“Cú giáng chí mạng” vào nền kinh tế thế giới

Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện ở Vũ Hán. Nguồn Xinhua.
Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện ở Vũ Hán. Nguồn Xinhua.
(PLVN) - Sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (2019-nCoV) tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) cho thấy chưa có dấu hiệu chậm lại, ảnh hưởng đến nền kinh tế - xã hội trên toàn thế giới.

Một trong các diễn biến kinh tế nổi bật liên quan đến đại dịch, mới đây, đại diện của Tập đoàn Hyundai - nhà sản xuất ô tô lớn thứ năm thế giới, cho biết trong tuần này rằng họ đang đình chỉ hoạt động các dây chuyền sản xuất tại các nhà máy ô tô của mình ở Hàn Quốc. Sở dĩ có sự gián đoạn như vậy là do sự phụ thuộc quá lớn của hãng vào nguồn sản xuất phụ tùng ô tô từ Trung Quốc.

Trong khi đó, nhiều nhà máy ô tô ở Trung Quốc đã ngừng hoạt động vì virus Corona, bao gồm các nhà máy do Huyndai, Tesla, Ford và Nissan điều hành. Các nhà máy của Hyundai tại Hàn Quốc sẽ là nhà máy đầu tiên đóng cửa bên ngoài Trung Quốc.

Phát ngôn viên của công ty cho rằng ban lãnh đạo đang xem xét các biện pháp khác nhau để giảm thiểu sự gián đoạn hoạt động của mình, bao gồm tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế ở các khu vực khác như tại Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Cộng hòa Séc và Montgomery…

Đây là một tín hiệu đầu tiên về việc ngừng hoạt động của một số dây chuyền sản xuất khác tại Hàn Quốc do thiếu hụt các linh kiện, phụ tùng, bộ phận chính được sản xuất tại các nhà máy Trung Quốc. 

Còn thị trường dầu mỏ thì ngày càng ảm đạm. Vào thời điểm đang phải cắt giảm việc làm và bị đè nặng bởi nợ nần, các nhà sản xuất dầu của Mỹ đang chuẩn bị cho cú sốc mới nhất tấn công thị trường từ dịch bệnh Corona. Các nhà sản xuất dầu và khí đốt đã phải chịu đựng giá hàng hóa thấp trong năm qua và hiện đang mong đợi giá giảm mạnh trên toàn cầu cho các sản phẩm của họ.

Người dân Hồng Kông sốt sắng tìm mua mặt nạ chống dịch. Nguồn NYTimes
 Người dân Hồng Kông sốt sắng tìm mua mặt nạ chống dịch. Nguồn NYTimes

Do đó, họ đang chuẩn bị cắt giảm đầu tư vào thăm dò và sản xuất. Giá dầu thô trung gian West Texas, một điểm chuẩn chính, đã giảm xuống dưới 50 USD vào thứ Hai, giảm 20% trong vòng chưa đầy một tháng. Sau khi phục hồi nhẹ vào sáng thứ ba, giá dầu lại tiếp tục giảm. Chỉ vài tuần sau khi virus bùng phát, nhu cầu sử dụng xăng dầu hàng ngày của Trung Quốc đã giảm 20% do việc đi lại bằng đường hàng không, vận chuyển và sản xuất bị thu hẹp.

Hiện, Trung Quốc chỉ mua khoảng 200.000 thùng dầu mỗi ngày và nhiên liệu vận chuyển tinh chế từ Hoa Kỳ, trong số 8,5 triệu thùng trong tổng xuất khẩu hàng ngày của Mỹ. Nhưng dầu là một mặt hàng toàn cầu và giá chuẩn được thiết lập trên thị trường thế giới, không phải trong nước. Giá thấp hơn có nghĩa là lợi nhuận thấp hơn.

Theo cập nhật của tờ New York Times, giống như các thành phố du lịch khác trên thế giới, thành phố New York (Mỹ) đang bắt đầu trải qua một sự sụt giảm về doanh thu khi việc hạn chế du khách Trung Quốc được thực hiện. Các nhà điều hành tour du lịch và đại lý du lịch trong khu vực New York ngày càng lo lắng với việc kinh doanh ế ẩm, khách sạn trống phòng nhiều hơn, các chuyến xe buýt du lịch cũng càng nhiều ghế trống.

Chủ nhà hàng và các cửa hàng ở New York, đặc biệt tại các khu phố tàu như Manhattan cho biết việc kinh doanh của họ đã giảm 50 đến 70% trong 10 ngày qua. Tổn thất nhiều nhất vẫn là ở Trung Quốc.

