Chữ hiếu trong quan niệm phương Đông khác phương Tây như thế nào?

Ở phương Đông con cái có hiếu là biết chăm sóc cha mẹ khi già yếu.
Ở phương Đông con cái có hiếu là biết chăm sóc cha mẹ khi già yếu.
(PLVN) - Nhiều người châu Á luôn hành động như thể họ sở hữu con cái của mình, còn ở phương Tây, cha mẹ biết giới hạn của họ. Con cái qua 18 tuổi đều được đối xử như người lớn. Từ đó, một trong những giá trị quan trọng mà nhiều người châu Á có thể học hỏi từ văn hóa phương Tây là “học cách yêu thương mà không phải chiếm hữu”. Ngược lại, người phương Tây cũng có thể học hỏi từ đạo hiếu của phương Đông để dung hòa các mối quan hệ trong gia đình.

Người phương Tây không có quan niệm hiếu thuận

Nếu so sánh giữa phương Đông và phương Tây trên phương diện văn hóa tôn trọng người lớn tuổi, thường có hai luồng quan điểm như sau. Người phương Đông, hay người nhập cư từ châu Á thường hướng đến cộng đồng và gia đình hơn; trẻ em tôn trọng người lớn tuổi hơn và sẽ chăm sóc cha mẹ khi về già cho tới khi họ chết đi, sau đó cha mẹ sẽ trở thành linh hồn, tổ tiên để con cháu tôn thờ, sùng bái về sau.

Trong khi đó, người phương Tây, đơn cử người Bắc Mỹ, được nhận định rằng con cái thường tập trung vào chủ nghĩa cá nhân và hưởng thụ tuổi trẻ, bận rộn phát triển sự nghiệp, nuôi con và chăm sóc bản thân; do đó họ thể hiện ít sự quan tâm, chăm sóc đối với các cha mẹ già, họ có xu hướng đưa cha mẹ đến các viện dưỡng lão.

Câu chuyện người già sẽ được đưa vào Viện dưỡng lão đối với người phương Đông được coi là con cái bất hiếu, không chịu ở gần cha mẹ phụng dưỡng chăm sóc. Đến đây, chúng ta có thể nhìn ra cha mẹ phương Đông và cha mẹ phương Tây có quan niệm khác hẳn nhau về vấn đề hiếu thuận.

Trong văn hóa phương Tây, cha mẹ biết giới hạn của họ và một khi con cái qua 18 tuổi thì họ đối xử với chúng như người lớn. Họ tôn trọng con cái chứ không bắt ép, la rầy hay đánh đập, và thường con cái sẽ phải sống tách riêng ra để có cuộc sống độc lập.

Cuộc sống tự lập và riêng rẻ của con cái phần nào hạn chế xích mích giữa các thành viên trong gia đình khi tính cách từng con người đã được hình thành đầy đủ và có gia đình riêng của mình. Có trường hợp, khi cha mẹ đến thăm nhà riêng người con, người con có thể từ chối không cho cha mẹ vào vì quyền riêng tư của mình, và cha mẹ phải tôn trọng suy nghĩ của con cái.

Có quan điểm cho rằng, trẻ em phương Tây không được dạy bảo về đạo hiếu với cha mẹ như ở phương Đông, thay vào đó, chúng được học về trách nhiệm chung đối với cộng đồng và bố mẹ chỉ là một phần trong cộng đồng. Người phương Tây cảm tạ và tôn trọng ba mẹ đã nuôi dưỡng mình lớn lên thành người, trong nhà hễ có gì cần thì họ cũng sẽ bỏ tiền bỏ sức để giúp đỡ, nhưng không phải là chuyện gì đều sẽ “thuận theo” ba mẹ, cũng sẽ không có “chi phí hiếu thuận hàng tháng”.

“Chi phí hiếu thuận hàng tháng” không chỉ phổ biến ở các nước châu Á mà cả trong cộng đồng những người nhập cư gốc châu Á ở nước ngoài đều có quan niệm kiếm tiền, tích góp, dù khó khăn đến mấy đều phải gửi một khoản về cho gia đình, cố gắng đưa bố mẹ ra nước ngoài sống đề làm tròn chữ hiếu.

Đồng thời, nhiều cha mẹ châu Á cho rằng có con cái đi làm việc ở nước ngoài đều khá giả, sung sướng nên luôn đòi hỏi gửi tiền về. Còn ở phương Tây, việc giúp đỡ cha mẹ già và những người lớn tuổi khác khi họ đang gặp khó khăn là điều nên làm, nhưng tinh thần trách nhiệm này được thể hiện theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện tài chính, mức sống của mỗi người.

