Thù hằn cá nhân, trò đánh thầy chấn thương sọ não?

Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, nơi thầy giáo Phúc công tác
Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, nơi thầy giáo Phúc công tác
(PLO) - Sau bữa đi ăn khuya cùng đám học trò cũ, thầy Kiều Tấn Phúc (SN 1977, giáo viên trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) trở về phòng và bắt đầu có những biểu hiện bất thường về thần kinh. Kết luận của bệnh viện cho thấy thầy Phúc bị đa chấn thương, dập não, tụ máu thái dương...
Bất ngờ bị thần kinh
Thầy Phúc là giáo viên giảng dạy tại trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm từ hơn 10 năm nay. Do nhà xa nên thầy ở lại trong khu tập thể dành cho giáo viên nằm trong khuôn viên trường. Khoảng 1h sáng ngày 23/4/2014, anh Trương Công Định (SN 1987), nhân viên bảo vệ trường nơi thầy Phúc công tác thấy có 4 người đưa thầy Phúc về trường. Họ có dắt theo xe máy của thầy để vào trong sân trường sau đó ra về. Qua ánh điện, anh Định thấy thầy Phúc đứng không vững, có một vài vết trầy xước trên vai, mặt tím tái. 
“Nghĩ thầy ý bị say rượu, tôi có hỏi: “Thầy có sao không?” thì thầy Phúc trả lời: “Không sao” rồi bước khập khiễng về phòng trong khu nội trú dành cho giáo viên. Trong số những người đưa thầy về, tôi nhận ra có cả học sinh cũ từng học ở trường này”, anh Định kể lại. 
Đến sáng, thầy Phúc vẫn lên lớp giảng dạy như thường ngày nhưng bắt đầu có những dấu hiệu bất thường về thần kinh. Mặc dù đang cầm bút trên tay nhưng thầy Phúc lại hỏi học trò:  “Bút của thầy đâu?”. Sau đó thầy ngồi im trên bàn không giảng dạy. 
Nhận được thông tin phản ánh từ học trò, thầy Lê Văn Thê (Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm) xuống xem xét tình hình thì càng ngỡ ngàng bởi câu hỏi của thầy Phúc: “Hôm nay có họp hội đồng không anh?”, dù cuộc họp này vừa diễn ra cách đó chưa lâu. 
Ngỡ là thầy Phúc chỉ vô tình quên hoặc do say rượu chưa hoàn toàn tỉnh táo nên mọi người cũng chỉ nhắc thầy về phòng nghỉ ngơi. Tuy nhiên, đến ngày 24/4/2014, thầy Phúc nằm tại phòng mình không đến lớp. Thấy lạ, các giáo viên khác sang gõ cửa thì thấy thầy cởi hết quần áo, không chịu ăn uống, nói nhảm. 
“Lúc đó, tôi để ý kỹ thấy cơ thể thầy Phúc thì thấy có nhiều vết bầm tím ở mặt, vai, lưng. Đến tối cùng ngày thấy thầy Phúc trong tình trạng mất kiểm soát nên Ban giám hiệu nhà trường đã đưa thầy Phúc đến Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk để điều trị”, một giáo viên cho hay. 
Theo hồ sơ bệnh án, thầy Phúc nhập viện trong trạng thái lơ mơ, bầm tím mắt phải, sưng nề vùng trán phải. Kết quả chiếu chụp cho thấy, thầy Phúc bị chấn thương sọ não, dập não, tụ máu 2 bên thái dương, tụ máu ngoài vùng cứng não trái, xuất huyết màng não.
Thầy giáo Phúc khi còn ở trong viện
Thầy giáo Phúc khi còn ở trong viện 
Nạn nhân đã từng bị đánh
Nghe tin chồng nhập viện trong tình trạng thần kinh không bình thường, trên cơ thể có nhiều vết bầm tím, chị Trương Thị Bích Loan (SN 1974, vợ thầy Phúc) đã cất công tìm hiểu nguyên nhân. Ngày 28/4, chị Loan làm đơn trình báo lên UBND và Công an xã Cuôr Knia về vụ việc chồng mình bị đánh. 
Sau khi vào cuộc xác minh, nhận thấy vụ việc có tính chất nghiêm trọng và có cả đối tượng ngụ trên địa bàn xã khác nên Công an xã Cuôr Knia đã chuyển hồ sơ cho Công an huyện Buôn Đôn để điều tra làm rõ.
Chị Loan cho biết: “Nhận được tin báo từ đồng nghiệp của chồng, tôi vội vàng chạy vào bệnh viện xem thế nào. Khi đó chồng tôi có những biểu hiện bất thường như nói nhảm, không nhận ra người quen và một số biểu hiện khác của bệnh thần kinh. Tôi đã cất công tìm hiểu thì được một số học sinh trong trường và người dân xung quanh trường cho biết việc chồng tôi bị đánh”. Theo lời chị Loan thì tối 22/4, thầy Phúc có xảy ra xích mích với vài học trò cũ và bị nhóm này đòi đánh ngay trong một quán cà phê. 
“Tuy nhiên do được người dân can ngăn nên đám học trò không đánh anh ấy ở đó. Sau đó, đám học trò cũ đã ép chồng tôi lên xe rồi chở ra khu vực khác, không biết chúng có tiếp tục hành hung chồng tôi sau đó không. Đến giờ sau hơn 10 ngày điều trị, sức khỏe chồng tôi có đỡ hơn nhưng vẫn trong trạng thái “nửa tỉnh nửa mơ”. Khi nói chuyện thì điều nhớ, điều không. Tôi sợ anh ấy bị trả thù nên đã đưa về nhà để tiện bảo vệ và chăm sóc. Nếu tình trạng sức khỏe của anh ấy nặng hơn, tôi sẽ đưa đi TP.Hồ Chí Minh để điều trị”, tiếp lời người vợ.
