"Vàng tặc "quậy" sông Ba

Sà lan khai thác vàng trông như một chiếc tàu vận tải đường sông đang hoạt động với tiếng máy nổ âm vang hối hả. Cạnh đó thêm chiếc xuồng gắn máy được nhóm “vàng tặc” sử dụng cơ động trên sông nước để mua thêm lương thực, thực phẩm, dầu diezen bất cứ lúc nào…

Trong những năm gần đây, nhiều nhóm người từ các tỉnh phía Bắc dạt vào Phú Yên tìm vận may từ cơn sốt đào đãi vàng sa khoáng. Những bãi vàng Suối Pháp, Hòn Dung, Hòn Cồ, Hóc Vàng ở hai huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh đều là những địa danh quen thuộc của “vàng tặc” trên bộ. Ít ai ngờ được rằng từ nhiều tháng qua, giữa dòng sông Ba xuất hiện một nhóm “vàng tặc” khai thác bằng hệ thống máy móc, dây chuyền thiết bị đặt trên sà lan di động...

Đãi vàng… di động

Sau hai lần cử trinh sát thâm nhập thực tế để lập phương án triệt xóa tụ điểm khai thác vàng sa khoáng trên sông Ba, chiều ngày 17/3, thượng tá Lê Chí Lượng – Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49), Công an tỉnh Phú Yên trực tiếp chỉ huy một tổ công tác gồm 9 cán bộ chiến sĩ cải trang xuống chiếc đò chèo ở bến đò ông Biên nằm bên dòng sông Ba, thuộc địa phận thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa.

zhtrh
Chiếc sà lan di động đào bới nhiều cồn bãi trên sông Ba để khai thác vàng trái phép.

Tiết trời se lạnh, con đò xuôi theo dòng nước trong cơn mưa lất phất. Mực nước sông đang xuống thấp, thấp thoáng đó đây trên lòng sông là những cồn bãi nổi lên với nhiều bụi lau sậy, cỏ cây vươn xanh. Cồn Mướp – nơi các trinh sát sẽ đột kích- là một bãi đất rộng hình thành ở giữa sông Ba từ lâu nay, một bên là thôn Chí Thán, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh còn bên kia là khu phố Đông Bình, thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa.

Trong hai lần bí mật tiếp cận trước đó, các trinh sát đã xác định “công trường” khai thác vàng trên sông Ba là hai chiếc sà lan kết nối lại thành mặt sàn dài 17m, rộng 6m. Trên sà lan này, ngoài hệ thống thiết bị máy móc gồm 1 mô tơ phát điện có công suất 50Kw, 3 máy nổ D4, 1 máy ô tô tải IFA -W50, đường ống cao su bơm dẫn nước, 60 chiếc gàu sắt múc cát nằm trong một dây chuyền chuyển tải tự động còn có cả lán trại sinh hoạt của công nhân.

Nhìn từ xa, sà lan khai thác vàng trông như một chiếc tàu vận tải đường sông đang hoạt động với tiếng máy nổ âm vang hối hả. Cạnh đó thêm chiếc xuồng gắn máy được nhóm “vàng tặc” sử dụng cơ động trên sông nước để mua thêm lương thực, thực phẩm, dầu diezen bất cứ lúc nào…

Từ nhiều tháng qua, chiếc sà lan này đã tiếp cận nhiều cồn bãi trên sông Ba để khai thác vàng sa khoáng trái phép suốt ngày đêm. Mỗi khi công nhân vận hành thiết bị máy móc, hệ thống gàu sắt cuộn vòng giữa hai sà lan chuyển động về phía trước.

Những chiếc gàu sắt lần lượt xúc cát ở bãi bồi và tự động chuyển tải theo cần trục sắt chạy ngược lên cao ở phía sau sà lan, rồi trút cát xuống chiếc máng kết nối với hệ thống bơm dẫn nước phun đều đặn để gạn đãi. Hệ thống gàu múc “ăn” đất tới đâu, thì sà lan được dịch chuyển tới đó, để lại phía sau vết tích những đoạn “kênh” bị đào bới loang lổ…

Cuộc vây bắt bất ngờ

Vượt qua những đoạn sông nước chảy xiết, hơn 20 phút sau chiếc đò đưa tổ công tác vào bờ cồn Mướp. Thêm 10 phút luồn lách trong những đám lau sậy và cỏ dại, các trinh sát băng nhanh qua bãi cát trống, bất ngờ ập vào “công trường” khai thác vàng sau một tiếng súng nổ chỉ thiên khống chế tinh thần nhóm “vàng tặc”. 

rhryh
Dây chuyền gàu múc cát phá nát nhiều cồn bãi.

Không kịp tẩu thoát, công nhân trên sà lan phải tắt máy nổ, bước xuống bãi cát. Chủ nhân chiếc sà lan này là ông Nguyễn Đình Toản - 47 tuổi cùng 3 công nhân vận hành dây chuyền khai thác vàng là Nguyễn Ngọc Hòa - 36 tuổi; Phạm Đình Kết - 49 tuổi và Nguyễn Đình Hân- 28 tuổi đều là dân đến từ xã Trung Đông, huyện Nam Trực (Nam Định).

