Phút nhẹ lòng của kẻ trốn nã 24 năm sau 2 lần vượt biên bất thành

Phút nhẹ lòng của kẻ trốn nã 24 năm sau 2 lần vượt biên bất thành
(PLO) -2 lần vượt biên trái phép đều không thành, Hát nhận án tù tội. Nhập trại được ít ngày, Hát đào thoát rồi sống cuộc đời chui lủi suốt 24 năm cho đến một ngày giữa năm 2015…

Đó là cuộc đời bể dâu của Nguyễn Hữu Hát (SN 1967, quê xã Hòa Hiệp, tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng cũ, nay thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) đang thụ án tại giam An Điềm (thuộc tổng cục VIII, Bộ Công an)

Giấc mơ đổi đời

Trong phân trại đan mây của Trại giam An Điềm, Hát trầm tĩnh hơn so với rất nhiều phạm nhân khác. Mỗi ngày, mọi sinh hoạt, làm việc của Hát đều đúng như yêu cầu của nơi giam giữ. Theo chia sẻ của cán bộ quản giáo, một phần vì Hát đã “quen” với lịch cải tạo, phần nữa, có lẽ Hát đã “chùng chân” trên con đường trốn chạy và thật sự muốn hoàn lương, mong sớm tìm về nẻo thiện.

Trong hồ sơ phạm nhân cũng như lời Hát kể, tuổi thơ của Hát khá u buồn. Cha mất sớm, mẹ một tay nuôi 3 con nên Hát chỉ học đến lớp 2 rồi nghỉ ở nhà làm nông. Năm Hát 12 tuổi, mẹ đi bước nữa. Kể từ đó Hát theo anh chị dạt nhà khắp nơi tự kiếm ăn nuôi thân.

Cuộc sống vốn khổ cực, vì thế, khi nghe một vài người nói về “miền đất hứa” bên kia trái đất, Hát nuôi mộng vượt biên. Vào cuối năm 1984, Hát rủ thêm 3 người bạn đều ở độ tuổi 15-17, cùng quê và có hoàn cảnh tương tự thực hiện ý định.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Quảng Nam- Đà Nẵng tiếp nhận thông tin về một nhóm thanh niên có mặt ở cảng Đà Nẵng chuẩn bị vượt biên trái phép, nên triển khai lực lượng ngăn chặn. Khi tàu chưa kịp rời bến, 4 cậu bé “tay xách, nách mang” các loại thực phẩm, không hộ chiếu, giấy tờ xuất cảnh… bị tóm gọn.

Qua làm việc, cả 4 khai, vì hoàn cảnh nghèo, thấy một số người theo cách này đã ra nước ngoài trót lọt, làm ăn giàu có nên bắt chước vì muốn “đổi đời”. Với hành vi gây ra, Hát và nhóm bạn bị đưa đi cải tạo tập trung 3 năm tại trại Tiên Phước (Quảng Nam). Tuy nhiên, suốt thời gian này, Hát vẫn nung nấu ý định làm giàu bên trời Tây.

Năm 1988, vừa ra trại, đối tượng tiếp tục lôi kéo, tổ chức cùng 1 số người khác vượt biên với mình… Do không có phương tiện, nhóm của Hát nảy ra ý định cướp tàu. Ngày 2/5/1988, Hát cùng đồng bọn mang theo gạo và dầu mua sẵn đưa xuống khu vực neo đậu tàu thuyền. Đợi đến khuya, cả nhóm dùng 1 khẩu súng nhựa và 2 con dao găm xông đến khống chế tàu của 2 ngư dân.

Đang ngủ, bị bất ngờ nên 2 nạn nhân đành chịu trói, bị nhét giẻ vào miệng rồi ném lên bờ. Thấy 1 người có đồng hồ đeo tay, Hát lột lấy sử dụng. Không may, Hát và đồng bọn cướp được tàu nhưng khởi động máy không nổ. Trong lúc hì hụi kiểm tra thiết bị, một số ngư dân phát hiện và báo cơ quan chức năng. Ngay trong đêm, bạn bè Hát bị tóm gọn. Riêng Hát bỏ trốn rồi bị truy nã trên toàn quốc.

