Vụ “Giả mạo trong công tác” tại đại học Đông Đô: Bộ Công an kêu gọi người dân trình báo, làm việc

Đại học Đông Đô
Đại học Đông Đô
(PLVN) - Chiều 28/12, Bộ Công an cho biết Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) đang làm rõ vụ án Giả mạo trong công tác xảy ra tại ĐH Đông Đô. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy cơ sở này đã cấp bằng cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh hệ chính quy - văn bằng 2 cho nhiều cá nhân trái quy định.

Để hoàn thiện hồ sơ, Bộ Công an đề nghị các cá nhân đã được ĐH Đông Đô cấp loại bằng cử nhân trên cần liên hệ với CQĐT để trình báo, làm việc và cung cấp thông tin, tài liệu trước ngày 15/1/2021.

Ngoài ra, Bộ Công an đề nghị các cơ quan, tổ chức rà soát hồ sơ đã tiếp nhận của cán bộ, học viên, nghiên cứu sinh. Nếu phát hiện trường hợp sử dụng bằng cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh hệ văn bằng 2 do ĐH Đông Đô cấp thì thông báo ngay cho Cơ quan ANĐT Bộ Công an.

Trước đó, ngày 17/12/2020, VKSNDTC đã trả hồ sơ cho Cơ quan ANĐT Bộ Công an điều tra bổ sung vụ ĐH Đông Đô cấp hàng trăm bằng cử nhân giả.

VKS đề nghị CQĐT xác định số tiền học phí ĐH Đông Đô đã thu của những trường hợp được cấp bằng giả là bao nhiêu; lập danh sách các học viên đã nộp tiền để được cấp bằng giả và làm rõ tiền thu, chi để có căn cứ xác định số tiền các bị can thu lời bất chính.

VKS cũng đề nghị xác định cụ thể các trường hợp được cấp bằng không qua đào tạo của từng lần ứng với từng bị can. Trong danh sách hiện nay, CQĐT đã làm rõ 193 trường hợp được cấp bằng không qua đào tạo nhưng chỉ nêu chung số liệu.

Ngoài ra, VKS đề nghị cơ quan chủ quản xử lý trách nhiệm đảng viên, công chức và viên chức với 193 trường hợp được cấp bằng trái quy định và xác định rõ ngoài 25 trường hợp đã rõ mục đích dùng bằng giả, 35 cá nhân còn lại đã sử dụng bằng giả thế nào và tiếp tục thu 126 bằng giả còn lại.

Cùng với đó, VKS đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý hậu quả 60 trường hợp đã sử dụng bằng giả để thi tuyển công chức, bảo vệ luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ và việc khác.

Mẫu bằng cấp cho sinh viên tốt nghiệp của ĐH Đông Đô.
Mẫu bằng cấp cho sinh viên tốt nghiệp của ĐH Đông Đô. 

Giữa tháng 12/2020, Văn phòng Chính phủ cũng ra văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi các bộ, ngành. Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an phối hợp các đơn vị khẩn trương truy bắt bị can Trần Khắc Hùng (Chủ tịch HĐQT ĐH Đông Đô đang bị truy nã về tội Giả mạo trong công tác).

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra xác minh, làm rõ những sai phạm liên quan của các đơn vị, cá nhân thuộc Bộ GD&ĐT, nếu có dấu hiệu của tội phạm phải khởi tố để điều tra, xử lý nghiêm, không bỏ lọt tội phạm. Đối với các cá nhân được ĐH Đông Đô cấp, sử dụng bằng cử nhân giả, cần mở rộng điều tra vụ án để thu hồi.

Trong kết luận điều tra (KLĐT) ban hành hồi cuối tháng 11, Cơ quan ANĐT đề nghị VKSNDTC truy tố Dương Văn Hòa (cựu Hiệu trưởng ĐH Đông Đô) và 9 bị can về tội Giả mạo trong công tác.

