Vết trượt của người đàn bà buôn “cái chết trắng“

Bà Chính và anh Đạt lặng đi theo từng lời tuyên của Hội đồng xét
Bà Chính và anh Đạt lặng đi theo từng lời tuyên của Hội đồng xét
(PLO) - Một lần nữa đứng trước vành móng ngựa, đối diện với án chung thân và nỗi day dứt tột cùng với cảnh chênh chao của gia đình hiện tại là một sự trả giá mà có hối hận đến mấy thì người đàn bà ấy cũng chẳng thể nào làm lại…
Ngựa quen đường cũ
Người đàn bà ngồi ở ghế bị cáo là Đặng Đức Hạnh (SN 1973), bị truy tố về tội Vận chuyển trái phép chất ma túy theo Điểm h Khoản 4 Điều 194 BLHS. Cáo trạng nêu rõ: Vào hồi 16h15 ngày 27/5/2015, Đặng Đức Hạnh đã bị Công an quận Long Biên, TP Hà Nội bắt quả tang khi có hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy. 
Tại phiên toà, Hạnh tỏ ra ăn năn hối cải và thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Bị cáo khai nhận, tiện chuyến thăm người cha đang điều trị tại Bệnh viện 108, Hạnh đã đồng ý nhận giao 3 lạng ma túy đá và 2 cây heroin với giá 1,5 triệu đồng cho một người đàn ông không xác minh tên tuổi. 
Cơ quan điều tra xác định, Hạnh đã vận chuyển 1 túi có chứa 282,69 gam Methamphetamine và 1 túi có chứa 75,21 gam heroin. 
Sau khi xem xét toàn bộ nội dung bản án, Hội đồng xét xử xét thấy bị cáo đã có một tiền án về tội Mua bán trái phép chất ma túy và bị xử phạt 7 năm tù, lần phạm tội này của bị cáo là tái phạm nguy hiểm, cần có một bản án thích đáng cho hành vi phạm tội này. 
Long đong một phận đàn bà
Là con út trong gia đình chẳng mấy khá giả, bố tuy làm cán bộ nhưng lại sớm sa vào rượu chè, người anh trai lớn ham chơi cũng vướng vào nghiện ngập. Chị gái Hạnh thì “ăn cơm viện nhiều hơn cơm nhà” với hàng loạt những ca phẫu thuật lớn nhỏ liên tiếp. Gia cảnh khốn khó nên kết thúc bậc học phổ thông, Hạnh sớm lập gia đình nhằm đỡ đần và san sẻ cuộc sống với mẹ. 
Thế nhưng mới “an cư” 3 - 4 năm, chưa kịp “lạc nghiệp” thì chồng Hạnh bỗng đổ đốn, làm được đồng nào là vùi hết vào những cuộc vui chơi tối ngày chẳng màng đến vợ con. Không chịu đựng nổi, Hạnh đành thu vén tư trang về nhà mẹ đẻ khi trời mờ sáng. 
“Tôi còn nhớ như in ngày nó ôm vali quần áo, 5 giờ sáng đứng trước cửa nhà thất thểu, mếu máo…” – bà Nguyễn Thị Chính (65 tuổi), mẹ Hạnh nghẹn ngào…
Trong câu chuyện đứt quãng, bà Chính kể về cuộc đời Hạnh với những tháng ngày mà đến chính bà cũng chẳng bao giờ nghĩ nó lại vận vào con gái mình. Bỏ ánh mắt trôi xa xăm, bà khẳng định sống ở đời, trừ Hạnh ra, bà chưa từng thấy một người đàn bà nào tay xách sọt, tay cầm cây thòng lọng lang thang đi tìm mua và rồi tự tay bắt chó cả. 
Trong tâm trí bà, lời Hạnh khẳng định quả quyết “con bắt chứ còn nhờ ai được nữa” khi bà ngần ngại chuyện kinh doanh của con gái mình vẫn theo bà suốt hàng chục năm… 
Ấy thế rồi, hình ảnh người phụ nữ đơn thân sáng ra chợ bán hàng, tối vào làng bắt chó về nhà tự thịt dần quen với người dân khu vực. 
Bị cáo Hạnh
Bị cáo Hạnh 
