Tội phạm “tàng hình” và hành trình truy bắt cam go

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
(PLO) - Việc đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn ra hàng ngày, hàng giờ với nhiều cam go, thử thách, gian nan ngay từ khâu truy bắt đến việc xử lý theo quy định của pháp luật. 

Cuộc chiến cam go trong thế giới ảo
Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thì việc thu giữ những chứng cứ điện tử là quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định. Bởi nếu không bắt quả tang, khống chế ngay được đối tượng, chúng sẽ tắt máy, xóa dấu vết, việc củng cố chứng cứ sẽ gặp vô vàn khó khăn. 
Vụ khám phá đường dây tội phạm cá độ bóng đá xuyên quốc gia hàng ngàn tỷ đồng do Nguyễn Võ Hoài Trâm (ngụ TP.Hà Nội, Giám đốc Cty News Plus) là đối tượng cầm đầu, là người đại diện cho M88 trong đường dây tổ chức đánh bạc, có máy chủ đặt tại Philippines. 
Qua thời gian theo dõi, Cục Cảnh sát Công nghệ cao (C50, Bộ Công an) đã xác định có gần 12.000 tài khoản thường xuyên chuyển tiền đến M88 với số tiền hơn 2.000 tỉ đồng. Công an đã xác định được 127 trường hợp có nơi cư trú, 27 trường hợp chưa xác định được hoặc không có mặt tại nơi cư trú. Triệu tập 79 đối tượng để điều tra làm rõ hành vi đánh bạc, trong đó có 53 đối tượng bị khởi tố. Tại phiên tòa sơ thẩm vào tháng 5/2015, TAND TP HCM đã tuyên phạt 66 bị cáo trong vụ án với các mức án tù cao nhất là 7 năm, thấp nhất 2 năm tù cho hưởng án treo. 
Cùng với Cục C50, lực lượng cảnh sát Cục An ninh điều tra (A92) và Cục An ninh thông tin, truyền thông (A87) cũng góp phần không nhỏ trong cuộc đấu tranh với loại tội phạm sử dụng công nghệ cao. Bằng chứng là mỗi khi có vụ việc phát sinh, các trinh sát lại bước vào cuộc chiến thầm lặng nhưng quyết liệt trên mạng để tìm những hacker giấu mặt, khẩn trương tiến hành “truy nóng” đối tượng tung tin trên mạng, làm rõ động cơ, mục đích… để có hình thức xử lý thích đáng. 
Cũng nhờ những hiệp sĩ “tàng hình” mà cặp đôi Vương Bá Huy (SN 1983) và Đỗ Thùy Linh (1985) đều thường trú ở phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội - kẻ tung tin đồn nhảm “dịch bệnh Ebola đã xuất hiện tại Việt Nam” hồi tháng 6/2014 đã nhanh chóng bị Công an TP.Hà Nội “sờ gáy” trong thời gian sớm nhất, khiến dư luận yên tâm, tin tưởng. Hay như kẻ tung tin nữ sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội bị hiếp, giết dã man lan truyền trên facebook hồi tháng 4/2015 đã nhanh chóng bị bắt. Đến tận khi bị Công an triệu tập lên làm việc và xử phạt hành chính, các đối tượng bên cạnh thái độ ân hận về sự dại dột của mình, cũng hết sức ngạc nhiên không hiểu sao hành động “chém gió” của họ trên mạng không để lại dấu tích mà vẫn bị Công an lần ra manh mối một cách tài tình.  
Hợp tác quốc tế còn nhiều khó khăn
Trong thế giới phẳng, việc tăng cường hợp tác quốc tế về phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao là hết sức cần thiết và quan trọng. Tuy nhiên, thực tiễn công tác phối hợp giữa cảnh sát các nước còn nhiều khó khăn. Về nguyên nhân, theo một chuyên gia pháp lý trong lĩnh vực này là do chính sách pháp luật mỗi nước về tội phạm sử dụng công nghệ cao khác nhau nên kết quả hợp tác giữa Việt Nam và một số nước chưa đạt được kết quả tích cực. 
Còn theo Văn phòng Interpol Việt Nam, do nhiều hạn chế của hiệp định tương trợ tư pháp hình sự và rào cản luật pháp giữa các nước về nhân quyền nên các yêu cầu xác minh địa chỉ IP, mạo danh cá nhân đánh cắp tài khoản ngân hàng... của cảnh sát Việt Nam trao đổi với cảnh sát nước ngoài vẫn chưa thể đạt được kết quả như mong muốn. Chưa kể, một số nước yêu cầu không cung cấp đầy đủ thông tin để tiến hành điều tra tại Việt Nam nên thời gian trao đổi và đề nghị bổ sung thông tin rất dài. Các đề nghị bổ sung thêm thông tin thường không có kết quả vì các cơ quan nước ngoài cũng không có nhiều thông tin cụ thể.