Còn tại Trung Quốc, một mặt hàng có giá cả leo thang nhanh chóng chính là thực phẩm. Dịch bệnh từ virus Corona đặt ra thách thức rất lớn với chính quyền nước này với việc đảm bảo đủ nguồn thực phẩm nuôi sống 1,4 tỷ cư dân.

Lo ngại dịch bệnh có thể kéo dài hàng tuần hoặc thậm chí hàng tháng, các gia đình trên khắp Trung Quốc đang tích trữ lương thực, khiến các cửa hàng và siêu thị khó giữ thực phẩm tươi sống trong kho. Nhiều nơi đã đóng cửa hàng và chỉ phục vụ thông qua vận chuyển đến tận nhà, làm gia tăng chi phí vận chuyển hàng hoá.

Trong khi đó, tình hình thực phẩm sạch lại trở nên khan hiếm tại thành phố Vũ Hán khi nỗi hoang mang của người dân gia tăng, khiến giá thực phẩm tăng nhanh. Để kiểm soát thị trường, các quan chức Trung Quốc tuyên bố, Shouguang - một trong những trung tâm lớn nhất của đất nước sẽ là nơi trồng, buôn bán và vận chuyển rau, đưa đến bằng xe tải cho thành phố 11 triệu dân này.

Tuy nhiên, các hạn chế nghiêm ngặt và tình trạng nghỉ lễ kéo dài trên hầu hết Trung Quốc đại lục đang dần “ăn mòn” nền kinh tế của đất nước. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã báo lỗ lớn vào thứ hai đầu tuần, ngày đầu tiên mở cửa sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Trong khi nền kinh tế quốc gia đã bị ảnh hưởng, không rõ người lao động Trung Quốc có thể ở nhà được bao lâu, với nhiều người phải nghỉ việc vài tuần kể từ khi bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Nhiều công nhân nhập cư sẽ về nhà tham dự lễ hội, có khả năng khiến họ bị mắc kẹt ở các tỉnh của họ và không thể quay lại bờ biển phía đông, nơi có hầu hết các khu vực sản xuất chính.

Các khoản nợ trên thị trường Thượng Hải và Thâm Quyến đã xóa tổng cộng lên tới 440 tỷ đô la Mỹ. Giới truyền thông đã gọi thứ hai vừa qua là ngày tồi tệ nhất của Thượng Hải kể từ năm 2015 và tồi tệ nhất của Thâm Quyến kể từ năm 2007.

Theo đó, giá trị của đồng nhân dân tệ Trung Quốc cũng giảm. Theo Reuters, các nhà chức trách ở Trung Quốc đã tuyên bố hỗ trợ 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 173 tỷ USD) vào thị trường Trung Quốc để giúp duy trì “thanh khoản hợp lý” trong hệ thống ngân hàng và giữ ổn định thị trường tiền tệ.

Lượng tiền mặt tràn vào thị trường sẽ gần 150 tỷ nhân dân tệ (22 tỷ USD), khi hơn 1 nghìn tỷ nhân dân tệ của các thỏa thuận trái phiếu ngắn hạn khác được đáo hạn vào thứ hai vừa qua. Hồng Kông cũng đang gặp rất nhiều khó khăn khi nền kinh tế đất nước đang bị suy giảm sau các cuộc biểu tình liên tiếp diễn ra trong 6 tháng qua, cùng với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại ảnh hưởng của virus có thể quét sạch nhiều doanh nghiệp.

Vẫn có những câu chuyện nhân văn

Dù gặp rất nhiều khó khăn, tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau chính là hy vọng vượt qua dịch bệnh. Sau khi lệnh hạn chế di chuyển được thực hiện, nhiều người Trung Quốc đi du lịch bị “mắc kẹt” ở các tỉnh khác, chính vì thế hàng ngàn vật nuôi bị bỏ lại trong nhà những người có nguy cơ bị chết đói. Khi những lời kêu cứu giúp đỡ này được chia sẻ trên mạng xã hội, đã có hàng trăm tình nguyện viên có gắng “giải cứu” những chú vật nuôi này.

Theo Reuter, Hiệp hội Bảo vệ động vật nhỏ Vũ Hán, nơi đang cung cấp thức ăn và nước uống cho vật nuôi một cách độc lập, cho biết họ đã giúp đỡ hơn 600 vật nuôi trong tuần vừa qua. Một trong những tình nguyện viên ở Vũ Hán, được xác định là Lao Mao (tên trên mạng xã hội), đã trả lời tờ Reuters rằng nhóm tình nguyện viên của anh ta đã giải cứu hơn 1.000 vật nuôi kể từ ngày 25/1, ước tính có tới 50.000 vật nuôi trong nhà vẫn không được chăm sóc và có nguy cơ chết đói trong thành phố.