Chị Loan còn cho biết, cách đây 1 năm, thầy Phúc cũng bị đánh tới mức bầm dập cả tay, chân, rạn xương sườn trái nhưng không dám tố giác vì bị trả thù. Mặc dù biết chồng bị đánh nhưng chị Loan cũng bỏ qua vì sự an toàn của chồng và tâm niệm “một điều nhịn, chín điều lành”. Lần này, vì quá bức xúc trước sự việc chồng bị đánh tới mức “người không ra hồn người” nên chị Loan đã quyết định làm đơn tố giác việc nhóm học sinh dở thói côn đồ đánh thầy giáo gửi lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết.
Được biết, chị Loan quê ở Ninh Bình, còn thầy Phúc quê ở Quảng Ngãi. Cả hai cùng theo gia đình vào Tây Nguyên lập nghiệp từ những năm 1990. Hai người cưới nhau năm 1998, cũng từ đó thầy Phúc nhận công tác dạy bộ môn Vật Lý ở trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm. 
Sau 16 năm chung sống hai người có với nhau 2 người con 1 gái 1 trai. Cách đây 3 năm, cuộc sống gia đình không được hạnh phúc nên cả hai người đã ly thân. Chị Loan cùng hai con sống ở thành phố Buôn Mê Thuột. Còn thầy Phúc ở nội trú tại trường thi thoảng mới về thăm hai con. 
Ông Lê Văn Thê (Hiệu trưởng) cho hay: “Với tình trạng sức khỏe hiện nay của thầy Phúc rất khó có thể quay lại môi trường sư phạm. Hơn 10 năm giảng dạy tại trường, thầy Phúc là một người hiền lành, sống chan hòa với đồng nghiệp và học sinh, không gây mâu thuẫn và tư thù với ai. Nếu đúng như có việc học sinh đánh thầy giáo thì đây là việc không thể chấp nhận được. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo đức và tư cách của học sinh bởi lẽ từ xưa đến nay người dân Việt Nam luôn có truyền thống tôn sư trọng đạo”.
Vợ nạn nhân tâm sự với PV
 Vợ nạn nhân tâm sự với PV
Cần sớm điều tra làm rõ vụ việc
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Thanh Nghị (Phó Trưởng công an xã Cuôr Knia) cho biết, ngay sau nhận được đơn phản ánh của gia đình thầy Phúc, cơ quan công an đã vào cuộc xác minh và đã có những kết quả điều tra ban đầu. 
Theo đó đã xác định được 3 đối tượng nghi vấn gồm: Bùi Huy Tuấn (SN 1989), Trịnh Quốc Hoàng (SN 1996) đều ngụ tại xã Cuôr Knia, là học trò cũ của thầy Phúc. Và 1 đối tượng khác là học sinh đang theo học tại Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm ngụ tại xã khác. Tuy nhiên từ khi xảy ra vụ việc, học sinh này không tới trường học nên chưa thể xác minh rõ.
Tại cơ quan công an, bước đầu Hoàng và Tuấn thừa nhận có liên quan tới vụ việc thầy Phúc bị đánh. Tuấn thừa nhận có liên quan đến vụ việc nhưng không tham gia đánh gia đánh thầy. Trịnh Quốc Hoàng khai nhận có đấm thầy 1 cái làm thầy ngã xuống đất. Tuấn cũng xác nhận Hoàng có đánh thầy Phúc. Riêng về nguyên nhân xảy ra vụ việc, cơ quan công an vẫn đang tiến hành điều tra. Xác minh thông tin ban đầu cho thấy có thể chỉ do mâu thuẫn cá nhân giữa đối tượng Hoàng và thầy Phúc. 
Chị Loan cũng xác nhận, sau khi xảy ra sự việc, gia đình Hoàng cũng đã tới bệnh viện thăm hỏi và có đưa 3 triệu đồng hỗ trợ gia đình điều trị cho thầy Phúc. Tuy nhiên, sự việc cụ thể như thế nào chị Loan cũng mong cơ quan công an điều tra làm rõ. 
“Vụ việc này cũng là bài học để các bậc phụ huynh và nhà trường có cách giáo dục con em mình tốt hơn. Người bình thường đã không được phép dùng thói côn đồ, hành hung người khác huống hồ là trò với thầy lại càng phải giữ sự lễ phép, đúng mực”, vị phó công an xã chia sẻ.

Đọc thêm

Gặp tổ công tác 141, hai thanh niên tự nguyện giao nộp... ma túy

Các tổ công tác 141-CATP tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố.
(PLVN) - Khi tổ công tác 141 thực hiện công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố trên đường Lê Trọng Tấn - Hà Đông (Hà Nội), hai thanh niên tỏ ra lúng túng, lo sợ, tự giác giao nộp 01 túi nilon kích thước 01x01 cm bên trong chứa chất tinh thể màu trắng cho lực lượng chức năng. Tại chỗ, các đối tượng khai là ma túy đá.

Gia Lai: Giao xe máy cho con chưa đủ tuổi rồi gây tai nạn giao thông, người mẹ lãnh án

Bị cáo Rơ Mah Pil tại phiên tòa.
(PLVN) - Sáng 27/3, TAND huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã mở phiên tòa xét xử lưu động đối với bị cáo Rơ Mah Pil (38 tuổi, trú tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai, mẹ của Rơ Mah Tinh) về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.