Đối với hệ thống pháp luật trong nước, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao còn thiếu, bất cập và không đồng bộ như quy định về khái niệm chứng cứ điện tử, trình tự, thủ tục thu thập, bảo quản, phân tích, phục hồi, giám định loại chứng cứ này chưa được đề cập trong Bộ luật Tố tụng Hình sự. Trong khi đó, việc tham gia các quy định pháp luật quốc tế trong lĩnh vực sử dụng công nghệ cao còn nhiều hạn chế, dẫn đến hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao với cảnh sát các nước còn nhiều khó khăn, hạn chế... Sự phát triển về công nghệ và các ứng dụng trên internet đã và đang đặt ra thách thức trong công tác đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Sự chênh lệch khá lớn về tiềm lực kinh tế, trình độ khoa học - kỹ thuật, công nghệ đã tạo ra những khó khăn trong công tác đấu tranh với tội phạm hoạt động trên internet. Hầu hết những giải pháp công nghệ trong nước chưa theo kịp sự phát triển của hệ thống hạ tầng viễn thông, internet hiện nay của các nhà cung cấp dịch vụ tại Việt Nam cũng như sự phát triển nhanh chóng của các loại hình dịch vụ internet trên thế giới. Chưa kể công nghệ lạc hậu so với thế giới, thiếu nhiều thiết bị chuyên dụng phục vụ cho công tác nghiệp vụ.
Thực tiễn xét xử vẫn lúng túng
Nhiều chuyên gia pháp lý đánh giá rằng, việc đánh giá tội phạm công nghệ cao khó xử và xử khó xuất phát từ khó khăn về vấn đề thu thập, bảo quản và đánh giá chứng cứ. Bởi chứng cứ của vụ án này là dạng chứng cứ điện tử. Chứng cứ điện tử nếu không được lưu giữ, giám sát theo quy trình được pháp luật quy định thì sẽ không bảo toàn được tính chính xác toàn vẹn so với nguyên gốc. Bởi đặc điểm của loại tài liệu này rất dễ bị sửa chữa, xóa bớt hay chèn thêm thông tin. Việc thu thập, bảo quản và xử lý các chứng cứ này để chứng minh tội phạm đòi hỏi phải tuân theo chu trình nghiêm ngặt, nếu không rất dễ làm mất dấu vết và không khôi phục được.
Trong thực tiễn, những dữ liệu máy tính thể hiện phương thức, thủ đoạn phạm tội của tội phạm công nghệ cao đến nay chưa được coi là chứng cứ nếu không xử lý tốt bằng các biện pháp tố tụng, chuyển hóa. Chưa kể, ngay cả các cán bộ tố tụng vẫn còn có những nhận thức chưa thống nhất về thủ đoạn phạm tội cũng như cách thức vận dụng pháp luật để giải quyết, dẫn đến việc đánh giá chứng cứ để chứng minh tội phạm gặp khó khăn.
Ngoài nhận thức và hiểu biết về công nghệ thông tin của cán bộ tố tụng còn hạn chế, các quy định của Bộ luật Hình sự 1999 cũng còn mang tính nguyên tắc, thiếu cụ thể dẫn đến việc áp dụng chưa thống nhất. Mặc dù Bộ luật Hình sự năm 1999 đã có một số điều luật quy định về loại tội phạm này nhưng mãi đến năm 2012, liên ngành Tư pháp Trung ương mới có Thông tư 10/2012 hướng dẫn thi hành. Theo đó, hành vi phạm tội sử dụng công nghệ cao có thể phải chịu mức án cao nhất lên tới 20 năm hoặc tù chung thân. Chính vì chậm hướng dẫn thi hành nên việc áp dụng pháp luật chưa thống nhất, thực tế vẫn còn trường hợp bỏ lọt tội phạm.

Đọc thêm

Gặp tổ công tác 141, hai thanh niên tự nguyện giao nộp... ma túy

Các tổ công tác 141-CATP tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố.
(PLVN) - Khi tổ công tác 141 thực hiện công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố trên đường Lê Trọng Tấn - Hà Đông (Hà Nội), hai thanh niên tỏ ra lúng túng, lo sợ, tự giác giao nộp 01 túi nilon kích thước 01x01 cm bên trong chứa chất tinh thể màu trắng cho lực lượng chức năng. Tại chỗ, các đối tượng khai là ma túy đá.

Gia Lai: Giao xe máy cho con chưa đủ tuổi rồi gây tai nạn giao thông, người mẹ lãnh án

Bị cáo Rơ Mah Pil tại phiên tòa.
(PLVN) - Sáng 27/3, TAND huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã mở phiên tòa xét xử lưu động đối với bị cáo Rơ Mah Pil (38 tuổi, trú tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai, mẹ của Rơ Mah Tinh) về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.