Vụ án cố ý gây thương tích không xác định được hung khí: Bản án sơ thẩm gây tranh cãi

Phiên tòa xét xử ông Đông
Phiên tòa xét xử ông Đông
(PLVN) - Luật sư cho rằng lời khai bị hại, nhân chứng có sự thay đổi và mâu thuẫn theo thời gian; hung khí gây án không tìm thấy; không rõ là vật gì nhưng cấp sơ thẩm vẫn buộc tội là không phù hợp với quy định pháp luật.

Phiên tòa nhiều tranh luận, nghị án kéo dài

Cáo trạng cáo buộc, vào khoảng 10h30 ngày 26/4/2019, được phân công tin báo về việc khai thác khoáng sản trái phép ở khu vực Suối Le thuộc xã Sông Lũy (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận), anh Hoàng cùng Trần Thế Anh, công chức địa chính xã và dân quân tự vệ Phan Tấn Đồng đến địa điểm trên kiểm tra xử lý. Họ phát hiện xe ben BKS 86C-119.11 (do anh Phùng Thạch Dũng, con trai ông Đông, thuê Đào Duy Tâm lái) đang chở đất sỏi. Do tài xế không xuất trình được giấy tờ nên bị yêu cầu đưa xe về trụ sở UBND xã. Đi được 1km thì tài xế đóng cửa xe, bỏ đi.

Theo cáo trạng, anh Hoàng gọi điện cho Chủ tịch xã và được yêu cầu tháo hai biển số xe (biển số trước và sau) mang về xã. Nghe tin xe bị tháo biển số, anh Dũng chở theo cha mẹ là ông Đông và bà Huệ đi vào hiện trường thì gặp anh Hoàng chở anh Đồng đang cầm hai biển số xe đi ra. Anh Dũng ra hiệu dừng lại để nói chuyện nhưng không thành, nên quay xe đuổi theo.

Hai bên dừng lại, lúc này anh Hoàng và anh Đồng còn ngồi trên xe máy (anh Hoàng ngồi trước, anh Đồng ngồi sau) thì ông Đông bị cho là đứng phía sau bên trái lớn tiếng và bất ngờ dùng vật sắc nhọn màu trắng đâm phía sau anh Hoàng. Anh Hoàng quay mặt sang phải thì bị gây thương tích nên ôm mặt bỏ chạy. Sau đó, ông Đông đe dọa, lấy lại hai biển số xe. Anh Thế Anh chạy theo, chở anh Hoàng đến Trạm xá xã Sông Lũy, còn anh Đồng thì chạy xe của anh Hoàng về.

Kết quả giám định pháp y, thương tích trên mặt của anh Hoàng được gây ra bởi vật sắc, nhọn. Chiều hướng vết thương từ phải sang trái. Thương tích của anh Hoàng được xác định là 11%. Từ đó, ông Đông bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” với tình tiết tăng nặng là “với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân”.

Ngày 28 - 29/6, TAND huyện Bắc Bình đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Sau 2 ngày  xét xử, tranh luận gay gắt, Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên bố nghị án kéo dài đến sáng ngày 3/6 sẽ tuyên án. Sáng 3/6, luật sư của ông Đông có  mặt và được HĐXX thông báo dời lịch tuyên án sang buổi chiều.

Buổi chiều, do luật sư của ông Đông phải dự phiên tòa khác đã có lịch từ trước nên vắng mặt. 15h cùng ngày, HĐXX bất ngờ quay lại phần xét hỏi. HĐXX hỏi đại diện VKS, hỏi ông Đông, hỏi bị hại và các nhân chứng khoảng 15 phút thì vào nghị án lần 2. Khoảng 16h chiều thì HĐXX tuyên án. Trước đó trong phần tranh luận ngày 29/5, HĐXX cũng nhiều lần quay lại phần hỏi. 

Người nhà ông Đông nghi ngờ có sự không công tâm, khách quan khi sáng ngày 3/6 dù đúng lịch hẹn từ trước và có mặt luật sư của ông Đông thì HĐXX không xét hỏi, đến buổi chiều khi không có mặt của luật sư thì xét hỏi. 

Cũng theo người nhà bị cáo, HĐXX nhận định dựa vào lời khai của bị hại Hoàng, nhân chứng Thế Anh, nhân chứng Đồng và một số nhân chứng khác tại Trạm xá xã Sông Lũy thì có đủ cơ sở để xác định vết thương của bị hại Hoàng với thương tích 11% là do ông Đông gây ra? Vết thương do vật sắc gây ra, tại phiên tòa, các luật sư của ông Đông đưa ra nhiều vấn đề nhưng không đưa ra chứng cứ mới nhằm thay đổi bản chất vụ án.

