"Bóng hồng" cùng cực khi trở về từ "tổ quỷ"

 Một tuổi thơ dữ dằn, những tháng ngày nhục nhã ở xứ người, có lẽ với Lan - người đàn bà gần 30 tuổi - vị đắng của nó sẽ theo chị đến hết cuộc đời. Chị và con sẽ sống ra sao trong những ngày tháng tiếp theo khi cái “án dư luận” trốn nhà sang Trung Quốc làm tiền mãi vẫn lơ lửng trên đầu họ?

Một tuổi thơ dữ dằn, những tháng ngày nhục nhã ở xứ người, có lẽ với Lan - người đàn bà gần 30 tuổi - vị đắng của nó sẽ theo chị đến hết cuộc đời. Chị và con sẽ sống ra sao trong những ngày tháng tiếp theo khi cái “án dư luận” trốn nhà sang Trung Quốc làm tiền mãi vẫn lơ lửng trên đầu họ?

a
Với Lan, công lý liệu có sáng lên ở cuối đường hầm?. Ảnh minh họa

Tuổi thơ dữ dội

Trong ký ức của mỗi người, khung trời tuổi thơ thường là chốn yên bình nhất. Với Lan thì không phải vậy vì từ lúc còn bé thơ, chị đã bị đẩy xuống những vực sâu thăm thẳm của cuộc đời.

Tọa lạc tại một làng quê yên bình ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang nhưng ngôi nhà của Lan không bình yên như những gia đình bé nhỏ khác. Bố Lan là người luôn dùng roi vọt và những lời nhiếc mắng để “nói chuyện” với vợ con.

Lan không nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần phải chứng kiến những trận đòn thập tử nhất sinh mà mẹ phải gánh chịu từ bố. Bản thân chị cũng phải trải qua những trận đòn vô cớ mỗi khi cha ngật ngưỡng trở về nhà sau cơn say.

Vì đời thực không có phép màu nên một gia đình không được xây dựng bằng những yêu thương đã không thể trở thành tổ ấm. Và ngột ngạt trong gia đình Lan chỉ là những oán hờn, những đòn roi cuốn lấy cả tuổi thơ dài lê thê của chị. Khi ấy, ước mơ cháy bỏng trong lòng Lan là muốn lớn thật nhanh, thật nhanh để có thể... lấy chồng - cơ hội để thoát khỏi gia đình với người cha bạo lực, cơ hội để xây dựng cho mình một mái ấm đúng nghĩa.

Với ước mơ ấy, lúc vừa đủ tuổi kết hôn, Lan đã định chấp nhận ngay một người tàn tật để làm chồng. “Dù phải nuôi anh ta suốt đời, dù anh ta không thể làm một người chồng đúng nghĩa, tôi cũng muốn lấy anh ấy để thoát khỏi gia đình” - chị tâm sự. Nhưng rồi được người thân khuyên nhủ, Lan đã suy nghĩ lại và từ hôn.

Con dốc địa ngục

Trong lúc vẫn còn quẫn bách với cuộc nhân duyên không thành của mình, Lan được một anh hàng xóm giới thiệu cho quen biết với Nguyễn Đình K, một người ở xã bên vốn là “đồng đội cũ” của anh ta. Sau một vài lần thăm hỏi, K cùng một người mà anh ta giới thiệu là “anh họ” đã đến thăm nhà Lan.

Vốn biết Lan có nghề trang điểm cô dâu, làm tóc, K dụ dỗ: “Anh có bà chị gái mở hiệu làm tóc trên Lạng Sơn, nhưng chưa tìm được người có tay nghề cao. Em lên giúp chị ấy một thời gian. Lương tháng chị ấy trả 900.000 đồng”. Khi đã dụ dỗ được Lan, K không quên nhắn lại một câu: “Em đừng nói với ai chuyện này, để nếu không làm được thì quay về cũng đỡ ngại”.

Ngày 22/5/2000, Lan quyết tâm lên đường “đi tìm tương lai”. Cái lời nhắn nhủ của K cứ gờn gợn trong lòng Lan. Đến tận lúc vào bến xe, Lan mới quyết định viết vội vài chữ vào tờ giấy, gửi về cho mẹ: “Con đi cùng anh K lên Lạng Sơn, mẹ cứ yên tâm”.

Chưa ngồi ấm chỗ trên xe khách, Lan đã bị người anh họ của K dí dao khống chế. Đến chiều tối, họ lên đến một vùng núi hoang sơ. Sau một đêm vượt rừng lội suối, Lan đặt chân sang đất khách quê người, bắt đầu chuỗi ngày đen tối đến cùng cực...

Nơi dừng chân đầu tiên của Lan là một nhà thổ của một “má mì” người Việt. Mỗi khi kháng cự, Lan thường bị dọa đem bán cho lò mổ. Không còn lựa chọn nào khác, chị phải nhắm mắt đưa chân, tiếp khách mua dâm theo yêu cầu của chủ. Sau những ngày bầm dập vì bị ép “đi khách”, Lan lại bị bán cho một chủ chứa khác.

Tại đây, do làm việc quá sức, Lan đã bị ốm, phải vào bệnh viện điều trị. Vì bệnh tình của Lan quá nguy kịch, bà chủ đã bỏ chị lại bệnh viện. Trong những ngày tưởng như sắp phải bỏ xác lại quê người, may mắn cho Lan là chị đã gặp được một người đàn ông tốt bụng, ông ta đã đưa chị về biên giới. Tại cửa khẩu, Lan đã tự bắt xe trở lại quê hương sau 2 năm xa cách.