Theo KLĐT, tháng 6/2017, Hùng được UBND TP Hà Nội công nhận là Chủ tịch HĐQT ĐH Đông Đô với số vốn góp 37,2 tỷ đồng. Ngoài ra, trường này còn 4 thành viên khác góp vốn, gồm Cty CP VNN, Cty Bosmi, Cty CP Tập đoàn SARA và bà Trần Thị Yến.

Đầu năm 2018, Hùng ký quyết định nâng cấp Khoa Đào tạo liên tục của trường thành Viện Đào tạo liên tục.

KLĐT nêu ĐH Đông Đô chưa được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2, nhưng các bị can đã đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh và được Bộ GD&ĐT thông báo chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng 2 chính quy.

Từ tháng 4/2017, Hùng lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý tuyển sinh và chính sách tự chủ giáo dục đại học để chỉ đạo Dương Văn Hòa (cựu Hiệu trưởng) ký thông báo tuyển sinh văn bằng 2 ngôn ngữ Anh gửi các cơ sở.

Sau đó, 12 cơ sở tuyển sinh của trường đã thu hút hơn 3.500 học viên đăng ký. Tổng số tiền các cá nhân nộp cho ĐH Đông Đô để dự tuyển là trên 24 tỷ đồng.

Đầu năm 2018 Hùng vì lợi nhuận đã chỉ đạo thuộc cấp làm thủ tục cấp văn bằng 2 cử nhân ngôn ngữ Anh cho các cá nhân không qua đào tạo, tuyển sinh. Theo chỉ đạo của Hùng, học viên không cần thi đầu vào, không tham gia đào tạo, được cung cấp đề và đáp án để chép vào bài thi.

Tài liệu điều tra cho thấy 193 người đã được ĐH Đông Đô cấp bằng không qua tuyển sinh, hoặc không đủ điều kiện nhưng vẫn được cấp bằng. Toàn bộ bằng giả do Hòa ký theo chỉ đạo của Hùng.

Tháng 4/2019, khi Bộ GD&ĐT yêu cầu ĐH Đông Đô giải trình về việc đào tạo văn bằng 2 ngôn ngữ Anh, Hùng tiếp tục chỉ đạo cấp dưới làm giả quyết định công nhận 47 thí sinh trúng tuyển đại học hệ văn bằng 2 để gửi cho Bộ nhằm che giấu sai phạm.

Trong vụ án, cơ quan chức năng đánh giá Hùng giữ vai trò chủ mưu. Tuy nhiên, bị can đã bỏ trốn nên cảnh sát ra quyết định truy nã, khi bắt được sẽ xử lý sau.

10 bị can liên quan vụ án bị đề nghị truy tố tội Giả mạo trong công tác:

Dương Văn Hòa; Trần Kim Oanh và Lê Ngọc Hà (cùng là cựu Hiệu phó), Trần Ngọc Quang (cựu Trưởng phòng Đào tạo), Nguyễn Thị Huệ (cựu Trưởng phòng Tài vụ), Nguyễn Thị Ngọc Thái, Phạm Vân Thùy, Lê Thị Thanh Tâm, Lê Thị Lương và Ngô Quang Hiển (cùng là cán bộ nhà trường).

Đọc thêm

Gặp tổ công tác 141, hai thanh niên tự nguyện giao nộp... ma túy

Các tổ công tác 141-CATP tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố.
(PLVN) - Khi tổ công tác 141 thực hiện công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố trên đường Lê Trọng Tấn - Hà Đông (Hà Nội), hai thanh niên tỏ ra lúng túng, lo sợ, tự giác giao nộp 01 túi nilon kích thước 01x01 cm bên trong chứa chất tinh thể màu trắng cho lực lượng chức năng. Tại chỗ, các đối tượng khai là ma túy đá.

Gia Lai: Giao xe máy cho con chưa đủ tuổi rồi gây tai nạn giao thông, người mẹ lãnh án

Bị cáo Rơ Mah Pil tại phiên tòa.
(PLVN) - Sáng 27/3, TAND huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã mở phiên tòa xét xử lưu động đối với bị cáo Rơ Mah Pil (38 tuổi, trú tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai, mẹ của Rơ Mah Tinh) về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.