Nhóm xe ôm ngang nhiên trấn lột tiền của người đi trên cầu Thăng Long

5 bị can tại tại cơ quan công an
5 bị can tại tại cơ quan công an
(PLO) - Lợi dụng tâm lý hoảng sợ của người tham gia giao thông khi đi nhầm vào làn đường dành cho xe ôtô trên cầu Thăng Long (Hà Nội), 5 đối tượng đã rủ nhau “trấn lột” tiền của những người này. Với hành vi này, 5 bị can đã bị truy tố về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Từ phản ánh của VTV 24

VKSND TP Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Đặng Đức Cư (SN 1984), Đỗ Văn Tuấn (SN 1974), Nguyễn Thị Vui (SN 1981), Nguyễn Gia Sản (SN 1981) và Nguyễn Thị Bằng (SN 1964) cùng ở ở Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội về hành vi Cưỡng đoạt tài sản.

Vụ việc được phát hiện vào ngày 7/2/2017 khi tổ công tác Trung tâm tin tức VTV24, Đài Truyền hình Việt Nam báo Cơ quan CSĐT -Công an TP Hà Nội  về việc có một số đối tượng đã “trấn lột” tiền của người đi đường tại khu vực cầu Thăng Long (hướng từ Mê Linh về Hà Nội). .

Theo cáo trạng, 5 bị cáo trên không có nghề nghiệp ổn định. Để có tiền nuôi sống bản thân và gia đình, họ ra khu vực cầu Thăng Long hành nghề xe ôm, bán hàng nước. Tại đây, Nguyễn Thị Bằng (chủ quán nước) thường xuyên thấy một số người dân đi xe máy nhầm vào làn đường dành cho xe ôtô trên cầu Thăng Long nên đã cùng Đặng Đức Cư, Đỗ Văn Tuấn, Nguyễn Gia Sản, Nguyễn Thị Vui “trấn lột” tài sản của một số người vi phạm giao thông. 

Cụ thể, mỗi khi thấy người điều khiển xe máy đi nhầm lên cầu Thăng Long hướng về trung tâm TP Hà Nội thì Cư, Tuấn, Sản,Vui và Bằng sẽ gọi lại và ra hiệu cho người đi nhầm đường tiến về phía mình. Sau đó, các đối tượng sẽ vây xung quanh không cho người vừa vi phạm giao thông đi và đe dọa nếu tiếp tục đi sẽ bị lực lượng Cảnh sát giao thông hoặc Thanh tra giao thông bắt, giữ xe và phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng. Nếu muốn không bị phạt tiền thì những người này phải đưa tiền cho chúng. 

Khi nhận tiền xong, nhóm người trên sẽ chỉ cho người đi đường đi đúng phần đường dành cho xe máy và cùng nhau chia đều số tiền vừa lấy được.

Đòi tiền “thuốc nước” để “chỉ đường”

Vào cuộc điều tra, CQĐT xác định được từ tháng 12/2016 đến tháng 2/2017, Đặng Đức Cư, Nguyễn Thị Vui, Đỗ Văn Tuấn, Nguyễn Gia Sản, Nguyễn Thị Bằng đã gây ra nhiều vụ cưỡng đoạt tài sản của người đi đường. Hiện cơ quan điều tra mới điều tra được một số vụ có người bị hại. 

Cụ thể, khoảng giữa tháng 12/2016, anh Đặng Chính Thức (SN 1981, ở quận Long Biên) điều khiển xe máy đi hướng từ sân bay Nội Bài về Hà Nội. Khi đến cầu Thăng Long, anh Thức đi nhầm vào đường dành cho xe ôtô. Thấy vậy, anh Thức dừng lại để định hình đường đi thì Đặng Đình Cư đứng bên kia đường gọi anh Thức đi đến chỗ mình. Tưởng gặp được người tốt chỉ đường nên anh Thức vội đi tới chỗ thanh niên gọi mình. 