Tần tảo là vậy nhưng có lẽ vẫn chưa thoả với thử thách của số phận. Hạnh chăm bố mẹ già chưa đủ còn phải lo toan cho người anh trai nghiệm ma tuý nặng ở nhà. Thấy em gái buôn bán có chút suôn sẻ, trong mắt anh, Hạnh không chỉ là em gái mà còn là “ngân hàng” để mỗi khi muốn, y chỉ cần “nhập mật khẩu” đập phá là lại có tiền để xoa dịu cơn nghiện mỗi khi nó trỗi dậy… 
Quá chán nản với đứa con trai nối dõi nghiện ngập, bố Hạnh lại càng đắm chìm trong men rượu. Để rồi 73 tuổi, bố Hạnh vẫn mặc cho sức khoẻ suy kiệt, từ thoái hoá đến mổ dạ dày hay phong tê thấp đi lại khó khăn, mà tối ngày mắng chửi, đánh đập vợ con không thương tiếc. 
Thương con, buồn mình, bà Chính cũng sinh suy nhược thần kinh. Lại vốn cao huyết áp khiến bà đau đầu, chóng mặt suốt ngày và dần chẳng thể làm được việc gì đỡ đần, sẻ chia cùng con gái…
Quá buồn khổ cho số phận hẩm hiu, sau một thời gian bạn bè chung chợ,  Hạnh “rổ rá cạp lại” với La Tiến Đạt - một người đàn ông lãng tử, đơn thân đang nuôi nấng 2 con cùng một mẹ già. Những tưởng cuộc sống từ nay có bến tựa nhờ thì chẳng bao lâu, Hạnh cùng gia đình phát hiện Đạt cũng đang nghiện nặng. 
Vậy là người đàn bà tuổi mang chữ “Quý” lại quẩn quanh sớm tối bươn chải kiếm tiền chăm lo cho tất thảy 6 cuộc đời khác trên lưng…
Đôi mắt khô và những tiếng hờn khắc khoải
Ngồi trước cửa phòng xử, bà Chính chẳng buồn giấu nỗi sầu khổ đến đờ đẫn khi ngóng chờ một bóng dáng quen thuộc. Có lẽ, đến giờ phút ấy bà vẫn chẳng thể nào ngờ một lần nữa lại phải chứng kiến đứa con gái bất hạnh của mình run rẩy trước vành móng ngựa…
Bà cho hay, chẳng biết con gái nghe lời xúi giục thế nào mà lại làm dại dột như vậy. Chuyến đi định mệnh ấy, bà đã đưa 8 triệu đồng cho Hạnh để xuống trả tiền viện phí cho bố trong viện. Thế nhưng chờ mãi chẳng thấy con về, cũng chẳng gọi được cuộc thoại nào khiến linh tính người mẹ mách bảo bà chuyện chẳng lành, và kể từ bữa đó đến nay sức khoẻ bà suy kiệt thấy rõ.
 “Sức khỏe tôi thì yếu lắm rồi, Hạnh nó là trụ cột chính trong gia đình, vậy mà giờ ra nông nỗi này” – bà Chính thở hắt.
Diễn biến phiên xử khá nhanh, bị cáo Hạnh tự giác hợp tác và thể hiện thái độ ăn năn, hối lỗi. Nhưng tiếc rằng sự hối lỗi, ăn năn đã chẳng còn mấy giá trị khi Hạnh mới trả án 7 năm tù cũng với tội danh trên được 5 năm thì nay lại sa vào vũng lầy ấy lần nữa. 
“Tại sao đã một lần tù, đáng lẽ phải hiểu hơn ai hết sự nguy hiểm và việc phạm pháp như vậy sẽ chịu hậu quả như thế nào? Luật tuyên truyền rộng rãi như vậy mà sao lại vẫn tái phạm?” – vị Hội thẩm nhân dân Trần Hán không khỏi phẫn nộ khi nhắc lại tiền án của bị cáo. 
Câu hỏi của ông chẳng phải để tìm kiếm câu trả lời từ Hạnh mà nó dường như xoáy sâu vào tâm can người đàn bà túng quẫn đã liều lĩnh với đồng tiền dễ kiếm để rồi giờ bỏ lại những cuộc sống chênh vênh của người thân yêu đã trông cậy vào mình. 
Không chỉ Hạnh, câu hỏi của vị hội thẩm như khiến bà Chính buộc phải nhìn nhận cuộc sống gia đình bà ngày mai và cả những ngày sau nữa khi vắng Hạnh dài ngày: “Phải làm sao đây, bố nó ốm, biết trông vào đâu đây? Nhà neo con… giờ có mỗi nó…”. 
