Nhân tính ở đâu trong vụ người chết trên xe nhồi khách?

Dù gia đình nạn nhân từ chối mổ tử thi để xác định nguyên nhân cái chết của Huấn nên không thể khẳng định yếu tố xe nhồi khách là nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu, nhưng trong vụ việc xe “sợ” khách đột tử này, nhiều người dân không khỏi bức xúc về cách hành xử của nhà xe.

 

Đám tang của Bùi Văn Huấn (SN 1993, ngụ đội 8, xã Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) là một đám tang bất thường vì bất chấp sự kiêng kị theo phong tục của miền quê này là người “chết đường chết chợ” không được đưa về nhà, người thân của em vẫn di quan về nhà làm tang lễ.

Thương con bị nhà xe “nhả” xuống vệ đường khi đột tử trên đường từ Hà Nội về quê, họ hàng đã quyết định “phá lệ” như trên nhằm làm vong hồn người chết ngậm cười tin rằng cuộc sống này vẫn còn đạo lý “nghĩa tử là nghĩa tận”.

Đám tang thê lương của cháu bé
Đám tang thê lương của cháu bé

Chuyến xe “bão táp”

Sáng ngày 20/1 (tức ngày 27 Tết), người cha Bùi Văn Hà (46 tuổi) đưa con trai út lên bệnh viện Bạch Mai khám bệnh, lấy thuốc chữa bệnh viêm cầu thận cho con như thường lệ. Vẫn như những lần trước đó, khám bệnh, lấy thuốc xong hai cha con lại lên xe khách về nhà ngay trong ngày.

Chiều hôm đó, họ lên chiếc xe BKS 18N-1269. Anh kể lại khi lên xe thì trong xe đã không còn chỗ trống, số người tới hơn 50 trong khi xe chỉ có 30 ghế. Nhà xe để che mắt cảnh sát giao thông đã buông rèm, đóng cửa kín mít làm cho không khí trong xe vô cùng ngột ngạt.

Vài tiếng đồng hồ sau đó, khi xe đang đi trên Quốc lộ 1A đoạn qua cầu Khuất (thuộc xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam), người cha thấy con nói: “Bố ơi, để tay lên thành ghế cho con gối đầu với, trên xe đông quá, con thấy tức ngực, khó thở” rồi đứa trẻ sắc mặt tím tái, lịm dần.

Khoảng hơn 5km sau, một hành khách trên xe lấy tay day day vào huyệt nhân trung nhưng không thấy đứa trẻ phản ứng gì nên dự đoán con trai anh đã tắt thở. Lúc này mọi người nháo nhác yêu cầu, nhà xe mới chịu dừng lại và thay vì lo cùng mọi người giải quyết chuyện người chết trên xe, nhà xe lại đưa thi thể cháu bé qua cửa kính bỏ xuống đường rồi đi tiếp.

Người cha trong cơn hoảng hốt cực độ chẳng biết phải làm thế nào, chỉ biết ngồi khóc, gào thét gọi tên con. Người dân quanh khu vực thương hoàn cảnh của anh đã chạy ra hỗ trợ: Người đóng cọc, người căng bạt, người lấy chiếu che tạm cho thi thể nạn nhân trong giá lạnh và cơn mưa mỗi lúc một nặng hạt, rồi gọi điện cho cơ quan chức năng của huyện Thanh Liêm phản ánh vụ việc.

“Lúc đó trong người tôi chỉ còn chưa tới 100 ngàn đồng. Mọi người thương hại trước hoàn cảnh trớ trêu của bố con tôi nên đã quyên góp tiền giúp”, anh Hà thuật lại sự việc trong nước mắt.

Thi thể Huấn nằm lạnh lẽo suốt 5 tiếng đồng hồ bên đường, 11h đêm ngày 27 Tết thi hài nạn nhân mới được một chiếc xe gia đình thuê chở về tới nhà. Trước cái chết bất ngờ và tức tưởi của cháu, mọi người trong họ đã bàn nhau phá bỏ tục lệ xưa nay người nào chẳng may chết đường thì để thi thể bên ngoài nhà. “Đưa thi hài cháu vào trong nhà để cho linh hồn cháu đỡ lạnh lẽo, tức tưởi anh ạ”, bác họ của người chết nói trong uất hận. 

Nạn nhân từ nhỏ đã bị bệnh viêm cầu thận, dù được gia đình đưa đi chữa trị tại rất nhiều bệnh viện nhưng bệnh tình chỉ thuyên giảm chứ không khỏi được hẳn. Đã nhiều năm nay anh Hà phải định kỳ đưa con lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khám và lấy thuốc. Nguồn thu nhập chính của cả gia đình chủ yếu từ 4 sào ruộng và đi làm thêm trong những lúc nông nhàn, lại thêm khoản chi phí chữa bệnh cho con nên đã nghèo lại càng nghèo.

Anh chị của Huấn đã phải bỏ học nửa chừng, ở nhà phụ giúp bố mẹ việc đồng áng, kiếm tiền thêm cho em chữa bệnh. Vì bị bệnh nên Huấn càng thương bố mẹ, anh chị, nhiều năm liền em đều là học sinh giỏi của trường. “Dù cuộc sống vất vả, phải vay mượn khắp nơi chữa bệnh cho con nhưng vợ chồng tôi vẫn quyết tâm cho con ăn học với hy vọng mong sau này em nó có công việc phù hợp với sức khỏe của mình”, mẹ cậu bé thuật lại.