Bệnh viện dã chiến đang khẩn trương được xây dựng và đưa vào sử dụng. Nguồn CHINATOPIX
 Bệnh viện dã chiến đang khẩn trương được xây dựng và đưa vào sử dụng. Nguồn CHINATOPIX

Dù vậy, việc xâm nhập các căn hộ và tòa nhà bị khóa, ngay cả khi có sự cho phép của chủ sở hữu, vẫn là một thách thức lớn. Có trường hợp, người tình nguyện viên này cho biết anh ta phải trèo lên những đường ống gỉ sét để nuôi hai con mèo trong căn hộ ở tầng ba bị bỏ lại một mình trong 10 ngày.

Khi anh gọi video cho các chủ sở hữu những vật nuôi này - những người không thể quay lại Vũ Hán vì bị chặn đường, hạn chế đi lại, họ đã khóc. Câu chuyện được chia sẻ trên truyền thông quốc tế, như một lời nhắc nhở về lòng cảm thông, trách nhiệm chia sẻ không chỉ đối với người khác, mà còn đối với động vật, vật nuôi và môi trường sống của xã hội.

Với sự bùng phát virus vào tháng thứ ba mà không có dấu hiệu chậm lại, các thành phố trên khắp Trung Quốc đã tuyên bố nỗ lực hơn nữa để cố gắng ngăn chặn nó. Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh phía đông Chiết Giang, hôm thứ hai đã công bố một số biện pháp kiểm dịch chặt chẽ nhất bên ngoài Hồ Bắc.

Những người trở về thành phố từ bên ngoài Hàng Châu có thể phải đối mặt với hai tuần cách ly, trong khi tất cả các địa điểm công cộng sẽ bị đóng cửa trong tương lai gần, theo truyền thông địa phương. Tuy nhiên, sự cảm thông và đồng lòng chia sẻ khó khăn mới tạo nên sức mạnh đẩy lùi dịch bệnh. Như tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng nước này phải “dựa vào người dân để chiến thắng dịch bệnh”.

Và những tín hiệu khởi sắc

Các quan chức y tế Trung Quốc cho biết các loại thuốc kháng virus dùng trong điều trị triệu chứng cho các bệnh nhân nhiễm virus Corona ở nước này đang chứng tỏ hiệu quả. Theo báo South China Morning Post, nhà dịch tễ học Li Lanjuan cho biết các kiểm tra sơ bộ cho thấy hai loại thuốc kháng virus là Arbidol và Darunavir có hiệu quả trong việc kiềm chế sự sinh sôi của chủng virus Corona mới này.

Arbidol là một thuốc kháng virus mạnh dùng để phòng ngừa và điều trị bệnh cúm trong khi Darunavir dùng trong điều trị HIV. Ngoài ra các loại thuốc khác đang trong giai đoạn thử nghiệm trên động vật và thử nghiệm lâm sàng trên người tại Trung Quốc là Remdesivir và Favipiravir.

Bên cạnh đó, một tập đoàn sản xuất thuốc lớn của Anh là GlaxoSmithKline đã tham gia cuộc “chạy đua toàn cầu” về nghiên cứu vắc-xin cho chủng virus Corona mới. Cách tiếp cận của các nhà nghiên cứu là tạo ra tác nhân bổ trợ cho vắc-xin, giúp tạo ra khả năng miễn dịch mạnh hơn và lâu dài hơn chống lại nhiễm trùng so với vắc-xin có thể tự cung cấp.

Tiến sĩ Richard Hatchett, Giám đốc điều hành của Liên minh Đổi mới Chuẩn bị Dịch tễ học (Anh), cho biết việc sử dụng công nghệ này cho phép các nhà khoa học sản xuất vắc-xin nhanh hơn và cung cấp chúng cho nhiều người hơn. GSK cũng đã sử dụng công nghệ bổ trợ để phát triển vắc-xin phòng chống đại dịch cúm năm 2009. Ngoài ra, hơn một chục công ty công nghệ sinh học và các nhóm học thuật đang nghiên cứu vắc-xin cho virus Corona.

Còn về kinh tế, sau khi Chính phủ Trung Quốc thực hiện các biện pháp tiếp theo để thúc đẩy nền kinh tế của nó trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang mở rộng, giá một số loại cổ phiếu trên sàn S& P500 tại khu phố tài chính Wall Street (New York, Mỹ) có xu hướng tăng cao hơn. Tại châu Á, các sàn chứng khoán Thượng Hải và Hồng Kông cũng đang có dấu hiệu phục hồi.