Cùng tâm trạng với bà Chính, anh Đạt cũng như mường tượng ra cái kết lận đận của người đàn bà mình trót phải lòng: “Mình ơi, mình bình tĩnh, kiên cường, mạnh mẽ lên! Mình yên tâm, anh còn sống thì mình không phải lo…” – bỏ dở câu nói, tấm lưng anh thấp dần, anh cũng đã cố siết chặt nắm tay như để giữ những cảm xúc ngột ngạt nhưng rồi người đàn ông với dáng vẻ phong trần ấy cũng chẳng thể kìm được tiếng nấc nghẹn mà bật ra thành tiếng run rẩy, rấm rứt…
Chung thân, mức án đã tuyên như sét đánh ngang tai. Bởi quá xúc động, anh Đạt không kìm chế nổi đã lao tới ôm chầm lấy người đàn bà mang phận đời đơn độc… biết là vi phạm nhưng anh chiến sĩ bảo vệ cũng khó mà kìm lòng, đành theo nhiệm vụ mà chậm rãi nhắc nhở. 
Nhưng cũng chẳng đợi nhắc thêm, anh Đạt lao vội ra ngoài phòng xử, lảo đảo vịn chặt lan can cầu thang mà khóc… 
Anh khóc, tiếng khóc thống thiết chực vỡ toang cả không gian toà án khiến bao ánh mắt dáo dác cũng phút chốc rơm rớm ngại ngần. Anh cuống quýt tìm kiếm sự trợ giúp từ người quen trong danh bạ điện thoại nhưng chính bản thân anh lại chẳng thể bình tĩnh nói được trọn vẹn một câu … Hai tiếng “chung thân” cứ thế siết chặt lấy tâm trí anh để rồi cứ mỗi kết nối thành công, anh lại chỉ vẻn vẹn nói với người bên kia đầu dây hai chữ ấy rồi oà khóc nức nở…
Khác với Đạt, bà Chính chỉ ngồi lặng lẽ phía ngoài. Không phải bà giận không muốn gặp con mà bà mệt. Đôi mắt người mẹ già lạnh đi, trống rỗng... Nỗi xúc động khiến bà tăng huyết áp. Bàn tay quờ quạng yếu ớt bám lấy chúng tôi lẩy bẩy. 
“Chung thân à cháu? Sao lại chung thân hả cháu? Sao lại thế hả cháu? Chung thân là không về được nữa à cháu? Thế các bác mà chết cũng không được gặp nó nữa à cháu? Bác chết luôn mất thôi… bác biết nói với ông ở nhà thế nào đây… ngày mai bác phải sống thế nào…” - giọng bà Chính thều thào với hàng loạt câu hỏi.
Chúng tôi biết bà chẳng cần câu trả lời bởi lúc này đôi tai bà cũng đang ù đi, chẳng nghe được nữa, đầu óc bà chẳng còn tỉnh táo khiến bà cứ lịm dần… 
Qua ô cửa sổ, nắng tắt, cơn giông từ đâu bỗng kéo đến đen trời…. 
Anh La Tiến Đạt lảo đảo vịn chặt lan can cầu thang, cuống quýt tìm kiếm sự trợ giúp từ người quen trong danh bạ điện thoại…/.

Đọc thêm

Gặp tổ công tác 141, hai thanh niên tự nguyện giao nộp... ma túy

Các tổ công tác 141-CATP tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố.
(PLVN) - Khi tổ công tác 141 thực hiện công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố trên đường Lê Trọng Tấn - Hà Đông (Hà Nội), hai thanh niên tỏ ra lúng túng, lo sợ, tự giác giao nộp 01 túi nilon kích thước 01x01 cm bên trong chứa chất tinh thể màu trắng cho lực lượng chức năng. Tại chỗ, các đối tượng khai là ma túy đá.

Gia Lai: Giao xe máy cho con chưa đủ tuổi rồi gây tai nạn giao thông, người mẹ lãnh án

Bị cáo Rơ Mah Pil tại phiên tòa.
(PLVN) - Sáng 27/3, TAND huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã mở phiên tòa xét xử lưu động đối với bị cáo Rơ Mah Pil (38 tuổi, trú tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai, mẹ của Rơ Mah Tinh) về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.