Hiện trường là một đoạn “kênh” vừa mới đào bới lấn sâu vào cồn Mướp. Sau khi lập biên bản phạm pháp quả tang về hành vi khai thác khoáng sản trái phép, tổ công tác của Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường điện báo ngay cho Phòng Tài nguyên – Môi trường và Công an huyện Sơn Hòa tăng cường lực lượng, phối hợp đưa sà lan về phía bờ sông thị trấn Củng Sơn để tạm giữ phương tiện, tang vật vi phạm. 4 đối tượng “vàng tặc” cũng bị tạm giữ hành chính để tiếp tục làm rõ hành vi vi phạm.

dzeh
Chiếc máng trên sà lan gạn đãi vàng từ cát 

Bước đầu, nhóm “vàng tặc” này cho biết, nguồn gốc chiếc sà lan và hệ thống thiết bị máy móc khai thác vàng do ông Nguyễn Đình Toản mua lại của “ông chủ” khác, tu sửa thêm trước khi đưa ra sông Ba hoạt động khai thác vàng sa khoáng từ tháng 8/2011 đến nay.

Dù là dân từ tỉnh khác đến, nhưng ông Toản và các cộng sự trong nhóm “vàng tặc” rất tinh ma khi lựa chọn địa bàn hoạt động trên sông Ba ở giữa hai huyện Sơn Hòa và Sông Hinh, khiến cho cơ quan chức năng ở hai địa phương này “lúng túng” khi kiểm tra và xử lý. Chính vì thế, chiếc sà lan khai thác vàng của ông Toản có cơ hội đào bới những cồn bãi trên sông từ nhiều tháng qua, ngoại trừ thời điểm mưa lũ hoành hành.

Không có hầm hào “ăn” sâu vào lòng núi như những nhóm “vàng tặc” ở Hóc Vàng, Hòn Dung, Suối Pháp, Hòn Cồ… nhưng hoạt động khai thác vàng sa khoáng trên sông Ba vẫn gây hiểm họa lớn về môi trường.

Ngoài chuyện làm vẩn đục dòng sông, ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của các loài thủy sản trong khu vực, còn là sự nguy hại khi nhóm “vàng tặc” sử dụng hóa chất để phân kim. Xa hơn nữa, khi những cồn bãi bị đào xới thành nhiều đoạn “kênh” loang lổ, dòng chảy sông Ba biến đổi, sạt lở bờ bãi khi mùa mưa lũ đến cũng là nguy cơ khó tránh khỏi.

Theo thượng tá Lê Chí Lượng, cơ quan Công an sẽ có văn bản báo cáo và đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên ban hành quyết định xử lý hành chính đối với nhóm “vàng tặc” do ông Nguyễn Đình Toản điều hành.

Tuy nhiên, để đấu tranh, ngăn chặn hữu hiệu nạn “vàng tặc” trên sông Ba và nhiều địa bàn miền núi khác ở Phú Yên, cơ quan chuyên trách về Tài nguyên – Môi trường cùng với chính quyền các địa phương cần phải chủ động phối hợp kiểm tra và xử lý kịp thời ngay từ khi “vàng tặc” mới nhen nhóm…

Việt Tường

Đọc thêm

Bản án của 2 người đàn ông làm thuê cho "trà xanh"

Hai bị cáo tại phiên xét xử.
(PLVN) - Ngày 23/4, Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng mở phiên xét xử và tuyên phạt Lê Văn Sinh Nhật (49 tuổi, trú quận Sơn Trà) 4 năm 6 tháng tù; Nguyễn Quang Nam (29 tuổi, trú quận Cẩm Lệ) 4 năm tù cùng về tội Cố ý làm hư hỏng tài sản.

Mê cá độ đá bóng, cửa hàng trưởng "tham ô tài sản" lĩnh án

Mê cá độ đá bóng, cửa hàng trưởng "tham ô tài sản" lĩnh án
(PLVN) - Ngày 23/4, TAND tỉnh Gia Lai đã đưa 3 bị cáo gồm: Võ Thị Văn Chương (SN 1986, tại Bình Định. Trú tại thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê giữ chức vụ Kế toán kiêm thủ quỹ; Phan Hùng Thắng (SN 1976, tại Bình Định. Trú tại xã Ia Blang, huyện Chư Sê) giữ chức vụ Cửa hàng trưởng; Trần Thị Thắm (SN 1990. Trú tại thị trấn Chư Sê) giữ chức vụ Kế toán bán hàng của Công ty TNHH MTV Đ.D Chư Sê (viết tắt là Cty Đ.D), có địa chỉ tại thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, ra xét xử về tội “tham ô tài sản”.

Công an tỉnh Lai Châu phá vụ án 01 kg vàng giả

Công an tỉnh Lai Châu phá vụ án 01 kg vàng giả
(PLVN) -   Tẩn Seo Lụ đã mua thỏi vàng giả trên mạng xã hội với giá 5 triệu đồng rồi cấu kết với đối tượng Deng Fuqiang (quốc tịch Trung Quốc) lập facebook dàn dựng kịch bản để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Từ lời khai của băng cướp tiệm vàng tại Bình Dương hé lộ hậu họa từ những “nhóm kín”

Phạm Hoàng Hưng là đối tượng chủ mưu trong vụ cướp.
(PLVN) -Đối tượng Phạm Hoàng Hưng (28 tuổi, chủ mưu, trực tiếp cầm súng cướp tiệm vàng Bích Quý ở huyện Bàu Bàng) vừa bị Công an Bình Dương cùng Bộ Công an phối hợp Cảnh sát Campuchia bắt giữ tại một casino ở nước bạn. Trước đó, Nguyễn Linh Đoan (30 tuổi, quê Quảng Nam), là nghi phạm đầu tiên trong vụ cướp bị bắt giữ. Tiếp đó, Trần Quang Triệu (31 tuổi, quê Bình Định), ra đầu thú. Hiện công an tiếp tục truy bắt nghi can còn lại là Nguyễn Hoàng Nhi (ngụ Tây Ninh), nghi vấn hiện còn lẩn trốn ở Campuchia.