được đưa ra sau cuộc họp giữa các quan chức an ninh và quốc phòng cấp cao của Pháp với Tổng thống Emmanuel Macron.