Vừa dừng xe, anh Thức thấy có Vui, Tuấn, Sản đi đến chặn đầu xe, giữ lại và nói: “Mày đi nhầm vào làn đường dành cho xe ôtô rồi, phải đưa tiền đây để chúng tao mua thuốc nước, chỉ đường cho không tí xuống công an bắt phạt 2,5 triệu đồng”.

Thấy 4 người đứng vây quanh, sợ không đưa tiền sẽ không thể đi được, anh Thức đành lấy tiền đưa cho Sản 100 nghìn đồng. Thấy ít, 4 người “trấn lột” yêu cầu bị hại phải đưa thêm. Cuối cùng anh Thức phải đưa thêm 300 nghìn đồng cho bọn chúng. Nhận 400 nghìn đồng từ anh Thức, 4 kẻ “trấn lột” chia nhau mỗi người 100 nghìn đồng.

Sau phi vụ trên, nhóm xe ôm và bà bán nước trên tiếp tục “ra tay”. Khoảng 15h ngày 10/12/2016, chị Đặng Thu Uyên (SN 1996, ở Cầu Giấy) điều khiển xe máy nhãn hiệu Liberty đi nhầm lên tầng 2 của làn đường dành cho xe ôtô trên cầu Thăng Long hướng từ trung tâm Hà Nội sang huyện Đông Anh. Vừa đi qua bốt công an được khoảng 50m, chị Uyên thấy Cư và Vui đứng bên kia đường dùng cả hai tay vẫy mình sang chỗ họ đang đứng. Do biết mình đi sai làn đường, chị Uyên quay lại, sang đường chỗ Cư và Vui. 

Tại đây, chị Uyên bị Cư và Vui đe dọa: “Đi đâu mà lại đi lên đường này. Đây là đường cấm, đưa tiền đây để anh chị mua bao thuốc không mày đi linh tinh công an bắt giữ xe đấy”. Trước lời lẽ đe dọa trên, chị Uyên sợ hãi, mở cặp lấy 53 nghìn đồng đưa cho Vui. Thấy ít tiền, Vui chửi: “Con điên này không đưa tiền đây thì tao kệ công an bắt mày”. Vừa chửi, Vui vừa kiểm tra ví của chị Uyên. Thấy bị hại không có tiền, Vui cầm tờ 50 nghìn đồng rồi chỉ chị Uyên đi đúng làn đường…

Ngoài 4 vụ cưỡng đoạt trên, ngày 7/2/2017, Đặng Đức Cư, Nguyễn Thị Vui, Đỗ Văn Tuấn và Nguyễn Gia Sản còn tham gia cưỡng đoạt số tiền 200 nghìn đồng của 2 người đi xe máy nhãn hiệu Wave. Do chưa xác định được bị hại là ai nên cơ quan điều tra đã tách rút tài liệu, khi nào đủ căn cứ sẽ xử lý sau.

Tại cơ quan điều tra, 5 bị can đã khai nhận hành vi phạm tội của mình. VKSND TP Hà Nội đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án sang TAND TP Hà Nội đề nghị xét xử các bị can trên về tội Cưỡng đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 135 BLHS (khung hình phạt từ 1 đến 5 năm tù). 

Đọc thêm

Gặp tổ công tác 141, hai thanh niên tự nguyện giao nộp... ma túy

Các tổ công tác 141-CATP tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố.
(PLVN) - Khi tổ công tác 141 thực hiện công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố trên đường Lê Trọng Tấn - Hà Đông (Hà Nội), hai thanh niên tỏ ra lúng túng, lo sợ, tự giác giao nộp 01 túi nilon kích thước 01x01 cm bên trong chứa chất tinh thể màu trắng cho lực lượng chức năng. Tại chỗ, các đối tượng khai là ma túy đá.

Gia Lai: Giao xe máy cho con chưa đủ tuổi rồi gây tai nạn giao thông, người mẹ lãnh án

Bị cáo Rơ Mah Pil tại phiên tòa.
(PLVN) - Sáng 27/3, TAND huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã mở phiên tòa xét xử lưu động đối với bị cáo Rơ Mah Pil (38 tuổi, trú tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai, mẹ của Rơ Mah Tinh) về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.