Các thị trường lớn ở châu Âu tại Pháp, Đức và Ý bắt đầu tăng trưởng kinh tế lại, với mức tăng hơn 1% trong tuần qua. Sau các báo cáo tài chính có vẻ khả quan của nền kinh tế, các nhà đầu tư châu Âu bắt đầu gia nhập lại thị trường. Theo đó, ngược lại với sự suy giảm của các nhà máy sản xuất trên toàn cầu, hoạt động sản xuất của các nhà máy ở Hoa Kỳ đang được chú trọng, tiếp tục mở rộng ở Hoa Kỳ sau khi tháng 1 kết thúc.

Cuộc chiến thương mại đã cản trở nền kinh tế Mỹ và trên thế giới có thể sẽ được nới lỏng. Mặc dù nền kinh tế ở nhiều nơi đang gặp phải khủng hoảng, thì tại một số nơi khác lại có dấu hiệu khởi sắc.

Ví dụ, sau khi các quan chức ở thành phố Macau yêu cầu 41 sòng bạc của họ đóng cửa trong nửa tháng - một động thái sẽ đóng cửa thủ đô cờ bạc thế   giới - cổ phiếu của các nhà điều hành sòng bạc lớn tại Las Vegas đã gia tăng.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Tổng thống Nga Putin nhận tấm giấy quan trọng

Chủ tịch Ủy ban bầu cử trung ương Nga Ella Pamfilova và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
(PLVN) - Chủ tịch Ủy ban bầu cử trung ương Nga (CEC) Ella Pamfilova đã trao cho Tổng thống Nga Vladimir Putin giấy chứng nhận chính thức đánh dấu chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử Tổng thống tại Nga diễn ra hồi tháng 3 vừa qua.

Tin không vui với Ukraine

Thủ tướng Slovakia Robert Fico.
(PLVN) - Thủ tướng Slovakia Robert Fico tại một cuộc họp báo tuyên bố Slovakia sẽ phản đối việc Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Việt Nam tin tưởng vào việc tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ tới

Đại sứ Mai Phan Dũng phát biểu chung trong Phiên thảo luận chung tại đề mục về việc theo sát và thực hiện Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA) trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 55 của HĐNQ. Ảnh: TTXVN
(PLVN) - Cùng với vai trò, vị thế của đất nước, sự tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam trong tư cách thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ) nhiệm kỳ 2023 - 2025 hiện nay, sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với sự tham gia của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương quốc tế, chúng ta có cơ sở để tin tưởng vào sự ủng hộ của các nước đối với việc Việt Nam tái ứng cử vào HĐNQ nhiệm kỳ 2026 - 2028 sắp tới.

Tiết lộ thu nhập của Tổng thống Mỹ Biden và phu nhân

Tổng thống Mỹ Biden và Đệ nhất phu nhân.
(PLVN) - Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Đệ nhất phu nhân Jill ngày 15/4 công bố tờ khai thuế cho thấy thu nhập của họ đã tăng 7%, lên thành 619.976 USD vào năm 2023 và họ đã đóng thuế liên bang số tiền tương đương 23,7% thu nhập.

Công dân Việt Nam tại Israel và Iran vẫn an toàn

Hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm Sắt) của Israel được kích hoạt để đánh chặn máy bay không người lái (UAV) và tên lửa từ Iran tối 13/4/2024. Ảnh: THX/TTXVN
(PLVN) - Bộ Ngoại giao ngày 14/4 cho biết, theo thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Đại sứ quán Việt Nam tại Iran, căng thẳng leo thang giữa Israel và Iran trong những ngày qua diễn biến phức tạp và tiếp tục leo thang.

Chuyện về ngành quảng cáo toàn cầu

Quảng cáo đã trở thành một ngành công nghiệp khổng lồ, trị giá lên tới hàng nghìn tỷ USD. (Ảnh: tinhte.vn)
(PLVN) - Đóng vai trò là mắt xích quan trọng trong nền kinh tế, quảng cáo là một phương tiện tiếp thị chủ chốt giúp đưa thông điệp về sản phẩm đến gần với khách hàng hơn. Với thị trường rộng lớn, ngành quảng cáo toàn cầu thu lại lợi nhuận khổng lồ và gây ấn tượng với những chiến dịch không đơn thuần chỉ là quảng cáo.

Thúc đẩy hợp tác kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi với Liên bang Nga trong bối cảnh mới

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: baochinhphu.vn.
(PLVN) - Ngày 12/3, tại Hà Nội đã diễn ra "Diễn đàn hợp tác kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi với Liên bang Nga trong bối cảnh mới: Vấn đề và triển vọng". Sự kiện do Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Viện Kinh tế - Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức.