61 triệu trẻ Trung Quốc 'bơ vơ'

Hình minh họa
Hình minh họa
(PLO) -Theo thống kê, vì phải tha hương cầu thực nên khoảng 61 triệu trẻ em ở Trung Quốc bị cha mẹ để lại quê nhà. Mặt trái này của quá trình phát triển kinh tế của Trung Quốc ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe thể chất và tinh thần của những đứa trẻ đang tuổi phát triển nhân cách nhưng lại không được quan tâm.

Những thảm kịch chấn động

Tháng 6/2015, dư luận Trung Quốc chấn động trước vụ tử tự tập thể của 4 đứa trẻ trong cùng 1 gia đình ở làng Cizhu thuộc thị trấn Tất Tiết, tỉnh Quý Châu – một trong những địa phương nghèo nhất ở Trung Quốc. Các nạn nhân bao gồm 3 bé gái và 1 bé trai mới chỉ từ 5 tới 13 tuổi. Cả 4 đứa trẻ được tìm thấy đã tử vong trong ngôi nhà xiêu vẹo, gần như không có đồ đạc gì. 

Theo những người dân địa phương, trước khi qua đời, 4 đứa trẻ phải tự chăm sóc nhau bởi cả cha và mẹ chúng đều bỏ đi. Trong đó, người mẹ tên Ren Xifen bỏ đi từ năm 2014 sau một thời gian liên tục xảy ra mâu thuẫn với người chồng tên Zhang Fangqi. Tháng 3/2015, người cha họ Zhang quyết định để lũ trẻ lại còn anh ta lên thành phố tìm việc. 

Kể từ đó, 4 đứa trẻ buộc phải tự chăm sóc nhau và sống bằng số tiền ít ỏi thi thoảng cha gửi về cùng với những món đồ hay tiền mà những người hàng xóm xung quanh thương tình cho. Điều tra của cảnh sát sau đó cho thấy, sau vài tháng vật lộn với cuộc sống, đứa trẻ lớn nhất trong 4 anh em cảm thấy không thể tiếp tục nuôi được các em. Vì thế, nó đã lấy thuốc trừ sâu và đưa cho 3 đứa em uống trước khi cũng tự kết thúc cuộc đời bằng thứ nước này.

Trước đó, hồi tháng 11/2012, người dân Trung Quốc cũng bàng hoàng trước vụ việc 5 đứa trẻ chết vì ngạt khí carbon monoxide. Cả 5 đứa trẻ cũng có cha mẹ đi làm ăn xa. Vào buổi tối định mệnh giá rét đến cắt da cắt thịt, chúng rủ nhau vào một thùng rác và đốt than để sưởi ấm. Thi thể 5 đứa trẻ được tìm thấy vào sáng hôm sau.

Cái chết của những đứa trẻ nói trên đã khiến người dân trên khắp Trung Quốc vô cùng giận dữ đồng thời dấy lên những chỉ trích cho rằng Chính phủ đã không có những biện pháp phù hợp để giải quyết những vấn đề đối với “những đứa trẻ bị bỏ lại phía sau” – những đứa trẻ là con của những công nhân vì sinh kế mà phải rời quê tha hương cầu thực.

Những con số khổng lồ

Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở Trung Quốc đã tạo ra khoảng cách giàu nghèo nghiêm trọng và được cho là nguyên nhân buộc hàng triệu người lao động ở nước này buộc phải rời gia đình để tới các thành phố tìm việc làm.

Theo khảo sát hàng năm về tình hình lao động di cư do Cục thống kê quốc gia Trung Quốc công bố hồi năm 2016 cho thấy, trong năm 2015, tổng cộng 277,5 triệu lao động nông thôn ở nước này đang làm việc ở các thành phố, chiếm khoảng 36% trong tổng lực lượng lao động. Trong đó, số lao động làm việc ở các thành phố gần nhà chỉ có 109 triệu người, số còn lại phải đi xa mới kiếm được việc làm.

Khảo sát về người lao động do Ủy ban chăm sóc sức khỏe và kế hoạch hóa gia đình quốc gia Trung Quốc năm 2016 đã cho thấy cái nhìn rõ nét về một trong những tổn thất lớn nhất về con người mà Trung Quốc phải đánh đổi trong quá trình phát triển kinh tế, theo tờ South China Morning Post. 

Tờ báo cho rằng trong khi các thành phố lớn ở Trung Quốc cần lực lượng lao động từ nơi khác nhưng các quy định như hộ khẩu khiến con em của những người này khó có thể tiếp cận các dịch vụ cơ bản ở thành phố mà họ đang làm việc. Thu nhập thấp cộng với điều kiện sinh hoạt thiếu thốn khiến những lao động di cư gần như không thể mang theo con tới thành phố. 

Điều đó dẫn tới sự ra đời khái niệm “những đứa trẻ bị bỏ lại phía sau”. Khảo sát của Ủy ban trên cho thấy, khoảng 61 triệu trẻ em ở các vùng nông thôn, chiếm khoảng 22% số trẻ em ở Trung Quốc là những đứa trẻ bị bỏ lại như vậy. Những đứa trẻ này thường phải sống trong cảnh thiếu thốn sự chăm sóc của cha mẹ.

Theo khảo sát do Hội phụ nữ Trung Quốc thực hiện, khoảng 3% trong số những trẻ bị bỏ lại phải sống 1 mình và tự chăm sóc bản thân. Cũng vì sinh kế, vì thu nhập thấp nên nhiều lao động ở Trung Quốc không có điều kiện về thăm con thường xuyên, khiến cho sợi dây liên hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên vô cùng yếu ớt. 

Khảo sát đối với 2.130 trẻ có hoàn cảnh như vậy do tổ chức phi chính phủ “Đường tới trường” thực hiện cho thấy 15% trong số những đứa trẻ được hỏi cho biết suốt cả 1 năm, chúng không được gặp cha mẹ, kể cả dịp Tết. Việc liên lạc qua điện thoại cũng rất hạn chế khi có đến 25% trẻ cho biết cha mẹ chúng chỉ gọi điện về nhà 3 tháng/lần. Cá biệt, 4% khi được hỏi cho biết chỉ được nói chuyện với cha mẹ 1 lần/1 năm.

Vòng quay nghiệt ngã

Trong hầu hết các trường hợp được khảo sát, ông bà của những đứa trẻ không thể làm thay vai trò của những bậc cha mẹ. Bởi, theo khảo sát của Hội phụ nữ Trung Quốc, những người ông, người bà này thường có học vấn thấp, đa phần mới chỉ học xong tiểu học nên không thể chỉ bảo cho các cháu học hành, cũng như bỏ qua nhu cầu phát triển và cảm xúc của những đứa trẻ.

Điều đó dẫn tới thực trạng là, theo một khảo sát ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc năm 2013, nhiều trẻ bị bỏ lại có vấn đề về tâm lý hoặc hành vi, với 29% trẻ được khảo sát bỏ học, thiếu tự tin hoặc có cảm giác thấp kém trong khi 18% có xu hướng chống xã hội, bốc đồng. 

Số liệu của Bộ Công an Trung Quốc năm 2011 cũng cho thấy trong những vụ phạm tội có liên quan đến người chưa thành niên ở Trung Quốc, nhiều trường hợp liên quan đến những đứa trẻ có cha mẹ đi làm ăn xa. Còn theo nghiên cứu của trường Đại học Quảng Châu, gần 80% những lao động di cư trẻ tuổi có tiền án, tiền sự từng là trẻ bị cha mẹ để lại quê. 

Những đứa trẻ bị bỏ lại đó cũng dễ trở thành nạn nhân của nạn lạm dụng tình dục và thể chất. Rất nhiều trường hợp trẻ có cha mẹ đi làm ăn xa đã trở thành nạn nhân của những tên yêu râu xanh. Và, trong những vụ việc đó, đa phần các nạn nhân chọn cách im lặng vì quá sợ hãi hay xấu hổ khi phải nói ra vụ việc với người khác. 

Chính phủ Trung Quốc từ lâu cũng đã nhận thức được vấn đề trên. Năm 2013, Bộ Công an Trung Quốc đã ban hành thông tư khuyến khích người dân đăng ký danh sách những trẻ đang trong độ tuổi đi học bị cha mẹ bỏ lại quê, để các giáo viên ở các trường có thể quan tâm, giúp đỡ chúng. Tháng 2/2016, giới chức nước này đã ban hành hướng dẫn về việc chú ý cải thiện tình hình sức khỏe thể chất và tinh thần của những đứa trẻ có cha mẹ đi làm ăn xa. 

Tuy nhiên, các khảo sát gần đây cho thấy tình hình vẫn chưa được cải thiện đáng kể và vẫn còn nhiều trẻ không nhận được đầy đủ sự hỗ trợ cần thiết để có thể phát triển và trưởng thành một cách lành mạnh. 

Bà Cara Wallis – Phó giáo sư về truyền thông tại trường Đại học Texas A&M, người chuyên nghiên cứu về sự chia rẽ giữa nông thôn và thành thị ở Trung Quốc – cho rằng Trung Quốc cần cải thiện một cách toàn diện các chương trình xã hội để tạo 1 giải pháp dài hạn cho các gia đình người lao động di cư, bao gồm sửa đổi các quy định về hộ khẩu, thúc đẩy phát triển các vùng nông thôn, cung cấp giáo dục có chất lượng cho con em các lao động di cư… 

Bà Wallis cũng cho rằng Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu cải thiện hệ thống quy định về hộ khẩu, cam kết đảm bảo đời sống của người lao động di cư trong 5 năm tới nhưng những thay đổi này đến nay vẫn chưa đem lại lợi ích cho những người cần nhất. 

Đọc thêm

Công dân Việt Nam tại Israel và Iran vẫn an toàn

Hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm Sắt) của Israel được kích hoạt để đánh chặn máy bay không người lái (UAV) và tên lửa từ Iran tối 13/4/2024. Ảnh: THX/TTXVN
(PLVN) - Bộ Ngoại giao ngày 14/4 cho biết, theo thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Đại sứ quán Việt Nam tại Iran, căng thẳng leo thang giữa Israel và Iran trong những ngày qua diễn biến phức tạp và tiếp tục leo thang.

Chuyện về ngành quảng cáo toàn cầu

Quảng cáo đã trở thành một ngành công nghiệp khổng lồ, trị giá lên tới hàng nghìn tỷ USD. (Ảnh: tinhte.vn)
(PLVN) - Đóng vai trò là mắt xích quan trọng trong nền kinh tế, quảng cáo là một phương tiện tiếp thị chủ chốt giúp đưa thông điệp về sản phẩm đến gần với khách hàng hơn. Với thị trường rộng lớn, ngành quảng cáo toàn cầu thu lại lợi nhuận khổng lồ và gây ấn tượng với những chiến dịch không đơn thuần chỉ là quảng cáo.

Thúc đẩy hợp tác kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi với Liên bang Nga trong bối cảnh mới

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: baochinhphu.vn.
(PLVN) - Ngày 12/3, tại Hà Nội đã diễn ra "Diễn đàn hợp tác kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi với Liên bang Nga trong bối cảnh mới: Vấn đề và triển vọng". Sự kiện do Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Viện Kinh tế - Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức.

Lãnh đạo Việt Nam gửi thư chúc mừng năm mới Lào và Campuchia

Ảnh minh họa: Người dân Lào đón Tết cổ truyền Bun Pi May.
(PLVN) - Theo tin từ Bộ Ngoại giao, nhân dịp Tết Bun Pi May của Lào và Tết Chol Chhnam Thmey của Campuchia, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã gửi Thư và lẵng hoa chúc mừng tới Quốc vương Campuchia Preah Bat Samdech Preah Boromneath Norodom Sihamoni; Phó Chủ tịch nước Lào Pany Yathotou và Phó Chủ tịch nước Lào Bounthong Chitmany.

LHQ cảnh báo nguồn dự trữ lương thực cho Haiti sắp cạn kiệt

Người dân chạy trốn khỏi khu vực xảy ra đụng độ ở Port-au-Prince, Haiti ngày 20/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
(PLVN) - Ngày 11/4, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Stéphane Dujarric cho biết, nguồn dự trữ của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho Haiti có thể cạn kiệt vào cuối tháng này, trong bối cảnh các sân bay quốc tế vẫn không hoạt động.

Tổng thống Ba Lan nêu tin buồn với Ukraine

Tổng thống Ba Lan Duda phát biểu tại họp báo.
(PLVN) - Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda trong cuộc họp báo ở Litva ngày 11/4 nói rằng Ba Lan không thể chuyển giao hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine vì Ba Lan hiện không có tổ hợp phòng không này.

Lo ngại về tình hình ở Ukraine, Mỹ đang cố chặn quân đội Nga sử dụng thứ này

Lo ngại về tình hình ở Ukraine, Mỹ đang cố chặn quân đội Nga sử dụng thứ này
Tướng Christopher Cavoli, Chỉ huy Bộ tư lệnh của Mỹ ở châu Âu (EUCOM), cảnh báo, có nguy cơ cao Ukraine sẽ gặp bất lợi đáng kể trong cuộc xung đột do không đủ đạn pháo. Lầu Năm Góc đang tích cực hợp tác với Ukraine và công ty SpaceX để cố gắng ngăn chặn quân đội Nga sử dụng thiết bị đầu cuối của hệ thống liên lạc vệ tinh Starlink...