Cú sốc của cơ quan an ninh Trung Quốc

Thái Tiểu Hồng, gián điệp Anh chui sâu leo cao
Thái Tiểu Hồng, gián điệp Anh chui sâu leo cao
(PLO) - Tháng 6/2002, cơ quan an ninh Trung Quốc khi tiến hành giám sát thường kỳ đã bất ngờ phát hiện ra một tài liệu tuyệt mật của phía Trung Quốc, bao gồm lịch trình rất tỉ mỉ chuyến thăm của người lãnh đạo nhà nước sắp tới ở Hong Kong, kế hoạch bảo vệ cũng như danh sách, thời gian hội kiến với các nhân vật cùng nội dung các bài phát biểu…

Trưởng Văn phòng chính phủ làm gián điệp

Lập tức một cuộc điều tra được tiến hành, sau nửa năm thì phát hiện ra vấn đề của Thái Tiểu Hồng. Hồng hoạt động gián điệp đã khá lâu, đã sớm sắp xếp cho vợ con sang Anh Quốc định cư. Trung tuần tháng 7/2003, Hồng bị bí mật điều về Bắc Kinh, bị bắt và chính thức miễn chức vào tháng 9 cùng năm.

Thái Tiểu Hồng là gián điệp của Anh, tiềm phục đã hơn 10 năm. Năm 2004, Tòa án Quảng Châu đã mở phiên tòa sơ thẩm, tuyên phạt Hồng 15 năm tù giam về tội bí mật tiết lộ bí mật quốc gia cho nước ngoài.

Vào đầu những năm 1980, khi Trung Quốc tiến hành đàm phán với Anh về vấn đề trao trả Hong Kong cho Trung Quốc, phía Trung Quốc đã nghi ngờ có nội gián, nhưng tìm không ra kẻ nào, mãi đến 2003 mới lôi ra được Thái Tiểu Hồng.

Thái Tiểu Hồng người Quảng Đông, là con trai của nguyên Bộ trưởng Tư pháp Thái Thành. Hồng nhập ngũ vào quân đội, công tác tại Ban biên tập “Giải phóng quân báo”, năm 1989 được điều sang Hong Kong công tác tại Phân xã Tân Hoa xã thường trú tại đây (nay là Văn phòng liên lạc chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong), sau được bổ nhiệm làm Phó, rồi Trưởng phân xã (Chủ nhiệm), trước đó Hồng mang quân hàm Trung tá, khi bị bắt Hồng đã có hàm Thứ trưởng.

Hồng đã bị đặc vụ người Hoa của Cục 6 tình báo quân sự Anh (MI-6) lôi kéo thành công với số tiền 6 triệu NDT (21 tỷ VND). Tuy Hồng không gia nhập MI-6 nhưng đã cung cấp cho phía Anh nhiều tin tình báo quan trọng về quan điểm, chính sách của chính phủ Trung Quốc đối với vấn đề Hong Kong.

Sau khi Hong Kong được trả về cho Trung Quốc, Hồng được giao giữ chức Tổng thư ký Văn phòng liên lạc Trung ương ở Hong Kong liên tục 14 năm, giữ các chức vụ quan trọng, ở vị trí được gửi các văn kiện cơ mật, được tham dự các hội nghị bí mật cấp cao.

Việc để lọt gián điệp giữ vị trí trọng yếu trong cơ quan hạt nhân quan trọng như thế quả là thất bại lớn nhất của cơ quan an ninh Trung Quốc. Có thể nói, tất cả các động thái, chính sách của Đại Lục đối với Hong Kong đều bị các cơ quan tình báo của Anh và các nước phương Tây biết rõ, cơ bản không còn gì là bí mật

Sau khi Thái Tiểu Hồng bị bắt và điều tra, các cơ quan an ninh quốc gia, công an, quân đội đều cử người sang Hong Kong chỉ đạo và phối hợp Văn phòng liên lạc Trung ương rà soát các nhân vật khả nghi.

Thiệt hại do Thái Tiểu Hồng gây nên vượt xa những gì do Thiếu tướng Lưu Liên Côn gây ra. Tin tình báo của Côn chỉ là cục bộ, còn tin của Hồng là toàn cục, có tính chiến lược, thậm chí mang tính hủy diệt trong một số lĩnh vực.

Cha Hồng, cựu Bộ trưởng Tư pháp Thái Thành trước khi qua đời tháng 9/2009 đã viết thư gửi ông Hồ Cẩm Đào, đề nghị phóng thích cho con trai, tuy không được chấp nhận, nhưng Hồng vẫn được cho phép về dự lễ tang cha rồi lại vào tù thi hành án. Tháng 4/2012, Hồng đã được ra tù trước thời hạn.