Điều này không có nghĩa họ sẽ đưa cha mẹ về ở cùng như ở phần lớn các gia đình châu Á, mà có thể là cung cấp hỗ trợ tài chính cho bố mẹ sống riêng một mình, trong viện dưỡng lão hoặc những hành động thiết thực hơn như đưa họ đi siêu thị, hoặc tới các cuộc hẹn, có mặt khi cha mẹ cần tâm sự, cần giúp đỡ...

Hai mặt của đạo hiếu phương Đông

Về mặt tích cực, đạo hiếu phương Đông được người phương Tây đánh giá cao. Theo ông Edward Shen – nhà tâm lý học người Canada gốc Hồng Kông, đạo hiếu của người châu Á bị ảnh hưởng bởi Nho giáo và Phật giáo trong nhiều thiên niên kỷ.

Truyền thống về lòng hiếu thảo có ảnh hưởng sâu sắc đến niềm tin và lối sống của đa phần người nhập cư có gốc châu Á, thúc đẩy tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ của con cái đối với gia đình, đặc biệt là cha mẹ có công dưỡng dục, hướng tới việc lưu giữ những giá trị cốt lõi của gia đình, của cội nguồn, của xã hội phương Đông. 

Người Trung Quốc có câu nói “Nếu bạn có một người già trong gia đình, bạn có một kho báu trong gia đình”; hoặc tương truyền trong văn hóa dân gian Trung Quốc dạy “nếu ngược đãi người già, con người sẽ bị tổ tiên trừng phạt”; họ cũng có câu nói “Nuôi để sinh con trai là chuẩn bị cho sự già nua của chính mình”.

Người Mỹ về già thường đến ở viện dưỡng lão.
Người Mỹ về già thường đến ở viện dưỡng lão.

Niềm tin này, dù bắt nguồn từ truyền thống tín ngưỡng cổ xưa, đến nay vẫn còn tồn tại, ảnh hưởng đến cách người Trung Quốc nói riêng hay người phương Đông nói chung nuôi dạy con cái với sự mong đợi rằng: con cái sẽ chăm sóc mình khi về già. Mặc dù quan niệm xưa đề cập việc nuôi dạy con trai để chăm sóc cha mẹ khi về già, nhưng trên thực tế, trong nhiều thế kỷ trôi qua, trách nhiệm chính trong việc chăm sóc này thường thuộc về con dâu.

Mặc dù, thời đại ngày nay càng tiến bộ, phụ nữ truyền thống ít dần đi, thay vào đó, phụ nữ đi lấy chồng vẫn có công việc riêng, làm ra tiền để trang trải cho gia đình; trong nhiều gia đình trọng truyền thống, con dâu vẫn mang trách nhiệm nặng nề phải phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ chồng. Đến nay, nhiều gia đình châu Á lựa chọn chăm sóc cha mẹ già trong nhà riêng của mình, không chỉ bởi quan niệm hiếu thảo.

Một lý do quan trọng khác là hầu hết các nước châu Á vẫn thiếu các cơ sở hoặc chương trình chăm sóc tại nhà công cộng cho người già. Một lý do khác là do cuộc sống công việc bề bộn của hai vợ chồng nên cần có người trông con nhỏ thì ông bà chính là lựa chọn hiệu quả nhất.

Trong thời đại công nghệ, kinh tế và hội nhập hiện nay, một số giáo lý truyền thống mà cha mẹ truyền thống phương Đông cố gắng truyền lại cho con cháu dường như đã không còn phù hợp, thậm chí gây ra nhiều xích mích, xung đột giữa các thế hệ trong một gia đình châu Á.

Mặt trái của lòng hiếu thảo chính là sự mù quáng, nuông chiều người già, khiến cho họ trở nên đòi hỏi, độc đoán, yêu cầu quá đáng đối với quyền của mình, biến con cái trở thành một dạng “nô lệ” của cha mẹ nếu không muốn bị chửi bới, gắn danh là “đồ bất hiếu”. Ý thức trách nhiệm thái quá đối với cha mẹ già dẫn đến hệ quả những người trẻ tuổi của Trung Quốc, hoặc bất kỳ dân tộc Á Đông nào, từ bỏ sức khỏe và hạnh phúc của chính mình để tuân thủ truyền thống.  

Và điều tồi tệ nhất theo các nhà khoa học phương Tây chính là, con cái châu Á cố gắng chăm sóc tại nhà cho cha mẹ mắc những bệnh tuổi già như mất trí nhớ hay các bệnh tâm thần hoặc các bệnh về xương khớp. Nhiều gia đình châu Á có xu hướng che giấu cha mẹ già bị mắc các chứng bệnh tâm thần, không đưa cha mẹ vào nội trú ở bệnh viện hoặc viện dưỡng lão, để tránh quan điểm, đánh giá của công chúng.

