Brazil: Mở rộng điều tra nghi án Tổng thống tham nhũng

Vụ bê bối khổng lồ ở Tập đoàn dầu khí Petrobras của Brazil gây chấn động chính trường nước Nam Mỹ
Vụ bê bối khổng lồ ở Tập đoàn dầu khí Petrobras của Brazil gây chấn động chính trường nước Nam Mỹ
(PLO) - Một người phát ngôn cảnh sát Brazil cho biết cựu Nghị sỹ Rocha Loures, một cố vấn thân cận của Tổng thống Michel Temer đã bị bắt ngày 3/6 do tình nghi dính líu tới vụ bê bối tham nhũng làm rúng động chính trường Brazil. 

Trong một video được công bố hồi tháng 5 vừa qua, ông Loures được cho là đã ra khỏi một nhà hàng ở Sao Paulo (với một vali đựng 500.000 real (tương đương 154.000 USD) tiền mặt. 

“Giá” của “im lặng”

Các công tố viên cáo buộc đây là khoản hối lộ từ các lãnh đạo của một trong những tập đoàn chế biến thực phẩm lớn nhất thế giới JBS. Trước đó, cựu Chủ tịch JBS Joesley Batista đã giao nộp cho cơ quan điều tra cuốn băng ghi âm chứng minh việc ông Temer đã thông đồng với doanh nhân này trả tiền để “mua sự im lặng” của nhân chứng trong vụ Petrobras. Việc công bố đoạn băng trên đã làm rung chuyển chính trường Brazil và có thể khiến ông Temer mất chức. Tòa án Tối cao đã ra lệnh điều tra người đứng đầu nhà nước. 

Trước đó, sau khi thương lượng với các công tố viên Brazil, J&F Investimentos, công ty mẹ của JBS - một trong những tập đoàn chế biến thực phẩm lớn nhất thế giới đã đồng ý nộp phạt 10,3 tỷ real (3,2 tỷ USD) do dính líu tới các vụ bê bối tham nhũng. 

Trong một thông báo, các công tố viên cho biết Công ty J&F Investimentos thuộc sở hữu của gia đình Batista sẽ nộp khoản tiền phạt trên trong 25 năm tới đây, bắt đầu từ tháng 12/2017.

Theo các công tố viên, mức phạt này tương đương 5,6% doanh thu của các công ty do J&F sở hữu và là mức phạt tiền cao nhất từ trước tới nay trên thế giới. Phần lớn số tiền phạt trên, tức 8 tỷ real, sẽ được trả cho một số ngân hàng nhà nước và quỹ lương hưu của Brazil mà gia đình Batista đã hối lộ để đổi lấy các khoản đầu tư hoặc khoản vay ưu đãi bất thường cho các công ty của J&F. J&F đã thương lượng giảm được xuống mức phạt nói trên từ mức 11,2 tỷ real do các công tố viên Brazil đưa ra, sau khi 3 đề xuất trước đó của J&F đã bị bác bỏ và công ty này đã phải thay luật sư trong ngày 30/5. 

Chưa xong chuyện Odebrecht

“Cơn bão” khủng hoảng vẫn chưa buông tha Brazil khi mà tập đoàn xây dựng hàng đầu nước này Odebrecht thừa nhận đã có các khoản chi trả phi pháp cho chiến dịch tranh cử tổng thống Colombia năm 2014 của 2 ứng cử viên Juan Manuel Santos và Oscar Ivan Zuluaga. 

Trong bản khai gửi tới các công tố viên liên bang do Đài phát thanh Blu Radio công bố ngày 31/5, Giám đốc Odebrecht Eleuberto Antonio Martorelli thừa nhận vào tháng 2/2014, công ty này đã trả 1 triệu USD cho Công ty Paddington của Panama có quan hệ với công ty quảng cáo Sancho BBDO của Colombia. Số tiền này dùng để tiến hành một cuộc khảo sát giúp cải thiện hình ảnh của ông Santos, người sau này đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2014.

Liên quan tới chiến dịch tranh cử của ông Zuluaga - người thất bại trước ông Santos trong cuộc bầu cử vòng 2, Odebrecht đóng vai trò trung gian giữa ứng cử viên này và chuyên gia chiến lược chính trị Brazil Duda Mendonca. Công ty Brazil này đã chuyển 1,6 triệu USD cho ông Mendonca. Bên cạnh đó, ông Martorelli cũng thừa nhận đã gặp cựu Nghị sĩ Otto Bula vào năm 2013. Nhân vật này hiện đang bị bắt giữ do liên quan đến bê bối tham nhũng của Brazil. 