Trước đó tuy đã có các nhân vật Trưởng phân xã Tân Hoa ở Hong Kong Hứa Gia Đồn, Phó phân xã Trịnh Hoa chạy trốn sang Mỹ, nhưng họ đều đào tẩu sau khi đã rời khỏi cương vị công tác. Tuy họ nắm được nhiều cơ mật quốc gia, nhưng không có tác dụng về mặt giá trị tình báo như Thái Tiểu Hồng.

Tháng 12/2003, vụ án gián điệp Thái Tiểu Hồng được các báo lớn ở Hong Kong đăng tin. Ông Lý Cương, Phó Văn phòng liên lạc Trung ương ở Hong Kong phát biểu: “Cơ quan tình báo nước ngoài ở Hong Kong đã làm được rất nhiều việc”, rằng “Vụ án Thái Tiểu Hồng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”. Tuy nhiên, Tổng lãnh sự quán Anh Quốc ở Hong Kong từ chối, không đưa ra bất cứ lời bình luận gì.

Sau khi Thái Tiểu Hồng bị bắt và điều tra, có thêm ít nhất 3 người nữa bị bắt là Lưu Lâm, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Phân xã Tân Hoa xã Hong Kong ; Ngụy Bình Nguyên, Trưởng phòng công tác Đài Loan và Trần Du Lâm, thư ký của nguyên Phó phân xã Tân Hoa xã Hong Kong Trịnh Hoa.

Lý Bân
Lý Bân

Đại sứ Trung Quốc, điệp viên Hàn Quốc

Lý Bân sinh tháng 7/1956 ở Bắc Kinh từng du học ở Triều Tiên, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Kim Nhật Thành. Năm 1977, Bân về công tác tại Bộ ngoại giao, lần lượt giữ các chức vụ nhân viên sứ quán Trung Quốc tại Bình Nhưỡng, cán bộ Vụ châu Á, Tùy viên, Bí thư thứ 3, Bí thư thứ 2 Đại sứ quán Trung Quốc tại Triều Tiên.

Năm 1991, Bân được đề bạt Trưởng phòng thuộc Vụ châu Á; năm 1994 là Tham tán Đại sứ quán Trung Quốc tại Hàn Quốc; năm 1997 quay trở lại Triều Tiên làm Tham tán Công sứ. Từ 2001 được bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Hàn Quốc, trong thời gian này, Lý Bân đã bị cơ quan tình báo Hàn Quốc lôi kéo làm gián điệp.

Từ 2005 – 2006 Lý Bân là Đại sứ phụ trách sự vụ bán đảo Triều Tiên, kiêm Vụ phó Vụ châu Á. Từ tháng 5/2006, Bân là Phó thị trưởng thành phố Uy Hải tỉnh Sơn Đông. Tháng 12/2006, Lý Bân bị cơ quan an ninh gọi điều tra rồi bị tạm giữ.

Tháng 1/2007, sau khi bị điều tra, Lý Bân được điều về làm nghiên cứu viên Sở nghiên cứu vấn đề quốc tế Trung Quốc trực thuộc Bộ ngoại giao. Sau đó ông ta bị tòa án phạt 7 năm tù về tội “tiết lộ bí mật”.

Việc một đại sứ bị cơ quan tình báo nước sở tại lôi kéo làm gián điệp là điều hiếm thấy trong lịch sử ngoại giao thế giới. Lý Bân làm gián điệp cho Hàn Quốc, sau đó khi làm đại sứ phụ trách sự vụ bán đảo Triều Tiên tiếp tục cung cấp tin tình báo cho phía Hàn Quốc khiến Trung Quốc luôn lâm vào thế bị động trong cuộc đàm phán 6 bên.

Sau khi phát hiện Lý Bân làm gián điệp, lãnh đạo Trung Quốc rất tức giận, nhưng vì giữ thể diện nên không thể xét xử Bân về tội làm gián điệp, phản quốc, mà xử ông ta 7 năm tù về vấn đề tiết lộ bí mật về chuyến thăm Trung Quốc của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il.  

“Chưởng môn hạt nhân” sa ngã

Năm 2010, Khang Nhật Tân, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương, Bí thư đảng ủy kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp hạt nhân Trung Quốc bị phát hiện làm gián điệp, cung cấp nhiều tin tình báo về tài liệu liên quan đến lĩnh vực hạt nhân cho nước ngoài gây chấn động. 

Tin Khang Nhật Tân làm gián điệp khiến lãnh đạo Trung Quốc rất căng thẳng, yêu cầu phải điều tra triệt để. Việc Tân làm gián điệp đã được kết luận nhưng cuối cùng lại công khai là “có vấn đề kinh tế”. Báo chí Trung Quốc khi đó đưa tin Khang liên đới đến các tội mở thầu, giao dịch đen, sử dụng tiền công để chơi chứng khoán… số tiền lên tới 1,8 tỷ NDT.

Tháng 10/2010, Khang Nhật Tân bị cách chức, khai trừ đảng. Ngày 19/11/2010, Tân bị Tòa án Bắc Kinh đưa ra xét xử và kết án chung thân, tịch thu toàn bộ tài sản, tước quyền chính trị suốt đời vì tội…nhận hối lộ.