Trả lại tên cho em

Ngay sau khi về nhà, Lan đã trình báo với cơ quan công an, với UBND xã về việc mình bị lừa bán sang Trung Quốc. Mong muốn của chị chỉ là để tìm lại công bằng cho mình. Bởi từ khi chị mất tích, gia đình chị bị mang tiếng là có con gái “trốn nhà sang Trung Quốc làm tiền”.

Nhưng đáp lại những mong muốn của Lan và gia đình, mọi đơn thư chị và gia đình gửi đi đều không có hồi âm. Câu trả lời duy nhất chị nhận được là câu nói của một vị cán bộ xã: “Việc của cháu khó lắm! Phải tìm được người thứ ba!”. Vậy, “Người thứ ba là ai? Đã có người làm chứng thấy cháu lên xe ô tô cùng anh K, đó có phải người thứ ba không?”, “Người đó không phải. Còn bảo đó là ai thì khó lắm, tôi cũng chẳng biết!”.

Chỉ có vậy, và Lan đằng đẵng ôm nỗi oan ức cùng sự dè bỉu của làng xóm để tiếp tục sống.

Vài năm sau, khi câu chuyện dần nguôi ngoai, hạnh phúc mỉm cười với Lan khi có một người đàn ông đã thương yêu và cưới chị làm vợ. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Khi chị vừa sinh đứa con đầu lòng, chồng Lan đã biết được câu chuyện buồn năm nào của chị qua một người bạn gái thân của vợ. Không chút thương tiếc, anh ta phũ phàng viết ngay đơn ly hôn, bỏ lại Lan và đứa con còn đỏ hỏn để đi theo người vợ mới - chính là cô bạn gái thân của Lan đã tiết lộ bí mật quá khứ của người phụ nữ tội nghiệp này.

Nỗi đau mới gọi về những vết thương lòng đã cũ, Lan tiếp tục gõ cửa các nơi để mong nỗi oan của mình được minh giải. Đi tới đâu, chị cũng chỉ nhận được cái lắc đầu và những ánh mắt khinh khi. Ngay cả trong cuộc sống bình thường, hai mẹ con chị cũng không được yên ổn khi treo lơ lửng trên đầu họ là “bản án” trốn nhà sang Trung Quốc làm tiền.

Kết buồn

Tại buổi hội thảo do Csaga (Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên) tổ chức với nội dung giúp đỡ những nạn nhân bị buôn bán trở về, Lan đến tham dự với vai trò một nhân chứng. Dáng người nhỏ thó, đôi mắt hoang hoải, sợ sệt và đầy tuyệt vọng, người đàn bà gần 30 tuổi này khiến cho người ta có cảm giác, dường như trước mắt chị không còn ánh sáng của niềm tin.

Liệu có khó quá để giúp đỡ Lan nhìn thấy ánh sáng của cuộc đời khi mà thời hiệu của vụ việc vẫn còn, khi mà nạn nhân và kẻ buôn người nhởn nhơ vẫn còn hiện hữu? Với câu hỏi này hẳn rằng những người có trách nhiệm của huyện Việt Yên - Bắc Giang sẽ có câu trả lời phù hợp hơn cả.

Vân Tùng

Đọc thêm

Từ lời khai của băng cướp tiệm vàng tại Bình Dương hé lộ hậu họa từ những “nhóm kín”

Phạm Hoàng Hưng là đối tượng chủ mưu trong vụ cướp.
(PLVN) -Đối tượng Phạm Hoàng Hưng (28 tuổi, chủ mưu, trực tiếp cầm súng cướp tiệm vàng Bích Quý ở huyện Bàu Bàng) vừa bị Công an Bình Dương cùng Bộ Công an phối hợp Cảnh sát Campuchia bắt giữ tại một casino ở nước bạn. Trước đó, Nguyễn Linh Đoan (30 tuổi, quê Quảng Nam), là nghi phạm đầu tiên trong vụ cướp bị bắt giữ. Tiếp đó, Trần Quang Triệu (31 tuổi, quê Bình Định), ra đầu thú. Hiện công an tiếp tục truy bắt nghi can còn lại là Nguyễn Hoàng Nhi (ngụ Tây Ninh), nghi vấn hiện còn lẩn trốn ở Campuchia.

Bắt tạm giam người điều khiển tàu khách gây tai nạn trên sông Tiền

Lực lượng chức năng tống đạt các Quyết định và Lệnh bắt tạm giam đối với Phan Thành Được.
(PLVN) - Liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường thuỷ trên sông Tiền, đoạn thuộc ấp 1, xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, làm 1 người chết và 2 người bị thương. Chiều ngày 22/4/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và Lệnh bắt tạm giam đối với Phan Thành Được (SN 1982, trú xã Khánh Hoà, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ”.

Gia Lai: Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh lĩnh 12 tháng tù treo

Gia Lai: Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh lĩnh 12 tháng tù treo
(PLVN) - Sáng 22/4, TAND tỉnh Gia Lai đã đưa bị cáo Trương Quý Sửu, nguyên Trưởng Phòng Kế hoạch Tài chính Sở GD&ĐT ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”; bị cáo Nguyễn Tư Sơn, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.