Hát nhớ lại, lần trốn nã thứ nhất này, vừa thoát khỏi cảng Đà Nẵng, Hát nhảy xe vào Đồng Nai, bấu víu gia đình người anh trai ruột. Không biết em gây án, anh trai và người dân địa phương cưu mang, giới thiệu Hát làm nghề chăn dê. Vài tháng sau, tại đây, Hát lấy vợ như không có chuyện gì xảy ra.

Ngày 12/7/1990, anh trai rủ về quê đám giỗ cha, thấy khó từ chối, hơn nữa lại nghĩ mọi việc “chắc không ai còn nhớ” nên Hát theo về Đà Nẵng. Nhìn thấy con, mẹ Hát chưa kịp vui mừng thì công an đã ập vào bắt gọn. Hát bị xử phạt 8 năm tù giam về tội “Cướp tài sản” và “Tổ chức đưa người trốn ra nước ngoài”.

Thế nhưng, mới chấp hành được hơn 8 tháng, ngày 23/3/1991, nhân lúc đang lao động trong nhà sấy tại khu vực sản xuất, lợi dụng lúc nghỉ trưa, Hát xin đi múc nước và trốn chạy. Thực tế, ý định vượt ngục của Hát đã có ngay từ ngày nhập trại khi thấy nơi đây gần với rừng rậm. Ngày 2/4/1991, một lần nữa, Hát bị phát lệnh truy nã.

Hành trình trốn chạy

Nói về hành trình trốn khỏi trại giam, Hát rùng mình nhớ lại, do không quen địa hình, Hát bị lạc trong rừng. “Tôi vẫn chưa quên giây phút kinh hoàng lúc trốn chạy, sợ thú rừng ăn thịt lại giữa rừng thiêng nước độc, tôi không có bất kỳ vật dụng gì nên sống như người nguyên thủy, hái lá rừng, bắt cua núi ăn. Sau 6 ngày, tôi tìm được đường về nhà. Thế nhưng, vừa tới cửa, nghe mẹ tôi cho biết “công an đến nhà hỏi thăm tin tức con”, tôi sợ quá, lại trốn vào núi…”, Hát kể.

Trốn ở núi Hải Vân 5 ngày, em gái thương lén mang cơm cho ăn. Sau đó, Hát ra Quốc lộ 1A đón xe vào Nam. Ban đầu, Hát vào trú ở huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, đi làm phụ hồ. Nửa năm sau, Hát nhớ vợ ở Đồng Nai nên về thăm. Do hạn chế tiếp xúc với người lạ nên Hát “an toàn” ở đây suốt 5 năm và có thêm 1 con trai.

Tuy nhiên, vì cho rằng mình mồ côi, không nơi nương tựa, gia đình nhà vợ lại có ý miệt thị nên Hát quay lại Xuyên Mộc làm phu hồ. Vài tháng sau, Hát gặp một phụ nữ làm nghề mua ve chai rồi gá nghĩa vợ chồng… Năm 1997, trong một trận bão lớn, nhà cửa bị hư hỏng, nhân cơ hội này, Hát báo mất giấy tờ tùy thân rồi xin làm thủ tục đăng ký KT3 tại địa phương.

Sau khi đứt gánh hôn nhân với người vợ đầu, Hát tưởng yên bề với người vợ hai, nhưng cô này mê số đề, nợ nần chồng chất. Từ đó, mâu thuẫn vợ chồng nổ ra, tình duyên tan vỡ…, Hát bị vợ hai đuổi ra khỏi nhà trở lại kiếp sống lang thang. Tới năm 2014, thương người chồng cũ lận đận, vợ lớn bàn với con gái thuyết phục Hát về sum họp lại gia đình, tiếp tục làm ăn lương thiện…

Về phía cơ quan chức năng, Đại tá Võ Thanh Nam, Phó giám thị Trại giam An Điềm cho biết, lúc Hát vượt ngục, suốt một thời gian dài, lực lượng truy nã của trại giam và cả Công an TP. Đà Nẵng ráo riết điều tra, truy bắt nhưng không có kết quả.