Quyết định này khiến mọi người trong đại gia đình phải chịu đựng một cách không cần thiết, thậm chí có thể nói là bi thảm. Song, những điều con cái làm chưa chắc đã làm hài lòng cha mẹ, làm vơi bớt sự cô đơn, đau đớn do bệnh tật khi về già của cha mẹ.

Thay vào đó, nhiều người cho rằng, đó chỉ là hành động “hiếu thuận đối phó”, “hiếu thuận giả tạo”. Nói cách khác, một người quan tâm, chăm sóc cha mẹ họ không đến từ cái tâm mà từ cái tôi “không muốn xấu hổ với thiên hạ”, do truyền thống, quan niệm xã hội nên phải tuân thủ theo.

Lời kết

Dẫu biết, mỗi nền văn hóa đều có quan niệm đặc trưng về ứng xử của con cái và cha mẹ. Do vậy, nếu nói bên này kém bên kia là thừa thãi, không cần thiết. Quan trọng hơn là, nếu có một bài học lớn mà người phương Đông có thể dạy cho những người từ phương Tây về việc chăm sóc người già và ngược lại, đó sẽ là gì?

Các nhà khoa học phương Tây cho rằng, xã hội của họ có thể học hỏi người phương Đông trong việc duy trì sự hòa hợp trong gia đình và xã hội, giữa các thế hệ. Còn người phương Đông cũng có thể học hỏi người phương Tây cách cân bằng giữa lòng hiếu kính với gia đình và cuộc sống tự do cá nhân.

Thiết nghĩ, điều tồi tệ nhất đối với người lớn tuổi từ bất kỳ nền văn hóa nào chính là cảm giác bị bỏ rơi, bị cô lập khi về già, bị hắt hủi bởi chính gia đình mình. Theo một khảo sát gần đây nhất đối với bộ phận người nhập cư ở Canada, bao gồm người gốc châu Á và gốc châu Âu, phần lớn người già (từ 65 tuổi trở lên) không mong muốn phải sống cùng con cái, họ cũng muốn có cuộc sống của riêng mình nhưng mong rằng khi họ cần thì con cái có thể ở bên cạnh, có thể giúp đỡ họ.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Việt Nam phát biểu chung đại diện nhóm các nước tại Khóa họp 55 Hội đồng Nhân quyền

 Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Anh Hiển/TTXVN
(PLVN) - Theo tin từ Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại thế giới và các Tổ chức quốc tế khác tại Geneva, trong khuôn khổ Khóa họp 55 của Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) LHQ tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 27/3, Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn đã có bài phát biểu chung trong Phiên thảo luận chung tại đề mục về việc theo sát và thực hiện Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA) với chủ đề về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu người dân trong xung đột vũ trang, thu hút đông đảo các nước tham gia quan tâm và đồng bảo trợ.

Việt Nam – Hoa Kỳ thúc đẩy việc triển khai các thỏa thuận cấp cao

Hình ảnh tại Đối thoại.
(PLVN) - Nhận lời mời của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và triển khai thực hiện Tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tháng 9/2023 về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện, ngày 25/3, tại thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Antony Blinken đã đồng chủ trì Đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ nhất.

Pháp nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất

Tháp Eiffel là biểu tượng nổi tiếng và hấp dẫn nhất của thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: REUTERS/Sarah Meyssonnier.
(PLVN) - Chính phủ Pháp đã nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất sau vụ xả súng đẫm máu tại nhà hát ở ngoại ô Moscow, Nga. Thông báo được đưa ra sau cuộc họp giữa các quan chức an ninh và quốc phòng cấp cao của Pháp với Tổng thống Emmanuel Macron.

Lái máy bay khi say rượu, phi công Mỹ bị kết án tù

Ông Lawrence Russell Jr bị phát hiện uống rượu vượt quá giới hạn cho phép của hãng hàng không gấp gần 2,5 lần.
(PLVN) - Phi công Lawrence Russell (63 tuổi), một công dân Mỹ, vừa bị kết án 10 tháng tù tại Scotland sau khi bị phát hiện có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép trong máu trước khi tiến hành chuyến bay xuyên Đại Tây Dương vào ngày 16 tháng 6 năm 2023.

Chưa ghi nhận công dân Việt Nam gặp nạn trong vụ tấn công khủng bố tại Nga

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng.
(PLVN) - Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, đến nay, chưa ghi nhận có công dân Việt Nam là nạn nhân trong vụ việc. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán đang khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại bám sát tình hình, sẵn sàng các biện pháp bảo hộ cần thiết trong trường hợp có công dân Việt Nam gặp nạn.