Thói vô cảm “lên ngôi”

Dù gia đình nạn nhân từ chối mổ tử thi để xác định nguyên nhân cái chết của Huấn nên không thể khẳng định yếu tố xe nhồi khách là nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu, nhưng trong vụ việc xe “sợ” khách đột tử này, nhiều người dân không khỏi bức xúc về cách hành xử của nhà xe.

Những người đến chia buồn cùng gia đình hầu hết đều bày tỏ: “Cách xư xử của nhà xe là vô nhân tính khi thấy hoàn cảnh người ta như thế mà lại bỏ lại dọc đường, khi biết rằng hai bố con nhà ấy về đến cuối bến. Chúng tôi không hiểu rõ về pháp luật nhưng khi người ta bị nạn, cho dù thế nào thì cũng phải còn cái tình người. Đi đâu thấy người hoạn nạn phải giúp đỡ, đằng này chính bố con anh ấy là khách của mình mà nhà xe lại “phủi tay”.

“Đạo đức con người ở đâu khi thấy người như thế lại bỏ xuống đường rồi trả lại tiền xe, rũ bỏ trách nhiệm”, một người dân khác nói.

Nhận xét về cách ứng xử của những người trên chuyến xe “bão táp”, Tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình cho rằng đây là một minh chứng cho “sự đảo lộn của các giá trị, thói vô cảm lên ngôi, trong khi giá trị nhân văn đang bị che khuất ở đâu đó”.

“Đành rằng vào thời điểm cận Tết ai cũng sốt ruột mau được trở về nhà để sum họp với gia đình, bè bạn. Nhưng điều đáng trách ở đây chính là thái độ cư xử thờ ơ, vô cảm của nhà xe và ngay cả những hành khách đang ngồi trên chuyến xe này khi chứng kiến một trường hợp thương tâm như vậy. Họ đã hành xử trái với đạo lý “nghĩa tử là nghĩa tận” của người Việt Nam xưa nay”, tiến sĩ Bình nói.

Cũng theo tiến sĩ Bình: “Mặc dù cái tốt không phải là mất nhưng nó không đủ sức mạnh thắng thế trong đám đông, không lấn át được tâm lý “an phận thủ thường” ích kỷ tầm thường. Có khi chính đám đông hành khách đã gây áp lực yêu cầu nhà xe phải mau chóng đưa bố con anh Hà xuống xe để chuyến xe có thể tiếp tục lưu hành cho kịp giờ. Trong khi đó cách ứng xử thông thường thì nhà xe phải đưa người đến cơ quan y tế, hoặc cử người của mình ở lại để cùng bố con anh Hà giải quyết sự việc không may trên theo đúng đạo lý của người Việt Nam”.

Về khía cạnh pháp lý trong vụ việc này, Luật sư Nguyễn Văn Tú (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Bắc Giang) khẳng định nhà xe phải có trách nhiệm bồi thường dân sự cho hai bố con anh Hà. Luật sư Tú phân tích: Qua tìm hiểu thông tin vụ việc cho thấy hai bố con anh Hà đã mua vé xe khách để về đến cuối bến. Như vậy là đã có ký kết hợp đồng vận chuyển với nhà xe. Do vậy nhà xe phải có trách nhiệm đưa hành khách “đi đến nơi về đến chốn”, việc nhà xe bỏ mặc hành khách ở lại giữa đường là vi phạm hợp đồng.

Đồng quan điểm, một Luật sư thuộc Đoàn luật sư thành phố hà Nội khẳng định: “Theo nguyên tắc, khi hành khách lên xe phải có bảo hiểm (bảo vệ tính mạng cho hành khách) nên trong mọi trường hợp tính mạng của hành khách là quan trọng nhất. Dù cháu bé có bị bệnh lý gì đi nữa thì nhà xe cũng cần thể hiện trách nhiệm ở đây bằng những việc như đưa cháu đến trạm y tế, bệnh viện hoặc một trung tâm y tế nào gần nhất. Khi cháu đã chết, người của nhà xe phải có trách nhiệm lo hậu sự, báo ngay cho cơ quan chức năng đến tìm hiểu nguyên nhân, giải quyết sự việc chứ không thể bỏ đi. Họ đang kinh doanh để lấy tiền thì buộc phải có trách nhiệm với những người khách ngồi trên xe”.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn một tờ báo vào ngày 21/1/2012, đại diện nhà xe vẫn một mực cho rằng: “Chúng tôi cũng là con người chứ, thấy chết chẳng nhẽ không cứu”. Chúng tôi xin nhường những bình luận về thái độ, cách ứng xử và “tuyên ngôn” của nhà xe 18N-1269 này tới bạn đọc.

Đình Khánh – Doãn Kiên

Đọc thêm

Gặp tổ công tác 141, hai thanh niên tự nguyện giao nộp... ma túy

Các tổ công tác 141-CATP tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố.
(PLVN) - Khi tổ công tác 141 thực hiện công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố trên đường Lê Trọng Tấn - Hà Đông (Hà Nội), hai thanh niên tỏ ra lúng túng, lo sợ, tự giác giao nộp 01 túi nilon kích thước 01x01 cm bên trong chứa chất tinh thể màu trắng cho lực lượng chức năng. Tại chỗ, các đối tượng khai là ma túy đá.

Gia Lai: Giao xe máy cho con chưa đủ tuổi rồi gây tai nạn giao thông, người mẹ lãnh án

Bị cáo Rơ Mah Pil tại phiên tòa.
(PLVN) - Sáng 27/3, TAND huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã mở phiên tòa xét xử lưu động đối với bị cáo Rơ Mah Pil (38 tuổi, trú tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai, mẹ của Rơ Mah Tinh) về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.