Đến ngày 13/8/2014, thực hiện quy chế phối hợp giữa Trại giam An Điềm với Công an Quảng Nam, tập hồ sơ truy nã đối tượng Nguyễn Hữu Hát mới được Phòng cảnh sát truy nã (PC52 Quảng Nam) tiếp nhận thụ lý.

Nhận định đối tượng rời quê đã 23 năm, trinh sát được cử về nơi cư trú trước đây của Hát tại Đà Nẵng để xác minh. Làm việc với địa phương và kết hợp nhiều biện pháp nghiệp vụ song song, cuối cùng, PC52 đã tóm gọn Hát sau đúng 24 năm trốn nã.

Qua quá trình tìm hiểu hồ sơ, Đại tá Nam cho biết, sau khi trốn trại, Hát vào các tỉnh phía Nam trú ngụ. Năm 2010, đối tượng có về dự đám giỗ cha. Tại đây, Hát chia sẻ với người thân là đã có 2 vợ và 3 con, đang sinh sống gần nhà người em gái cùng mẹ khác cha tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.

Từ năm 2011 trở đi, Hát không ra lại Đà Nẵng nữa vì trong quá trình làm thợ xây, Hát bị tai nạn gãy 1 chân nhưng vẫn dùng 1 số điện thoại liên hệ về gia đình. Phòng PC52 Bà Rịa- Vũng Tàu nhận được thông tin đã hỗ trợ cùng Phòng kỹ thuật nghiệp vụ (PA71) xác minh số điện thoại của Hát nhưng thấy không còn liên lạc.

Mất một thời gian lần tìm, đến tháng 3/2015, địa chỉ em gái Hát được tìm thấy. Từ đây, các trinh sát PC52 Quảng Nam phát hiện Hát đăng ký hộ khẩu tại huyện Xuyên Mộc nhưng lại sống ở Đồng Nai cùng vợ và 2 con, làm nghề chăn dê. Ngày 22/4/2015, các trinh sát đợi Hát sang khu vực xã Bàu Lâm (huyện Xuyên Mộc) vận chuyển thức ăn cho dê mới tiến hành bắt giữ.

Hát nói, cho tới bây giờ, Hát có 2 lần cảm thấy thanh thản không thể quên là khi bị bắt di lý về Công an tỉnh Quảng Nam chờ bàn giao cho trại giam An Điềm và mới đây được vợ ra thăm. Lần đầu, vì sau 24 năm trốn chạy, Hát được gặp lại người thân, bà con trong trạng thái không phải lo lắng, lẩn tránh sự chú ý. Lần 2, vợ và các con đã vượt qua cú sốc phạm tội của chồng, cha, đồng thời hứa hẹn sẽ chờ Hát ra trại về đoàn tụ.

Hát bộc bạch: “Trốn truy nã, tôi luôn phải đối mặt với cô đơn, tuyệt vọng nhưng không đủ can đảm vượt qua tâm lý đối mặt với sự thật. Giá như tôi nhận ra ngày này sớm hơn thì đâu đến nỗi...”

Đọc thêm

Mâu thuẫn đất đai đứa cháu giết cô ruột dã man

Nguyễn Minh Trường đến cơ quan Công an đầu thú.
(PLVN) -  Sáng ngày 18/4/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang cho biết đang tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Minh Trường (SN 1990 , trú ấp Phú Hòa 2, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) để tiếp tục điều tra về hành vi “Giết người”.

Bắt tạm giam chủ tịch UBND xã và kế toán ở Bắc Giang

Cơ quan Cảnh sát điều tra tống đạt các quyết định và lệnh đối với Nguyễn Văn Quang.
(PLVN) - Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND thị trấn An Châu đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo bà Vi Thị Thắm, Kế toán UBND thị trấn An Châu thực hiện trái công vụ, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước số tiền 340 triệu đồng.