Tuy nhiên, tháng 9/2014, Thiếu tướng quân đội Kim Nhất Nam đã tiết lộ: Trước khi bị ngã ngựa, Khang Nhật Tân đã dính vào vụ án làm gián điệp, nhiều lần cung cấp tin tình báo về công nghiệp hạt nhân cho nước ngoài (có báo viết rõ là Mỹ), nhưng trung ương cuối cùng quyết định công bố Tân phạm vấn đề kinh tế, không nói gì đến chuyện tiết lộ tình báo.

Khang Nhật Tân sinh tháng 8/1953 tại Sơn Tây. Tháng 3/1972 vào làm tại Trạm bơm Dương Trang, Cục Thủy lợi Đại Đồng. Tháng 9/1975 vào học Đại học Giao thông Thượng Hải, chuyên ngành Công trình Lò phản ứng, năm 1978 tốt nghiệp.

Tháng 9/1978 về Viện nghiên cứu khoa học hạt nhân Trung Quốc, lần lượt giữ các chức Phó chủ nhiệm Phòng nghiên cứu, Bí thư chi bộ, Phó Viện trưởng. Tháng 12/1996 về Tổng công ty Công nghiệp hạt nhân Trung Quốc lần lượt giữ các chức Trợ lý TGĐ, Công trình sư cao cấp, Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty điện hạt nhân số 3.

Khang Nhật Tân
Khang Nhật Tân

Tháng 6/1997 về Tập đoàn công ty Công nghiệp hạt nhân Trung Quốc, lần lượt giữ các chức Phó bí thư, Phó tổng giám đốc. Từ tháng 9/2003 là Bí thư đảng ủy, TGĐ Tập đoàn. Tân vào đảng tháng 12/1982, được bầu làm Ủy viên Trung ương khóa 17, Ủy viên UBKTKLTW khóa 16.

Ngày 5/8/2009, người phụ trách UBKTKLTW xác nhận Khang Nhật Tân bị tổ chức điều tra vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.

Ngày 15/1/2010, Bộ Giám sát, UBKTKLTW xác nhận việc Khang Nhật Tân bị khai trừ đảng và chức vụ.

Ngày 18/10/2010, Hội nghị lần 5 Trung ương ĐCS Trung Quốc thông qua báo cáo thẩm tra về vấn đề Khang Nhật Tân của UBKTKLTW, xác nhận quyết định khai trừ đảng đối với Tân của Bộ Chính trị.

Ngày 19/11/2010, Tòa án Bắc Kinh kết thúc phiên tòa xét xử Tân vì tội nhận hối lộ với phán quyết án chung thân... 

(Mời xem tiếp trên Pháp luật  4 phương số 68, ngày 29/8/2016)  

Đọc thêm

Việt Nam – Hoa Kỳ thúc đẩy việc triển khai các thỏa thuận cấp cao

Hình ảnh tại Đối thoại.
(PLVN) - Nhận lời mời của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và triển khai thực hiện Tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tháng 9/2023 về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện, ngày 25/3, tại thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Antony Blinken đã đồng chủ trì Đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ nhất.

Pháp nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất

Tháp Eiffel là biểu tượng nổi tiếng và hấp dẫn nhất của thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: REUTERS/Sarah Meyssonnier.
(PLVN) - Chính phủ Pháp đã nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất sau vụ xả súng đẫm máu tại nhà hát ở ngoại ô Moscow, Nga. Thông báo được đưa ra sau cuộc họp giữa các quan chức an ninh và quốc phòng cấp cao của Pháp với Tổng thống Emmanuel Macron.

Lái máy bay khi say rượu, phi công Mỹ bị kết án tù

Ông Lawrence Russell Jr bị phát hiện uống rượu vượt quá giới hạn cho phép của hãng hàng không gấp gần 2,5 lần.
(PLVN) - Phi công Lawrence Russell (63 tuổi), một công dân Mỹ, vừa bị kết án 10 tháng tù tại Scotland sau khi bị phát hiện có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép trong máu trước khi tiến hành chuyến bay xuyên Đại Tây Dương vào ngày 16 tháng 6 năm 2023.

Chưa ghi nhận công dân Việt Nam gặp nạn trong vụ tấn công khủng bố tại Nga

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng.
(PLVN) - Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, đến nay, chưa ghi nhận có công dân Việt Nam là nạn nhân trong vụ việc. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán đang khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại bám sát tình hình, sẵn sàng các biện pháp bảo hộ cần thiết trong trường hợp có công dân Việt Nam gặp nạn.

Hiện trường vụ tấn công khủng bố ở Nga

Hiện trường vụ tấn công khủng bố ở Nga
(PLVN) - Ít nhất 60 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương sau vụ xả súng vào đoàn người tham dự hòa nhạc ở Nga. Đây là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất ở Nga trong nhiều thập kỷ.