Đối với vấn đề thực nghiệm hiện trường, HĐXX cho rằng kiểm sát viên và bị hại đến hiện trường trước là có thiếu sót cần rút kinh nghiệm nhưng việc đó không làm ảnh hưởng đến quá trình thực nghiệm. Từ đó, HĐXX tuyên buộc ông Đông 2 năm 6 tháng tù giam và phải bồi thường cho bị hại Hoàng 33 triệu đồng.

Nhiều tình tiết chưa được làm rõ

Đánh giá bản án sơ thẩm, Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) bào chữa cho ông Đông nói: “Tôi cho rằng, bản án sơ thẩm của TAND huyện Bắc Bình tuyên phạt ông Đông 2 năm 6 tháng tù về tội Cố ý gây thương tích là không khách quan. Hồ sơ vụ án, lời khai, chứng cứ mâu thuẫn, không khách quan nhưng vẫn được HĐXX sử dụng làm chứng cứ buộc tội là trái pháp luật”.

Luật sư Quân nêu ra các vấn đề cụ thể: “Toà án xác định bị cáo Đông gây thương tích cho bị hại nhưng không xác định được hung khí gây thuơng tích là vật gì và xác định đó là hung khí nguy hiểm. Không xác định được hung khí và nguồn gốc của hung khí thì không thể xác định được sự phù hợp của thương tích với hung khí đó hay không. Lời khai của bị hại và người làm chứng liên tục thay đổi về việc nhận dạng hung khí, tư thế cầm hung khí của ông Đông”.

“Đặc biệt, sự thay đổi của bị hại và người làm chứng là anh Thế Anh, anh Đồng đều cùng thời điểm và cùng nội dung. Trong khi đó, ba người này là đồng nghiệp. Từ đó xác định những lời khai này là không khách quan. Về tư thế ông Đông cầm hung khí theo lời khai trong hồ sơ là có phần sắc lòi ra giữa ngón trỏ và ngón cái, nhưng khi thực nghiệm điều tra thì lại lòi ra giữa ngón út.

Bị hại và người làm chứng khai khi nghe ông Đông chửi từ phía sau bên trái nên bị hại quay về bên phải thì đụng dao đang đâm tới. Điều này là khác thường vì theo phản xạ tự nhiên, khi nghe tiếng bên trái thì phải quay về bên trái chứ không quay về bên phải. Hơn nữa, nếu bị hại quay về bên phải thì không thể nhìn thấy ông Đông đang đứng ở bên trái”, vẫn lời Luật sư phân tích.

“Với những chứng cứ mâu thuẫn, vô lý như trên nhưng HĐXX vẫn tuyên ông Đông phạm tội Cố ý gây thương tích là không phù hợp với pháp luật”, Luật sư Quân nói.

Từ khi bị bắt đến nay, ông Đông luôn kêu oan, cho rằng không dùng vật sắc đâm bị hại Hoàng như các cơ quan tố tụng cáo buộc. Ông Đông chỉ thừa nhận dùng chai nước suối ném vào người bị hại Hoàng do bức xúc vì bị hại Hoàng tháo biển số xe tải của gia đình ông. Ông Đông không thừa nhận vết thương trên mặt bị hại Hoàng là do ông gây ra. Người nhà bị cáo cho biết sẽ kháng cáo bản án sơ thẩm.

Đọc thêm

Cựu Giám đốc CDC Khánh Hòa bị phạt 42 tháng tù

Bị cáo Huỳnh Văn Dõng, cựu Giám đốc CDC tỉnh Khánh Hòa bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù.
(PLVN) - Sau 7 ngày xét xử và nghị án, bị cáo Huỳnh Văn Dõng (cựu Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Khánh Hòa) bị TAND tỉnh tuyên phạt 42 tháng tù; Trần Quốc Huy (cựu Trưởng phòng Tổ chức - hành chính) bị phạt 19 tháng tù; Phan Phương Ngọc (cựu nhân viên Khoa Dược - Vật tư y tế) bị phạt 1 năm 3 tháng tù cùng về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 222 BLHS.

Xét xử đường dây làm giả giấy tờ, chiếm đoạt tiền của ngân hàng

Các bị cáo tại tòa.
(PLVN) -  Ngày 16/4, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Nguyễn Mai Hương (SN 1985, ngụ Bắc Giang) và Vương Thị Bích Phượng (SN 1991, ngụ Hòa Bình) ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Sau khi nghị án, HĐXX phạt Hương 12 năm tù, Phượng 7 năm tù.

Nữ quái mạo danh Luật sư, lừa chiếm hàng tỷ đồng

 Đối tượng Trần Thị Thủy
(PLVN) -  Trần Thị Thủy thông tin tới các bị hại bản thân là luật sư, có mối quan hệ với lãnh đạo, cán bộ cơ quan Nhà nước, hứa hẹn lo cho bị cáo được tại ngoại, hưởng án treo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.