Bê bối tham nhũng tại nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh bùng phát từ tháng 3/2014 với sự phanh phui của đường dây hối lộ tại Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras. Theo cảnh sát, đường dây này đã dùng khoảng 4 tỷ USD hối lộ nhiều chính trị gia và quan chức lãnh đạo của Petrobras. Vụ bê bối đã khiến nhiều quan chức của Petrobras cũng như nhiều chính trị gia chủ chốt tại Brazil bị truy tố. 

Nghi ngờ bằng chứng tố cáo

Thế nhưng, ngày 1/6, tân Bộ trưởng Tư pháp Brazil Torquato Jardim tuyên bố không có bằng chứng về những cáo buộc chống lại Tổng thống Michel Temer trong vụ bê bối tham nhũng khổng lồ của Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras. 

Theo đó, ông Jardim, người vừa được Tổng thống Temer bổ nhiệm hôm 28/5 vừa qua, bày tỏ nghi ngờ tính hợp pháp của đoạn băng ghi âm mà cựu Chủ tịch Tập đoàn sản xuất thực phẩm hàng đầu thế giới JBS Joesley Batista giao nộp cho cơ quan điều tra, trong đó chứng minh việc ông Temer đã thông đồng với doanh nhân này trả tiền để “mua sự im lặng” của nhân chứng trong vụ Petrobras. 

Trả lời phỏng vấn báo giới, Bộ trưởng Jardim tuyên bố tới thời điểm này chưa có bất cứ thông tin gì cụ thể liên quan tới đoạn băng và có quá nhiều “thông tin giả mạo” cũng như “tin đồn”. Trước đó, ông này cũng tuyên bố khả năng thay những người tham gia điều tra của cơ quan cảnh sát. Bộ Tư pháp Brazil là cơ quan giám sát quá trình điều tra các vụ tham nhũng của cảnh sát cùng với các thẩm phán liên bang.

Ngay sau khi ông Jardim được bổ nhiệm, Giám đốc Hiệp hội thanh tra cảnh sát liên bang Brazil Carlos Sobral nhận định việc thay Bộ trưởng Tư pháp có thể ảnh hưởng tới công tác của cơ quan điều tra. Còn nhóm bào chữa của Tổng thống Temer đề nghị Thẩm phán Edson Fachin của Tòa án Tối cao hoãn việc thẩm vấn ông Temer cho tới khi cảnh sát hoàn tất phân tích đoạn băng tố cáo Tổng thống Temer đưa hối lộ cho nhân chứng để “bịt miệng”. Trong trường hợp Thẩm phán Fachin vẫn quyết định thẩm vấn như dự kiến, nhóm bào chữa của tổng thống khuyến nghị cảnh sát không đặt câu hỏi liên quan tới đoạn băng trên, do ông Temer cáo buộc đoạn băng đã bị chỉnh sửa. 

Odebrecht là tâm điểm của vụ bê bối khổng lồ ở Tập đoàn dầu khí Petrobras của Brazil, gây chấn động chính trường nước Nam Mỹ này từ tháng 3/2014. Hơn 100 cá nhân đã bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng đảng, trong đó có hàng chục lãnh đạo từ các tập đoàn xây dựng và kỹ thuật hàng đầu nước này. Khoảng 50 chính trị gia, trong đó có nhiều nghị sĩ và thống đốc bang, nằm trong diện bị điều tra. Theo cảnh sát, đường dây này đã dùng khoảng 4 tỷ USD hối lộ hàng loạt chính trị gia và quan chức lãnh đạo Petrobras. 

Đọc thêm

Việt Nam phát biểu chung đại diện nhóm các nước tại Khóa họp 55 Hội đồng Nhân quyền

 Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Anh Hiển/TTXVN
(PLVN) - Theo tin từ Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại thế giới và các Tổ chức quốc tế khác tại Geneva, trong khuôn khổ Khóa họp 55 của Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) LHQ tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 27/3, Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn đã có bài phát biểu chung trong Phiên thảo luận chung tại đề mục về việc theo sát và thực hiện Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA) với chủ đề về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu người dân trong xung đột vũ trang, thu hút đông đảo các nước tham gia quan tâm và đồng bảo trợ.

Việt Nam – Hoa Kỳ thúc đẩy việc triển khai các thỏa thuận cấp cao

Hình ảnh tại Đối thoại.
(PLVN) - Nhận lời mời của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và triển khai thực hiện Tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tháng 9/2023 về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện, ngày 25/3, tại thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Antony Blinken đã đồng chủ trì Đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ nhất.

Pháp nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất

Tháp Eiffel là biểu tượng nổi tiếng và hấp dẫn nhất của thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: REUTERS/Sarah Meyssonnier.
(PLVN) - Chính phủ Pháp đã nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất sau vụ xả súng đẫm máu tại nhà hát ở ngoại ô Moscow, Nga. Thông báo được đưa ra sau cuộc họp giữa các quan chức an ninh và quốc phòng cấp cao của Pháp với Tổng thống Emmanuel Macron.